Hy Lạp nói ‘không’ với thắt lưng buộc bụng
Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp Gabriel Sakellaridis cho biết chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras muốn ngay lập tức nối lại các cuộc đàm phán với bộ ba chủ nợ quốc tế, gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhằm đạt được một thỏa thuận để giữ cho Athens không rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Ông Sakellaridis nêu rõ: “Các cuộc đàm phán này sẽ cần phải được hoàn tất nhanh chóng, thậm chí sau 48 giờ đồng hồ. Chúng tôi sẽ dốc sức để đạt được thỏa thuận này này sớm”.
Được đánh giá là một kết quả bất ngờ, xét về số lượng những người phản đối yêu cầu từ các chủ nợ nhưng không bất ngờ nếu xét đến nội dung trưng cầu dân ý, bởi trong câu hỏi mà chính phủ Hy Lạp đặt ra để yêu cầu dân chúng cho ý kiến, có những nội dung mà gần như chắc chắn dân chúng Hy Lạp sẽ không chấp nhận, trong đó đặc biệt là việc tăng thuế VAT lên 23% nhằm vào lĩnh vực du lịch, nền công nghiệp số 1 của Hy Lạp.
Rõ ràng, người dân Hy Lạp hiểu rõ rằng, những đòi hỏi từ phía các chủ nợ là không chấp nhận được và nếu phải làm theo những đòi hỏi đó, cuộc sống của họ sẽ bị vắt kiệt.
Bên cạnh đó, người dân Hy Lạp đã có nhận định giống Chính phủ nước này, giống như trong lời kêu gọi của Thủ tướng Tsipras đưa ra trước thềm cuộc trưng cầu dân ý, đó là: Bằng cách nói “không” họ sẽ chuyển một thông điệp mạnh mẽ đến châu Âu và buộc các chủ nợ phải có những nhượng bộ.
Trên lý thuyết, kết quả trên sẽ mở đường cho việc Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), gọi là Grexit, nhưng trong sâu thẳm, ¾ (khoảng 74%) dân Hy Lạp vẫn muốn đất nước mình ở lại khu vực này.
Đây là một nghịch lý rất khó diễn giải vào thời điểm này, bởi rất nhiều quan chức châu Âu đã tuyên bố rằng việc người dân Hy Lạp nói “không” sẽ đồng nghĩa với việc Hy Lạp có thể sẽ phải rời khỏi eurozone và sau đó là rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Người dân Hy Lạp ăn mừng sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố. (Ảnh: Reuters). |
Hiện tại, dư luận châu Âu vẫn chưa có nhiều phản ứng trước kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp. Việc giữ Hy Lạp ở lại eurozone bằng mọi giá đang là ưu tiên của một số nước, nhất là Pháp. Nếu xét đến hậu quả, các chi phí rủi ro thì rõ ràng là việc Hy Lạp ở lại eurozone sẽ tốt hơn cho tất cả các bên.
Tuy nhiên, không thể loại trừ quan điểm cứng rắn từ các nước khác trong EU, đặc biệt là từ Đức, khi cho rằng, Hy Lạp không xứng đáng được hưởng tiếp các gói cứu trợ và rằng, dù Hy Lạp ra khỏi eurozone thì đó cũng không phải thảm họa cho châu Âu.
Theo kế hoạch, trong ngày 6/7, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias sẽ có chuyến thăm chính thức tới Israel bất chấp việc tương lai của Hy Lạp cũng như chính phủ nước này vẫn còn chưa ngã ngũ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Kotzias sẽ có các cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao của nước chủ nhà như Thứ trưởng Ngoại giao Tzipi Hotovely, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Benjamin Netanyahu, Tổng thống Reuven Rivlin, Bộ trưởng Năng lượng Yuval Steinitz và Bộ trưởng Nội vụ Silvan Shalom.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Kotzias dự kiến cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ với thủ lĩnh lực lượng đối lập ở Israel Isaac Herzog cũng như giới lãnh đạo Palestine ở thành phố Ramallah ở khu vực Bờ Tây.