Tìm truyền nhân cho gốm

Thứ Năm, 06/02/2020, 09:10
Mùa xuân chúng tôi tìm về những làng gốm. Dẫu biết người nghệ nhân phải gồng mình mưu sinh, nhiều cơ sở thu hẹp sản xuất, song vẫn còn nhiều điều đáng mừng là ở mỗi ngôi làng đều có những nghệ nhân tâm huyết, quyết tâm gìn giữ tinh hoa nghề cổ, tìm truyền nhân.


Giữ tiếng thơm

Nhắc đến làng gốm Bát Tràng là nhắc đến sự sôi động bậc nhất trong số các làng gốm cổ. Nơi đây số lượng nghệ nhân được công nhận cũng nhiều nhất cả nước, với hơn 30 người được công nhận ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. 

Nhiều nghệ nhân nổi tiếng như Phạm Thế Anh, Nguyễn Thắng, Trần Độ, Phạm Anh Đạo… và nhiều nghệ nhân vẫn đang thổi hồn vào các sản phẩm, tạo nên nét đẹp của hồn gốm. Nhiều người nhìn vào các sản phẩm, đã thốt lên: Chỉ những đôi bàn tay tài hoa mới có thể nhìn ra hồn đất và thổi tình yêu của mình vào để cho ra đời những sản phẩm tinh xảo.

Giới làm gốm Bát Tràng rất nể nghệ nhân Phạm Thế Anh - người không chỉ gìn giữ tinh hoa gốm, mà còn sáng tạo và giữ bản quyền gốm đất “Hồng sa” ở tuổi còn khá trẻ. Thế Anh sinh sống ở ven sông Hồng và là một trong những học trò xuất sắc của các lão nghệ nhân trong làng và bố mình. Anh luôn trăn trở với quê và phát triển làng nghề. 

Khi chất liệu gốm đi vào lối mòn, anh ao ước mình có thể tìm ra chất liệu mới và phải thật sự dễ tìm, gắn với châu thổ sông Hồng càng tốt. Và thế là anh đã lấy phù sa sông Hồng về nhào nặn để thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm diễn ra trong nhiều tháng, bởi sau khi sản phẩm được đưa vào lò nung thì bị nứt toác. Lại nghiên cứu cách pha đất, điều chỉnh nhiệt độ. 

Trời không phụ lòng người. Đầu năm 2019, Thế Anh đã sáng tạo thành công chất liệu mới và bảo vệ thành công sáng chế của mình: luyện đất từ phù sa sông Hồng để làm gốm. Nghệ nhân Phạm Thế Anh tâm sự: “Đất phù sa khi luyện đủ chất và nung ở nhiệt độ vừa đủ, sẽ ánh liên vẻ đẹp riêng. Tôi đặt tên dòng gốm này là Hồng sa”.

Nghệ nhân Trần Văn Hải, làng gốm Hương Canh.

Cũng hết lòng với gốm, nghệ nhân Trần Độ có một lối đi riêng. Ông đã dành thời gian tìm tòi phục chế những hình khối, màu men cổ. Đến nay, trong gia tài Trần Độ đã có được 72 bài men cổ. Riêng dòng men ngọc, ông có tới 12 công thức, tạo ra 12 biến tấu của loại men này. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen... 

Men nâu là mầu nâu trầm rất lạ chưa thấy có ở Bát Tràng. Nghệ nhân Trần Độ đã tái phục chế nhiều sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê. “Mỗi nghệ nhân chúng tôi đều mong mỏi có những học trò giỏi, tiếp nhận được tinh hoa của nghề truyền thống cha ông. Mỗi nghệ nhân gốm đều có bí kíp riêng và thực tế, đều có những học trò giỏi”.

Xuôi xuống tỉnh Hải Dương, đến làng Cậy (xã Long Xuyên, Bình Giang), gặp nghệ nhân Vũ Xuân Năm, tôi càng hiểu thêm dòng gốm vẫn có người tâm huyết. Ông Năm là một trong hai người ở làng có bằng nghệ nhân ưu tú, và còn đốt lò thủ công. So với thời hoàng kim, sản phẩm truyền thống gốm làng Cậy giờ chỉ 1%. 

