Cuộc giải vây không có trong phương án

Thứ Bảy, 29/08/2015, 16:57
Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng với Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi - một cán bộ trinh sát An ninh vũ trang miền Nam - những trận đánh ác liệt trong cuộc chiến chống đế quốc, thực dân vừa anh hùng, vừa oanh liệt, vừa lãng mạn đến không ngờ vẫn còn như mới.

Ký ức một thời vẫn đọng mãi trong tâm trí người nữ trinh sát vũ trang anh hùng. Mỗi khi có dịp, hồi ức chiến trường xưa lại ùa về như những thước phim, những chương tiểu thuyết mà bà đã tham dự với vai trò nhân vật chính, không dễ có trong cuộc đời.

Hồi ấy, sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, địch điên cuồng phản kích nhằm mở đường cho quân Mỹ rút khỏi cuộc chiến và yểm trợ ngụy quân thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Chúng triển khai kế hoạch "Bình định cấp tốc" với 2 gọng kìm tìm và diệt. Chúng dùng các chiến đoàn thủy quân lục chiến, biệt động quân và sư đoàn 7 bộ binh ngụy, được yểm trợ phi cơ, phi pháo tối đa từ quân Mỹ liên tục hành quân càn quét đánh phá vùng giải phóng.

Phối hợp chặt chẽ với các chiến dịch quân sự của địch còn có lực lượng tình báo, cảnh sát đặc biệt, tâm lý chiến và bộ máy kìm kẹp ngụy quân... nhan nhản khắp nơi ráo riết hoạt động bằng những phương thức và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn, tổn thất cho lực lượng vũ trang, phong trào cách mạng tại Bến Tre và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình thế đó, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định thành lập đơn vị T30 với sứ mạng thọc sâu, đánh mạnh vào cơ quan đầu não của địch, tiêu diệt mục tiêu, đối tượng được chỉ định, đưa chiến trường vào lòng địch. Phan Thị Ngọc Tươi vinh dự được chọn tham gia đơn vị này ngay từ ngày đầu; được huấn luyện cấp tốc về lối sống, kỹ năng độc lập chiến đấu, sử dụng bom mìn, súng ngắn và kỹ thuật hóa trang để che mắt địch...

Anh hùng LLVT Phan Thị Ngọc Tươi nhận hoa chúc mừng từ đồng đội và thế hệ trẻ CAND.

Tháng 4/1969, nhiệm vụ đầu tiên được cấp trên giao cho nữ trinh sát vũ trang Phan Thị Ngọc Tươi hết sức nặng nề: Tiêu diệt tên Đại úy Mười, thám báo khét tiếng ác ôn. Sau khi nhận diện qua ảnh và nắm quy luật, sở thích… nữ trinh sát chủ động tiếp cận đối tượng trong vai một nữ sinh con nhà quyền quý, gia giáo. Sau khoảng một tháng áp sát mục tiêu, thấy thời cơ đã chín, nữ trinh sát báo cáo phương án tiêu diệt tên ác ôn này, xin lệnh hành động và được cấp trên chấp thuận. Theo phương án tác chiến do nữ trinh sát vạch ra, có 2 cách đánh táo bạo gồm ám sát bằng súng ngắn hoặc gài mìn hẹn giờ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ có đồng đội bí mật yểm trợ để rút lui an toàn.

Ngày 5/5/1969, Phan Thị Ngọc Tươi hóa trang thành một thiếu nữ xinh xắn tới điểm hẹn gặp Đại úy Mười với trái mìn hẹn giờ trong gói quà cùng khẩu súng ngắn trong túi xách tay, đối tượng không chút mảy may nghi ngờ. Sau khi lên xe, Đại úy Mười kêu tài xế cho xe chạy quanh thị xã Bến Tre rồi bất ngờ tăng tốc lao về hướng Mỹ Tho, qua phà Rạch Miễu.

Đây là tình huống ngoài dự kiến khiến Phan Thị Ngọc Tươi bồn chồn, đắn đo giữa quyết định theo đối tượng đến cùng hay hoãn chuyến đi chờ dịp khác. Bởi nếu theo đối tượng đến cùng, rời khỏi địa bàn Bến Tre đồng nghĩa với việc tách ra khỏi sự yểm trợ của đồng đội...

Sau một chút cân nhắc, nữ trinh sát quyết định bám sát mục tiêu, theo đến cùng để kết thúc nợ máu của tên ác ôn trong ngày hôm đó. Phà cập bến, xe lao về hướng Sài Gòn, nơi nữ trinh sát trẻ chưa một lần đặt chân đến. Xe chạy càng lúc càng xa, càng tách Phan Thị Ngọc Tươi ra khỏi đồng đội, người thân. Tuổi mới lớn, thân gái một mình lại phải đối mặt với tên ác ôn khét tiếng ở địa bàn xa lạ cùng một trái mìn hẹn giờ và một khẩu súng ngắn mang theo bên mình, ruột gan nữ trinh sát như có lửa đốt nhưng vẫn cố gắng đóng vai một cô gái hồn nhiên, vô tư để qua mặt tên ác ôn.

Gần trưa, xe tới trung tâm đô thành, Phan Thị Ngọc Tươi chủ động bảo Đại úy Mười cho xe chạy quanh Sài Gòn; đòi đối tượng thuyết minh, hướng dẫn để tham quan, điều xe chạy theo ý mình, chờ giờ hành động.

Quả mìn trong bọc quà được nữ trinh sát cài hẹn 11h30 sẽ nổ nên đến 11h15, Phan Thị Ngọc Tươi kêu đau bụng đòi kiếm tiệm thuốc tây để mua. Chỉ một tích tắc, xe dừng trước một hiệu thuốc nhưng còn hơn 10 phút nữa mìn mới nổ.

