Đèo cả thông hầm, miền trung vươn tầm cao mới
- Hầm đường bộ Đèo Cả thu phí từ 3-9
- Thông xe hầm Đèo Cả, thời gian qua đèo chỉ còn 10 phút
- Dự án hầm đường bộ Đèo Cả với mức đầu tư hơn 10.000 tỷ sắp thông xe
Ai đã từng một lần đi qua đèo Cả đều cảm nhận được sự nguy hiểm luôn rình rập của đoạn đường này. Những dòng người xe cộ vào Nam, ra Bắc vẫn phải đi qua con đèo khúc khuỷu hiểm nguy như đánh cược số mạng của mình. Ðèo Cả có chiều dài khoảng 12km nhưng có đến 98 vòng cua, trong đó có 10 vòng cua nguy hiểm với một bên là vách núi thẳng đứng, một bên là biển sâu thăm thẳm.
Và sau bao năm chờ đợi, ngày vui cũng đã đến. Trước lễ Quốc khánh năm nay, đoạn đèo hiểm trở nhất nhì tuyến Bắc - Nam đã được thông hầm. Rồi đây, sẽ không còn những chuyến xe xuôi ngược Bắc - Nam phải leo trên con đường đèo khúc khuỷu. Và sẽ không còn cảnh ùn tắc cả chục cây số vào những ngày lễ lớn hay mỗi lần đường đèo bị sạt lở khi mùa mưa về.
Vùng đất lịch sử bi tráng
Con đèo Cả kể từ chân núi Đá Bia đến Đại Lãnh dài khoảng 12km được dựng đứng như bức tường thành ngăn cách, tiềm ẩn hiểm nguy trên tuyến huyết mạch Quốc lộ 1A từ bao đời nay. Do đèo hiểm trở, nhiều khúc cua tay áo, với nhiều đường cong bán kính nhỏ, một bên là vực sâu, một bên là dốc đá dựng đứng, nên các tài xế qua đây đều phải tập trung cao độ. Và hành khách qua đây phải cầu kinh niệm Phật, phó mặc mạng sống của mình cho rủi may.
Ngược dòng lịch sử, đèo Cả còn chính là nguyên nhân làm chậm việc mở rộng biên cương bờ cõi vào phía Nam. Vì địa hình hiểm trở, nên Vua Lê Thánh Tông đã lấy núi Đá Bia sừng sững như cột mốc làm ranh giới hai nước Việt – Chăm vào năm 1471. Suốt gần 200 năm, con đường Nam tiến của Đại Việt đã bị chặn lại bởi sự hiểm trở của đèo Cả.
![]() |
Mãi đến năm 1653, Vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm phạm đất Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc làm thống binh, xá xai Minh Võ làm tham mưu, lãnh 3.000 quân đi đánh. Vua Chiêm Thành thua trận xin hàng, chúa Nguyễn tiếp nhận vùng đất từ mũi Đá Bia đến sông Cái ở Phan Rang, đặt dinh mới là Thái Khang (nay là tỉnh Khánh Hòa). Và cũng từ đây, người dân Đại Việt mới biết thêm một danh lam thắng cảnh của trời Nam.
Theo những trang sử bi hùng của dân tộc, nơi đây từng là chiến trường ác liệt giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh, cũng từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh oai hùng chống giặc ngoại xâm.
Trong dòng người theo cuộc hành trình Nam tiến gian nan vất vả và nhiều nguy hiểm qua đèo. Có những người đã kiệt sức và mãi mãi nằm lại nơi đây. Có những nấm mồ chôn cất vội vã không đủ ấm lòng người nằm xuống. Rồi theo thời gian, mưa bão xói mòn lớp đất che phủ, có những mảnh xương cốt theo triền dốc trôi xuống các khe lũng dưới chân đèo.
Đèo Cả không chỉ có tiếng gươm đao máu chảy, tiếng khóc than của các oan hồn tha hương, mà còn là nguồn cảm hứng để nhiều tao nhân thi sĩ sáng tạo nên những vần thơ bất hủ với thời gian.
“Suốt miền Trung núi choài ra biển
Nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua”.
