50 năm trên quê hương“Chiếc gậy Trường Sơn”

Thứ Năm, 24/08/2017, 14:16
Xã Hòa Xá nằm ở phía Tây Nam của huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội. 50 năm trước, nơi đây là khởi nguồn của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” huyền thoại.

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” đã có sức lan tỏa rộng rãi, cổ vũ kịp thời tinh thần đấu tranh của lớp lớp thanh niên cả nước. Hòa Xá sau 50 năm xây dựng và trưởng thành tựa tấm áo choàng mới với đầy đủ gam màu.

1-Trung tuần tháng 7, chúng tôi về Hòa Xá đúng vào dịp chính quyền địa phương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”. Trên các con đường liên thôn Hòa Xá rợp sắc đỏ cờ Tổ quốc. Người già, trẻ nhỏ, ai nấy đều háo hức. Bác Phùng Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá phấn khởi khi cùng gần 279 cựu chiến binh của xã về dự lễ kỷ niệm.

Bác Mạnh không giấu được niềm vui: “Lễ kỷ niệm hôm nay đã gợi nhớ trong tôi và nhiều cựu binh Hòa Xá về những năm tháng trai trẻ, hào hùng và oanh liệt. Những bước chân hành quân không mỏi trên dải Trường Sơn hùng vĩ năm xưa bỗng chốc lại dội về…!”. Nghe những lời tâm sự của bác, hình ảnh về anh bộ đội Cụ Hồ, về những người con Hòa Xá vai khoác ba lô, tay mang theo “Chiếc gậy Trường Sơn” sát cánh cùng hàng vạn thanh niên cứ thế hiển hiện trong chúng tôi. 

Các cô, các bác cựu binh Hòa Xá ôn lại truyền thống hào hùng năm xưa.

Với quyết tâm “vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt suối băng ngàn, sẵn sàng nhập ngũ”, trong những năm kháng chiến cứu quốc, Hòa Xá đã trở thành lá cờ đầu về phong trào xây dựng lực lượng dân quân, du kích vững mạnh. Nơi đây đã tiến hành 27 đợt tuyển quân và tiễn đưa 537 thanh niên lên đường nhập ngũ, 50 người tham gia thanh niên xung phong và dân quân hỏa tuyến, có 11 gia đình với 3 người con ra trận, 61 gia đình với 2 người con lên đường nhập ngũ v.v…

Đặt chân lên quê hương Hòa Xá những ngày này, chúng tôi được gặp những nhân chứng sống của “Sự tích chiếc gậy Trường Sơn”, đó là bác Phùng Quán. Ngôi nhà cấp bốn của cựu binh Phùng Quán nằm sâu trong con ngõ nhỏ xóm Thượng Đoạn (Hòa Xá). Anh bộ đội Phùng Quán năm xưa tuổi đã 76. Ông vẫn nhớ như in các vị trí, trạm đóng quân trải dài từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tới Tây Trường Sơn mà một thời, ông cùng đồng đội đã hành quân qua.

Bố mất sớm, gia đình có hai chị em, nên ngày ấy, để cùng hai người bạn là Đỗ Tít và Lưu Long gia nhập đoàn tân binh lên đường đánh giặc, Phùng Quán đã lén trốn mẹ. Để tìm thêm “bạn đường”, trong lúc hành quân vào chiến trường Trường Sơn, ông đã chặt một cây rừng vừa nhẹ, vừa cứng, to bằng ngón chân cái người lớn. Đỗ Tít và Lưu Long cũng vậy, cũng đã tìm cho mình người “bạn đường” như Phùng Quán. “Chiếc gậy hữu dụng lắm, chúng tôi vẫn dùng nó để chống cho đỡ mỏi, mệt. Nhất là lúc mưa, đường trơn, có chiếc gậy rồi, việc đi lại sẽ dễ hơn…”, cựu binh Phùng Quán tâm sự.

Một ngày đầu tháng 4-1967, có người cùng làng về phép. “Thế có gửi gì về quê không?”, người này hỏi Phùng Quán. Thấy vậy, Phùng Quán nghĩ: “Trong này làm gì có gì mà gửi ra. Tiền không còn, “tiền Trường Sơn” thì không tiêu được!”. Nghĩ rồi, Phùng Quán đánh mắt về phía chiếc gậy – người “bạn đường” trong suốt quá trình vượt dãy Trường Sơn cách đây không lâu: “Dạ! Nhờ chú gửi chiếc gậy này về cho mẹ cháu ạ!”.

