Nhà lang Đinh Công Huy

Thứ Tư, 21/10/2020, 09:47
Xứ Mường Hòa Bình xưa, gắn liền với câu "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động" - đó là bốn vùng Mường lớn của tỉnh, trong đó, mường Bi thuộc huyện Tân Lạc, mường Vang thuộc Lạc Sơn, mường Thàng thuộc Cao Phong và mường Động thuộc Kim Bôi ngày nay.


Cùng với các vùng Mường lớn thì 4 dòng họ: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng nối đời làm lang cai quản các vùng Mường, trong đó dòng họ Đinh Công có nguồn gốc từ Vĩnh Đồng, Kim Bôi có vị thế hơn cả về đời sống vật chất và tinh thần của đất Mường Hòa Bình. Bài viết này, chúng tôi đề cập đến nhân vật nhà lang từ Quan Án sát đến Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hòa Bình - Đinh Công Huy.

Quan Tuần phủ Đinh Công Thịnh có gốc ở Vĩnh Đồng, Kim Bôi nhưng được ăn lang ở vùng Mường Cời (Tân Vinh, Lương Sơn ngày nay). Cụ Đinh Công Thịnh làm quan Tuần phủ Hòa Bình 10 năm (1919 - 1928). Sinh thời cụ Đinh Công Thịnh có 3 người con trai là Đinh Công Huy, Đinh Công Nhiếp và Đinh Công Niết, họ đều từ nhà lang rồi tham gia cách mạng.

Quan Án sát Hòa Bình Đinh Công Huy.

Ông Đinh Công Huy là con cả của Quan Tuần phủ Đinh Công Thịnh. Với tính khí mạnh mẽ, hiếu động, ưa mạo hiểm, thích tìm hiểu, khám phá cái mới… Chỉ riêng việc người thanh niên người Mường Đinh Công Huy, năm 1926 (khi chưa có chức vị) tìm vào tận kinh đô Huế để xem mặt Vua Bảo Đại cũng đã làm xôn xao đất Mường. Nhiều người khi đó cho đây là câu chuyện vui chứ không có thật.

Vì người ta cho rằng, một người không có chức vị gì mà vào được triều đình Huế đã khó, lại dám xem mặt vua là điều không thể. Nhưng ông Đinh Công Lạc, con trai cụ Đinh Công Huy, người được sống với bố nhiều nhất, được nghe nhiều chuyện từ bố, kể rằng: Khi đã có vợ, con, nhưng chưa nhận việc gì ở châu cũng như ở tỉnh, ông Đinh Công Huy thường giao du nhiều nơi, chơi với nhiều bạn là con quan lại ở tổng Hà Đông, trong đó phải kể đến Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu - người rất có uy tín và thế lực lúc bấy giờ.

Vùng Lương Sơn, đất ăn lang của dòng họ Đinh Công giáp với Xuân Mai và chỉ cách Hà Đông trên chưa đến 30km. Không những thế, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu có 2 người em trai là chủ đồn điền ở Xuân Mai nên ông thường qua lại vùng này. Từ khi quen biết gia đình Quan Tuần phủ Hòa Bình Đinh Công Thịnh, Hoàng Trọng Phu thường lên cùng các quan lang xứ Mường tổ chức săn bắn, thăm thú cảnh quan miền sơn cước. Đó chính là cơ hội để ông  Đinh Công Huy quen biết rồi trở nên thân thiện với Hoàng Trọng Phu. Từ đây ông Huy đã mở rộng quan hệ với giới quan lại, văn nghệ sỹ, nhiếp ảnh khu vực Hà Đông, Hà Nội.

Vào cuối năm 1926, với mong muốn nhìn tận mặt vua Bảo Đại, ông Đinh Công Huy đã vào Huế. Nhân buổi chầu, ông Huy xách hộ người thợ ảnh (đã quen từ Hà Nội) một số đồ nghề để được vào chứng kiến buổi chầu. Người thợ ảnh đi đâu, ông Huy đi đấy và luôn tay phục vụ việc chụp ảnh. Vì thế mà ông cứ tự nhiên nhìn mặt vua Bảo Đại.

Thấy con trai cứ nay đây, mai đó, quan Tuần phủ Đinh Công Thịnh gọi con về bố trí cho một chức Thương tá trên tỉnh lỵ để giữ chân và kèm cặp Đinh Công Huy.

Năm 1928, quan Tuần phủ Đinh Công Thịnh qua đời và Đinh Công Huy được đặc cách bổ nhiệm làm Quan Án sát tỉnh Hòa Bình (một chức quan chỉ đứng sau quan Tuần phủ). Năm 1930, Vua Bảo Đại ra Hà Nội. Khi ấy ông Đinh Công Huy tuy được đặc cách bổ nhiệm làm Án sát tỉnh Hòa Bình nhưng chưa được cấp phẩm phục. Dù thế, ông Huy vẫn xuống Hà Nội và tìm cách vào chầu vua Bảo Đại như các vị Tổng đốc, Tuần phủ các địa phương khác.

Để làm được việc này, ông Huy nhờ Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu giúp đỡ. Là Tổng đốc có uy tín, Hoàng Trọng Phu tâu với Vua Bảo Đại về Đinh Công Huy, con trai của Tuần phủ Hòa Bình Đinh Công Thịnh mới qua đời, mong muốn được vào chầu và được Bảo Đại đồng ý.

