Xót xa báu vật thành Nam
Đây còn là một di tích ghi dấu các danh nhân, các sĩ phu, trí thức yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX… Nhưng một lần đến thăm ngôi nhà đặc biệt này, cảm giác xót xa đeo bám chúng tôi mãi không thôi.
Con phố Bến Ngự tiếp nối với phố Hàng Sắt, ở trung tâm thành phố Nam Định san sát cửa hàng, cửa hiệu. Hỏi thăm thì rất ít người biết ngôi nhà của Tam nguyên Trần Bích San. Chỉ khi đứng trước cánh cổng sắt, phía trên có biển đề chúng tôi mới tin là mình đã tìm đúng địa chỉ, dù khá thất vọng vì phía ngoài ngôi nhà cổ nhất thành Nam đã không còn chút dấu vết cổ xưa.
Anh Trần Văn Đức, cháu đời thứ 5 của Tam nguyên Trần Bích San mời chúng tôi vào. Ngôi nhà ngói cổ năm gian, khung bằng gỗ lim chắc chắn với những nét đục chạm đơn giản. Bộ cửa được tạo tác cẩn thận, đẹp mắt.
Cúi đầu thắp một nén hương, chúng tôi bày tỏ niềm hân hạnh được thăm ngôi nhà của Tam nguyên Vị Xuyên, của một gia tộc khoa bảng và yêu nước. Gian giữa có bức hoành phi đề "Dịch thế tải đức", có lẽ lấy chữ từ Kinh Dịch "Quân tử dữ hậu đức tải vật" - người quân tử lấy đức để nâng đỡ mọi vật, tạm hiểu là gia đình đã nhiều đời lấy hậu đức làm lẽ sống.
Anh Đức cho biết, ngôi nhà này do cụ Trần Đình Lâm xây dựng năm Kỷ Dậu (1849), tính đến các con anh Đức là tám thế hệ đã sinh sống tại ngôi nhà này.
Khoảng sân rộng xưa kia nay chỉ còn là lối đi hẹp. |
Trên đầu hồi có treo chân dung Tam nguyên Trần Bích San, mặc triều phục, nét mặt thư sinh, u buồn. Gian giữa treo hai đôi câu đối. Đôi câu đối ngoài lấy từ hai câu thơ trong bài "Quá Hải Vân quan" của Trần Bích San: "Văn phi sơn hải vô kỳ khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài" nghĩa là: Văn không có sông núi thì không có khí lạ/ Người chưa dãi dầu sương gió thì chưa thể già dặn. Đôi câu đối phía trong, sát bàn thờ viết: "Nhất cử đăng khoa thiên hạ hữu/ Tam nguyên liên trúng thế gian vô", nghĩa là: Thi một lần đỗ ngay thì thiên hạ đã có/ Ba lần đỗ đầu liên tiếp thì thế gian chưa có.
Quả thật, trong lịch sử các kỳ thi Nho học Việt Nam, kéo dài 845 năm, chỉ có tám vị Tam nguyên, trong đó chỉ duy nhất có một người đỗ đầu ba khoa liên tiếp, đó là Trần Bích San.
Ông là bậc kỳ tài, tiếc là ông sinh bất phùng thời, đỗ đạt vào thời Nho học suy tàn, giặc Pháp xâm lăng, triều đình bất lực. Hoạn lộ của ông vì thế cũng thăng trầm. Ông từng được cử đi sứ Trung Hoa để thương thuyết về việc buôn bán với Hương Cảng rồi sung chức Đại lý tự, Thị lang Bộ Lại rồi Tuần phủ Hà Nội.
Anh Đức cho hay, khu đất này xưa kia rộng đến 1.000m2, phía trước ngôi nhà là vườn mai cổ thụ nên dinh cơ này còn được biết đến là "Cổ mai trang". Các cụ vẫn kể rằng vườn có nhiều loại hoa nhưng chủ yếu là mai, hoàng mai, bạch mai, hồng mai, thanh mai rồi song mai, tứ quý mai, đặc biệt là đàn hương mai là loại hoa mai có hương thơm.