Nói rồi, Phùng Quán cầm con dao nhỏ hý hoáy khắc dòng chữ: ““Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” – “Trường Sơn 1-4-67” – “Fùng Quán (Phùng Quán - PV)”” như thể thay lời nhắn gửi tới người mẹ ở quê nhà: “Chiếc gậy thân thiết này sẽ thay con nâng đỡ bước chân mẹ”. Cùng lúc ấy, Đỗ Tít và Lưu Long cũng gửi những người “bạn đường” - chiếc gậy hành quân về quê nhà.

“Chiếc gậy Trường Sơn” đã trở thành món quà tinh thần đặc biệt, bởi nó được nhân lên thành phong trào tặng “gậy hành quân”. Để rồi áng thơ “Gậy này là gậy Trường Sơn/ Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân” cứ thế thôi thúc lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân.

Ông Phùng Quán ngước đôi mắt về phía xa rồi chậm rãi nói: “Ba người, giờ còn mỗi tôi. Ông Tít hy sinh ở chiến trường B, còn ông Long thì mất cách đây không lâu do ảnh hưởng chất độc da cam”... Có lẽ cũng bởi thế mà trong suốt thời gian qua, với ông, “Chiếc gậy Trường Sơn” năm nào đã trở thành vật bất ly thân, là “đồng đội” gợi nhớ một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Và chỉ khi có khách quý, chiếc gậy huyền thoại được cất giữ cẩn thận trong chiếc túi vải mới được đem ra.

2-Tháng 4-1967, trong một chuyến đi thực tế với các nhạc sĩ Văn Cao, Hoàng Vân, nhà thơ Chế Lan Viên ở Hòa Xá, hình ảnh “Chiếc gậy Trường Sơn” cùng khí thế sục sôi lên đường đánh giặc của những người con Hòa Xá đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn”. 

Tác giả (bên trái) tiếp xúc, trò chuyện với ông Phùng Văn Quán.

Ca khúc nhanh chóng được lan truyền rộng rãi. Phong trào: “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai” cứ thế dấy lên không ngừng.  Điều đặc biệt là sau đó, mỗi lần thanh niên Hòa Xá lên đường nhập ngũ, các vị bô lão trong làng lại trao những “Chiếc gậy Trường Sơn” thay lời nhắn gửi quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Trong hội trường của buổi Lễ kỷ niệm 50 năm phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” hôm ấy, những ca từ mộc mạc nhưng đậm âm hưởng hào hùng của ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn”: “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn/ Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi/ Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lùi…” cứ thế ngân lên hùng tráng, khiến ai có mặt ở đây đều như được sống lại một thời “hoa lửa”.

Hơn 40 năm qua, tự hào và phát huy truyền thống quê hương của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”, quân và nhân dân Hòa Xá đã luôn lưu giữ và tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng. Hòa Xá vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước. Trong đó, phải kể đến danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (năm 1973) và “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” (năm 2000). Với những đổi thay đáng kể, Hòa Xá còn là một trong những địa phương được UBND TP Hà Nội công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

“Tuổi trẻ Hòa Xá chúng em hôm nay, tuy không được sống trong những tháng ngày hào hùng năm xưa, nhưng qua sử sách, qua những chứng nhân, chứng tích lịch sử, chúng em vô cùng tự hào về truyền thống dân tộc. Chúng em nguyện sẽ tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học của ông cha, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương”, bạn Đỗ Thùy Linh, Bí thư Đoàn xã Hòa Xá tự hào khi nói về quê hương mình.


…Tối hôm ngủ lại ở Hòa Xá, tôi thấy từng tốp thanh niên đi lại nhộn nhịp quanh trụ sở UBND xã. Tôi hỏi đồng chí Chủ tịch UBND xã là: “Các bạn thanh niên đi đâu đấy, thì đồng chí Chủ tịch xã bảo là các bạn ấy xung phong ra trận đánh giặc”. Thế rồi hôm sau, có rất đông người đến đưa tiễn. Lúc dự, tôi thấy các gia đình tặng chiếc gậy (Chiếc gậy Trường Sơn) cho các thanh niên trước khi lên đường…Tôi cảm nhận rõ khí thế, sức mạnh của các bạn thanh niên. Thời khắc ấy, cảm xúc dạt dào bỗng dội về trong tôi và sau đó tôi đã sáng tác ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn”…”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Trần Huy
.
.