Khoảng cách mong manh từ tích trữ đến đầu cơ

Thứ Hai, 09/11/2020, 07:46
Giới khoa học một số nước đã và đang nghiên cứu về nguyên nhân sâu xa dẫn đến hội chứng ám ảnh tích trữ. Đã có một số báo cáo điều tra cho thấy, số đông "bệnh nhân" vốn có xuất phát điểm từ những gia đình nghèo khó.


Sau khi trải qua những thời điểm khó khăn đầu đời, họ có suy nghĩ rằng, mình nên nhặt nhạnh từng thứ một theo kiểu "tích cốc phòng cơ" nhằm phòng trường hợp biến cố xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dần dần suy nghĩ này trở thành nỗi ám ảnh bám lấy họ và bộc phát vì những sự kiện như đại dịch COVID-19 xảy ra trong thời gian vừa qua.

Từ chuyện lo xa đến hành vi có chủ đích

Tại thời điểm COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, đã diễn ra không ít lần cảnh tượng người dân tranh nhau thu mua nhu yếu phẩm. Người ta tranh nhau, cãi nhau, thậm chí là đánh nhau chỉ để giành những thứ như đồ hộp hay giấy vệ sinh...

Tích trữ găm hàng là một cách để những kẻ xấu lợi dụng nỗi sợ kiếm lời.

Thật may mắn là phần lớn mọi người nhanh chóng nhận ra sự  hấp tấp đầy nông nổi và có hại trong hành động của mình, từ đó dẫn đến thái độ mua sắm bình tĩnh hơn, đúng đắn hơn. Thế nhưng, vẫn có một bộ phận làm ngơ lý trí và đạo đức vì mục đích lợi nhuận cá nhân.

Một động thái gần đây của Quốc hội Peru đã khiến nhiều nhà quan sát cảm thấy rất ngạc nhiên khi đưa hành vi mua gom hàng hóa nhu yếu phẩm lên mức tội phạm hình sự. Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi của Peru, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành động mua gom, đầu cơ những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đối với mạng sống và sức khoẻ của người dân sẽ bị xử lý hình sự.

Mức xử lý cao nhất mà một cá nhân có thể nhận được là 6 năm tù giam và bị phạt 100.000 PEN, trong khi đó thu nhập trung bình ở Peru chỉ là 90.500 PEN/ năm. Những nhà sản xuất, nhà cung cấp tự ý nâng giá hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cũng sẽ bị phạt hay đưa ra trước toà. Tại một quốc gia từ lâu có nền kinh tế thị trường rất tự do, việc sửa đổi luật hình sự theo hướng nói trên quả là kỳ lạ với Peru.

Nhưng khi nhìn vào lịch sử, người ta có thể thấy rằng, luôn luôn xuất hiện các đối tượng vì lợi nhuận mà làm việc mua gom, đầu cơ, nâng giá hàng hoá thiết yếu. Tuy họ làm việc một mình hay trong các nhóm nhỏ, nhưng hậu quả mà những đối tượng đầu cơ này gây ra là không nhỏ. 

Ví dụ như lần đầu tiên thuốc AZT được bán cho công chúng Mỹ. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, cuối cùng người bệnh HIV-AIDS đã được tiếp cận một loại thuốc có thể cứu sống họ. Nhưng tại nhiều nơi đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trong khi không có người bệnh nào tại địa phương dù có rất nhiều tiền vẫn rất khó mua được AZT cả. FBI đã phải mở cuộc điều tra và phát hiện ra có một số đối tượng đã gây ra khan hiếm thuốc bằng cách mua gom. Họ câu kết với bác sỹ để có được hàng trăm đơn thuốc dành cho những bệnh nhân giả, rồi cầm đơn thuốc đi mua AZT.

Người bệnh HIV-AIDS không còn sự lựa chọn nào khác đành phải chịu mức giá AZT chợ đen cắt cổ. Tuy những kẻ chịu trách nhiệm đã bị đưa ra trước pháp luật, nhưng không rõ có bao nhiêu người bệnh HIV-AIDS đã mất cơ hội sống vì thiếu thuốc.

Matt Colvin bên cạnh hàng chục thùng nước rửa tay sẽ được đóng góp từ thiện.

Vụ đầu cơ AZT nói trên có điểm tương đồng với những gì xảy ra hồi đầu năm nay. Ở nhiều nước đã xảy ra hiện tượng khan hiếm từ thuốc men, đồ bảo hộ y tế đến thức ăn và các nhu yếu phẩm khác trong khi người dân và bệnh viện không hề tìm mua được những vật phẩm này. Hầu hết chính quyền tập trung vào những nguyên nhân như Trung Quốc giảm lượng xuất khẩu hay mạng lưới trung chuyển toàn cầu tê liệt mà không chú ý đến một nguyên nhân là do đầu cơ.

Đến khoảng trung tuần tháng 4 vừa rồi, nhiều chính phủ mới nhận ra sai lầm của cách tiếp cận này. Trong khi những quốc gia như Trung Quốc và Peru đã đưa việc mua gom hàng hóa, thuốc men thành hành vi cấu thành tội phạm vẫn kiểm soát được thị trường, thế nhưng giá cả  đã tăng vọt ở nhiều nước khác. Người dân, đặc biệt là tầng lớp lao động nghèo, lại thêm gánh nặng trên vai, lại tạo điều kiện để COVID-19 lan rộng và trở thành kẻ giết người nguy hiểm chưa từng có.

