Nhớ Tây Nguyên, vùng đất giúp tôi trưởng thành

Thứ Hai, 31/10/2016, 11:05
Đã hơn 12 năm trôi qua, vậy mà trong ký ức của tôi, những đồng đội, đồng nghiệp, những cán bộ lãnh đạo Công an các tỉnh Tây Nguyên, những bà con các dân tộc Tây Nguyên mà tôi từng được gặp vẫn còn nao nao trong kỷ niệm thật khó quên...

Đầu năm 2004, một hôm tôi đang ngồi với anh Phạm Văn Miên, Phó Tổng Biên tập Báo CAND thì Tổng Biên tập Hữu Ước phăm phăm đẩy cửa vào. Vừa ngồi xuống ghế, nhìn anh Miên, anh Hữu Ước chỉ vào tôi nói nhanh: “Em báo cáo Tổng cục làm thủ tục đề bạt nhanh cho Hồng Thái để cử đi Tây Nguyên thường trú”.

Vậy chỉ sau đó độ một tháng, sau chuyến Ban Biên tập cử tôi đi Lạng Sơn viết bài về vụ tiêu cực của Hải quan cửa khẩu, tôi về Hà Nội nhận quyết định Phó trưởng Ban Kinh tế -Văn hóa - Xã hội và cũng gấp gáp chuẩn bị hành trang đi thường trú Tây Nguyên…

Chuyến đi ấy, đích thân anh Đặng Đình Thành, Phó Tổng Biên tập đi ôtô chở tôi từ Hà Nội vào để bàn giao cho An ninh cụm 3 đóng ở tỉnh Gia Lai (cùng đi có bác Trần Liêu, nguyên TBT Báo CAND, Cố vấn TBT Hữu Ước; bác vừa ghé qua thăm quê Bình Định, vừa về lại Tây Nguyên thăm đồng đội cũ). 

Có lẽ qua nhiều nguồn tin, anh Hữu Ước và Ban biên tập biết được tình hình an ninh, trật tự Tây Nguyên diễn biến phức tạp, chủ yếu do hoạt động của đám tàn quân tội phạm FULRO câu kết với bọn phản động, thù địch ở nước ngoài kích động, gây chia rẽ, sử dụng vũ trang bắt giết cán bộ, đe dọa cuộc sống của người dân.

Có lẽ tôi là phóng viên đầu tiên của Báo CAND nói riêng và báo chí lực lượng CAND được vào thường trú ở các tỉnh Tây Nguyên những năm phức tạp đó. Nói là thường trú, nhưng Báo CAND làm gì có văn phòng hay trụ sở nào. 

Anh Đặng Đình Thành hỏi tôi vậy ở đâu? Tôi trả lời: “Anh cứ đưa em đến 13 Hùng Vương, Pleiku. Em đã liên hệ với anh em An ninh cụm 3 của Bộ xin ở nhờ đấy”. Vậy là anh Thành đưa tôi một mạch từ Hà Nội vào Pleiku gặp anh Nguyễn Như Khôi, Phó Trưởng phòng Văn phòng Bộ Công an chi viện, xin được ăn ở tập thể với cán bộ, chiến sỹ của Bộ Công an tại đây.

Anh Khôi hồi trước ở Hà Nội thường hay cộng tác với Báo CAND về mảng tin an ninh trật tự cùng với anh Nguyễn Văn Khảo (nay là Trung tướng, Cục trưởng Cục Phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ); anh Trần Mạnh Tuấn (nay là Phó chánh Văn phòng Bộ Công an), biết tôi vào anh ấy vui lắm, mọi việc giúp tôi hết sức nhiệt tình.

Lúc này Bộ Công an làm tạm mấy dãy nhà cấp 4 cho cán bộ, chiến sỹ từ Hà Nội vào thường trực để phối hợp với Công an các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài cán bộ lãnh đạo, tôi gặp ở đây nhiều anh em quen biết ở Tổng cục An ninh, nơi tôi công tác tại Cục Bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng nhiều năm trước đây.

Tác giả trong một lần tác nghiệp tại Tây Nguyên.

Càng hiểu một điều, đi đâu mà gặp được đồng đội cũ thì thật là vui và hạnh phúc biết nhường nào, nhất là những nơi “lạ nước, lạ cái”. Bạn sẽ được giúp đỡ tận tình, không cảm thấy cô đơn, tủi thân ở vùng đất mới... 

