Cảnh giác lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada, Australia

Thứ Tư, 05/06/2024, 08:04

Thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã liên tục cảnh báo về việc nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo đưa người sang Canada, Australia… làm việc với thu nhập cao. Thực tế, nhiều người mất tiền tỷ và còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn ở nơi đất khách quê người, nhưng họ cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không dám nói cho gia đình biết sự thật và nhiều lý do khác…

Anh Đ.L.H, quê ở một tỉnh miền Bắc, qua một trung tâm môi giới, đã bỏ ra chi phí 1,5 tỷ đồng (diện giấy phép lao động 2 năm) để được làm thủ tục đưa qua Canada làm “việc nhẹ lương cao” với mức lương được hứa hẹn rất cao từ 25 đô-30 đô/h, thời gian làm từ 8h đến 10h/ngày, công việc “full” các tuần…

Tuy nhiên, khi qua đến nơi, anh H. gần như bị bỏ rơi và công việc cũng như thu nhập hoàn toàn khác xa với những điều được hứa hẹn trước khi từ Việt Nam qua. Vì thế, có người chỉ dẫn, anh H. đành đánh liều trốn ra ngoài đi làm ở một nông trại vùng ngoại ô thành phố Québec với thu nhập chỉ đủ ăn uống và trả các khoản phí cho bản thân. Tại đây, thời gian qua, anh H. phải sinh sống trong một nhà kho tương đối nhếch nhác, các điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, chỗ ngủ tạm bợ chỉ là một chỗ dựng lên tại một góc của kho…

lao dong (1).jpg -0
Bị lừa sang Canada làm “việc nhẹ lương cao” sau đó bị bỏ rơi, anh D.L.H phải trốn ra ngoài làm việc tại một nông trại.

Với việc đi qua được Canada, trở thành “Việt kiều”, số tiền môi giới không lấy lại được dù thực tế công việc không như hứa hẹn nên giờ đây khi ở vào tình thế trớ trêu như vậy, anh H. đều phải giấu gia đình, bạn bè… về công việc thực tế của mình. Bởi hiện tại anh làm việc kiểu “thợ đụng” ở nông trại của chủ, việc gì cũng phải làm, từ cào cỏ, cuốc đất, dọn dẹp… Điều nguy hại hơn với anh H. là do anh trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp, nên nếu bị phát hiện, anh có thể sẽ phải đối diện với những chế tài nặng nề của nhà chức trách nước sở tại.

Theo ông Nguyễn Quốc Vũ, chủ kênh TikTok Ricky Review in Canada - người đang sinh sống và làm việc tại Canada, luật pháp Canada quy định người sử dụng lao động bị kết tội tuyển dụng người không có giấy phép lao động là rất nghiêm trọng. Cụ thể, người sử dụng lao động nếu bị kết tội phạm tội sẽ bị phạt tới 10.000 đô la hoặc 6 tháng tù hoặc cả hai. Nếu số lao động bất hợp pháp nhiều thì người sử dụng lao động có thể nhận bản án với mức phạt lên tới 50.000 USD hoặc phạt tù tới 2 năm hoặc cả hai.

“Hậu quả đối với cả người sử dụng lao động và người lao động là rất đáng kể khi nói đến lao động nước ngoài bất hợp pháp. Pháp luật không đứng về phía người lao động khi buộc người sử dụng lao động phải cho họ làm việc mà không có giấy phép lao động…”, ông Nguyễn Quốc Vũ cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Vũ, những trường hợp bị lừa như anh H. kể trên là khá nhiều tại Canada. Lý do là vì trong những năm gần đây, thị trường lao động Canada rất sôi động. Các dự báo cho thấy từ năm 2024-2026, Canada dự kiến nhập cư nửa triệu lao động nước ngoài mỗi năm để phục vụ cho thị trường lao động trong nước.

Nhu cầu tuyển dụng nhiều dẫn tới tình trạng cạnh tranh gay gắt tại Canada. Ước tính số vị trí làm việc không thể lấp đầy lên tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu vị trí tại một số bang như Ontario, British Columbia, Alberta… Chính phủ Canada cũng đang đẩy mạnh các chương trình thu hút lao động từ nước ngoài, nhất là lao động tay nghề cao và lao động có kỹ năng được ưu tiên gồm: Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI), y tế, kiến trúc sư, kỹ sư… Bên cạnh đó, lao động phổ thông cũng được đón nhận, chủ yếu trong các ngành sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ.

Tuy thiếu lao động nhưng các nhà tuyển dụng tại Canada chỉ tuyển chọn những ai có giấy tờ hợp pháp hoặc thường trú nhân, quốc tịch Canada để không mắc phải các rắc rối về pháp lý cho doanh nghiệp của họ.

 “Tôi nghĩ mọi người nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ nếu muốn sang Canada tìm việc làm. Lời khuyên chân thành của tôi là không nên đi Canada để kiếm tiền. Các gia đình muốn tìm kiếm cơ hội cho con em học tập hoặc đầu tư đi định cư theo đề cử của tỉnh, bang thì mới nên đến Canada”, ông Nguyễn Quốc Vũ nhắn nhủ.

Để tránh bị lừa khi muốn sang Canada làm việc, ông Nguyễn Quốc Vũ cho biết, quy trình tuyển dụng lao động nước ngoài tại Canada rất chặt chẽ. Các thông tin tuyển dụng đều được đăng công khai trên các website của các nhà tuyển dụng dưới sự giám sát nghiêm ngặt của chính phủ.

Đa số các yêu cầu tuyển dụng đều đòi hỏi ứng viên cần có trình độ tiếng Anh cơ bản (IELTS từ 5.0 trở lên) bên cạnh những yêu cầu khác về năng lực, trình độ và cả nhân thân. Bất kể ai cũng phải phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng để có được job offer (đề nghị làm việc), từ đó mới có thể xin được giấy phép lao động. Đặc biệt, phải có thư mời làm việc hợp lệ từ nhà tuyển dụng Canada… Nói như vậy để thấy những dịch vụ xuất khẩu lao động nào không làm theo những bước như vậy là có dấu hiệu lừa đảo.

Ngoài thị trường Canada, thì gần đây các tỉnh, thành, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng liên tục lên tiếng cảnh báo để ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp.

Đơn cử, ngày 3/6, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Tân Phú (cũng như nhiều quận, huyện của TP Hồ Chí Minh) đã có văn bản đề nghị UBND các phường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người lao động tại địa phương về việc không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia cho tới khi Bộ LĐ-TB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, đơn vị sự nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình PALM (The Pacific Australia Labour Mobility) và đơn vị được phía Australia lựa chọn thực hiện chương trình.   

Trước đó, vào đầu tháng 3/2024, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM. Theo đó, hai bên sẽ thống nhất lựa chọn đơn vị thực hiện để đưa 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia, bắt đầu trong năm 2024.  

Dù đang trong thời gian lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện Chương trình PALM, nhưng tình trạng mạo danh bộ, ngành, địa phương thu tiền, lừa đảo lao động đi làm việc tại Australia đã xuất hiện.

Phú Lữ
.
.