Theo tìm hiểu, trong bản đồ gốm Việt Nam, từ lâu gốm Cậy được xếp ngang cùng những làng nổi danh như Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Phù Lãng... với một lịch sử lâu đời và những nét đặc trưng. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề gốm của làng đã xuất hiện cách nay gần 500 năm. Bước vào thời kỳ đổi mới, khi cả nước được “cởi trói” thì gốm Cậy lại bước vào thời kỳ suy thoái.

Nghệ nhân Vũ Xuân Năm tâm sự: “Trải qua mấy trăm năm, thời hưng thịnh của gốm Cậy có thể sánh ngang những làng gốm nổi tiếng như Phù Lãng, Bát Tràng, Chu Đậu… Khi ấy, cả làng Cậy theo nghề, trẻ em sinh ra, lên tuổi đã tham gia những công việc đơn giản của nghề gốm. Tuy nhiên, từ 30 năm nay chỉ còn vài hộ đốt lò. Việc tìm người nối nghề, nối nghiệp khó lắm thay, bởi giới trẻ không còn tha thiết với nghề này nữa”.

Việc giữ gìn tinh hoa nghề, tiếng thơm của làng là trách nhiệm của những người được ăn lộc tổ tiên. Biết rõ điều ấy, nhưng nhiều người không thể cưỡng lại sự thay đổi khắc nghiệt của thời gian. “Giờ nhiều người ở làng đi làm dòng gốm trang trí, thờ cúng, nói chung là đồ công nghiệp chứ không phải là tinh hoa của gốm Cậy. Nhưng biết đâu, tôi cứ cần mẫn, lại có những học trò giỏi, giàu tâm huyết”, ông Năm lạc quan.

Tin ở ngày mai

Những trăn trở, chia sẻ của nghệ nhân Vũ Xuân Năm cũng là tâm tư của nhiều nghệ nhân làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang), và làng gốm Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)… Bởi xét về truyền thống, làng gốm Thổ Hà và Hương Canh cũng có bề dày văn hóa hàng trăm năm. Nhưng trước sự thay đổi nhu cầu, sản phẩm của làng nghề thiếu “đất sống”, sản phẩm làm ra không bán được nên những người thợ lành nghề cũng chuyển sang làm nghề khác. 

Tâm sự với các nghệ nhân, chia sẻ với người làm nghề mới thấy nỗi nhọc nhằn của công việc, càng thương các nghệ nhân có óc sáng tạo, đôi bàn tay tài hoa. Họ vẫn sống với nỗi trăn trở, xót xa, người gầy gò, lúc nào cũng ám khói bụi, nhưng tình yêu dành cho gốm chưa bao giờ vơi cạn.

Làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang) ở thời hưng thịnh, từng sánh vai với các làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng. Nhưng vòng xoáy của cơn lốc thị trường khiến cho hàng chục lò "tắt lửa". Đến năm 2006, "người hùng" Trịnh Đắc Tân đứng lên với quyết tâm vực dậy nghề với niềm tin một ngày nào đó sẽ có nhiều người quan tâm hơn đến gốm Thổ Hà. 

Qua bao nhiêu cố gắng, ông Tân dạy nghề cho một số thợ, con gái và con rể. Ông còn muốn lửa tiếp tục cháy trong nhiều lò để gốm làng Thổ Hà lại nức tiếng như xưa. Giờ đây, kế nghiệp ông là người vợ và người con rể nhận lấy trách nhiệm giữ lửa cho gốm Thổ Hà.

Vẻ đẹp gốm Bát Tràng.

Đến làng gốm Hương Canh, thị trấn Hương Canh (Vĩnh Phúc), một trong những người nghệ nhân khiến giới trong nghề nể là ông Trần Văn Hải, ở xóm Lò Xang. Ông Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề gốm, ngay từ khi 4 tuổi, đã được làm quen với những miếng đất sét. 

