Cảnh giác với những bẫy lừa sử dụng trí tuệ nhân tạo

Thứ Hai, 09/11/2020, 07:07
Thời gian gần đây, nạn giả danh các tài khoản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt trước đây thông thường có một "mẹo" để tránh việc bị mắc bẫy là bị hại trước khi chuyển tiền thì gọi điện thoại trực tiếp (voice call hoặc video call) cho phía bên kia để xác định danh tính. Tuy nhiên, hiện tại các đối tượng lừa đảo đã dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để lừa đảo khiến cho nạn nhân sập bẫy...


Mất tiền triệu vì muốn ủng hộ nạn nhân bão lụt

Mới đây trên một diễn dàn dành cho các runner xôn xao trước vụ việc giả danh vận động viên điền kinh nổi tiếng để lừa đảo. Nạn nhân trong vụ việc này là anh P.D.C, admin của một diễn đàn quy tụ những người yêu chạy bộ. 

Bài cảnh báo của anh C. về việc bị lừa tiền từ kẻ mạo danh vận động viên điền kinh Phạm Thị Hồng Lệ.

Theo đó vào những ngày cuối tháng 10-2020, với tinh thần ủng hộ đồng bào miền Trung, ban quản trị của diễn đàn phát động gây quỹ từ các thành viên thông qua một giải chạy và đã thu hút hàng trăm người ủng hộ và đăng ký. Đặc biệt, khi có thông tin về ngôi nhà nhỏ bé của chị Phạm Thị Hồng Lệ - nhà vô địch Sea Games 30 cự ly chạy Marathon, hiện đang ở tỉnh Bình Định bị ảnh hưởng bởi bão số 9, anh P.D.C chia sẻ trên diễn đàn về việc sẽ trích một phần tiền từ số tiền huy động được để ủng hộ gia đình VĐV sửa chữa ngôi nhà sau bão.

Thông tin này được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi, ngay sau đó một tài khoản Facebook có hình ảnh của chị Phạm Thị Hồng Lệ đã chủ động nhắn tin cho anh P.D.C nhờ chuyển khoản giúp 6,5 triệu đồng cho một người tên “Nguyen Tuan Phong”. Nội dung tin nhắn từ tài khoản Facebook của nữ VĐV: “Anh có sẵn tiền ở tài khoản đó không ạ? Chuyển giúp em 6,5 triệu với ạ. 7h em bắn lại”. 

Mặc dù đã cẩn thận đề nghị chuyển tiền vào đúng số tài khoản mang tên Phạm Thị Hồng Lệ, nhưng anh P.D.C nhận được câu trả lời “tài khoản đang bị lỗi nên phải nhờ người khác”. Để xác định chắc chắn người đang nhắn tin cho mình là VĐV Hồng Lệ, anh P.D.C còn chủ động gọi video call (cuộc gọi bằng hình ảnh), nhưng cuộc gọi chỉ được thực hiện trong vài giây ngắn ngủi rồi nhanh chóng bị ngắt kết nối.

Sau khi nhận 6,5 triệu đồng, đối tượng tiếp tục đề nghị anh P.D.C “giúp” thêm 7 triệu đồng và hẹn “đúng 7h em bắn lại anh cho đủ 13,5 triệu đồng”. Tuy nhiên, anh P.D.C cho biết chỉ còn 2,5 triệu đồng nên thực hiện thao tác chuyển khoản thêm 2,5 triệu đồng vào số tài khoản nói trên.

Nhóm đối tượng giả danh quân nhân Mỹ ở Trung Đông để lừa đảo nhiều phụ nữ Việt.

Sau hai lần nhận tiền với tổng số 9 triệu đồng, tài khoản Facebook mang tên Phạm Thị Hồng Lệ tiếp tục đề nghị: “Anh có nhờ ai giúp em 5 triệu nữa cho đủ việc được không ạ?”. Cũng còn may cho anh P.D.C bởi đến lúc này anh đã nhận ra có dấu hiệu lừa đảo từ các đối tượng hack tài khoản Facebook của Hồng Lệ.