Anh Như Khôi chỉ một chiếc giường tập thể bằng phản nói: “Anh ngủ tạm giường này của đồng chí Phong, cán bộ Cục A23 về Hà Nội nhận chỉ thị mới. Lúc nào anh ấy vào sẽ tính sau. Còn kia là bếp ăn tập thể, ăn bữa nào đóng tiền bữa đó. Buổi sáng tự túc vì anh em đi làm nhiệm vụ cả đêm không tính được thời gian”. Tôi đặt ba lô xuống, thở phào! Khoảng cách giữa các chiến sỹ an ninh làm nhiệm vụ bí mật với một nhà báo trong ngành dần được rút ngắn nhờ tình đồng đội cũ…

Thường trú viết về cuộc chiến đấu của lực lượng Công an và nhân dân với lực lượng FULRO gặp khó khăn trước hết là yêu cầu bí mật. Yêu cầu nghiệp vụ và vấn đề bảo đảm an toàn không cho phép tôi cùng các chiến sỹ An ninh đêm đêm hóa trang đi sâu vào rừng để mật phục, thậm chí đấu súng với bọn phản động lẩn trốn đâu đó…

Đêm đêm, tôi nằm giữa một Pleiku yên tĩnh, thao thức lắng tai nghe tiếng xe rì rầm, chầm chậm nhẹ nhàng ra khỏi cổng, trên xe chở các chiến sỹ An ninh, hầu hết còn trẻ măng lặng lẽ đi về phía rừng đêm.

Gần sáng tôi choàng tỉnh khi bỗng nghe tiếng vứt chiếc quần dài đánh xoẹt bê bết bùn đất đỏ thì biết họ đã về. Và cứ nhiều đêm như thế, sổ ghi phóng viên của tôi mỗi ngày dày lên từng con chữ và cảm xúc. 

Và khi bình minh vừa hé sáng từ biển hồ Pleiku, tôi đi qua các phòng ghé mắt vào nhìn những đôi dày dính đầy bùn đất, quần áo còn ướt đẫm sương đêm vắt vội đầu giường, chiếc màn buông xuống giắt vội mép giường là biết những chiến sỹ ấy vừa hoàn thành một nhiệm vụ, bây giờ giấc ngủ muộn đang kéo họ đi một cách mỏi mệt mà những nhà báo như tôi chưa từng được trải qua. 

Tốt nhất là im lặng để thẩm thấu giấc ngủ ấy, để hiểu hơn cuộc sống của đồng đội mình. Trưa vào bếp ăn cơm, những chiến sỹ ấy vẫn hồn nhiên, ít ai có thể biết đêm nào họ cũng có những chuyến đi như thế.

Có lẽ sự quan sát, cảm nhận của nhà báo như tôi đã khiến các đồng đội cũng tinh tế nhận ra, vì thế mà nhiều năm sau gặp lại, chúng tôi vẫn coi nhau như những người một thưở cùng chiến trường xưa, vẫn tíu tít, trọng nhau, thân thiết khi chạm vào nhau một cốc bia vỉa hè Hà Nội. Đó là gì, nếu không phải là tài sản tinh thần vô giá dẫn dắt ta đi trên con đường binh nghiệp đầy gian khổ và tự hào, phải không đồng đội?

Những ngày xảy ra bạo loạn của một số kẻ quá khích, kích động gây rối trật tự vào tháng 4-2004, tôi được theo chân các đồng chí Bộ trưởng Lê Hồng Anh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng và đồng chí Trần Đại Quang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (nay là Chủ tịch nước) đến các buôn làng tặng quà của lãnh đạo Bộ Công an, gặp mặt các già làng tiêu biểu, đối thoại với người dân về vụ việc vừa xảy ra. Bà con ai cũng nhận thấy cái sai của một số kẻ côn đồ, quá khích và đề nghị Nhà nước cho họ hưởng lượng khoan hồng. 

Lãnh đạo Bộ Công an đã đồng ý với đề nghị của bà con. Ở Đắk Lắk nhiều lần tôi được gặp anh Trần Kỳ Rơi, Phó Giám đốc Công an tỉnh (nay là Giám đốc), có lần được đi cùng với anh Cao Vinh, Phó trưởng Phòng chống phản động (nay là Trưởng phòng CSKT) và anh em bộ phận an ninh xuống cơ sở để vận động bà con. 

