Tấn công dầu mỏ - âm mưu mới gây mâu thuẫn ở Trung Đông
Vụ hoả hoạn ngày thứ bảy
Bộ Nội vụ Arab Saudi cho hay, 2 nhà máy của Tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco ở thành phố Abqaiq và Khuraos (nơi chiếm 5% sản lượng dầu mỗi ngày trên toàn cầu) đã bị máy bay không người lái tấn công và gây hoả hoạn. Mặc dù các vụ hoả hoạn đã được kiểm soát nhưng không rõ khi nào thì hai nhà máy này sẽ hoạt động trở lại.
Theo thông tin từ hãng CNN, chi tiết về vụ hoả hoạn không được giới chức Arab Saudi cung cấp nhiều. Chỉ biết rằng, sau hoả hoạn, hoạt động sản xuất tại 2 nhà máy ở Abqaiq và Khuraos phải tạm ngừng, khiến sản lượng dầu mỏ của Aramco giảm 50% (tức là giảm 5,7 triệu thùng/ngày). Giám đốc điều hành Aramco Amin Nasser cho biết, công ty đang tiến hành khôi phục sản xuất và những tiến triển sẽ được cập nhật vào ngày 17-9.
Trong khi đó, giới phân tích đã tỏ ý nghi ngờ về thông tin mà kênh truyền hình Al Arabiya đăng tải rằng hoạt động xuất khẩu dầu của Arab Saudi vẫn tiếp tục như bình thường. Bởi lẽ, theo họ, Aramco là công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới với sản lượng mỗi ngày là 10,3 triệu thùng dầu thô với chi phí thấp nhất thế giới, ở mức 2,8 USD/thùng. Đó là chưa kể 1,1 triệu thùng chất lỏng khí tự nhiên mà công ty này sản xuất hàng ngày. Khách hàng của Aramco bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Vì thế, việc giảm 50% sản lượng dầu hằng ngày là một cản trở lớn đối với nền kinh tế Arab Saudi.
Một số tờ báo khác dẫn lời của Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho hay, Arab Saudi đã xây dựng 5 cơ sở ngầm dự trữ dầu khổng lồ tại nhiều khu vực khác nhau của đất nước. Các cơ sở này có sức chứa hàng chục triệu thùng dầu thành phẩm các loại để sử dụng trong trường hợp khủng hoảng. Và trong tình hình hiện nay, Arab Saudi sẽ sử dụng kho dầu dự trữ để bù đắp cho hoạt động sản xuất vốn bị gián đoạn tại 2 nhà máy của Aramco.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học vẫn cho rằng, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ khó mà ổn định được trong bối cảnh hiện nay. Tờ Australia Financial Review nhận định: "Trong phiên giao dịch ngày 13-9, giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức 60,22 USD/thùng. Các nhà đầu tư sẽ không còn có thể coi thường sự bất ổn ở Vịnh Ba Tư như họ đã làm hồi tháng 5, khi máy bay không người lái tấn công các trạm bơm dầu ở Arab Saudi và tàu chở dầu bị phá hoại ở ngoài khơi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE.
Cuộc tấn công vào các nhà máy của Aramco khiến giá dầu tăng lên trong phiên giao dịch ngày 16-9". Đồng thời, tờ Australia Financial Review còn dẫn lời dự đoán của Kate Samranvedhya, Phó Giám đốc đầu tư của Jamieson Coote Bonds có trụ sở tại Singapore rằng, giá dầu thô trên thế giới có thể "phi mã".
"Giá dầu cao hơn sẽ cắt giảm lợi nhuận của mọi khu vực trong nền kinh tế: ít tiền hơn trong túi của người tiêu dùng, lợi nhuận ít hơn ở cấp độ công ty", bà Kate Samranvedhya nói và lưu ý rằng điều này sẽ khôi phục áp lực tăng trưởng toàn cầu và rất có thể các cổ phiếu đã tăng cường sự lạc quan do Mỹ và Trung Quốc đồng ý quay trở lại đàm phán thương mại vào tháng 10, Hong Kong hủy bỏ dự luật dẫn độ sau nhiều tháng bạo loạn...