Câu chuyện được chia sẻ lên diễn đàn nói trên, thu hút sự quan tâm của cộng đồng thông qua hàng trăm lượt bình luận. Tài khoản Duc Nguyen cho biết anh cũng bị facebook Phạm Thị Hồng Lệ nhắn tin nhờ chuyển 8 triệu đồng cũng với lý do tương tự. Tuy nhiên, anh Duc Nguyen là người may mắn không bị sập bẫy lừa do đã nhận được cảnh báo từ phía anh P.D.C.

Theo anh Pham Dong, một thành viên trên diễn đàn, hiện tại những phần mềm ghép mặt như Face app được mọi người sử dụng rất nhiều. Các đối tượng lừa đảo sử dụng phần mềm này để giả video call nên mọi người cần cẩn trọng.

Còn thành viên Hung Nguyen chia sẻ, cách làm giả video call trong vài giây là khá dễ dàng mà không cần các phần mềm cầu kỳ. Theo đó, chỉ cần ghi vài giây hình ảnh video của người cần giả mạo rồi phát trên một chiếc điện thoại khác có quay mặt vào camera trước của điện thoại đang gọi. “Dĩ nhiên làm cách này thì hình ảnh sẽ xấu nhưng đối tượng có thể bảo là đang ở chỗ sóng yếu để tắt luôn video”, thành viên Nguyen Kien Quoc cho hay.

Còn theo một cán bộ điều tra thuộc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, hiện một số đối tượng đã sử dụng công nghệ Deepfake (giả lập sâu) trong AI để làm giả video call nhằm mục đích lừa đảo. Chỉ cần có trong tay hình ảnh của người nổi tiếng (vận động viên, ca sĩ, diễn viên điện ảnh...) thì đối tượng có thể ghép được giọng nói để tạo thành một video hoàn chỉnh. Dĩ nhiên, nếu người tinh ý sẽ có thể nhận ra giọng nói không thật sự giống, hoặc lời nói và khẩu hình bị lệch nhau, song với đa phần người chưa từng gặp "thần tượng" thì sẽ rất dễ bị mắc lừa.

Mất tiền tỷ vì tin lời “sỹ quan quân đội Mỹ”

Cũng sập bẫy của tội phạm công nghệ cao là chị Phạm Hồng Thu ( ở Hà Nội). Chị Thu kể vài tháng trước, qua mạng xã hội facebook chị Thu có quen với ông Robert (55 tuổi, quốc tịch Mỹ). Theo Robert giới thiệu thì ông ta đang là sỹ quan quân đội Mỹ đang chiến đấu tại Trung Đông. Cũng sau một thời gian nói chuyện ông ta bày tỏ mong muốn được trò chuyện với chị Thu nhiều hơn. Hai người đã cài nhiều ứng dụng như zalo, line… để tiếp tục.

Khoảng một tháng trở lại đây, Robert cho chị Thu biết rằng ông ta sắp mãn hạn quân dịch, và có một khoản tiền lớn (gần 3 triệu USD) muốn đầu tư về Việt Nam. Gã cũng khéo léo bật mí rằng vợ đã chết, có một con gái đã học xong đại học và đi làm, nên không còn phải lo lắng gì cho gia đình cả. Cũng trong quá trình trò chuyện, Robert thường xuyên khen chị Thu xinh đẹp, thông minh, duyên dáng… Robert đã phải lòng chị và muốn “tiến xa hơn” với chị. Robert cũng gửi cho chị những hình ảnh quân phục với súng ống đầy mình. 

