Người mang diều sáo Việt Nam xuất ngoại
Diều sáo gợi hồn quê
Làng Bá Dương Nội là một ngôi làng bình yên nằm nép mình bên sông Hồng. Với người dân nơi đây, làm diều và chơi diều dường như đã đi vào tâm thức. Chỉ cần có gió lên, họ lại cùng nhau thả hồn vào những cánh diều với những tiếng sáo vi vu trên bầu trời. Cả nam, nữ, người già, người trẻ đều say mê những cánh diều cưỡi mây gió, khung cảnh làng quê vốn đã bình yên nay lại càng nên thơ đến lạ.
Ông Kiêm chuẩn bị gác diều lên... mây xanh. |
Tìm về thôn Bá Dương Nội, hỏi nhà Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Hữu Kiêm chúng tôi được một bác nông dân dẫn đến tận nơi. Ngôi nhà của ông rợp bóng cây xanh, vốn là điểm hẹn của những thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Diều sáo Bá Dương Nội, và là nơi dừng chân của nhiều vị khách phương xa nghe tiếng tìm về. Theo nghệ nhân Kiêm, gia đình ông đã có sáu đời làm diều sáo.
Cha của ông Kiêm là cụ Nguyễn Hữu Ngọ, một trong những người chơi diều nổi tiếng nhất ở Bá Dương Nội. Từ thuở lọt lòng, ông đã được tắm mình trong tiếng sáo vi vu. Để rồi lớn lên, khi công tác trong ngành điện lực, phải xa nhà, xa quê hương, tiếng sáo diều vẫn hằn sâu trong tiềm thức, thôi thúc ông trở về. Đi đến những vùng đất mới, hành trang của ông chưa bao giờ thiếu cánh diều.
Ông mang diều Bá Dương Nội, xưa có tên nôm là Kẻ Bá đi giao lưu với các CLB, các làng diều khác trong cả nước. Ông cũng động viên nhiều làng diều đang dần mai một tích cực chơi diều trở lại. Dường như, diều sáo đã trở thành người bạn tri âm tri kỷ của ông cũng như bao người con trong làng. Chính bởi vậy mà tình yêu của ông dành cho diều sáo quê hương quá đỗi sâu nặng và nghĩa tình, đến tuổi thất tuần mà tình yêu ấy vẫn còn vẹn nguyên.
Theo sử sách và lời kể của các bậc cao niên trong làng, thú chơi diều lại gắn liền với truyền thuyết về công lao của tướng quân Nguyễn Cả, vị tướng thời vua Đinh Tiên Hoàng. Cảm mến trước tình cảm của nhân dân và sự ngưỡng mộ về thú chơi nghìn tuổi, nhiều nhà thơ đã đề thơ ca ngợi, tặng làng.
Nhà thơ Đào Ngọc Chung có viết: "Mây trùm non Tản, cái diều bay/ Hồn thơ đồng vọng đến hôm nay/ Hội diều khẽ chạm men thi sĩ/ Đâu chỉ chim trời, gió cũng say!". Hay tác giả Giang Hoàng Thung viết: "Gió hát trăng thanh hồn non nước/ Sải cánh diều bay nhạc sáo ngân/ Khí thiêng tướng Cả lưu truyền thống/ Anh hùng rạng rỡ sáng lòng dân". Còn tác giả Hữu Thuật viết: "Bồng bềnh lướt sóng trời mây/ Dây trường công đức, sáo say thiên thần/ Ơn sâu nghĩa nặng tình dân/ Bốn phương quy tụ sắc xuân hội diều".
Sự công phu và tinh tế
Không phải ngẫu nhiên mà cánh diều mỏng manh ấy lại có thể "cõng" dàn sáo mà uốn lượn trên bầu trời, bay cao hàng nghìn mét, khuất lẫn cùng với những chòm mây. Nó đòi hỏi ở những người chơi diều lòng đam mê, sự kiên trì, miệt mài, tỉ mỉ ngay trong mỗi công đoạn. Mang con diều cánh muỗm ra sân, ông Kiêm chầm chậm kể cho chúng tôi nghe về những công đoạn làm diều đầy công phu.
Để có một con diều ưng ý, góp mặt trong hội thi, người chơi diều đã phải bắt tay vào chuẩn bị từ khoảng tám tháng trước đó. Sở dĩ, phải mất đến gần năm mới hoàn thành một con diều là bởi phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn "xương" diều, "xương" diều chủ yếu được làm bằng tre, nhưng không phải giống tre nào cũng được mà buộc phải chọn được loại tre già, tre gai mọc ở đồng bằng. Loại tre nhỏ, đặc này cho diều bộ khung cứng nhưng lại rất dẻo dai, nhẹ mà bền chắc. Vì là thú chơi văn hóa nên khi chọn tre làm diều, người dân cũng phải chọn tre mới, được trồng ở vị trí sạch đẹp, muốn cho khô phải phơi ở trên cao. Khi vót xương diều không để phụ nữ hay trẻ em bước qua.