Ngôi nhà nhìn ra phía con sông Đào, nơi trước đây có bến Đò Chè khách khứa tấp nập qua lại. Danh nhân, sĩ phu yêu nước qua lại ngôi nhà này rất đông, đó là Phạm Văn Nghị, Nguyễn Khuyến, Phạm Thận Duật, Tống Duy Tân, Vũ Hữu Lợi…
Năm 1883, thực dân Pháp chiếm Nam Định, chúng đã lấy ngôi nhà làm chỗ ở và làm việc cho viên Công sứ. Một thời gian sau, ngôi nhà là nơi ở của Tổng đốc Nam Định Cao Xuân Dục. Qua giai đoạn đó, các môn sinh của cụ Trần Đình Lâm đã góp tiền chuộc lại ngôi nhà để lấy chỗ thờ thầy học.
Nghe nói, khi có dịp đi qua đây, danh tướng Tôn Thất Thuyết, người cầm đầu phong trào Cần Vương đã làm câu đối viếng Trần Bích San: "Lân quân độc thủ cô thành, quốc trung thần, gia hiếu tử/ Sử ngã kinh qua thử địa, giang bán dạ, nguyệt trung thu", nghĩa là: "Thương ông riêng tấm lòng thành, con hiếu của nhà, tôi trung của nước/ Khiến tôi qua nơi đất cũ, dòng sông đêm vắng, vầng nguyệt giữa thu".
Khoảng năm 1915-1916, Lương Ngọc Quyến và Nguyễn Thượng Hiền cũng về ẩn náu tại ngôi nhà này. Các học sinh yêu nước thời đó như Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh), Nguyễn Đức Cảnh đều qua đây để đọc sách báo tiến bộ. Ngôi nhà cũng là nơi thành lập Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Nam Định và khu vực Bắc Bộ.
Anh Trần Văn Đức thắp hương. |
Trái với giá trị nhiều mặt của di tích, ngôi nhà như một viên ngọc quý đang lăn lóc giữa trần ai. Khoảnh sân trước ngôi nhà được tôn lên, mất bậc tam cấp khiến ngôi nhà thấp xuống. Hơn nữa, sân chỉ còn lại hai mét chiều rộng, một phần lớn sân và vườn mai danh tiếng năm xưa đã bán cho người khác xây nhà cao tầng. Di tích không còn không gian riêng vốn có của nó.
Ba gian nhà giữa là nơi thờ tự, tiếp khách, gian buồng trong là nơi sinh hoạt của vợ chồng anh Đức, gian ngoài đường đã được cải tạo lại, vợ chồng anh trai anh Đức sử dụng. Vừa thờ cúng, vừa là di tích cấp quốc gia, vừa là nơi sinh sống nên dù cố gắng đến đâu, ngôi nhà cũng đang quá tải.
Cả hai đôi câu đối ca ngợi Tam nguyên Vị Xuyên mới làm treo trong nhà đều có chữ viết nhầm. Câu đối ngoài, chữ Phi là không, không có… viết nhầm thành chữ Phi có bộ Thảo đầu nghĩa là củ cải, là rau phỉ. Câu đối trong, chữ Trúng trong trúng cách, trúng tuyển, trúng cử bị viết nhầm thành Chúng là số đông, là nhiều, trong quần chúng, chúng sinh.
Một lỗi đáng tiếc trong phục chế nữa là cả ba gian nhà đều được làm mới ba bộ cửa võng vàng son chói lọi, với hình lưỡng long chầu nhật thường thấy ở các đình chùa miếu mạo. Theo truyền thống, nhà thờ tư gia, thay vì rồng, phượng người ta dùng hình cỏ cây hoa lá, nếu tạo hình rồng thì cũng là rồng hóa dưới dạng cây trúc, cây hoa, không bao giờ dùng dám dùng rồng tả thực có chân móng, có bờm… Gia đình cụ Trần Bích San là đại trí thức Nho học nên đương nhiên giữ phép tắc rất kỹ. Tôi chia sẻ nhận xét của mình, anh Đức thành thật nói là rất tiếc đã không biết những chuẩn mực đó.
Mang theo nỗi xót xa về ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự, Nam Định, tôi ao ước rằng một ngày đẹp trời nào đó tỉnh Nam Định và ngành Văn hóa đầu tư thích đáng vào di tích này, lấy lại phần đất xưa, trồng lại vườn mai, tôn tạo lại ngôi nhà cho xứng đáng với giá trị lịch sử, văn hóa của nó… để nơi đây là một điểm đến nổi bật, thật sự là biểu tượng của vùng đất địa linh Nam Định với du khách gần xa.