Ai là người biết hết?

Chủ Nhật, 11/12/2016, 09:14
Mỗi con người đều có lúc sai, thậm chí nhiều lúc sai. Mà nói sai cũng không chuẩn. Chỉ là chưa biết thôi. Vì biết cần đến trải nghiệm. Chưa biết thì là chuyện hết sức bình thường - ai có thể biết tất cả nào. Chúng ta sai, và chẳng có gì đáng ngạc nhiên, xấu hổ cả. Trên con đường đi đến sự hiểu biết, cái sai là không thể tránh khỏi.

Câu chuyện về cô gái chơi trò chơi "Ai là triệu phú" trên truyền hình, trả lời không đúng canh cua nấu rau đay là một ví dụ cho thấy, đám đông dễ bị kích động như thế nào. Trong số đó có không ít người lớn tuổi, trí thức, giáo viên. Họ không chấp nhận cái sai đó, và dùng những lời lẽ không hay thóa mạ một người chơi trên một trò chơi truyền hình lấy tiêu chí giải trí là chính. 

Cái sai của một người lẽ ra là cơ hội để họ trưởng thành hơn, và cũng là cơ hội để những người khác nhìn lại mình, thì lại bị biến thành một cuộc "ném đá" hội đồng rất xấu xí, thiếu tính nhân văn, thiếu hiểu biết nữa.

Đầu tiên tôi phải ví dụ chuyện này, về một cô con gái nhà ông thợ may, xinh đẹp học giỏi và rất năng động. Học hành phát đạt rồi cô đi lấy chồng. Một hôm bố chồng nhờ là (ủi) bộ quần áo, cô hồn nhiên đáp: "Ôi, con chưa biết là, con chưa là bao giờ ạ”.  Câu trả lời thật thà và đáng yêu, giống như cô bé ngồi trên ghế nóng hồn nhiên: “Ôi, câu đầu tiên mà khó thế”. 

Nói vậy, nhưng cô gái vẫn ngoan ngoãn và xăng xái lấy bàn là cắm điện rồi là quần áo cho bố. Ông bố chồng lặng im cho con dâu là quần áo của mình. Và khi đã là hỏng bộ đồ ông mới ôn tồn giải thích, hướng dẫn qui trình chứ không vác gạch ném con dâu.

Chuyện thật đơn giản, bé đi học trường chuyên của huyện, nhỡ đi học trường chuyên của tỉnh, lớn học trường chuyên quốc gia, luôn luôn xa nhà. Trong khi thời trang lớp trẻ bây giờ nhất là thời trang nữ có mấy thứ phải là ủi, có khi còn xài hàng Style nhăn nhúm, te tua. Thảng hoặc được ngày nghỉ về nhà thì bố mẹ xón vón phục vụ bồi bổ cho con từ cơm nước giặt giũ… hỏi cô ấy học là quần áo vào lúc nào. Thế đấy, chỉ là chưa tiếp xúc, chưa làm bao giờ thì chưa biết thôi. Đáng yêu hay đáng ghét?

Ngày hôm qua tôi hỏi một cô nhân viên của tôi: Nếu ta khâu vá quần áo thì thế nào là khâu lược, thế nào là khâu đột? Tất nhiên cô nhân viên của tôi cấm khẩu và không chỉ là cô ấy mà rất rất nhiều bạn không trả lời được đúng không? Bình thường thôi, thời của các bạn tuổi 30 đổ lại toàn xài hàng hiệu hoặc hàng may sẵn, muốn rẻ đã có Tàu và mấy ai mặc đến rách. Vì vậy mấy ai biết khâu vá. Có đáng đập cho viên gạch vào mặt không?

Năm 2011, khi ấy tôi làm việc ở một cơ quan đầu ngành của Trung ương, to phết chứ đâu có đùa. Cán bộ chuyên viên đều hàng tổ về công nghệ thông tin, múa phím, lướt mạng nhoay nhoáy. Ấy vậy nhưng khi tôi chơi Facebook thì mọi người thấy lạ và rất tò mò vì hầu hết họ không biết Facebook là gì. Họ không tham gia mạng xã hội vì họ thấy lạ, thế thôi. 

Nhưng một hôm nào đó đốc chứng, họ thấy thú vị và nổi máu muốn chơi Facebook, và họ chỉ cần hai nốt nhạc để tạo cho mình một trang face riêng. Chuyện thật đơn giản, chỉ là người ta chưa quan tâm, người ta chưa thích và người ta chưa chơi, chẳng có gì để phải nói lời cay đắng: Sao mà ngu thế.

Tết năm ấy nhân dịp lễ ra quân đầu xuân cơ quan có tổ chức vui chơi có thưởng. Giải thưởng khá to, là một cái tivi. Tôi là người đặt câu hỏi: Thềm cơ quan ta có mấy bậc? Cả trăm người mà không ai trả lời đúng. Đấy, có những thứ hàng ngày người ta tiếp xúc nhưng chưa chắc đã biết rõ. Đơn giản vì người ta không để ý, không tư duy về nó thôi. Cũng như cô bé có thể đã ăn canh cua nhưng ăn là ăn chứ không hỏi nấu với rau gì. Như thế đừng coi là ngu dốt.

