Những giả thuyết vụ tai nạn máy bay ở Pháp
Sáng 26/3, các trực thăng Pháp đã nối lại hoạt động thu thập và di chuyển thi thể nạn nhân trên chiếc máy bay Airbus A320 gặp nạn ở dãy núi Alps. Thân nhân hành khách và phi hành đoàn đã được đưa đến tập trung tại một địa điểm gần hiện trường vụ tai nạn để trực tiếp theo dõi các diễn biến tìm kiếm cứu hộ.
Ngoài việc cử trực thăng tới hiện trường vụ tai nạn, lực lượng cứu hộ cũng triển khai các đội di chuyển bằng đường bộ trên những sườn núi dốc, cheo leo. Ảnh: AP. |
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức cấp cao của Pháp cho hay, phải mất ít nhất một tuần để rà soát hết khu vực máy bay rơi và ít nhất 3 tháng để xác định thi thể các nạn nhân thông qua giám định ADN. Những hình ảnh ghi được từ trực thăng cho thấy các mảnh vỡ của máy bay nằm vương vãi trên diện tích chừng 1,6ha với địa hình hiểm trở. Đến nay, mảnh thi thể lớn nhất mà lực lượng cứu hộ xác định được không lớn hơn một chiếc cặp xách tay.
Hiện lực lượng cứu hộ đã tìm thấy vỏ của chiếc hộp đen thứ 2. Còn theo kết quả khai thác ban đầu chiếc hộp đen ghi âm khoang lái của máy bay mà Trung tâm phân tích và điều tra an toàn hàng không dân sự Pháp (BEA) cung cấp trong cuộc họp báo tối 25/3 (theo giờ địa phương), máy bay không phải gặp nạn do bị giảm áp suất đột ngột.
Như vậy là giả thuyết máy bay bị nạn do giảm áp suất đột ngột và giả thuyết bị khủng bố đều đã bị loại bỏ. Các phi công được xác định ngừng liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lúc 10h31 và đến 10h47 phút thì trạm này công bố tình trạng khẩn cấp. Một phút sau đó, chiếc máy bay Airbus A320 biến mất khỏi màn hình radar.
Cho đến nay, nhiều giả thuyết đã được đưa ra xung quanh vụ tai nạn. Có nhiều người cho rằng máy bay có thể đã bị khủng bố bởi nó bị vỡ tung trước khi rơi xuống. Nhưng đến nay các chuyên gia Pháp và Đức đều bác bỏ dấu hiệu này.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, “giả thuyết khủng bố không phải là giả thuyết mà chúng tôi đang tập trung”. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere thì tuyên bố, chính phủ nước này không có lý do gì để nghi ngờ về bên thứ 3 "chơi xấu" trong vụ tai nạn máy bay trên. Ông khẳng định: "Không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy các bên thứ 3 nhúng tay vào vụ rơi máy bay này. Trong khi đó, người ta lại đưa ra 3 giả thuyết khác gồm: thời tiết xấu, va chạm với chim và trục trặc kỹ thuật.
Một thông tin nữa cũng đang gây xôn xao dư luận và là một điểm quan trọng trong cuộc điều tra là việc một phi công trên chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U 9525 bị rơi ở dãy núi Alps của Pháp đã bị nhốt bên ngoài khoang lái trong thời gian xảy ra vụ tai nạn.
Hãng CNBC ngày 26/3 dẫn nguồn tin từ tờ The New York Time cho hay, bằng chứng về việc này chính là đoạn ghi âm trong hộp đen vừa được các nhân viên của BEA khôi phục lại.
Tờ The New York Time còn trích lời của một quan chức cấp cao trong quân đội Pháp, người đang tham gia cuộc điều tra cho biết, đoạn hội thoại giữa hai phi công trước khi xảy ra vụ tai nạn rất rõ ràng, mạch lạc. Các điều tra viên đã nghe được toàn bộ những lời nói của hai viên phi công từ khi chuyến bay bắt đầu tại sân bay ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha. Đoạn ghi âm cũng cho thấy rõ, một phi công đã rời khoang lái nhưng lại không thể quay trở lại.
Quan chức này nói: “Viên khi công kia không thể quay trở lại buồng lái. Anh gõ nhẹ vào cửa nhưng không có tiếng trả lời. Sau đó anh ta đấm mạnh vào cửa nhưng cũng không có hồi đáp. Chúng tôi nghe thấy tiếng anh ý đã cố gắng đạp đổ cửa. Chúng tôi cũng không rõ lý do tại sao một phi công lại rời khoang lái bởi đoạn hội thoại gần cuối bị rè. Nhưng chắc chắn điều này có liên quan đến vụ tai nạn”.
Đại diện hãng Lufthansa cho biết chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào liên quan đến vấn đề này nhưng sẽ điều tra kỹ lưỡng. Còn theo nhà phân tích hàng không Peter Goelz (người Mỹ) thì nếu đúng như vậy, vào thời điểm cuối cùng của chuyến bay, viên phi công trong buồng lái chỉ ở một mình và không mở cửa. Điều này dẫn đến nhiều khả năng xảy ra trong đó, có thể là một tình huống y tế khẩn cấp hoặc viên phi công này đang thực hiện một kế hoạch tự sát.
Ông Peter Goelz nói: “Nếu không phải là một hành vi phạm tội mà cánh cửa bằng cách nào đó bị kẹt khiến phi công trong buồng lái không thể xử lý tình huống dẫn tới thảm họa thì thông tin này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về độ an toàn kỹ thuật của loại phi cơ Airbus A320 – một trong những máy bay chở khách phổ biến nhất thế giới".
Trong khi đó, Giám đốc BEA Remi Jouty nói còn quá sớm để kết luận điều gì đã xảy ra. Hiện Viện công tố thành phố Duesseldorf của Đức cũng chính thức vào cuộc điều tra vụ việc.
Cơ phó cố tình hạ độ cao của máy bay Trong cuộc họp báo chiều 26/3, công tố viên Pháp Brice Robin cho hay, cơ phó là công dân Đức tên Andreas Lubitz chính là người điều khiển máy bay Airbus A320 khi máy bay bị nạn. Chuyện xảy ra sau khi cơ trưởng rời buồng lái, cơ phó đã chốt cửa, không cho cơ trưởng vào buồng lái rồi bấm nút cho máy bay rơi thẳng xuống đất. Khẳng định đây là hành động có chủ đích, công tố viên Brice Robin cho biết, những dữ liệu thu được trong cuộc đối thoại cuối cùng của cơ trưởng và cơ phó đã hé lộ hướng điều tra mới về vụ tai nạn này. |