Không có gì mà ầm ĩ cả

Thủy hại hay thủy lợi?

Thứ Năm, 29/10/2020, 07:14
Những ngày qua, đã có rất nhiều anh hùng bàn phím bàn luận và đổ lỗi cho thủy điện là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Ô hay! Theo tư duy này thì chỉ xây thủy điện ở Ninh Thuận thì vùng này sẽ thừa nước, hết khô hạn.


Ngày xưa ở vùng Tản Viên có phong tục hội làng độc đáo. Một đôi trai gái làng được chọn làm Sơn Tinh và Mỵ Nương ngồi bên nhau ở bờ đê. Hội làng làm lễ sau đó chuyển sang một hình thức diễn xướng dân gian, dân làng cầm que gậy lên đê hô hoán đánh đuổi đôi nam nữ đi. Họ cho rằng chỉ vì tình yêu của đôi này mà Thủy Tinh dâng nước ngập lụt. Lũ lụt là nỗi ám ảnh của dân đồng bằng sông Hồng. Họ buộc phải đắp đê mới tồn tại được.

Dọc dài lịch sử, thơ văn cổ có nhiều bài in dấu lụt lội. Bắt đầu từ dã sử Hùng Vương - Sơn Tinh - Thủy Tinh tới thơ văn thời Lý, Lê, thế kỷ 20. "Núi cao sông hãy còn dài. Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen".

Trong Chiếu dời Đô, Lý Thái Tổ đã giải thích là chọn địa điểm cao ráo để dân cư không còn sợ nạn lũ lụt. Khá nhiều tác phẩm ghi dấu lụt như của Nguyễn Húc thời Hậu Lê, Nguyễn Cư Trinh (thế kỷ 18), Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu (TK 19), Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Tản Đà, Phạm Duy Tốn, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Phan Tứ, Lê Lựu... (thế kỷ 20). Nhiều lắm.

Hà Nội nghìn năm đã quen với lũ. Trên đê có nhiều nhà canh đê (xưa gọi là điếm canh). Năm 1971 vỡ đê, đồng ruộng như biển cả, cầu Long Biên có nguy cơ bị lũ cuốn trôi nên ngành giao thông đã cho một đoan tàu chở đá nặng tới chặn để giữ cầu. 

Năm nào cũng vậy, mùa nước sông Hồng vô cùng hung dữ. Nhìn hoa nhãn biết nước năm nay lũ to hay vừa. Nội hay ngoại thành đều lo âu với mức nước sông; trong nội thành Hà Nội thì lên cầu Long Biên xem, ở ngoại thành như Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì thì lên đê ngắm. 

Mùa nào thanh niên cũng rầm rập đắp đê và bịt toàn bộ các đường từ sông vào. Hà Nội thấp hơn đáy sông nên không thể bơm đi đâu được. Trẻ em đi học mà nước ngập đến bụng không có gì lạ. Các trận địa phòng không cũng làm nhiệm vụ bảo vệ đê như đấu tranh sinh tồn. Năm 1996 là năm cuối cùng phải chứng kiến biển nước ngập mái nhà ở bãi sông Hồng như Tứ Liên, Phúc Xá...

Minh họa Lê Tâm.

Từ khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình xây xong, bắt đầu điều tiết nước sông. Các cửa khẩu trên đê được dỡ bỏ. Dân Hà Nội có thể đi bộ ra bãi giữa gần Tứ Liên chơi. Thủy điện Hòa Bình đã trị thủy thành công một dòng sông hung dữ nghìn đời. Đất lụt ngoài bãi lên giá thành đất vàng. Trước đó Hà Nội thiếu điện. Tuần cắt vài lần, đèn dầu được trọng dụng. 

Khi thủy điện Hòa Bình hoạt động, nó đã làm cho đồng bằng sông Hồng thoát tăm tối. Internet sẽ ra sao khi không có điện? Nhớ lại "Mẫn và tôi" thấy nhà văn Phan Tứ mô tả trận lụt năm 1964 ở xứ Quảng thật giống với những gì truyền hình đưa tin bây giờ.

Những ngày qua, đã có rất nhiều anh hùng bàn phím bàn luận và đổ lỗi cho thủy điện là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Có những thứ tư duy kỳ cục mà Facebooker Nam Nguyễn đã tổng kết nhiều ý kiến như sau: "Lụt ở Việt Nam là do thủy điện, ở Trung Quốc là do quả báo còn ở Âu Mỹ là do biến đổi khí hậu". 

Câu nói này giỡn mặt các anh hùng bàn phím luôn tìm cách đổ lỗi tại trận tại chỗ, rằng lũ miền Trung do thủy điện tại chỗ cả. Ô hay! Theo tư duy này thì chỉ xây thủy điện ở Ninh Thuận thì vùng này sẽ thừa nước, hết khô hạn.

Tổ tiên loài người không có điều hòa, không có thủy điện, rừng không bị phá, mà những trận lụt lại được nhắc đến trong kinh thánh.

Tất cả thủy điện từ công trình lớn đến thủy điện cóc thì đều có khả năng chứa, xả nước theo kích cỡ của mình nên vai trò trị thủy là không nhỏ. Cây rừng làm trì hoãn lũ được thì các hồ chứa cũng làm được việc đó. Nếu không có nhiều cấp độ hồ chứa thì buộc phải nhìn nước từ rừng về đồng bằng như một luồng lũ ống. Việc gì phải cân nhắc lợi hại.

Lê Tâm
.
.