Thảm hoạ nhân đạo ẩn sau COVID-19?
- 1001 công nghệ truy tìm dấu vết COVID-19
- Người đàn ông da màu bị ghì gối đến chết có thể nhiễm COVID-19
- Không gian sống xanh – tiêu chí hàng đầu khi mua nhà hậu COVID-19
Cho đến thời điểm này, những thiệt hại khủng khiếp mà virus COVID-19 gây ra cho thế giới còn nhiều hơn là các con số về người nhiễm và bệnh nhân tử vong do chính nó gây ra. Đó là câu chuyện sự phát triển của nền văn minh con người dường như bị chặn đứng lại tại chỗ và trở nên trì trệ hơn bao giờ hết mà nguyên nhân không gì khác chính là bởi thứ virus mang tên Corona.
Mỗi ngày mà đại dịch do virus Corona hoành hành là thêm một ngày các hệ thống cơ sở hạ tầng và công nghiệp - dịch vụ của tất cả các quốc gia trên thế giới đã - đang thi nhau rụng rời thành từng mảnh. Bởi thế người ta đã đưa dự báo rằng, hậu quả mà sự sụp đổ này sẽ còn kéo dài ngay cả sau khi đại dịch đã được kiểm soát trong tương lai.
Khoảng 30 quốc gia đang phát triển có thể sẽ phải hứng chịu nạn đói vì đại dịch COVID-19. |
Một trong những thảm họa đang trực chờ xảy ra sau COVID-19 được nhiều nhà quan sát quốc tế nhận định ấy chính là nạn đói. Ngày 14 tháng 4 vừa qua, Liên hợp quốc đã đưa ra lời cảnh báo rằng, sẽ có khoảng 30 quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt với nạn đói do ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID-19. Trong trường hợp xấu nhất, số nạn nhân của nạn đói khẩn cấp trên toàn thế giới rất có thể sẽ tăng lên gấp đôi và chạm mức hơn 265 triệu người.
Ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP), đã phát biểu cảnh báo về nạn đói trong một cuộc họp trực tuyến như thế này: "Chúng ta đang đứng trước bờ vực của một nạn đói toàn cầu… Hàng triệu người dân thường sống tại các quốc gia có xung đột, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đang bị đặt trong vòng nguy hiểm vì nạn đói do đại dịch COVID-19 đem lại. Cũng theo dự báo của WFP thì, 65% số quốc gia lâm vào thảm họa nhân đạo của đói nghèo là thuộc về các nước đang xảy ra chiến sự và các nước thuộc diện đang phát triển.
Trong số các quốc gia được liệt kê bởi ông David Beasley, một số nước Bắc Phi đã - đang phải từng ngày từng giờ gánh chịu xung đột như Libya, Syria, Algeria, v.v… hiện đã có hơn 1 triệu nạn nhân do nạn đói. Điểm nóng thứ hai của nạn đói là các nước thuộc Đông Phi (Tanzania, Kenya, Burgundi, Burundi, Rwanda, và Nam Sudan,…), do những quốc gia này đang từ đầu năm ngoái tới thời điểm hiện tại đã phải chịu mất mùa do nạn châu chấu lớn nhất trong lịch sử loài người. Nếu nguồn cung cấp thực phẩm cứu trợ đến các quốc gia đang phải gánh chịu xung đột này tiếp tục bị gián đoạn bởi COVID-19, thì con số nạn nhân đói chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa là điều không có gì lạ.
Để có thể ngăn chặn được nạn đói, ông David đã đưa ra lời đề nghị các nước thành viên Liên hợp quốc đóng góp khoảng 2 nghìn tỷ USD nhằm đưa lương thực đến được với những người bị đói trên thế giới càng nhanh càng tốt. Sau đó WFP cần thêm 350 triệu USD để thiết lập lại hệ thống vận chuyển cung - cung cấp thực phẩm và thuốc men cho các quốc gia đang trong tình trạng gặp khó khăn.
*
Khác với nhiều người vẫn thường quan niệm, nạn đói không chỉ bao gồm trường hợp nguồn lương thực hoàn toàn cạn kiệt. Thực tế cho thấy, có những trường hợp mà trong buồng dự trữ của người dân vẫn còn một nguồn ngũ cốc vậy nhưng vẫn được đưa vào diện phải hứng chịu nạn đói.
Theo Quỹ Lương thực Thế giới, điều này là do những người dân không được tiếp cận với 12 nhóm lương thực thiết yếu nhất, thế cho nên từ đó mới dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng. Cứ khoảng 10.000 trên thế giới thì có hai người chết vì suy dinh dưỡng kéo dài. Ở trẻ em, tỷ lệ này là 4 em trên 10.000 trẻ.
Điểm mấu chốt của nạn đói là vì thiên tai hay chiến tranh mà người dân không thể tham gia sản xuất nông nghiệp khi mùa vụ đến, từ đó mất luôn đi khả năng tự nuôi sống chính mình.
