Em họ của “đại gia” Đinh Trường Chinh có vai trò gì trong phi vụ trục lợi “đất vàng”?
Cơ quan điều tra xác định, Đinh Trường Chinh không tổ chức cho Công ty Việt Hân Sài Gòn triển khai thực hiện dự án theo các nội dung đã cam kết tại hợp đồng đã ký với Vinafood II mà giao dịch chuyển nhượng lại cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông - VID (Công ty Mùa Đông) thông qua trung gian Hoàng Ngọc Cẩm Hồng (là em họ của Chinh).
Liên quan vụ bị can Đinh Trường Chinh (SN 1974, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) và bị can Huỳnh Thế Năng (SN 1959, cựu Tổng giám đốc Vinafood II) bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị truy tố trong phi vụ thâu tóm “đất vàng” ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, cơ quan điều tra xác định 2 bị can này đã bàn bạc, lấy lý do Vinafood II phải liên kết với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để tiếp tục thực hiện dự án.

Tuy nhiên, việc lập Công ty Việt Hân Sài Gòn thực chất là để hợp pháp hóa cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 33 Nguyễn Du và số 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh (phường Bến Nghé, quận 1 cũ).
Cơ quan điều tra xác định, Đinh Trường Chinh không tổ chức cho Công ty Việt Hân Sài Gòn triển khai thực hiện dự án theo các nội dung đã cam kết tại hợp đồng đã ký với Vinafood II mà giao dịch chuyển nhượng lại cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Đông - VID (Công ty Mùa Đông) thông qua trung gian Hoàng Ngọc Cẩm Hồng (là em họ của Chinh).
Việc chuyển nhượng khu đất được thực hiện dưới hình thức là chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn nhưng về bản chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Từ khi thành lập ngày 18/11/2015 đến thời điểm Đinh Trường Chinh đại diện ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp cho Công ty Mùa Đông vào ngày 2/2/2016, Công ty Việt Hân Sài Gòn chưa phát sinh hoạt động kinh doanh, không có lợi nhuận và chưa có giá trị thương hiệu. Giá trị doanh nghiệp chỉ là giá trị quyền sử dụng 4 cơ sở nhà, đất mà không có giá trị khác.
Hoàng Ngọc Cẩm Hồng (quốc tịch Canada) đứng tên ký 2 hợp đồng nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng vốn góp. Cụ thể: Chinh sắp xếp cho Hồng ký “Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 30/1/2016” với Công ty Việt Hân do Chinh trực tiếp đại diện ký hợp đồng, để Công ty Việt Hân chuyển nhượng ngang giá 99% vốn góp, trị giá 792 tỷ đồng tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Hồng, nhưng sau khi ký kết hợp đồng Hồng không thanh toán ngay số tiền 792 tỷ đồng cho Công ty Việt Hân theo cam kết.
Trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng vốn góp này, ngày 30/1/2016, Đinh Trường Chinh đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn ký giấy đề nghị đăng ký thay đổi thành viên góp vốn. Ngày 2/2/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 2 cho Công ty Việt Hân Sài Gòn, theo đó Hoàng Ngọc Cẩm Hồng góp 792 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99% vốn điều lệ và Công ty Việt Hân góp 8 tỷ đồng, chiếm 1% vốn điều lệ.
Tiếp đến, Chinh đã sắp xếp để Hoàng Ngọc Cẩm Hồng ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 2/2/2016 với Công ty Mùa Đông, theo đó Hồng chuyển nhượng 99% vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty Mùa Đông, với giá 1.980 tỷ đồng; sau đó Hồng và Công ty Mùa Đông ký Phụ lục hợp đồng số 02 ngày 4/2/2016, với nội dung điều chỉnh giá trị chuyển nhượng từ 1.980 tỷ đồng xuống còn 1.683 tỷ đồng.
Sau khi nhận đủ số tiền 1.683 tỷ đồng từ Công ty Mùa Đông, Hoàng Ngọc Cẩm Hồng đã chuyển số tiền 792 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Việt Hân. Nội dung chuyển tiền ghi trên ủy nhiệm chi: “Hồng thanh toán tiền nhận chuyển nhượng 99% vốn góp cho Công ty Việt Hân”, để hợp thức hóa cho Hợp đồng chuyển nhượng 99% vốn góp giữa Công ty Việt Hân và Hoàng Ngọc Cẩm Hồng trước đó vào ngày 30/1/2016.