Hoàng Trọng Phu lại bẩm tiếp việc quan Án sát Hòa Bình chưa kịp cấp phẩm phục, nhưng có mang theo phẩm phục của bố là quan Tuần phủ Đinh Công Thịnh và muốn được mặc phẩm phục này vào chầu. Là người Tây học, nói tiếng Pháp thạo hơn tiếng Việt, có lẽ vì thế mà rất "thoáng", vua Bảo Đại cũng đồng ý. Thế là rất đàng hoàng trong phẩm phục quan Tuần phủ, Đinh Công Huy có mặt trong buổi chầu vua Bảo Đại tại Hà Nội. Vào chầu, Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu đứng hàng trên nhất, Đinh Công Huy liền đứng ngay sau Hoàng Trọng Phu.

Ông Đinh Công Huy (thứ 3 từ phải sang) với cán bộ Việt minh.

Tan chầu, các quan Tổng đốc và Tuần Phủ khác thắc mắc: "Ông ấy (Đinh Công Huy) mới được đặc cách quan Án sát, phẩm hàm còn thấp hơn chúng tôi, sao lại đứng trên chúng tôi". Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu giải thích: "Đúng, ông ấy mới là quan Án sát, nhưng ông ấy lại là Chánh quan lang tỉnh Mường, mà tỉnh ấy rộng lớn lắm, tỉnh các ông có khi chưa bằng một châu của ông ấy đâu!". Thế là các quan Tổng đốc và Tuần phủ khác hết đường thắc mắc.

Nhìn chung các quan lang Mường với tập tục cha truyền, con nối cai quản dân Mường nên không mặn mà với nhà nước bảo hộ của thực dân Pháp, ông Đinh Công Huy cũng vậy. Sau nhiều hành động bất tuân với quan Thống sứ Bắc Kỳ (người Pháp), ông Đinh Công Huy cùng hai em trai là Đinh Công Nhiếp và Đinh Công Niết tìm cách chống lại người Pháp. Ba ông đã sang Trung quốc mua máy in về in tiền giả để mua vũ khí. Đợt một trót lọt, các ông đã mua được 10 khẩu súng pạc hoọc.  Năm 1934, do có người phản làm chỉ điểm, các ông bị bắt quả tang cùng máy in, tiền giả ngay tại nhà ở Mường Cời (Lương Sơn) và bị xử tù. Với vai trò chủ mưu, ông Đinh Công Huy bị án 10 năm tù.

Chính trong thời gian bị bắt đi tù ông Đinh Công Huy gặp những chính trị phạm. Đó là các ông Vương Thừa Vũ, Đào Gia Lựu, Trần Huy Liệu… và được giác ngộ cách mạng. Sau 8 năm 6 tháng ở tù, giữa năm 1942, ông Đinh Công Huy được trả tự do. Về lại quê hương, ông Huy phối hợp với Việt minh gây dựng cơ sở cách mạng. Với uy tín của nhà lang, ông đã hô hào dân Mường đóng góp lương thực, tiền của và nuôi giấu cán bộ Việt Minh suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Đinh Công Huy cùng các em của mình là Đinh Công Nhiếp, Đinh Công Niết phối hợp với ông Đào Gia Lựu tổ chức cướp chính quyền thành công ở châu Lương Sơn. Chính quyền Cách mạng được thành lập, ông Đinh Công Huy được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hòa Bình.

Kể từ sau tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng còn non trẻ gặp vô vàn khó khăn ví như "ngàn cân treo sợi tóc", ông Đinh Công Huy ra sức lãnh đạo dân Mường ủng hộ cách mạng nên ông được Hồ Chủ Tịch, Võ Nguyên Giáp… gửi thư khen kèm theo khẩu súng lục là chiến lợi phẩm và thanh gươm quý. Hòa bình lập lại, ông Đinh Công Huy được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Hai. Những năm cuối đời, ông sống nhờ lao động ruộng đồng của người con trai là Đinh Công Lạc tại mường Cời, Lương Sơn.

Nhà thơ Lê Va (tholeva@gmail.com).

Tôi  thật may mắn được nhiều lần hỏi chuyện ông Đinh Công Lạc, nhưng lần nào nhắc đến cụ thân sinh ra mình, ông Đinh Công Lạc cũng không khỏi xúc động. Trong rơm rớm nước mắt, ông kể: "Trưa ngày 30/4/1975, đang cày ruộng thì nghe tin đài loan báo: "Chính quyền Việt Nam cộng hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng".

Mừng quá, ông Huy bỏ cày mà chạy ngay về nhà. Vừa leo màn thang, ông Huy vừa gọi, "cha ơi, cha ơi…Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng". Ngồi bên cửa voóng (lúc này cha ông đã không đi lại được), ông Huy thẫn thờ nói trong xúc động: "Thương Bác Hồ quá. Bác Hồ không sống đến ngày nay để hưởng giây phút này". Rồi ông khóc!". Năm 1977, ông Đinh Công Huy qua đời, ông hưởng thọ 79 tuổi!

Lê Va
.
.