Tuy đại dịch COVID-19 không buộc những người nông dân cấm được ra cánh đồng mà mình sở hữu canh tác, vậy nhưng nó lại khiến họ gặp khó khăn vì nguồn vận chuyển liên quan tới vấn đề cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, v.v… Chính những điều đó đã đóng lại cùng nền kinh tế. Không có những vật tư nông nghiệp thiết yếu nói trên, chắc chắn người nông dân sẽ mất mùa và không có cái để mà sinh nhai một cách cơ bản.
Để sống qua nạn đói, nhiều người dân Sudan phải ăn hạt của một loài cỏ dại. |
Nạn đói sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn nữa nếu một khi nó diễn ra tại một quốc gia có nền y tế công kém phát triển. Tại sao?! Có mấy nguyên nhân cơ bản như sau.
Thứ nhất, các cơ sở kinh tế địa phương sẽ không thể phản ứng kịp thời để cứu những bệnh nhân suy kiệt do bị suy dinh dưỡng.
Thứ hai, khi nạn đói xảy ra, để có cơ may tồn tại kiểu như "qua ngày đoạn tháng", không có cách nào khác, người dân sẽ buộc phải đi tìm những nguồn lương thực khác ít dinh dưỡng hơn hay thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của chính họ. Điều này sẽ khó cơ hội xảy ra với một quốc gia có một nền y tế công phát triển, có thể thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cáo ý thức cho người dân của mình.
Nạn đói có một điểm chung với đại dịch COVID-19, đó là hậu quả lâu dài của nó đối với trật tự an ninh xã hội. Cũng giống như cảnh người dân ở nước Úc từng phải tranh giành những cuộn giấy vệ sinh mới xảy ra hơn một tháng trước khi virus bùng phát thành đại dịch, nạn đói khiến cho mọi quy tắc, luật lệ trong xã hội bị đảo lộn và từ đó dẫn đến tình trạng tinh thần cộng đồng tan rã.
Trộm cắp và bạo loạn là hậu quả ngắn hạn, còn về lâu dài thì trí tuệ trong tương lai của cả một thế hệ trẻ thơ sẽ bị lấy đi do các em không có điều kiện để phát triển toàn diện về mặt thể chất, tinh thần và đạo đức.
*
Từ trước khi đại dịch COVID -19 xảy ra, thế giới đã từng phải đứng trước thềm của một nạn đói lịch sử. Nạn đói năm 2011 diễn ra tại Somalia, Ethiopia và Kenya như là một lời cảnh báo trước cho toàn nhân loại về khả năng xung đột và hạn hán có thể kết hợp với nhau để tạo ra tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng trên diện rộng. Ở lúc cao điểm, nạn đói năm 2011 đã làm ảnh hưởng tới hơn 13 triệu người, trong đó có 260.000 người đã tử vong.
Một bà cụ nhận lương thực cứu trợ tại khu ổ chuột ở Rio de Janero (Brazil), nơi đang là một ổ dịch COVID-19. |
Có vẻ như lịch sử đã lặp lại và còn tồi tệ hơn nữa. 2019 là năm nắng nóng khủng khiếp lần thứ hai trong lịch sử loài người, khiến cho một loạt các quốc gia phải trải qua nhiều tháng hạn hán.
Rồi nữa, khói từ các vụ cháy rừng ở Amazon và nước Úc cũng góp phần làm suy giảm sản lượng lương thực toàn cầu bằng cách làm cho tình trạng khí nhà kính trở nên tồi tệ hơn chưa từng thấy.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng ngũ cốc và các loại đậu trên toàn thế giới trong quý 1 của năm 2020 này đã giảm tới mức 3% so với cùng kỳ năm ngoái do điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Trong khi đó, theo như chuyên gia kinh tế hàng đầu của WFP, ông Arif Husain, thì đại dịch COVID-19 không khác gì một kiểu "giọt nước tràn ly" vậy: "Hàng triệu người nghèo ở châu Phi và Nam Mỹ đã phải chịu đựng việc thiếu lương thực nhiều tháng nay rồi… Tôi e rằng thảm hoạt diệt chủng vì đói sẽ giáng xuống đầu những người này vì đại dịch COVID-19. Họ không thể canh tác, cũng không thể đi làm thêm để kiếm ăn được vì virus Corona!".
Cũng chính là ông Arif ấy đã đề cập đến một đối tượng khác bị đặt vào thế nguy hiểm bởi nạn đói do đại dịch gây ra. Đó chính là những người lao động phi nông nghiệp. Bình thường họ đã phải làm việc cật lực để có cái ăn hằng ngày, nay thì với lệnh phong toả khiến cho người lao động không còn có nguồn thu nhập nào cả. Trong khi đó thì giá cả lương thực trên thị trường lại tăng do nguồn cung giảm, lại càng khiến cho tình thế của những người lao động này thêm phần khốn đốn.
Để giúp đỡ người lao động và các đối tượng khác khỏi nạn đói, tại nhiều quốc gia như Việt Nam cùng với việc Nhà nước đã có chính sách mở kho lương thực dự trữ còn có sự xuất hiện hàng loạt những cá nhân chủ động tình nguyện đứng ra làm từ thiện bằng việc hình thành những cây ATM gạo (và các loại lương thực, thực phẩm…) để phát miễn phí cho người dân có (hoặc không có) thu nhập thấp vì đại dịch COVID-19. Những hoạt động tình nghĩa đó là những hành động nhân văn cao cả thật đáng trân trọng và vô cùng kịp thời, cần thiết.