Cả 2 hợp đồng chuyển nhượng 99% vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn nêu trên (Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp giữa Công ty Việt Hân với Hoàng Ngọc Cẩm Hồng; Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp giữa Hoàng Ngọc Cẩm Hồng với Công ty Mùa Đông) đều không có nội dung bên nhận chuyển nhượng cam kết phải có nghĩa vụ tiếp tục triển khai thực hiện dự án, như nội dung mà Chinh đã cam kết trước đó với Vinafood II theo Hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 23/12/2015…
Với việc chuyển nhượng khu đất cho Công ty Mùa Đông, cá nhân Đinh Trường Chinh và Công ty Việt Hân đã được hưởng lợi chênh lệch số tiền là 970 tỷ đồng.
Đến ngày 23/1/2017, Công ty Mùa Đông đã chuyển nhượng lại toàn bộ số vốn góp này với giá 2.227,5 tỷ đồng cho 2 đối tác là Công ty cổ phần đầu tư BOB (BOB) và Công ty cổ phần Saigon Dimensions (Saigon Dimensions) thông qua 2 hợp đồng chuyển nhượng vốn góp. Cùng ngày, Công ty Việt Hân đã ký Hợp đồng chuyển nhượng vốn để chuyển nhượng 1% vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Saigon Dimensions với giá 22,5 tỷ đồng.
Sau đó, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã sử dụng 4 cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du và số 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Sài Gòn để ký nhiều hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng SCB - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch để bảo đảm cho nhiều khoản vay của nhiều công ty khác nhau, mục đích vay là để thực hiện dự án không có thật tên The Goldmark Premium Tower.
Kết quả điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ thể hiện về vai trò trung gian của Hồng, cụ thể, Cơ quan An ninh điều tra xác định Hoàng Ngọc Cẩm Hồng không có khả năng tài chính, không có điều kiện, nhu cầu thực tiễn để mua 99% vốn góp trị giá 792 tỷ đồng của Công ty Việt Hân tại Công ty Việt Hân Sài Gòn. Qua làm việc Hoàng Ngọc Mạnh Hùng (anh trai của Hoàng Ngọc Cẩm Hồng) được biết hoàn cảnh gia đình của Hồng tại Canada khó khăn, Hồng ít về Việt Nam, không có khả năng tài chính để đầu tư kinh doanh tại Việt Nam với số tiền lớn 792 tỷ đồng. Ngày 28/1/2016, Hồng mới nhập cảnh về Việt Nam, nhưng ngày 30/1/2016 Hồng đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 99% vốn góp từ Công ty Việt Hân với giá 792 tỷ đồng. Sau đó 3 ngày (ngày 2/2/2016), Hồng lại ký hợp đồng để chuyển nhượng 99% vốn góp này cho Công ty Mùa Đông với giá 1.683 tỷ đồng; sau đó đến ngày 10/2/2016 Hồng xuất cảnh qua Canada.
Kết quả điều tra có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh việc chuyển tiền này chỉ nhằm hợp thức hóa cho Hợp đồng chuyển nhượng 99% vốn góp giữa Công ty Việt Hân và Hoàng Ngọc Cẩm Hồng trước đó, vì chứng từ thanh toán số tiền 792 tỷ đồng được ký khống trước trong khoảng thời gian Hồng đang ở Việt Nam (từ ngày 28/1- 10/2/2016), nhưng việc thanh toán chuyển tiền được thực hiện vào ngày 15/2/2016, là thời điểm sau khi Hồng đã xuất cảnh đi nước ngoài (ngày 10/2/2016).
Đối với toàn bộ số tiền 891 tỷ đồng còn lại đã được lập chứng từ rút tiền mặt ra khỏi tài khoản của Hoàng Ngọc Cẩm Hồng. Cụ thể: 1 Séc lĩnh tiền mặt 20 tỷ đồng ngày 5/2/2016; 4 séc lĩnh tiền mặt 286 tỷ đồng và 8 Giấy rút tiền mặt số tiền 585 tỷ đồng vào ngày 15/2/2016.
Theo kết quả tra xác định ngoại trừ số tiền 20 tỷ đồng được lập chứng từ rút séc vào ngày 5/2/2016 (thời điểm Hồng đang có mặt tại Việt Nam), còn lại toàn bộ các chứng từ rút tiền mặt được thực hiện vào ngày 15/2/2016 (thời điểm Hồng không còn ở Việt Nam). Kết quả điều tra cũng xác định Hồng không phải là người thụ hưởng đối với số tiền này, không mang tiền ra nước ngoài, không thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, mua sắm tài sản tại Việt Nam.
Hiện nay, Hoàng Ngọc Cẩm Hồng đang định cư, sinh sống tại nước ngoài (Canada) nên Cơ quan An ninh điều tra chưa thể lấy lời khai làm rõ có hay không có mối liên quan của Hồng đối với vụ án.