Lằn ranh mỏng manh

Vậy có sự khác biệt nào giữa những người bình thường đi mua tích trữ với những bệnh nhân mắc hội chứng tích trữ và những kẻ đầu cơ? Thật đáng tiếc, khoảng cách giữa tất cả những đối tượng này không lớn. Nỗi sợ khiến một người bình thường đi gom hàng hoàn toàn có thể trở thành sự ám ảnh đảo ngược cuộc sống của họ, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân từng trải qua tình trạng thiếu đói, thiếu nước sạch, hay mắc bệnh. Hội chứng tích trữ giống như là một biện pháp "phòng vệ tâm lý" đối với họ. Kể cả khi thảm hoạ đã qua đi, nỗi sợ của những người này vẫn ở lại và bằng cách mua và thu gom mọi thứ "trên trời dưới biển" về nhà, họ có thể tạm quên đi vết thương tâm lý.

Mặt khác, một số kẻ đầu cơ lúc đầu hoàn toàn không có động cơ lợi nhuận. Có thể vì lý do nào đó mà họ buộc phải bán những thứ mà mình tích trữ được, bước đầu đi vào con đường của kẻ đạp trên lợi ích chung của mọi người. Một trường hợp may mắn tránh được kết cục đấy là Matt Colvin. Matt và em trai Noah Colvin sống tại ngoại ô thành phố Chattanooga, bang Tennessee, Mỹ.

Vào ngày 1-3, một ngày sau cái chết đầu tiên do COVID-19 tại Mỹ, hai anh em lái chiếc xe tải đi khắp Tennesse và sang cả bang Kentucky bên cạnh. Gặp cửa hàng tiện lợi nào họ cũng mua từng thùng nước rửa tay và một số hoá chất vệ sinh khác. Sau ba ngày, anh em Matt- Noah đã chất đầy thùng xe tải của họ. Hai người chỉ là một ví dụ trong hàng chục nghìn trường hợp tương tự diễn ra trên khắp nước Mỹ. Và cuối cùng, chưa đến một tuần đầu tháng 3- 2020 mà giá hàng hóa nhu yếu phẩm tại mọi siêu thị đã trống rỗng vì người tiêu dùng đổ xô đi mua đồ tích trữ.

Những người mắc hội chứng tích trữ thường không làm chủ hành vi của mình, dẫn đến cãi nhau hay đánh lộn.

Vì đại dịch mà hai anh em nhà Colvin đều mất việc, gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Họ đành phải đem bán những thứ mình đã tích trữ được. Ngày đầu tiên họ bán trên Amazon được 300 chai nước rửa tay với giá $100/chai, cao gấp 15 lần số tiền mà họ bỏ ra. Vậy là hai anh em trở thành những người đầu cơ để nuôi sống gia đình. Tuy kiếm được không ít tiền, nhưng khi gia đình, hàng xóm khi biết được hành động của anh em Matt - Noah, họ đã lên tiếng chê bai, chỉ trích họ vì hành động thiếu tôn trọng đến lợi ích người khác.

Thậm chí ngay cả mẹ hai người cũng gây áp lực lên con trai. Cuối cùng, Matt đã hiểu chuyện và đem đi quyên góp tất cả số nước rửa tay và hoá chất vệ sinh. Ngược lại Noah giữ chặt lấy phần hàng của mình và tiếp tục bán chúng với cái giá cắt cổ. Ngay cả khi Tập đoàn Amazon cấm hoạt động đầu cơ trên trang web của mình, Noah vẫn tìm cách bán hàng trên mạng sử dụng đồng tiền ảo. Hiện nay, Noah đang chờ ngày ra toà vì vị phạm điều luật mới về chống tích trữ, nâng giá hàng hoá mới được Tổng thống Donald Trump ký vào tháng 4 vừa qua.

Việc nhà nước thay đổi luật pháp luôn là nguy cơ đối với những kẻ đầu cơ. Chỉ với một chữ ký thôi mà họ từ người lương thiện trở thành kẻ phạm tội. Chính vì vậy mà họ luôn tìm cách tích trữ và bán hàng hoá trong vòng một tháng đầu tiên kể từ khi thảm hoạ xảy ra. Ngoài ra kể cả trong trường hợp chính quyền chậm có phản ứng bình ổn thị trường, nhu cầu trong dân về những mặt hàng được đầu cơ thường sẽ nhanh chóng bình thường trở lại. Gia đình và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc gây áp lực lên đối tượng đầu cơ, mà còn trong việc ngăn cản "cơn sốt" găm hàng diễn ra.

Mua tích trữ thái quá không phải là một hành vi có lợi cho cá nhân và xã hội, kể cả khi nó được thúc đẩy bởi vấn đề tâm lý hay mục tiêu lợi nhuận đi nữa. Với những người mắc phải hội chứng tích trữ, hãy giúp họ được các bác sỹ tâm lý chuyên nghiệp chữa trị. Với những đối tượng mua găm, tích trữ hàng thì phải đưa ra trước pháp luật để trừng trị. Các thảm hoạ thiên nhiên dữ dội hơn cả những gì đã diễn ra vào năm 2020 sẽ còn xảy ra trong tương lai. Đã đến lúc  cả thế giới  phải nghiêm túc nghĩ đến việc bảo vệ mình trên cả phương diện này.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.