Phú Yên không còn là “thung lũng cô đơn”
Không biết từ bao giờ, Phú Yên đã được mệnh danh là xứ sở “phú quý và bình yên”, là nơi hội tụ đầy đủ “rừng vàng biển bạc” mà hiếm nơi nào có được. Tuy nhiên, suốt bao nhiêu năm qua, Phú Yên vẫn không thể vươn mình lớn mạnh như kỳ vọng, mặc dù người dân đã nỗ lực phấn đấu và lãnh đạo đã cố gắng rất nhiều.
Phú Yên có địa thế khép kín giống như một “thung lũng cô đơn”, với phía nam là dãy đèo Cả sừng sững chót vót, phía bắc là đèo Cù Mông trập trùng dốc thẳm đèo cao, phía tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía đông là biển sâu xanh thẳm. Chính vì bao đời nay bị “kìm kẹp” về giao thông nên Phú Yên gặp nhiều trở ngại khó khăn trong phát triển kinh tế địa phương. Các đời lãnh đạo tỉnh Phú Yên luôn trăn trở, từ trước đến nay việc phát triển kinh tế, thương mại, du lịch của Phú Yên bị hạn chế rất nhiều bởi hai con đèo.
Không chỉ chính quyền địa phương mà người dân Phú Yên ai cũng mong mỏi có một công trình hầm xuyên núi, để rút ngắn khoảng cách liên kết với các địa phương lân cận, để thúc đẩy kinh tế và để xóa đi nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông. Nhưng khát vọng ấy cứ mãi treo, bởi làm hầm xuyên đèo Cả cần nguồn kinh phí rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước có hạn và phải ưu tiên các công trình cấp bách cần thiết khác.
![]() |
Chính vì bị ngăn cách cô lập, nên tỉnh Phú Yên không thể hội tụ được những trợ lực bên ngoài; đồng thời đô thị Tuy Hòa cũng trở nên tách biệt với 2 trung tâm đô thị lớn của miền Trung sát sườn là Quy Nhơn và Nha Trang. Tuy Hòa giống như thành phố lẻ loi cô đơn tự vươn mình trong dòng chảy phát triển kinh tế của đất nước.
Nhưng bằng khát vọng, bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của những người con đất Phú Yên cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, 2 con đèo hiểm trở án ngữ hai đầu vùng đất “hoa vàng cỏ xanh” đã được tháo gỡ. Phú Yên không còn bị kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội như xưa nay nữa.
Với việc thông hầm đèo Cả trước ngày Quốc Khánh 2-9 và thông hầm đèo Cù Mông trong nay mai, tỉnh Phú Yên sẽ không còn bị hai trường thành này chia cách với bên ngoài, tất cả đã là dĩ vãng và sẽ chỉ còn trong sử sách. Chỉ vài năm nữa thôi, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ tạo thành thế chân kiềng, kết nối giao thương, mở rộng hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.
Có thể khẳng định, dự án không chỉ dừng lại ở mức tác động tích cực đến 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa. Mà hơn nữa, nó còn có ý nghĩa mang tầm khu vực quốc gia, nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa miền Trung, miền Bắc và miền Nam. Tạo sự kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, cửa ngõ của Tây Nguyên, đường Xuyên Á ra biển cũng như kết nối với đường hàng hải quốc tế.
Điều đáng tự hào nhất, dự án hầm đèo Cả là công trình hầm đường bộ quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước, bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam, hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ công nghệ thi công.
Phải công nhận rằng, cho dù đây đó còn những khuyết điểm, sai lầm trong quản lý kinh tế nhưng trên toàn cục chưa bao giờ đất nước ta phát triển như hôm nay. Thông hầm đèo Cả chính là điều thế hệ cha ông ước mơ cũng như khao khát. Và thế hệ hôm nay đã làm được, đã hoàn thành sứ mạng, đã biến khát vọng của cha ông thành hiện thực.
Rồi đây, miền Trung sẽ vươn lên một tầm cao mới trong phát triển kinh tế xã hội, sẽ hòa nhập cùng sự phát triển của đất nước và thế giới. Người dân có quyền hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.