"Nó cũng có thể có nghĩa là sẽ có sự phục hồi tăng trưởng của các nước xuất khẩu dầu mỏ như Mexico và Venezuela", bà Kate Samranvedhya nói thêm.
Khói bốc lên từ khu vực nhà máy của Aramco tại Abqaiq. |
Lời cáo buộc của Mỹ
Nhiều nước Arab vùng Vịnh, Ai Cập và Anh đã lên án vụ tấn công. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình và thông báo thị trường dầu toàn cầu vẫn đảm bảo nguồn cung đủ. Riêng Mỹ thì cáo buộc Iran tấn công cơ sở dầu khí của Arab Saudi bất chấp việc nhóm vũ trang Houthi ở Yemen đã nhận thực hiện vụ tấn công. Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Mike Pompeo cho rằng, Iran đứng đằng sau gần 100 vụ tấn công tại Arab Saudi và nước này đang đi theo con đường ngoại giao sai lầm.
"Giữa lúc tất cả các nước kêu gọi giảm căng thẳng thì Iran phát động một cuộc tấn công không thể chấp nhận được vào nguồn cung năng lượng của thế giới. Không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công xuất phát từ Yemen. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia hãy lên án một cách công khai và rõ ràng trước các vụ tấn công trên", ông Mike Pompeo nói và thông báo Mỹ cam kết bình ổn thị trường dầu mỏ.
Bộ Năng lượng Mỹ thậm chí còn tuyên bố, chính quyền nước này có thể tung "nguồn vàng đen" từ nguồn dự trữ chiến lược nếu cần thiết. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-9 cũng đã điện đàm với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đề nghị hỗ trợ nước này phòng thủ…
Đáp trả tuyên bố từ phía Mỹ, kênh truyền hình vệ tinh Al-Masirah của Houthi đưa tin, lực lượng vũ trang này đã mở một chiến dịch quy mô lớn gồm 10 máy bay không người lái nhằm vào 2 nhà máy sản xuất dầu nói trên.
Hình ảnh và các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy các đám cháy lớn diễn ra ở Khuraos, cách biên giới với Yemen hơn 500km. Đại diện Houthi còn thừa nhận lực lượng này đã thực hiện một vụ tấn công vào cơ sở hoá dầu của Aramco tại Shaybah, gần biên giới với UAE hồi tháng trước và tấn công hai trạm bơm dầu của đường ống dẫn dầu quan trọng tại Arab Saudi… .
Kêu gọi Arab Saudi chấm dứt tấn công nhằm vào Houthi ở Yemen, lực lượng này còn cảnh báo rằng, các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng và quân sự tại Arab Saudi sẽ còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Trên thực tế, phải thừa nhận rằng, trong 2 năm qua, lực lượng Houthi đã sử dụng hàng chục máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo tầm ngắn chống lại Arab Saudi. Một số đã bị chặn bởi hệ thống phòng thủ trên không của Arab Saudi, số khác bị rơi và không hoàn thành được nhiệm vụ.
Hãng Reuters cho hay, thông thường, các máy bay không người lái của Houthi phần lớn dựa trên mô hình của Iran và có tầm bắn là 300km. Nhưng, một hội đồng chuyên gia của Liên Hợp Quốc hồi tháng 1 đã báo cáo về việc Houthi có thể triển khai máy bay không người lái tầm xa "cho phép tấn công các mục tiêu sâu bên trong Arab Saudi và UAE".
Phạm vi hoạt động tối đa của hệ thống này (được đặt tên là UAV-X), từ 1.200- 1.500km), tùy thuộc vào điều kiện gió. Khoảng cách từ các căn cứ của Houthi ở Yemen tới Abqaia là 1.300 km. James Rogers, chuyên gia về an ninh tại Đại học Yale bình luận: "Liên hợp quốc đã nghiên cứu về máy bay không người lái của Houthi. Điều này có nghĩa rằng các lực lượng Houthi có thể nhắm mục tiêu ở Saudi Arabia từ Yemen.
