Người Ba Rầu “giữ lửa” quê hương

Thứ Bảy, 09/04/2016, 09:32
Hàng trăm năm nay, người Ba Rầu (xã Mò Ó, huyện miền núi Đakrông) sống hiền hòa như cây cỏ, như tiếng hót ngọt ngào của chim họa mi cất lên mỗi buổi sớm mai trên đỉnh Động Đơn của bản. Cốt cách ấy không chỉ sẵn có, nó được dưỡng dục, bồi đắp qua từng thế hệ, trở thành văn hóa truyền thống đặc sắc trên dãy Trường Sơn đại ngàn Quảng Trị…

Già Hing (80 tuổi) kể rằng, thời điểm trước Pháp xâm lược nước ta lần 2, Ba Rầu là bản làng đông đúc dân cư, trù phú bên dòng sông Ba Lòng thơ mộng. Nhưng rồi bom, đạn giặc đã nhiều lần cày đi, xới lại, làm cho bản làng trở thành đất chết. Bản sơ tán đến định cư ở bản Động Tranh, thuộc khu vực Cùa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều thanh niên trai tráng của bản đã theo bộ đội lên chiến khu Ba Lòng (gần thôn Ba Rầu) để hoạt động cách mạng. Họ làm giao liên, vận chuyển lương thực, vũ khí, trực tiếp với bộ đội đánh giặc.

Trưởng họ Côn ở Ba Rầu, ông Hồ Văn Hing (phải) ra mắt, ký kết dòng họ không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Sau ngày đất nước hòa bình, người Ba Rầu trở lại quê hương, kiến tạo lại làng mạc, phát triển kinh tế - xã hội đến ngày nay... Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, người Ba Rầu vẫn luôn sống lạc quan, lấy tình yêu thương giữa con người với con người đặt lên hàng đầu. “Muốn mình hạnh phúc, trước hết những người xung quanh mình phải hạnh phúc. Muốn bản làng tồn vinh, trước hết tự mỗi cha mẹ phải dưỡng dục con cái sống hiếu đễ; ra bản làng sống thuận hòa, đoàn kết với mọi người; thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác; tôn vinh và nhân rộng cái đẹp”, già Hing tâm sự.

Ông Hồ Văn Do, Chủ tịch UBND xã Mò Ó bộc bạch, chính niềm lạc quan trong cuộc sống, sự đoàn kết, đồng thuận cao trong cộng đồng, mà người dân Ba Rầu thời gian qua đã phát triển kinh tế - xã hội đứng đầu xã và huyện Đakrông nói chung. Năm 1997, huyện Đakrông được tách ra từ huyện Hướng Hóa, Ba Rầu là thôn đầu tiên của huyện được hưởng chế độ 135 do đời sống kinh tế ở đây quá khó khăn. Nhưng chỉ 5 năm sau đó, thôn đã tình nguyện xin… rút ra khỏi 135!

Người cầm trịch trong định hướng phát triển kinh tế và thực hiện đến cùng kế hoạch đặt ra là già Hồ Văn Hing bây giờ. Ông cùng với bà con khai hoang, phục hóa, biến một vùng đất ngút ngàn cỏ tranh, chằng chịt hố bom, hố pháo, thành ruộng đồng trồng lúa nước tốt tươi. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng lúa nước toàn thôn đã lên tới gần 40 héc-ta.

Bên cạnh đó, ông cùng với bà con chủ động đẩy mạnh việc trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, rừng sản xuất; đầu tư xây dựng trang trại lồng ghép chăn nuôi gia súc, gia cầm với sản xuất nông, lâm nghiệp. Kết quả, người dân Ba Rầu không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu.

Hàng năm, bản đều có trên 60 nông dân sản xuất giỏi cấp xã, 30 nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và 15 cấp tỉnh. Trong đó, những hộ gia đình như ông Hồ Văn Doi, Hồ Văn Hà, Hồ Văn Hing… đều có mức thu nhập bình quân hàng năm trên 500 triệu đồng. Thời điểm sau tách huyện, thôn có tới 98% hộ nghèo, nhưng đầu năm nay chỉ còn 3 hộ nghèo, chỉ chiếm 4,2%.

 Điều thú vị nữa, hiện thôn Ba Rầu có dòng họ Côn, vừa được tỉnh Quảng Trị công nhận dòng họ qua gần 20 năm liên tục không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Trưởng dòng họ này thời kỳ chống Pháp và Mỹ, cứu nước là ông Côn Thừa. Ông là chiến sĩ cách mạng có nhiều thành tích trong kháng chiến, được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

Ngoài ra, dòng họ Côn ở Ba Rầu còn có 12 người khác được Nhà nước trao tặng Huân chương, Huy chương về thành tích kháng chiến. Đặc biệt, họ có 2 người con đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ khí tài, vũ khí của bộ đội, được phong tặng liệt sĩ… Hiện họ Côn chiếm hơn 70% dân số ở Ba Rầu. Nhiều người họ Côn còn tình nguyện mang họ của Bác Hồ...

Thượng tá Hồ Sĩ Nhung, Trưởng Công an huyện Đakrông phấn khởi, cho biết: “Người họ Côn ở Ba Rầu như một cái đầu tàu vững chãi, đã dẫn dắt bản làng tiến tới một cuộc sống bình yên và no đủ. Họ đạt được điều đó, bởi lẽ họ giữ được “ngọn lửa” truyền thống, giáo dục con cháu mình; chia sẻ và hun đúc cho cộng đồng với mong muốn nó ngày càng tốt đẹp thêm.

Dòng họ Côn ở Ba Rầu đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương. Đồng thời gần 20 năm qua, dòng họ này đã không xảy ra vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội - tiêu chí khắt khe nhất để lựa chọn thí điểm mô hình dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn. Đây cũng là dòng họ duy nhất trong các dân tộc thiểu số ở Quảng Trị được bình chọn và biểu dương”. 

Phan Thanh Bình
.
.