Sông Cái, sông Đào của ta ơi
Con sông mẹ mênh mông, dài rộng là thế, vậy mà cách thời ta sống đây chừng ngót hai thế kỉ rưỡi, cha ông ta lại cho đào thêm con sông nữa ở nách làng tôi. Thoạt kì thuỷ tên con sông này lấy việc sinh ra sông mà gọi thành tên. Ấy là sông Đào. Sau này tên chữ mới là Nhuệ Giang.
Thấy bảo sông Đào sinh ra để giữ mực nước bình hòa cho sông Cái lúc cạn, lúc lũ cho bình yên hàng triệu người dân sống hai bờ từ đầu nguồn nơi "con sông Hồng chảy vào đất Việt", cho bao cánh đồng trù phú bờ xôi ruộng mật an lành năm vài vụ lúa óng mình, khoai phình củ.
Người Pháp thủa cai trị xứ ta cho xây một công trình thuỷ lợi ở nơi hai dòng sông gặp nhau để làm một việc tối quan trọng giữ bình an cho làng xóm, ruộng đồng quê tôi tránh khỏi lũ khi nước sông lên, hạn hán khi nước sông cạn. Ấy là điều hoà con nước cho sông Đào nơi thượng lưu và sông Cái đoạn trung lưu. Người làng Chèm tôi gọi nôm công trình này là Cầu Sông. Thời ta thấy gọi là công trình trung thuỷ nông Thụy Phương (ấy là tên chữ của làng tôi) gì gì ấy.
Ngẫm lại làng Chèm tôi thật may mắn để tạo nên niềm kiêu hãnh. Không ít làng ở xứ ta ao ước ngàn đời có con lạch, con sông chảy qua cho phong thuỷ vượng. Vậy mà làng tôi có tới hai dòng sông trước ngực, bên sườn ôm ấp, chở che. Các vị cao niên ở làng còn bảo. Ngay dưới bệ của Thành hoàng làng tức danh nhân Lý Ông Trọng được phong Đức Thượng Đẳng Thiên vương và Phu nhân của ngài là Bạch Cung Tĩnh Vương có mạch nước thông liền với sông Cái.
Phải chăng vì ân trạch, âm đức, sự phù hộ của nhị vị cùng vượng khí của hai con sông nên làng tôi mới có sự phong đăng hoà cốc, ăn ở thuận hoà, người trong làng yêu thương, vì nể nhau.,.. Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cầy vợ cấy. Hạt lúa, củ khoai, bắp ngô của hai vụ lúa thời xưa, ba bốn vụ lúa, vụ đông thời nay cũng vì đó mà xanh tươi, chắc mẩy chăng. Cũng bởi hai dòng sông sự làm ăn của làng cũng theo đó mà phát đạt, giao thương với đủ thứ vùng trong xứ.
Thời trứơc năm Ất Dậu, 45 cửa hàng nước mắm ở Bến Ngự của bà ngoại tôi chạy dài đến chín gian nhà ngói. Một bể chứa hàng ba, bốn ngàn gánh nước để đón thuyền chum, thuyền vại từ xứ Thanh, Nghệ chở chượp, cái mắm nương gió nồm nam ra bán ở kinh thành Thăng Long. Gỗ lạt, tre, nứa, vầu, củ nâu, lá cọ, lá dong… toàn sản vật trên rừng, từ mạn ngược ngàn ngạt cũng theo con nước về đậu kín khúc sông trứơc làng tôi.
Đến thời tôi cắp sách đi học, bố tôi từ chiến khu về mang theo cây ác-mô-nica thổi vang bản nhạc Sông Lô nơi bến sông. Bố mẹ tôi dựng nếp nhà gianh, xây tạm chiếc bể chức nước ăn trên nền đất chín gian nhà ngói đã bị tây đốt sạch. Không có mái ngói hứng nước mưa, mẹ tôi gánh nước sông Hồng đánh phèn cho trong nước để ăn.
Nhiều lần khát nước sau những buổi đá bóng bưởi về, tôi vục gáo vào múc nước uống cho thoả cơn khát. Phù sa đọng ngấn dưới cằm. Bố tôi nhắc khéo đau bụng. Mẹ tôi cười bảo: "Nước sông Cái lành lắm. Bố nó khỏi lo. Con người ta sống vì đất, vì nước. Nay đất hoà tan trong nước thì còn gì bằng…".
Vậy mà bây giờ, mỗi lần về làng cứ thấy buồn buồn. Nhìn gảnh đình một thủa. Cái gảnh đình từng nổi tiếng đi vào lịch sử nứơc ta khi chứng kiến bẩy người con yêu quí của làng Chèm bị bắn để giữ bình an cho chính quyền non trẻ thời 45. Nơi mà hồi còn nhỏ, mỗi bận giông bão sắp đến tôi chạy ào ra, ngồi ngẩn ngơ nhìn mây vần vụ trên trời, những nếp sóng đỏ rực đôi hồi, cuồn cuộn xô nhau làm xáo động mặt nước đỏ màu phù sa, mang mang màu máu hồng - Chẳng thế mà dòng sông Hồng kì ảo đỏ từng được ví là huyết mạch của non sông ta.
Còn tôi, kẻ bé mọn bên sông khi ghi lại sự sôi động của dân kẻ Chèm qua biến động của hơn nửa thế kỉ trong bộ tiểu thuyết đã chọn cái tên mang đầy kỉ niệm gắn trọn đời người "dòng sông màu máu vẫn chảy". Gảnh đình đó giờ đây chỉ còn bờ đá đang chìm dần xuống sông. Vẫn biết chòm chèm hơn năm mươi năm đi qua rồi. Đứa trẻ con nghịch ngợm bạt mạng một thời luôn mở to con mắt để truy tìm sự huyền bí của những lớp sóng sông.
