Miệt thị trên mạng xã hội cũng là phạm luật

Thứ Hai, 22/06/2020, 09:28
Công khai quá trình chuyển giới, xuất hiện trước công chúng với một vẻ ngoài khác lạ, bên cạnh những lời động viên, chia sẻ, Tô Ngọc Bảo Linh, nghệ danh mới của ca sĩ Lynk Lee nhận không ít sự miệt thị, xúc phạm của cộng đồng mạng.


Trở thành "mồi nhậu" cho dân mạng

Mạng xã hội một cụm từ quá quen thuộc đối với chúng ta thời đại công nghệ số hiện nay. Ngày nay hầu như không có ai không sử dụng cho mình một mạng xã hội, nó đã trở nên quá thông dụng, gần gũi. Mạng xã hội giúp kết nối các thành viên có một số đặc điểm chung, tương đồng trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian.

Thế nhưng có vẻ như hiện nay mạng xã hội dần phát sinh những vấn đề tiêu cực vượt ra ngoài mục tiêu ban đầu của nó. Nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay sử dụng nó như một công cụ để bàn luận, bình luận về các vấn đề xã hội nhưng không phải theo hướng học hỏi, chia sẻ mà theo hướng tiêu cực, xúc phạm, miệt thị người khác.

Bảo Linh tự tin với nhan sắc mới của mình.

Nhiều nghệ sĩ Việt đặc biệt là nghệ sĩ chuyển giới trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của những lời chê bai, miệt thị không giới hạn này.

Mới đây, Tô Ngọc Bảo Linh, nghệ danh mới của ca sĩ Lynk Lee, xuất hiện với vẻ ngoài nữ tính, thu hút sự quan tâm của dư luận. Bảo Linh cũng là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi quyết định công khai qua trình chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ để tiếp tục thực hiện đam mê ca hát của mình. Sau cái tên Hương Giang Idol từng gây hot khi công khai quá trình chuyển giới, Bảo Linh cũng đang được dư luận cực kì quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen thì cũng có không ít những lời khiếm nhã, miệt thị giới tính như “nhìn cứ thấy tởm tởm ấy"... Hơn 10.000 comments nhưng có đến 80% là bình luận về ngoại hình, giới tính, cơ thể…

Câu chuyện của Lynk Lee khiến người hâm mộ nhớ về hình ảnh của Hương Giang nhiều năm trước. Để có được danh hiệu là Hoa hậu chuyển giới Quốc tế, được triệu người đón nhận như hôm nay, Hương Giang đã chịu không ít soi mói, thị phi từ dân mạng.

Không chỉ Hương Giang, Hoài Sa được biết đến là Hoa hậu chuyển giới đầu tiên của Việt Nam và cũng là đại diện nước nhà tại cuộc thi Miss International Queen 2020 đã từng phải thốt lên: "Xin đừng miệt thị những người LGBT chúng tôi".

Hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi lên tiếng bảo vệ Bảo Linh. Trên trang cá nhân, Tóc Tiên mạnh mẽ lên tiếng bênh vực cho đồng nghiệp "Mạnh dạn gọi tất cả những ai comment bẩn dưới đây là losers (kẻ thua cuộc)", Tóc Tiên viết. Ca sĩ Ái Phương viết: "Linh xinh đẹp và hạnh phúc nhé. Mọi người yêu mến bạn". Diễn viên Bình An, ca sĩ Anh Duy, Dương Hoàng Yến đều gửi lời nhắn nhủ động viên đến nữ ca sĩ.

Hương Giang Idol từng bị miệt thị không thương tiếc.

Trước khi chuyển giới, Tô Ngọc Bảo Linh đã là ca sĩ được giới trẻ yêu mến, có những sáng tác do chính cô thể hiện là những bài thiên về tuổi học trò như: “Tạm biệt nhé”, “Ngày ấy bạn và tôi”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”,... hay những ca từ sâu lắng, trưởng thành trong “Buồn thì cứ khóc đi”,... hay những bản cover khoe chất giọng đầy cảm xúc. Từ cuối năm 2019, Bảo Linh đã công khai quá trình chuyển giới trên trang cá nhân của mình. Hiện giờ cô đang hoàn toàn hạnh phúc với ngoại hình mới, với cuộc sống mới, nhưng dường như cư dân mạng đang quá cay nghiệt, ác cảm với cô.