Nhiều và rất nhiều câu chuyện, nhưng thôi, tôi muốn nói đến cô bé vừa bị sưng đầu xước mặt vì bị dân tình "ném đá" can tội tham gia chương trình “Ai là triệu phú”. Nói nhanh, tôi dám chốt rằng mười người cười em, chửi em, ném em thì có đến tám người trong số ấy không nấu được nồi canh cua cho “đúng qui trình” cách thức. Tôi không võ đoán tí nào đâu.

Con gái tôi sinh ra, lớn lên ở quê, từ khi sinh ra đến khi lấy chồng đều cơm nhà mẹ nấu, nó biết bắt cua bắt ốc, biết nấu ăn. Nói thật nó được dạy dỗ nghiêm cẩn và cũng đảm nhiều thứ. Nhưng, bây giờ nếu phải nói nấu một nồi canh cua cho chuẩn thì chưa chắc nó đã làm đúng đâu. Nói gì đến các bạn trẻ sinh ra, lớn lên ở phố. Tôi chưa nói các bạn sướng khổ thế nào nhưng chắc chắn đa số các bạn chưa biết và chưa nấu được canh cua đúng bài.

Còn El nino là một hiện tượng thời tiết (dạng cực đoan) không xảy ra thường xuyên và khoảng thời gian xảy ra là cách xa nhau. Nó hoàn toàn khác với biến đổi khí hậu mà người ta đang tuyên truyền đến tận nhà mẫu giáo bây giờ. Nước ta đã từng xảy ra hiện tượng El nino cách đây khá lâu, có thể khi ấy cô bé ngồi trên ghế nóng kia còn chưa đi học đại học và hiện tượng ấy xảy ra trong một thời khắc ngắn rồi nó qua đi không ai nhắc nữa. Vì vậy cô bé ấy và rất rất nhiều bạn trẻ ngạc nhiên và thấy lạ thì cũng là bình thường, không đáng để nhiều ai đó húng hắng ném vào mặt các bạn câu chửi thề: Sao mà ngu thế.

Nhân đây cũng muốn nói thêm rằng, không ai trong chúng ta là giáo sư biết hết. Có thể cô gái kia chưa biết nấu canh cua, chưa nghe nói đến El nino nhưng cô ấy lại biết nhiều thứ, giỏi nhiều việc mà chưa chắc nhiều người đã biết và ngay việc cô ấy trèo được lên ghế nóng đối thoại với ông Lại Văn Sâm đã thấy cô ấy giỏi rồi. Vạn người thi thố, thử đi thử lại để tham gia mà còn hóng dài mỏ đã được đâu. Đúng là những kiến thức hay kỹ năng sống đơn giản hàng ngày thì nên biết, nhưng dám chắc có nhiều người khi đến với sự việc này mới vỡ ra mình chưa ăn canh cua rau đay bao giờ.

Cuộc sống là sự va đập, hiểu biết của con người được làm đầy bằng trải nghiệm và học tập, lao động. Có những thứ chúng ta thu được qua lao động học tập, có những điều chúng ta có được bằng trải nghiệm. Những gì chúng ta biết là rất ít, rất bé nhỏ trong thế gian. Người ta càng biết nhiều hơn càng thấy ḿnh biết ít hơn, là bởi vì thế gian rộng lớn vô cùng, kiến thức là vô hạn.

Mỗi con người đều có lúc sai, thậm chí nhiều lúc sai. Mà nói sai cũng không chuẩn. Chỉ là chưa biết thôi. Vì biết cần đến trải nghiệm. Chưa biết thì là chuyện hết sức bình thường - ai có thể biết tất cả nào. Chúng ta sai, và chẳng có gì đáng ngạc nhiên, xấu hổ cả. Trên con đường đi đến sự hiểu biết, cái sai là không thể tránh khỏi. Và không một ai có quyền cấm người khác sai, cười vào cái sai của người khác. Bạn cười vào cái sai của người khác cũng chính là bạn cười vào cái sai của chính mình thôi. Chứng minh mình đúng bằng việc dè bỉu cái sai của người khác, chính là cái sai ngớ ngẩn nhất.

Thử tĩnh lặng giây lát mà nghĩ xem, nếu tất cả những điều chưa biết của mỗi người đều mang ra phô bày trên truyền hình như với cô bé kia, thì gạch đâu mà ném, cháy mạng xã hội chứ đùa à.  Đừng ai tỏ ra là mình quá giỏi và biết hết.  Vì người giỏi thực sự không bao giờ tỏ ra cả. Người giỏi thực sự hiểu rằng biết bao nhiêu vẫn chỉ là hạt cát trong vũ trụ này.

Tôi nghĩ, người rộng lượng sẽ không ai nỡ khoét sâu bới kỹ để bỉ bôi, chửi rủa cô gái ấy bằng những lời cay độc, người có tri thức lại càng không như thế. Niềm vui, nỗi buồn rồi cũng qua, nhưng lòng độ lượng và bao dung thời nào cũng rất cần. Ứng xử trước cái sai, cái chưa đúng, chưa hợp lý của người khác như thế nào chính là thước đo văn minh của mỗi người. Nhập vào đám đông phán xét một ai đó thì rất dễ.

Trịnh Ðình Nghi
.
.