Không có gì mà ầm ĩ cả

Một lần hay nhiều lần

Thứ Ba, 27/08/2019, 13:10
Lá thư của một cháu học sinh tiểu học viết gửi hiệu trưởng các nhà trường với đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng đã nhận được sự đồng tình của nhiều bậc phụ huynh.


Kỳ nghỉ hè chuẩn bị vào lớp 6, tác giả bức thư đã được rải nghiệm nhiều về môi trường và rác thải nhựa.

Mỗi năm có 300 triệu tấn rác nhựa được thải ra trên toàn cầu. Lượng đồ nhựa dùng 1 lần chiếm một nửa lượng rác thải này. Nếu loài người không nhịn dùng đồ nhựa thì năm 2050, chúng ta sẽ bơi trong 12 tỷ tấn rác nhựa. Các nhà khoa học đưa ra viễn cảnh năm 2050, lượng mảnh nhựa còn nhiều hơn cá dưới đại dương.

Một năm thế giới tiêu thụ 1,5 tỷ túi nilon, nếu nối chuỗi túi này với nhau thì sợi dây này có thể quấn 7 vòng quanh trái đất.

60 quốc gia và tổ chức đã có nhiều hành động cụ thể để hạn chế rác nhựa dùng 1 lần. Những nước kêu gọi mạnh mẽ hạn chế rác nhựa là những nước giàu nhất. 

Không ít nước giàu bảo vệ môi trường của họ rất kỹ, nhưng lại sẵn sàng đổ rác sang các nước nghèo. Nhà giàu khôn quá. Chuyện này y như thói quen thời bao cấp của chúng ta. Có con chuột chết thì nhà nọ bí mật quăng sang nhà kia. 

Một số nước giàu "ăn gian" đã tìm cách thải sang các nước thế giới thứ ba theo những thỏa thuận mập mờ, kiểu như "hàng tái chế".

Minh họa Lê Tâm.

Vừa qua, Tổng thống Philippiness kiên quyết trả lại 2400 tấn rác nhựa về quê hương của nó là Canada. Người Philippiness còn dọa, nếu Canada không chịu khuân rác về nhà thì Đại sứ quán của Canada tại Manila sẽ bị đổ rác trước cổng. Dân tập trung ở cảng Subic, giương biểu ngữ như "Chúng tôi không phải là bãi rác của thế giới", "Canada, hãy nhận lại rác của các bạn!"…

Malaysia, nước nhập khẩu rác nhiều thứ nhì thế giới đã tuyên bố trả 3.000 tấn rác về các nước quê hương số rác được xuất đi. Các nước Đông Nam Á giờ đây không còn cam chịu việc bị coi như "bãi rác" của các nước giàu.

Chúng ta đã từng có thời rác không có mùi. Thậm chí không có rác. Bởi tất cả những gì chúng ta thải ra đều là hữu cơ và phân hủy nhanh chóng. Hàng nghìn năm chúng ta không hề có hộp xốp để đựng bánh. Các cụ toàn gói bằng các loại lá chuối lá dong… Phân hủy ngay sau vài ngày. Rác xưa nếu có thối thì chỉ là rác nhà giàu thừa ăn vứt đi, chứ nhà nghèo đã ăn là vét đến cùng. Lấy đâu ra mà thối.

Hiện giờ các quán cà phê trẻ yêu môi trường ở các thành phố lớn đưa vào sử dụng ống hút dùng một lần, làm bằng bột gạo hoặc gì đó tương tự. Ngày xưa xưa, trẻ em ta thường chơi các trò chơi hút nước hoặc thổi gì đó toàn dùng các ống cỏ, ống sậy.

Nếu chống nhựa tuyệt đối, chúng ta sẽ ra sao. Chắc chắn chiếc xe máy của chúng ta sẽ nặng ít nhất gấp đôi do phải thay toàn bộ linh kiện, vỏ yếm bằng kim loại. Máy tính, điện thoại của chúng ta cũng sẽ ra sao khi lượng nhựa chiếm hầu hết cấu tạo của chúng.

Hạn chế nhựa là tốt nhưng cần xác định mức độ chứ không phải chống kiểu cực đoan. Dùng một lần nhưng trong cả một năm khác với dùng một lần hàng ngày. Không có trường học nào thả bóng bay hàng ngày cả. Lại nhớ câu chuyện nhiều người thì đòi bỏ bắn pháo hoa tết để ủng hộ người nghèo, nhưng người nghèo lại muốn xem pháo hoa Tết.

Sự kiện thực hiện "Giờ trái đất" mang tính biểu tượng truyền đi thông điệp chứ không ai tắt đèn cả 365 ngày. Cho dù là tuyên truyền, cái gì tuyệt đối hóa cũng không tốt. Trẻ em cũng cần hiểu điều đó.

Còn bạn. Bạn thích dùng đồ một lần hay nhiêu lần?

Lê Tâm
.
.