Trước tình huống trớ trêu này, nữ trinh sát phải trì hoãn, giả vờ kêu với tên ác ôn “hết đau rồi, không cần mua thuốc nữa".

Xe tiếp tục lăn bánh được vài phút, Phan Thị Ngọc Tươi lại kêu đau bụng, điều xe ghé hiệu thuốc tây nhưng vẫn chưa tới giờ mìn nổ. Lấy lý do "hiệu thuốc nhỏ, không thể có thứ thuốc cần mua" để kéo dài thời gian. Khi kim đồng hồ nhích dần đến giờ hẹn, còn vài phút, Phan Thị Ngọc Tươi lại kêu đau bụng dữ dội và bảo ghé hiệu thuốc gần nhất. Chỉ tích tắc xe dừng lại trước hiệu thuốc. 

Bằng giọng nhỏ nhẹ, nữ trinh sát yêu cầu tên ác ôn “ngồi yên đó, chờ một lát, không được đi theo, ra khỏi xe là bị giận". Đối tượng "tuân lệnh", Phan Thị Ngọc Tươi vội đưa tay sửa lại bọc quà để quả mìn xoay đúng hướng rồi quàng xách tay đựng khẩu súng ngắn xuống xe băng qua đường. Vừa kịp chạy vào hiệu thuốc, một tiếng nổ dữ dội phát ra, ngay sau đó chiếc xe Jeep bốc cháy rừng rực, cô bán thuốc nhìn nữ trinh sát sững sờ...

Rời khỏi hiện trường, Phan Thị Ngọc Tươi tìm đường thoát thân, sau một hồi luồn lách qua những con đường xa lạ, bất ngờ có một thanh niên đi xe máy ép vô, cản trở. Sau vài lần né tránh, lách qua nhưng anh ta cứ bám theo, ép vô chặn đường. 

Trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, nữ trinh sát vũ trang đứng sững lại, cho tay vào xắc, nhìn thẳng vào mặt anh ta rồi quát: “Muốn gì?”. Với ánh mắt cảm phục, tha thiết xin được giúp nữ trinh sát, anh này ra lệnh "lên xe". Phan Thị Ngọc Tươi lên xe, xe phóng vút đi, khoảng 10 phút sau cả 2 đã vượt khỏi vòng phong tỏa của cảnh sát. Lúc này Phan Thị Ngọc Tươi mới thắc mắc hỏi anh ta là ai, tên gì, sau này muốn gặp lại thì tìm ở đâu? Nhưng người đàn ông quả cảm này đã không trả lời mà chỉ hỏi Phan Thị Ngọc Tươi muốn về đâu. Yêu cầu người này kiếm giùm một chiếc taxi, Phan Thị Ngọc Tươi đã rút lui an toàn.

Sau trận đánh này, nữ trinh sát vũ trang Phan Thị Ngọc Tươi bắt đầu tiếp cận Sài Gòn và nhiều lần được chỉ huy phân công chi viện cho đơn vị bạn. Mỗi lần có dịp quay lại chốn xưa, nữ trinh sát trẻ đều cố gắng tìm người thanh niên ấy.

Hình ảnh người thanh niên Sài Gòn bất chấp hiểm nguy, xả thân giúp nữ trinh sát vũ trang vượt khỏi vòng vây của địch cứ theo bà suốt những năm tháng chiến đấu và cho đến tận bây giờ. Ngày ấy, giữa lòng địch, bà đã nhận ra bản chất tốt đẹp của một người xa lạ, đã dám tin vào con người, tin vào lòng dân nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Từ đó trước mỗi trận đánh, nữ trinh sát luôn tâm niệm, phải đánh đúng đối tượng, tuyệt đối không được gây sát thương cho nhân dân. Bởi diệt giặc để cứu đồng bào, hơn nữa mỗi người dân là một chiến sỹ cách mạng, bảo vệ nhân dân là bảo vệ lực lượng cách mạng.

Đã hơn 40 năm trôi qua, dù ở cương vị là một cán bộ của Công an TP Hồ Chí Minh hay trở về với cuộc sống đời thường, nữ trinh sát vũ trang anh hùng vẫn đau đáu việc tìm kiếm, nhưng ân nhân xưa vẫn bặt vô âm tín, cái nợ nghĩa ấy cứ lớn dần lên theo thời gian. Hình ảnh người thanh niên ấy luôn hiển hiện trong bà, anh ấy có thể là một chiến sỹ An ninh T4 hay một chiến sỹ Biệt động Sài Gòn tình cờ có mặt giải vây cho Phan Thị Ngọc Tươi. 

Sau bao nhiêu năm khắc khoải tìm kiếm, chờ đợi, nữ trinh sát vũ trang anh hùng đã tự tìm cho mình một điểm tựa thanh thản tâm hồn với niềm tin chắc chắn: Người thanh niên quả cảm ấy là một người tốt, giúp đỡ nữ trinh sát trong hoàn cảnh ngặt nghèo cũng là giúp cho cách mạng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hình ảnh người thanh niên Sài Gòn dám liều mình, xả thân vì cách mạng là biểu tượng của tuổi trẻ Việt Nam anh hùng trong thời đại anh hùng, thời đại Hồ Chí Minh.

Nữ trinh sát luôn tâm niệm, phải đánh đúng đối tượng, tuyệt đối không được gây sát thương cho nhân dân. Bởi diệt giặc để cứu đồng bào, hơn nữa mỗi người dân là một chiến sỹ cách mạng, bảo vệ nhân dân là bảo vệ lực lượng cách mạng.
Đức Thắng
.
.