Đằng sau việc Tổng thống Trump rút khỏi JCPOA

Thứ Tư, 23/05/2018, 10:18
Ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có hành động gây tranh cãi khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).


Những người chỉ trích cho rằng hành động của Tổng thống Trump chỉ đơn giản là một việc làm sốc nổi do không biết cân nhắc các lợi ích địa chính trị, và do ông một lòng muốn “đạp đổ” các di sản của người tiền nhiệm Barack Obama.

Đó có phải là tất cả sự thật?

Thỏa thuận “không nên có”

Thỏa thuận JCPOA được các nước P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) ký kết với  Iran từ năm 2015. Theo đó, Iran phải minh bạch và giảm hoạt động làm giàu uranium để đổi lại việc được tháo gỡ cấm vận. Thời gian hiệu lực của thỏa thuận là 10 năm (2015-2025). Trong thời gian đó, tùy theo sự cam kết của Iran, mức độ tháo gỡ cấm vận sẽ song hành.

Phát biểu tại Nhà Trắng khi công bố quyết định rút khỏi JCPOA, ông Trump nói: “Đây là một thỏa thuận tồi tệ, chỉ có lợi cho một bên và lẽ ra không bao giờ nên có. Thỏa thuận này đã không mang lại sự yên bình, không mang lại hòa bình. Và nó sẽ không bao giờ như vậy”.

Nhóm P5+1 và đại diện Iran chụp ảnh trước khi công bố thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran ngày 2/4/2015 tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ.

Tại sao ông Trump nói thỏa thuận này lẽ ra không nên có? Theo một số nhà phân tích, vì nếu không có thỏa thuận JCPOA, tham vọng hạt nhân của Iran có lẽ đã sụp đổ, và nước này cũng không thể nhúng tay sâu vào các cuộc chiến tranh trong khu vực như hiện nay. Vào năm 2015, các biện pháp trừng phạt trước đó đối với Iran đã làm tê liệt chế độ cầm quyền, và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran đã hạn chế các hoạt động hạt nhân do không đủ kinh phí.

Khi đó, Quốc hội Mỹ đã tính chuyện “té nước theo mưa”, bàn việc gia tăng thêm các lệnh trừng phạt sâu rộng hơn để đẩy chương trình hạt nhân Iran phá sản. Tuy nhiên, thay vì thúc đẩy các chương trình đẩy nhanh sự thất bại hạt nhân của Iran, Tổng thống Barack Obama đã có một hành động khó hiểu: Đi gặp người Iran để tìm kiếm một thỏa thuận, theo Epoch Times.

Sau đó, chính quyền Obama đã đàm phán một thỏa thuận cho phép Iran tiếp tục hầu hết các chương trình hạt nhân, ngoại trừ việc phát triển vũ khí cốt lõi. Thỏa thuận này không kiềm chế việc Iran phát triển tên lửa đạn đạo, trong khi cho phép Iran tiếp tục làm giàu uranium. Và các điều kiện giới hạn chính sẽ hết hạn sau 10 năm (2015-2025). Không chỉ vậy, thỏa thuận đã cung cấp cho Iran một khoản hỗ trợ ước tính từ 50-150 tỷ USD, bao gồm một khoản thanh toán bằng tiền mặt trị giá hàng trăm triệu USD.

“Thỏa thuận này đã làm tê liệt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran để đổi lấy những hạn chế yếu ớt về hoạt động hạt nhân của Iran, và không có giới hạn nào về tất cả các hành vi ác tính của nó, bao gồm các hoạt động nham hiểm tại Syria, Yemen và các nơi khác trên khắp thế giới”, Tổng thống Donald Trump nói hôm 8-5. 

“Nói cách khác, tại thời điểm khi mà Mỹ đã có một lực đòn bẩy tối đa, thỏa thuận tai hại này đã cho chế độ này – một chế độ khủng bố lớn - nhiều tỷ đô la, một số bằng tiền mặt thực sự. Điều này khiến tôi và tất cả các công dân Mỹ cảm thấy vô cùng bối rối”.

Không ngăn chặn Iran có vũ khí hạt nhân

Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận JCPOA về cơ bản chỉ tạm hoãn tham vọng hạt nhân của Iran trong 10 năm, chứ không ngăn chặn nó. Chính cựu Tổng thống Obama cũng thừa nhận rằng giao kèo của mình khi xưa không đồng nghĩa với việc Iran sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Ông Obama vô tình tiết lộ điều đó trong câu nói phản bác ông Trump ngày 8-5: "Không có JCPOA, Mỹ thậm chí bị đặt vào thế lựa chọn giữa một Iran sở hữu hạt nhân và một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông".