Không ai được phép xâm phạm danh dự người khác

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội: Thực tế dư luận xã hội là đương nhiên tồn tại trong cuộc sống và khi mạng xã hội phát triển thì càng thúc đẩy dư luận xã hội lan truyền mạnh mẽ.

Thực tế, quyền bày tỏ ý kiến là quyền của công dân là quyền cơ bản, hiến định. Pháp luật cho phép công dân có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định, thực hiện quyền nhưng không được lợi dụng, lạm dụng để xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhà nước.

Tự do ngôn luận nhưng không được đưa thông tin sai sự thật, vu khống, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Một vấn đè nổi cộm gần đây trên mạng xã hội là vấn đề về giới tính. Khi mà vấn đề về giới tính, đặc biệt là việc chuyển giới trở nên phổ biến hơn và được nhiều người đón nhận, cởi mở hơn thì vẫn còn có nhiều người xem đây là một vấn đề xa lạ, thậm chí là “quái dị”, không phù hợp với lẽ thường, lẽ tự nhiên nên sẵn sàng buông những lời miệt thị, xúc phạm nặng nề đối với những người chuyển giới trên mạng xã hội.

Hoài Sa cũng từng khốn đốn vì bị miệt thị sau chuyển giới.

Nạn nhân có lẽ phải kể đến những nghệ sĩ nổi tiếng, những người dám dũng cảm công khai chuyển giới, những người được biết đến nhiều và có ảnh hưởng nhất định đối với văn hóa, nghệ thuật và có ảnh hưởng trên mạng xã hội, ví dụ như hoa hậu Hương Giang, ca sĩ Lynk Lee,.. Nhiều bình luận mang tính xúc phạm, chĩa mũi dùi vào những nghệ sĩ này chỉ xoay quanh giới tính của họ.

Nhiều cư dân mạng biện minh rằng, nghệ sĩ là người của công chúng, vì vậy họ “phải” chịu sự phán xét của công chúng. Còn với công chúng, họ có “quyền” bình luận, nhận xét về nghệ sĩ. Đây có thể là một quan điểm đúng, nhưng chỉ đúng một phần, công chứng có quyền bình luận, nhận xét nhưng chỉ nên xoay quanh những tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ,..còn đối với những vấn đề thuộc phạm trù cá nhân, đặc biệt là giới tính thì không nên phán xét.

Thời đại này chúng ta đã hiểu hơn về giới tính, chúng ta văn minh hơn, nhận thức chúng ta cao hơn, nếu chúng ta không đồng tình, không yêu quý thì cũng nên bỏ qua, không được phép dùng giới tính để xúc phạm, miệt thị người khác. Và đặc biệt dù bình luận, nhận xét về bất cứ vấn đề gì thì cũng không được mang tính xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của họ.

Đây là hành vi mà pháp luật nghiêm cấm, bất kỳ cá nhân nào cũng được pháp luật bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm. Dưới góc độ pháp luật, khoản 1 điều 20 Hiến pháp có quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Điều này cũng được thể chế hóa tại Bộ luật dân sự 2015, khoản 1 điều 34 quy định: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ". Luật an ninh mạng 2018 quy định các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, trong đó nghiêm cấm hành vi đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Theo đó, người nào xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đều bị xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử lý hành chính, Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định người sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng (mức phạt áp dụng với cá nhân).

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm. Về truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm tương ứng nào theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành sẽ bị xử lý đối với tội đó.

Cụ thể, Điều 155 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội làm nhục người khác, theo đó Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Nếu phạm tội thuộc trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù lên đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Về mặt dân sự, cá nhân bị xúc phạm có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Mai Ngọc
.
.