Vài dự đoán về diện mạo thế giới năm 2030
Andrew Yang: Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân Chủ
Tự động hóa là thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Từ nay đến năm 2030, tất cả chúng ta sẽ cảm nhận được những tác động mạnh mẽ của nó đối với nền kinh tế và với đời sống xã hội.
Công nghệ có thể cải thiện cuộc sống. Nhưng công nghệ cũng cắt giảm nhu cầu về nhân lực. Đấy là một mối đe dọa thực sự cho một thế giới mà 78% trong đó là những người làm công ăn lương, hầu hết các vị trí làm việc mới là các hợp đồng ngắn hạn, những sinh viên mới tốt nghiệp giờ đây đang chìm đắm trong đống nợ đã vay khi đi học, nguyên nhân xuất phát từ tình trạng thiếu việc.
Tỷ lệ các trẻ em bị trầm cảm và cô đơn đang cao ở mức kỷ lục, thủ phạm chủ yếu là những chiếc điện thoại thông minh và mạng truyền thông xã hội. Không nhận ra những thách thức này và tìm cách vượt qua nó, chúng ta sẽ trở thành những tù nhân và là kẻ phải van nài để có được sự ban ơn của các tập đoàn công nghệ.
Giờ đây cần phải có một cách nhìn nhận khác đi về công việc, về những guồng máy sản xuất, các công ty cần phải đặt phẩm giá của con người cao hơn lợi nhuận và xã hội phải tạo ra một nền kinh tế hoạt động để phục vụ con người chứ không phải là điều ngược lại. Nếu chúng ta không cương quyết hành động từ bây giờ, tôi thực sự lo ngại với những gì sẽ xảy đến.
![]() |
Một trung tâm dữ liệu của Facebook ở Mỹ. Mỗi năm, các trung tâm dữ liệu tiêu tốn lượng điện năng đủ cho một quốc gia trung bình như Iran. Vì thế, các trung tâm này đang đối mặt với một bài toán lớn: có được một mô hình tối ưu để cắt giảm điện năng tiêu thụ. |
Alexandra Scaggs- Chuyên gia tài chính
Trừ khi các ngân hàng trung ương quyết định giữ lãi suất cho vay thấp vô thời hạn, nếu không thì đến năm 2030, quả bong bóng nợ của các công ty với trị giá khoảng 12 nghìn tỷ đô la sẽ nổ tung và phá vỡ nền kinh tế.
Tại thời điểm đó, mọi thứ sẽ trở nên kỳ lạ: cá nhân từng người Mỹ sẽ phải hoạt động như là một doanh nghiệp để tìm kiếm công việc, những việc làm theo hợp đồng “thời vụ” ký với một số tập đoàn còn sống sót hoặc tự rao bán sức lao động trực tuyến.
Những người có tầm vóc ảnh hưởng lớn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, hàng triệu đô la nhờ vào thương hiệu cá nhân, nhưng hầu hết người lao động sẽ sống vất vưởng nhờ vào sự tùy hứng của các công ty “vòi bạch tuộc” kiểu như Grab hay Uber, những công ty kinh doanh theo hướng công nghệ.
Sẽ xuất hiện loại hình đầu bếp và những người rửa bát trực tuyến. Các blogger và nhà văn sẽ xoay xở để tồn tại bằng cách kiếm tìm người đọc đăng ký trả tiền cho mỗi lượt xem thông qua các nền tảng do Facebook sở hữu.
Một ý tưởng tổ chức ra một hiệp hội, chẳng hạn như Hiệp hội Những người bán hàng rong cũng sẽ thất bại một khi Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng họ đang vi phạm luật chống độc quyền bằng cách đồng thuận tăng giá - một phán quyết sẽ bóp chết các hiệp hội của khu vực kinh tế tư nhân.
Chỉ có sự thận trọng của các cổ đông và sự đoàn kết của những người lao động mới có thể giữ được một công việc toàn thời gian như hiện nay. Nhưng giờ ai còn có thể tiếp tục tin tưởng vào điều đó.
PW SINGER- Chuyên gia an toàn thông tin
Các thành phố, nơi làm việc và cả những ngôi nhà chúng ta ở từ nay đến năm 2030 sẽ ngày càng trở nên “thông minh” hơn. Điều đó có nghĩa là phần lớn các hoạt động trong cuộc sống của chúng ta sẽ được đặt trong một cơ sở hạ tầng được thiết kế tối ưu, tiết kiệm năng lượng, chúng được thiết kế một cách cẩn thận để tránh mọi tác động xấu đến môi trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên việc chuyển hướng về một thứ Internet vạn vật vừa có độ tự chủ cao vừa chịu sự giám sát chặt chẽ sẽ gây ra những thứ khập khiễng.
Những hoạt động kinh tế, chính trị và ngay cả cuộc sống gia đình sẽ gặp khó khăn vì hiểu biết của chúng ta về hệ thống này không theo kịp với mức độ ngày càng hoàn thiện, ngày càng thông minh hơn của nó.
Quả thật những lời dự báo về một cuộc nổi dậy của robot chỉ là sản phẩm của khoa học viễn tưởng, trên thực tế cái đáng lo lắng hơn là một sự bất mãn ngày càng dâng cao của đa đa số dân chúng bị tụt hậu vì không theo kịp với những biến đổi quá nhanh chóng và sâu sắc trong xã hội.
Sẽ xuất hiện nhiều hình thức tội phạm mới và một vài kẻ thuộc thế hệ khủng bố mới có khả năng bắt cả một thành phố rộng lớn làm con tin.
![]() |
Thịt thực vật, một sản phẩm của công ty Beyond Meat-Mỹ, sản phẩm làm hoàn toàn từ protein thực vật. |
EZRA KLEIN- Tổng biên tập Vox.com
Mỗi năm chúng ta cần tới khoảng 70 tỷ con vật để nuôi sống chúng ta. Phần lớn những con vật này sống một cuộc sống cầm tù trong các trang trại của một hệ thống nông nghiệp đã được công nghiệp hóa. Chúng ta cũng đã phải trả giá đắt về việc này. Thói quen ăn thịt là thủ phạm đứng thứ năm về khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính, chiếm dụng một phần ba diện tích đất canh tác và tiêu thụ tới 10% lượng nhiên liệu hóa thạch.
Nếu không có những tiến bộ vượt bậc trong thế kỷ 20 về kỹ thuật nuôi trồng, di truyền học, các loại kháng sinh hay các thành tựu về giao thông vận tải, chắc chắn chúng ta đã không thể lo đủ lượng thịt để nuôi sống nhân loại. May mắn hơn là những vấn nạn do những ngành công nghệ này gây ra lại có thể được giải quyết bằng những phát minh công nghệ khác.
Sự xuất hiện và ngày càng phổ cập của dạng thịt thực vật đã mang đến nhiều hy vọng. Người Mỹ giờ đây bắt đầu tiêu thụ rất nhiều bánh kẹp nhân thịt có nguồn gốc thực vật (impossible burger) và hiện tượng tăng giá của cổ phiếu Beyond Meat, một hãng chuyên sản xuất các sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc động vật là những tín hiệu đáng mừng.
Từ nay đến năm 2030 , chắc chắn chúng ta sẽ được thưởng thức những loại “thịt” có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật, sạch hơn, ngon hơn, rẻ hơn và quan trong hơn , đó là những sản phẩm thân thiện với môi trường. Nếu điều này trở thành hiện thực, nhân loại đã trút bỏ được một trong những điều nhức nhối trong lương tri và cũng đã loại trừ đi được một hiểm họa với môi trường.