Với con diều giản dị, ông Kiêm đã chinh phục được người dân ở nhiều nước trên thế giới. |
"Ngày còn bé, tôi thấy bố tôi và các cụ già làm diều đều chọn ban đêm. Hỏi ra được biết chỉ lúc đó mới yên tĩnh, phụ nữ trẻ em đi ngủ, không ai chạy qua chạy lại. Rồi thi hay diễn xong, diều cũng phải được gác trên cao, trước đây toàn gác lên nóc nhà", ông Kiêm chia sẻ.
Thêm một công đoạn kỳ công khác là chọn giấy diều. Giấy làm diều xưa đa phần là giấy dó, dán bằng nhựa của quả cậy. Việc chế ra nhựa dán giấy diều cũng phải cực kỳ công phu. Quả cậy đem giã nhỏ, hòa với nước, chắt bỏ bã, khi đó cho ra loại nước sền sệt như nước vo gạo, lấy thứ này phết lên giấy bản rồi để khô, khi đó giấy chuyển sang màu nâu, cứng và không thấm nước.
Để làm một con diều đạt chuẩn đã khó, nhưng để làm được bộ sáo đạt chuẩn còn khó gấp trăm nghìn lần. Dân chơi diều sáo lâu nay vẫn có câu rằng: "Có người chơi diều cả đời không có bộ sáo hay" là vì thế. Sáo diều phải được làm từ loại tre già, già đến nỗi chết khô thì càng tốt. Chỉ có tre già mới chắc, mới bền và cho tiếng sáo hay. Hai mặt sáo thường được bít bằng gỗ vàng tâm (nếu không, có thể thay bằng gỗ dổi hoặc gỗ mít) như thế mới cho tiếng sáo cao.
Với những nghệ nhân giỏi của làng, thật sự cũng không nhiều người có được bộ sáo "để đời". Người làm sáo diều, ngoài các kỹ thuật chế tác còn phụ thuộc vào kỹ thuật âm thanh, thẩm âm, đòi hỏi một đôi tai nhạy bén, tinh tế, làm cho cho bộ sáo kết hợp ăn ý với nhau. Vì thế, những người tinh tường về nghề chơi đều có thể nhận ra kỹ năng người làm sáo mỗi khi diều được thả lên.
Chinh phục thế giới
Người ta thường bảo, tiếng sáo diều là "đặc sản" của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng số người từng thực sự chơi diều sáo lại rất hiếm. Có lẽ vì vậy mà người ta không hiểu hết được vẻ đẹp của cánh diều với âm thanh vi vút, bất tận. Vì thế mà NNƯT Nguyễn Hữu Kiêm vẫn luôn đau đáu, tâm huyết trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chơi diều sáo của quê hương. Dù đã ngoài tuổi 70, ở cái tuổi mà người ta ngại những chuyến đi xa, ngại những chỗ ồn ào, nhưng ông vẫn không từ chối lời mời đi dạy cách làm diều, chơi diều, đặc biệt là dạy cho thế hệ trẻ để các em biết tới thú chơi truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm nói về cái hay của sáo diều. |
Ông Kiêm cho hay, từ năm 2007 tới nay, CLB Diều sáo Bá Dương Nội tham dự Festival Diều tại Vũng Tàu. Từ đó người nước ngoài biết đến diều Bá Dương Nội. Thêm một nước, ông Kiêm ao ước mình có thể mang diều sáo của Việt Nam ra thế giới và ông đã làm được, khi có nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài tìm đến tận nhà ông. Ước mơ của ông đã thành hiện thực, khi liên tục có lời mời tham dự các lễ hội diều quốc tế. Diều sáo Bá Dương Nội đã có mặt ở hơn 10 quốc gia trên thế giới như: Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Pháp, Campuchia, Ấn Độ...
Năm 2012, ông Kiêm mang diều đi trình diễn ở Liên hoan Diều quốc tế tại Pháp, có sự tham gia của đại diện 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hình ảnh ông Kiêm mặc áo the, đội khăn xếp, quảng bá diều sáo Việt Nam tới bạn bè thế giới thật đáng tự hào. Không ở đâu có diều sáo, mà sáo lại hay và đặc sắc như ở Việt Nam. Trên bầu trời quốc tế, âm thanh phát ra từ những con diều "no" gió đan quyện vào nhau, du dương, đổ hồi khiến bao người vỗ tay mê mẩn.
"Một kỷ lục gia người Ailen qua hai lần tận mắt chứng kiến đã phải thốt lên: Diều của Việt Nam hay tuyệt vời, từ nay trong các Liên hoan Diều quốc tế, không thể thiếu Việt Nam", ông Kiêm bồi hồi nhớ lại.
Những năm gần đây, các thành viên của CLB Diều sáo Bá Dương Nội liên tục được mời đi giao lưu ở các nước trên thế giới. Ở đâu họ cũng thể hiện được bản sắc và tinh thần của người Việt Nam. Ông Kiêm vui vì có thành quả và diều sáo không chỉ còn là một thú chơi, mà còn là bản sắc văn hóa, kỹ năng và uy tín của người chơi. Trong ông luôn in đậm hình ảnh những cánh diều thỏa sức khoe mình trên bầu trời hoàng hôn mang vẻ đẹp của sự bình yên và khát vọng.