Tình cảm đôi bên cứ lớn dần. Robert hứa với chị hết hạn phục vụ trong quân đội sẽ bay thẳng về Việt Nam để… cưới chị. Và để thể hiện tấm lòng, gã bảo sẽ gửi quà, tiền cho chị Thu. Robert gửi cho chị hình ảnh về một thùng hàng đã được gói ghém cẩn thận, ở trên có đề tên và địa chỉ, số điện thoại của chị Thu tại Hà Nội. Khoảng gần một tuần sau thì chị Thu nhận được điện thoại từ một phụ nữ nói giọng miền Nam, cho biết chị ta là nhân viên công ty chuyển phát nhanh có nhận được một bưu phẩm chuyển cho chị Thu. Để nhận được bưu phẩm này chị Thu phải nộp thuế thông quan là 65 triệu đồng. Không chút nghi ngờ, chị Thu đã nhanh chóng chuyển vào tài khoản mà người phụ nữ kia cung cấp.

Hai ngày sau, có một người đàn ông xưng là hải quan TP Hồ Chí Minh nói với chị Thu rằng qua kiểm tra phát hiện thấy trong đó có đến 300.000 USD tiền mặt nên chị Thu phải đóng thêm khoản phí gần 300 triệu đồng nữa. Sau khi gửi cho bọn chúng hết lần này đến lần khác mà không nhận được hàng, chị Thu mới nảy sinh mối ngờ. Chị gọi điện đòi nói chuyện trực tiếp với Robert. Đối tượng nhắn chị đến đêm hãy gọi vì lúc ấy bên Trung Đông đang là ban ngày, Robert bận công tác.

Dù đã cảnh giác gọi video call nhưng anh P.D.C vẫn dính bẫy của kẻ lừa đảo.

Tối hôm đó khi chị Thu gọi điện thoại thì Robert xuất hiện trong trang phục sỹ quan rất hoành tráng, quanh cảnh xung quang là một sa mạc cát với nhiều ô tô quân sự xếp hàng dài... Tuy chỉ nói được vài câu song chị Thu đã tin tưởng tuyệt đối với Robert và sấp ngửa gửi thêm ba lần cho gã, tổng số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng thì gã biến mất. Khi đó chị Thu mới vỡ lẽ đã dính phải bẫy lừa đau đớn.

Theo cơ quan Công an, hiện đã xuất hiện những phần mềm có thể giả lập video của một người rất tinh vi. Tháng 9-2020, ứng dụng Z chuyên giả lập video của Trung Quốc ra đời và nhanh chóng tạo ra cơn sốt trên toàn thế giới. Nếu như trước đây đã có một số ứng dụng hoán đổi gương mặt, lấy ảnh gương mặt của bạn hoán đổi với gương mặt của người khác (ảnh tĩnh) thì Z. đã đi một bước xa hơn nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo: hoán đổi gương mặt người dùng với hình ảnh của diễn viên điện ảnh nổi tiếng trong một đoạn video (ảnh động).

Cách sử dụng phần mềm này rất đơn giản: người dùng chỉ cần đưa lên một tấm ảnh chân dung của mình và chọn trong thư viện các clip của Z., gồm trích đoạn các bộ phim điện ảnh hay show truyền hình nổi tiếng là sẽ trở thành diễn viên chính trong các clip ấy. Z. sẽ yêu cầu người sử dụng thực hiện một số động tác nhỏ như: nhép miệng, nhắm mở mắt... và ghi hình lại. Điều này giúp Z. xử lý các động tác cơ mặt của người sử dụng trong clip được chân thật hơn, nhưng nếu người sử dụng không làm thì Z. vẫn tạo nên clip với độ "thật" chỉ kém hơn một chút.

Một số mẹo tránh bẫy lừa đảo công nghệ cao

Theo một điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là giả danh người quen để vay tiền và sẽ cung cấp một số tài khoản khác tài khoản người quen của nạn nhân. Bởi vậy khi nhận được thông tin tài khoản như vậy thì người gửi cần phải cảnh giác. Đồng thời trước khi chuyển tiền cần gọi điện cho người nhận bằng số điện thoại được lưu trong danh bạ điện thoại của mình, tuyệt đối không thực hiện cuộc gọi qua các ứng dụng messenger hay zalo... 

Minh Khang
.
.