Năm 1972, ông Hải vào làm ở Hợp tác xã (HTX) gốm Hương Canh. Vừa làm vừa học hỏi và chắt chiu kinh nghiệm của những người đi trước. “Lúc ấy, thị trấn Hương Canh nổi tiếng với nghề làm chum, vại, nồi niêu, ấm chén có độ bền cao, mang nét đặc trưng nên được ưa chuộng và có mặt rộng rãi khắp cả nước”, ông Hải bộc bạch.

Vốn được thừa kế kỹ thuật làm gốm từ người cha, cùng với sự chịu khó mày mò, tay nghề của ông nhanh chóng được nâng cao. Năm 1987, do sự cạnh tranh gay gắt của đồ nhựa và đồ kim loại, khiến gốm Hương Canh khó tiêu thụ, HTX gốm Hương Canh giải thể. Đó là “tình trạng chung” và là một nỗi tiếc nuối với những người yêu nghề. 

Song với quyết tâm gắn bó với nghề, ông Hải vay mượn tiền của bạn bè và gia đình mở xưởng sản xuất tại gia đình. Đầu ra khó khăn, nhưng với kinh nghiệm và quyết tâm khắc phục khó khăn, đến nay, sản phẩm của gia đình ông Hải được thị trường đánh giá là có chất lượng và sang trọng. Nhiều sinh viên mỹ thuật, nhà nghiên cứu đã tìm về gặp để học hỏi, nghiên cứu.

Tính đến nay, vợ chồng ông Hải đã có hơn 50 năm làm nghề, trong nhà, ngoài sân, chỗ nào cũng chất gốm, củi và góc vườn là khu lò đất nung to tướng. Ông bảo, gốm Hương Canh có độ bền cao, chịu được nhiệt độ và thời tiết khắc nghiệt, cũng bởi được làm từ đất sét xanh. 

Màu sắc của gốm Hương Canh ánh lên màu sành, chạm vào phát ra tiếng kêu lanh canh như kim loại. Ông Hải cho biết: “Tôi yêu nghề truyền thống nên gắn bó đến nay. Hiện tại, đầu ra sản phẩm cũng bắt đầu ổn định. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, tôi không ngừng đổi mới mẫu mã, nâng cao tay nghề”.

Ở Hương Canh còn rất nhiều người lĩnh hội được nghề từ cha ông, những tiền bối đi trước và vẫn đang tích cực tìm những người trẻ say nghề để truyền nghề. Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang là một người như thế. Hỏi chuyện, nhiều người ở đây tấm tắc khen: “Hồng Quang là người đã làm sống lại một làng nghề truyền thống bằng các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Anh có công đem lại sức sống mới cho sản phẩm gốm Hương Canh”.

Cũng như những nghệ nhân gốm giàu tâm huyết khác, Nguyễn Hồng Quang luôn muốn giữ tinh hoa của nghề đã từng phát triển cách đây hơn 300 năm. “Bây giờ, để phát triển được thì cần phải độc đáo. Khoác cho gốm một tấm áo mới, nhưng vẫn là hồn cốt của truyền thống làng. Trong cơ chế thị trường, không độc đáo, không đổi mới thì không được tin dùng. 

Theo anh Quang, cái khó nhất của người làm gốm mỹ thuật là nhìn ra nét đẹp riêng của gốm và tìm cách sáng tạo ra được nét đẹp đó. Để có một tác phẩm nghệ thuật gốm làm mỹ thuật đòi hỏi người thợ phải hết sức kiên trì bởi nó trải qua những công đoạn rất cầu kỳ và hoàn toàn bằng thủ công”.

Tôi hỏi nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang, anh có tin những giá trị của gốm sẽ được lưu truyền? Anh bảo, làm nghề và yêu nghề, nếu không tin ở ngày mai thì không làm được, không giữ được sự kiên trì. Cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng những giá trị thiết thực với đời sống thì không. Bằng tâm huyết, tình yêu gốm của những nghệ nhân giàu tâm huyết, tin rằng gốm và những sản phẩm tinh hoa sẽ vẫn có cách găm lại. Vẻ đẹp của gốm, cùng những mùa đẹp, làm cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. 

Nguyễn Văn Học
.
.