Đó là một kỳ tích công nghệ ấn tượng nhưng cũng là điều đáng lo ngại", James Rogers nói: "Các cuộc tấn công chính xác tầm xa không dễ đạt được và gây ra các vụ hỏa hoạn đáng kể ở Abqaiq và Khuraos cho thấy các máy bay không người lái này có năng suất nổ lớn".
Một điểm đáng chú ý nữa là kể từ năm 2014, Houthi và Arab Saudi luôn đối đầu nhau. Nguyên nhân là, theo đề nghị của chính quyền Yemen, Saudi Arabia đã thành lập và lãnh đạo liên minh quân sự Arab chống lại lực lượng vũ trang Houthi, hỗ trợ chính phủ lưu vong được cộng đồng quốc tế công nhận của Tổng thống Yemen Mansour Hadi.
Cuộc chiến ở Yemen đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, đẩy đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới, với 24,1 triệu người (tức hơn 2/3 dân số nước này) đang cần được viện trợ khẩn cấp.
Ảnh từ vệ tinh cho thấy cột khói bốc lên từ nhà máy của Aramco tại Abqaiq. |
Và thách thức từ Iran
Giữa lúc giới chức Mỹ đang nhắm vào Iran trong vụ việc cháy nhà máy sản xuất dầu ở Arab Saudi thì nhà phân tích an ninh quốc gia của hãng CNN Peter Bergen tối 14-9 đã đưa ra giả thuyết mới: "Nhiều dấu hiệu sơ bộ cho thấy, máy bay không người lái không có nguồn gốc từ Yemen mà nhiều khả năng đến từ Iraq".
Một nguồn tin thứ hai ở vùng Vịnh nói với CNN rằng, trong khi chưa có bằng chứng nào được đưa ra, thì dấu hiệu cho thấy vụ tấn công bắt nguồn từ miền Nam Iraq là rõ ràng hơn cả.
"Dân quân thân Iran đang cố thủ tốt ở miền nam Iraq và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cũng đang có mặt ở đó. Đầu năm nay, một số nhà phân tích khu vực đã đánh giá rằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào trạm bơm tại Afif ở miền bắc Arab Saudi có nguồn gốc từ Iraq. Nhưng không có bằng chứng cụ thể được đưa ra", CNN dẫn một nguồn tin.
Hôm 15-9, chính phủ Iraq đã ra tuyên bố bác bỏ các báo cáo về việc vùng đất của họ đang được sử dụng để tấn công các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi. Nhưng trong khi chưa xác định được chính xác lực lượng nào đứng đằng sau vụ tấn công ở Arab Saudi, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố Israel sẵn sàng tấn công các quốc gia và lực lượng thân Iran ở bất cứ nơi nào bị coi là mối đe dọa, kể cả ở Iraq.
Rõ ràng, Mỹ và các đồng minh đang ngày càng muốn đổ hết mọi chuyện xảy ra ở Trung Đông cho Iran để gây thêm áp lực với quốc gia Hồi giáo này. Cáo buộc mới nhất mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra cũng báo hiệu một lập trường cứng rắn hơn của Washington đối với Tehran. Ở chiều ngược lại, Iran cũng không chịu để yên cho Mỹ "bắt nạt". Hãng Sputnik của Nga ngày 15-9 đưa tin, Bộ Ngoại giao Iran đã miêu tả tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ là dối trá.
"Chính sách gây sức ép tối đa mà Mỹ theo đuổi đã đi đến giới hạn rõ ràng do sự thất bại của nó", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Mousavi nói. Đồng thời, người đứng đầu Lực lượng Không quân thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, Amirali Hajizadeh cũng cảnh báo, tất cả các căn cứ và tàu sân bay của Mỹ trong khu vực có bán kính 2.000km từ Iran đều nằm trong tầm bắn của tên lửa.
"Iran luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện", ông Amirali Hajizadeh nói. Trước bối cảnh đó, trong một thông cáo đưa ra tối 15-9, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen Martin Griffiths cho rằng, sự leo thang căng thẳng mới nhất này là cực kỳ đáng lo ngại, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh những bước đi có thể gây nguy hại đến tiến trình đàm phán mà Liên hợp quốc đang thúc đẩy và ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh của khu vực Trung Đông.