Một năm sau vụ MH17: Vẫn mịt mù thông tin

Thứ Sáu, 17/07/2015, 14:21
Thân nhân gia đình các nạn nhân trên chuyến bay MH17  vẫn đỏ mắt chờ ngày công lý được thực thi với những kẻ đã gây ra vụ tai nạn thảm khốc cách đây một năm. Các thông tin trái chiều vẫn được đăng tải và gây nhiều tranh cãi.

Mê cung thông tin

Theo tin từ hãng BBC, trong ngày 17/7, nhiều hoạt động tưởng niệm vụ tai nạn máy bay thảm khốc MH17 đã diễn ra đồng loạt cả ở Malaysia, Hà Lan, Australia và Ukraine.

Trong khi đó, thông tin về kết luận chính thức của cuộc điều tra vụ tai nạn máy bay vẫn chưa được công bố. Và vì thế, có rất nhiều thông tin trái chiều nhau về kết quả cuộc điều tra này.

Hãng tin CNN hôm 15/7 đã dẫn một nguồn tin nói rằng, báo cáo chính thức của cuộc điều tra (do Hà Lan đứng đầu) đã kết luận rằng chính lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã bắn hạ chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines làm 298 người thiệt mạng hôm 17/7/2014. Theo nguồn tin này, vũ khí khiến máy bay bị rơi là một quả tên lửa Buk được bắn đi từ ngôi làng nằm trong lãnh thổ do quân ly khai kiểm soát.

Còn nhiều giả thuyết xung quanh vụ tai nạn máy bay MH17. (ảnh: Tapnewswire).

Trong khi đó, Uỷ ban điều tra Nga lại thông báo có được các dữ liệu cho thấy chiếc máy bay MH17 rất có thể đã bị một tên lửa không đối không sản xuất ngoài lãnh thổ Nga bắn trúng.

Dẫn lời khai của một nhân chứng người Ukraine là thành viên lực lượng tác chiến trên không của lực lượng không quân Ukraine tên là Evgeniy Agapov, Uỷ ban này khẳng định đã nhìn thấy một chiếc máy bay chiến đấu SU-25 CỦA Ukraine mang theo tên lửa không đối không cất cánh từ một căn cứ không quân ở phía Đông Dnipropetrovsk cùng ngày xảy ra thảm kịch và sau đó thấy chiếc máy bay đó trở lại mà không còn quả tên lửa nào.

Hãng RT của Nga thì cho hay, một nhóm chuyên gia an ninh hàng không giàu kinh nghiệm đã xác định rằng, chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH17 có thể đã bị bắn hạ bằng một quả tên lửa không đối không Python do Israel sản xuất…

Tranh cãi về một phiên tòa

Hiện nay, khi quá trình điều tra vụ tai nạn kết thúc, các quốc gia bắt đầu có những tranh cãi về việc có nên tạo lập một phiên tòa để xét xử kẻ đã gây ra tai nạn thảm khốc này hay không. Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine đều đang xúc tiến yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thiết lập một tòa án quốc tế về vụ việc này.  

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh, việc tìm lại công lý cho các nạn nhân của vụ tai nạn máy bay MH17 là ưu tiên hàng đầu của quốc gia này. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop thì khẳng định, một khi thông tin về cuộc điều tra đầy đủ đã truyền tài thông điệp mạnh mẽ là không khoan dung cho những ai phá hoại hòa bình quốc tế thì việc thành lập tòa án quốc tế chỉ là bước đi tiếp theo để xử lý kẻ có tội mà thôi…

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng kêu gọi các nước không nên đưa ra những giả thuyết khác nhau về vụ rơi máy bay trên, đồng thời cho rằng tòa án trên chỉ nên thành lập sau khi kết thúc cuộc điều tra một cách khách quan theo đúng Nghị quyết 2166 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Và mức bồi thường

Piet Ploeg, công dân Hà Lan, người có anh trai là Alex Ploeg, chị dâu Edith Ploeg-Cuijpers và cháu trai Robert (21 tuổi) cùng chết trên chuyến bay xấu số MH17 cho hay, điều mà gia đình anh quan tâm nhất hiện nay là kết quả cuộc điều tra cũng như các biện pháp xử lý đối với thủ phạm của vụ tai nạn này. Piet Ploeg nói: “Chúng tôi cứ chờ đợi, chờ đợi trong vô vọng”. Riêng về các khoản và mức tiền bồi thường, Piet Ploeg cũng cho hay gia đình anh mới nghe nói chứ chưa nhận được bất cứ một thông tin chính thức nào về việc này.

Các chuyên gia về hàng không thì cho hay, vụ bồi thường trong tai nạn của chuyến bay MH17 có thể sẽ kéo dài vì liên quan đến nhiều bên và cả các cáo buộc chính trị. Những khoản bồi thường  ban đầu cho gia đình các nạn nhân sẽ do hãng Malaysia Airlines tự chi trả. Số tiền mà hãng này phải bồi thường sẽ tuân thủ thỏa thuận về hàng không quốc tế thuộc Công ước Montreal, với mức tối đa khoảng 170.000 USD/hành khách. Malaysia Airlines phải thực hiện những chi trả ban đầu này, bất kể tai nạn có phải do lỗi của họ hay không.

Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay MH17 trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị rơi khi bay qua không phận miền Đông Ukraine làm toàn bộ người trên chuyến bay thiệt mạng, trong đó có 193 người Hà Lan.

Chính quyền Ukraine và phương Tây cho rằng các tay súng ở miền Đông Ukraine đã bắn hạ chiếc máy bay. Tuy nhiên, phía lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine phủ nhận cáo buộc này và cho rằng chính quân đội Ukraine đã bắn nhầm vào chiếc máy bay trên.

Do có nhiều công dân thiệt mạng nhất, Hà Lan đã được trao nhiệm vụ mở cuộc điều tra quốc tế về nguyên nhân vụ rơi máy bay. Hồi tháng Chín năm ngoái, Ủy ban An toàn Hà Lan đã công bố kết quả điều tra sơ bộ về vụ MH17, trong đó khẳng định chiếc máy bay này bị nổ tung ngay trên không là do bị trúng phải "một loạt vật thể di chuyển với tốc độ cao”. Nhưng báo cáo này lại không xác định được bên nào là thủ phạm gây ra vụ rơi máy bay.

S.Thương (tổng hợp từ BBC, CNN, Reuters và AP)
.
.