Nhiều nhà phân tích cũng đồng ý về vấn đề này. Điều khoản “hoàng hôn” (điều khoản hết hiệu lực) cho phép Iran được tự do rời khỏi thỏa thuận vào năm 2025. Khi đó, Tehran có thể chỉ đơn giản là chạy nước rút làm ngay một quả bom hạt nhân sau khi rời khỏi hiệp ước. Điều này rất có khả năng khi thỏa thuận cho phép Iran được giữ 5.060 máy ly tâm hoạt động, với hơn 10.000 máy ly tâm bổ sung trong kho.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một văn bản về khôi phục lại các trừng phạt nhằm vào Iran sau khi tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA.

Một yếu điểm khác của thỏa thuận JCPOA, là nó không hề ngăn chặn Iran xây dựng một kho vũ khí tên lửa tầm cỡ thế giới. Như đã biết, năng lực hạt nhân phải đi kèm với việc phát triển tên lửa có thể mang một đầu đạn hạt nhân. 

Trong vài năm qua, Iran đã thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo và hành trình mới, mỗi tên lửa đều thể hiện những bước nhảy vọt trong sự tinh tế và chính xác của công nghệ. Iran có thể làm việc với Triều Tiên để một ngày nào đó triển khai các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tầm xa, có thể đưa vũ khí hạt nhân của Iran tới các mục tiêu ở châu Âu hoặc Mỹ. 

Theo giới phân tích, thay vì phải mất nhiều năm thử nghiệm và hoàn thiện, Iran có nguồn lực tài chính đủ mạnh để mua bất kỳ công nghệ nào mà chính quyền Bình Nhưỡng đã phát triển.

Trong tuyên bố thỏa thuận hạt nhân tháng 7-2015, ông Obama nói rằng IAEA sẽ “có quyền truy cập khi cần thiết” đến bất kỳ địa điểm ám muội nào tại Iran. Tuy nhiên, Iran đã ngăn cấm kiểm tra các vị trí quân sự của họ, mặc dù trước đây chúng đã được sử dụng cho các chương trình hạt nhân của quốc gia. Theo thỏa thuận, IAEA phải mất tới 24 ngày để được phép vào kiểm tra một địa điểm, cho phép Iran đủ thời gian chuẩn bị và di chuyển hoặc giấu đi các thiết bị hạt nhân mà họ không muốn bị tìm thấy.

Những dấu hỏi về những người tiền nhiệm

Sự hình thành và phát triển chương trình hạt nhân của Iran được cho rằng có liên quan tới một chiến dịch khó hiểu của CIA dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Năm 2000, ông Clinton đã ký thông qua một chiến dịch bán thiết kế vũ khí hạt nhân cho Iran gọi là Chiến dịch Merlin. Theo đó, một kỹ sư hạt nhân người Nga đào thoát sang Mỹ đã được CIA thuê để cung cấp các bản thiết kế vũ khí hạt nhân cho các đại diện Iran thuộc IAEA. Thông tin chắc chắn đã hỗ trợ Iran trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ.

Tiếp đó, năm 2010, chính quyền Obama đã phê duyệt một thỏa thuận cho Công ty hạt nhân Nga Rosatom mua lại phần lớn cổ phần của Công ty khai thác mỏ Uranium One của Canada, công ty này kiểm soát 20% năng lực khai thác uranium tại Mỹ. 

Thỏa thuận này đã gây tranh cãi ở nhiều cấp độ. Rosatom đã tham gia vào các chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran, và Mỹ đã có các thông tin tình báo về hoạt động hối lộ của Rosatom xung quanh thỏa thuận. 

Thỏa thuận đã được phê duyệt bởi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), bao gồm Bộ Ngoại giao, lúc bấy giờ do bà Hillary Clinton đứng đầu. Khi thỏa thuận được thông qua, ít nhất 31,3 triệu USD đã được trả cho Quỹ Clinton.

Sau khi Uranium One đã được Rosatom của Nga thâu tóm với sự chấp thuận của chính quyền Obama, uranium được khai thác tại Mỹ đã được xuất khẩu sang Canada và châu Âu, với điểm đến cuối cùng không được biết. 

Điều này vi phạm các điều khoản của thỏa thuận Uranium One và những hứa hẹn với Nghị viện Mỹ của Ủy ban điều tiết hạt nhân rằng nguyên liệu hạt nhân không thể xuất khẩu từ Mỹ. 

4 thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cảnh báo về thỏa thuận trong một lá thư chung năm 2010, nói rằng “Chúng tôi vẫn lo ngại Iran có thể nhận được nguồn cung uranium thông qua trực tiếp hoặc thứ cấp”.

Vĩnh Đông ( tổng hợp)
.
.