Câu hỏi cứ vương vấn tháng năm. Vì đâu, sức mạnh nào mà dòng sông hiền lành, quen thuộc kia cứ tháng ngày không biết mệt mỏi đã chuyển hàng nghìn vạn tấn phù sa về bồi đắp cho đồng ruộng hai bên bờ sông, nhấn chìm đi tất cả mọi bọt bèo rác rưởi, thô lậu? Từ khi chơm chớm lớn lên mang trong mình đủ hoài bão vào đời, nay đã là ông già hói ít nhiều nhận ra đôi chút lẽ đời để hiểu rằng, sông Cái là sự hiển hiện của tình mẹ, tình quê hương, đất nước. Dù có thăng trầm, khi héo, khi tươi nhưng mãi mãi dạt dào, nồng ấm.
Nhớ đứa con xa, thương đứa con gần. Với khối tình mênh mông của con sông Cái bất tận đó thì dù có trải qua hai sương một nắng, không quản ngại đường xa, gềnh thác để mang sự no đủ, phì nhiêu cho sự sống con người. Dân đâu chỉ làng tôi, mà cả rẻo đôi bờ sông lớn lên từ phù xa, bãi cát, giọt nước sông Mẹ, sông Đào.
Hai con sông quê tôi hào phóng cho lúa, ngô, kê, đậu. Cho cá ăn, cho nứơc uống. Sông Đào, sông Cái cũng quằn mình không chỉ chở phù sa cho sự tươi tốt của ruộng đồng, vườn tược, mà trên lưng sông còn chở cả những con thuyền đi từ vùng này qua vùng khác, giao thương, trao đổi. Mang thức ăn, nước uống, đặc sản mọi vùng quê giao lưu hòa quyện tới hàng triệu triệu dân.
Sông còn làm bầu vú căng tròn nơi chảy ra cuồn cuộn nguồn cảm hứng cho thi, ca, nhạc, hoạ… cho những người cầm bút, cầm đàn, cầm cây cọ có giây phút nhập đồng trong những ban mai, những chiều sương đủ cái lâng lâng mà tạo nên câu thơ, nét vẽ và bát ngát khúc hát "Hồng Hà ơi, ta nhớ mùa thu xưa nứơc về…". Rồi "quê hương tôi bên dòng sông Nhuệ nương dâu, bãi lúa… chăn tằm..."
Chao ôi, câu hát quá vãng một thời đang văng vẳng bên tai, đang xáo trộn trong tim mà thấy lòng dạ sao chuếnh choáng với những nuối tiếc, ước ao, những trách móc… Người ơi sao nỡ ăn xổi ở thì làm hai dòng sông thân yêu cứ ngày ngày lại mọc tấy lên những vết thương nơi dòng chảy, trên bờ sông trong lòng người. Bãi dâu xanh mướt đã mãi mãi chẳng còn. Đến ngọn rau muống bè trên sông Nhuệ cũng héo xơ, vàng úa. Chua xót làm sao khi dòng sông trong xanh in hình cô gái hái dâu tằm nay đen kịt, bốc mùi xú uế.
Sông Cái vặn mình đau đớn bởi đám người vô tình, vô cảm ngày ngày đêm khi công khai, khi vụng trộm mang đủ gầu, đủ ngoạm moi cát lòng sông khiến con sông muôn đời hiền hòa hóa ra những con sóng hung dữ, hóa những hủm sông đe dọa mái nhà ấm của dân ven sông, cánh đồng mầu của kẻ nông phu. Mặt sông Cái nhăn nhúm đổi mầu, những con sóng cũng mệt nhoài vì đủ thứ nước độc, nước bẩn chảy vào sông khiến con cá Lăng, cá Vũ Anh tiến vua một thời cũng không sống nổi. Cá chiên, cá ngạnh, cá chép… hay về đẻ trứng hũm vực bến Chèm cũng vắng bóng, thưa thớt dần…
Cũng ít nhiều may mắn trong cuộc đời ngắn tựa bóng câu tôi đã có dịp chạm chân đến bờ dòng Von-ga, dòng sông Sen, sông Hàn, sông Đa-nuýp… Nghe tiếng hát "đôi bờ" làng đãng, khúc "Đa-nuýp xanh" dìu dặt vẫn bồi hồi thấy những dòng sông ấy vẫn trong xanh, đẹp đẽ như câu hát ngàn xưa của xứ người… Còn câu hát về sự tươi đẹp, an lành, phì nhiêu và cả trong xanh, thanh bình, nên thơ của sông Cái, sông Nhuệ chảy bên làng tôi lẽ nào đã trở thành tiếng hát trong dĩ vãng xa xăm, cho những nuối tiếc, những xót xa trước hai con sông thân yêu đang trở nên tàn phế, hoang liêu…
Lại một mùa xuân nữa. Mùa của ước mơ. Của hi vọng lại về.
Đã quá lục thập năm trôi qua, chiều nay ngồi bần thần trên gảnh đình làng, soi vầng trán hói già nua xuống mặt sông thân yêu. Tôi chắp tay nguyện cầu.
Hỡi con người bên đôi bờ hai con sông Cái, sông Đào. Hãy vì hôm nay và mai sau trả lại bình yên, thanh thản, trong xanh cho hai con sông để đôi dòng nay mãi mãi cho ta sự sinh sôi và khát vọng.
Mong đến cháy lòng…