Nhiều bữa không kịp về cơ quan, chúng tôi nhờ người dân nấu cơm hộ, ăn xong cả đoàn  nằm dọc trên sàn nhà mà ngủ, ngoài trời nắng ong ong. Cao Vinh nói vui “ta nằm thẳng ngăn nắp như cá ngoài chợ”, anh còn kể công việc gấp gáp quá, anh em cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Đắk Lắk cả tuần, cả tháng không về nhà.

Cứ có lệnh là đi, cứ có việc là chạy, bất kể đêm ngày. Những ngày sống với anh em Công an Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên như thế, tôi mới ngẫm thêm một điều rằng, đồng đội mình đã cống hiến hết mình ở đây, mới biết những so bì hơn thiệt về một điều gì đấy của chúng tôi ở Hà Nội thật chẳng đáng nói một chút nào!

Sau những tin tức gửi về tòa soạn, tôi tranh thủ đi viết về những con người, những nhân vật lịch sử ở Tây Nguyên. Tôi đã về quê Anh hùng Núp ở Tơ Tung, gặp người con trai lớn của ông để lấy tư liệu; trò chuyện với Nghệ sỹ nhân dân Ibrơm, người nghệ sỹ lớn của dân tộc Ba Na. Tôi cũng về thăm di tích ngục Kon Tum, nơi thực dân Pháp giam giữ các chiến sỹ cộng sản của ta những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước. 

Ở Đắk Lắk tôi gặp và phỏng vấn Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Lạng, người được cánh báo chí gọi là chính khách Tây Nguyên bởi sự lịch lãm, thẳng thắn, bình đẳng, thậm chí “ăn miếng trả miếng” trong những lần đối đáp, trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây khi họ đến Tây Nguyên với ý đồ chưa phải là thiện chí. 

Tôi cũng tìm gặp một số văn nghệ sỹ tiêu biểu của các dân tộc Tây Nguyên như chị Linh Nga Niek dam để trò chuyện và phỏng vấn. Các bài viết được đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới, Chuyên đề Báo CAND giữa tháng, cuối tháng và Báo CAND, được nhiều bạn đọc nhắn khen ngợi…

Thấm thoắt gần 5 tháng một mình bươn bả ở Tây Nguyên, theo lệnh của Tổng Biên tập tôi trở ra cơ quan 66 Thợ Nhuộm, Hà Nội. Nghĩ lại những năm tháng ấy, Báo chưa có Văn phòng thường trú, tôi phải luôn trong tình trạng ăn nhờ ở đậu để làm nhiệm vụ của một nhà báo CAND, nếu không có đồng đội ở các Phòng Công tác chính trị Công an các tỉnh Tây Nguyên giúp đỡ, hẳn là tôi không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ. 

Nhất là các chiến sỹ An ninh, những người đứng đầu nắng ngọn gió đã chỉ dẫn cho tôi gặp gỡ các nhân chứng, cách khai thác tư liệu để hoàn thành một bài báo vừa bảo đảm yêu cầu chính trị, vừa bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ, pháp luật.

Đã hơn 12 năm trôi qua, vậy mà trong ký ức của tôi, những đồng đội, đồng nghiệp, những cán bộ lãnh đạo Công an các tỉnh Tây Nguyên, những bà con các dân tộc Tây Nguyên mà tôi từng được gặp vẫn còn nao nao trong kỷ niệm thật khó quên. 

Những vùng đất đỏ ba zan, những cánh rừng, con suối, những con đường tít tắp đầy bụi đỏ và hơn hết là những con người Tây Nguyên tôi từng được tiếp xúc, cả tiếng cồng chiêng vang núi và mùi cà phê lan tỏa dâng trời… đã bồi đắp trí tuệ và nhân cách giúp tôi trưởng thành; giúp tôi làm việc tốt hơn trong vai trò là một Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản CAND của ngày hôm nay.

Cũng năm 2004 ấy, tôi viết loạt bài về Tây Nguyên đoạt giải B Giải báo chí toàn quốc. Tôi thầm hứa mình sẽ trở lại vùng đất ấy để chia vui cùng đồng đội mình ở Tây Nguyên, nâng cần rượu uống với nhau và nhớ về một thời yêu thương chưa xa…

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái
.
.