Vai trò của lương thực cứu trợ hiện giờ là vô cùng lớn. |
Tuy vậy, với những quốc gia có nguy cơ xảy ra nạn đói cao nhất vì COVID-19 lại thường không thể có cơ hội mà thực hiện được việc làm nhân đạo nói trên như ở Việt Nam, ví dụ như đất nước Yemen chẳng hạn. Sau năm nội chiến không phân thắng bại giữa chính phủ trung ương Yemen và quân nổi dậy Houthi, cho nên đã dẫn tới tình trạng không bên nào có đủ tiềm lực hay quyền lực để thực hiện trợ cấp lương thực toàn quốc cả. Hiện có đến 80% dân số Yemen phải nhận trợ cấp lương thực từ WFP và các tổ chức từ thiện quốc tế.
Trong khi đó, chính bản thân các tổ chức từ thiện quốc tế cũng đang gặp khó khăn vì không có đóng góp - ngoại trừ một số trường hợp như Trung Quốc, Việt Nam và Cuba - chính phủ các quốc gia đang tìm cách giảm những khoản đóng góp từ thiện của mình. Thậm chí một số quốc gia như Nga, Sebia, Kazakhstan, v.v… còn buộc phải ra lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng lương thực thiết yếu.
Ông David Beasley đã lên tiếng yêu cầu các nước tiếp tục đóng góp cho WFP, đồng thời xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu lương thực: "Với nguồn tiền và lương thực có trong tay, chúng tôi có thể tiếp tục trợ giúp các quốc gia đang đối mặt với nạn đói thêm khoảng ba, bốn tháng nữa… Rất có khả năng phải đến nửa cuối năm 2020 này thì hệ thống sản xuất và phân phối lương thực toàn cầu mới có thể phục hồi sau đại dịch. Nếu chúng ta muốn cứu các nước đang phát triển ngoài nạn đói cho đến khi đó thì ngoài việc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu, WFP còn cần thêm khoảng 7,5 nghìn tỷ USD vốn để hoạt động".
Một dấu hiệu tích cực là đã có 20 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới đã đưa ra lời tuyên bố trước Liên hợp quốc rằng sẽ đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định đến nhân dân các nước đang phát triển. Đây là một bước đi đáng hoan nghênh, nhưng có thể là chưa đủ vì nhiều nước đang phát triển cũng đang trong trạng thái cạn kiệt nguồn ngoại tệ để có thể nhập khẩu thực phẩm.
Một ý kiến đang được bàn thảo ở Liên hợp quốc và các tổ chức có liên quan khác là việc cho vay bằng lương thực. Các nước đang đối mặt với nạn đói có thể vay lương thực với những điều kiện ưu đãi, rồi chờ đến khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi hoàn toàn thì mới phải trả nợ.
Về lâu dài, giới chuyên gia tin rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID - 19 đang ngày một trở nên trầm trọng như hiện nay thì, vấn đề an toàn lương thực nên được các quốc gia đặt lên hàng đầu. Nhờ vào việc toàn cầu hoá mà chuỗi cung ứng thực phẩm trên thế giới đang càng ngày trở nên rộng hơn. Một mặt thì có thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng mặt khác nó cũng khiến cho tính độc lập về lương thực của mỗi quốc gia kém đi.
Có ý kiến cho rằng, để đề phòng tình huống chuỗi cung ứng toàn cầu sụp đổ như hiện nay, chính phủ các nước nên xem xét lại việc quy hoạch ngành nông nghiệp của mình, tránh tình trạng mất đất cho công nghiệp hoá - đô thị hoá hoặc là ồ ạt sản xuất nông - lâm sản xuất khẩu cùng một lúc. Cuba, một đất nước chịu sự cấm vận hà khắc từ rất nhiều năm nay của Mỹ nhưng họ vẫn có thể tự tin nuôi sống người dân của mình nhờ chương trình nông nghiệp trong lòng đô thị, điều đó thật xứng đáng để được các quốc gia khác noi theo.
Thực tế thời gian qua đã cho thấy một sự thật rằng, đại dịch COVID-19 đã - đang làm lộ ra và khuếch đại những vấn đề cố hữu trong cái cách mà thế giới này vận hành. Nếu chúng ta không tiếp thu được bài học bổ ích từ những khiếm khuyết này và tiến hành sửa chữa chúng ngay lập tức thì rất có thể sẽ có hàng trăm triệu người phải chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí bị tước đi mạng sống của mình.
Ngược lại, sát cánh cùng nhau cương quyết nỗ lực đối đầu với khó khăn trong vấn đề an ninh lương thực nói riêng và chuỗi cung ứng nông nghiệp quốc tế nói chung sẽ tạo ra một điểm tựa vững chắc cho loài người có thể dựa vào trước khi những thảm họa nhân đạo toàn cầu xảy ra trong tương lai vì đại dịch COVID-19.