ICC điều tra tội ác chiến tranh ở miền Đông Ukraine

Thứ Năm, 10/09/2015, 08:17
Trong một động thái được cho là để làm rõ những cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở miền Đông, chính quyền Kiev hôm 8/9 đã đồng ý cho phép đoàn điều tra viên của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đến khu vực này.

Theo báo cáo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền (UNHCR), từ khi bùng phát chiến sự giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối ở miền Đông hồi tháng 4 năm ngoái, gần 8.000 người đã thiệt mạng.

Theo tin từ hãng AP, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin đã gửi một bức thư tới ICC tại The Hague, trong đó khẳng định Ukraine chấp thuận quyền xét xử của tòa nhằm xác định, khởi tố và xét xử những kẻ phạm tội hay đồng lõa đã gây ra các tội ác trên lãnh thổ Ukraine từ ngày 20/2/2014. 

Được biết, Ukraine không phải thành viên của ICC. Tuy nhiên, nước này vẫn có thể công nhận quyền tài phán của tòa này trên cơ sở từng trường hợp một, đối với những tội ác diễn ra trong một khung thời gian cụ thể. 

Hồi năm ngoái, chính quyền Kiev đã công nhận quyền tài phán của ICC đối với những tội ác diễn ra từ tháng 11 năm 2013 đến tháng 2/2014, tức là khoảng thời gian khi các cuộc biểu tình nổ ra tại Kiev đến khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ. 

Còn về cuộc điều tra này, trong một lần trả lời phỏng vấn hồi tháng 4, ông Pavel Klimkin tiết lộ rằng ông đã có cuộc gặp gỡ với người đứng đầu ICC và công tố viên của tòa án này. Mục đích là Ukraine muốn ICC điều tra về vụ tấn công của lực lượng chống đối hồi tháng 1 vào thành phố cảng chiến lược Mariupol ở miền Đông Ukraine làm 30 người thiệt mạng và 100 người bị thương. Đồng thời, khi đó, chính quyền Kiev còn tính đến cả khả năng đưa ra một trường hợp chống lại Nga trong vấn đề Crimea tại tòa án công lý quốc tế - tòa án tối cao của Liên Hợp Quốc nhằm phân xử các tranh chấp lãnh thổ ở The Hague, Hà Lan.

Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cho biết, gần 8.000 người thiệt mạng và 17.820 người bị thương trong các cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters.

Hiện lực lượng chống đối Ukraine và các thành viên còn lại trong nhóm “Bộ tứ Normandy” gồm Nga, Pháp, Đức vẫn chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này. Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, từ hồi cuối tháng 5, tổ chức Ân xá quốc tế (AI) đã không ít lần lên tiếng cáo buộc cả quân đội Ukraine và lực lượng ly khai phạm tội ác chiến tranh như tra tấn và hành quyết tù nhân ở miền Đông.

Báo cáo của AI còn mô tả rằng, châu Âu đang phải chứng kiến cuộc xung đột tàn bạo nhất kể từ các cuộc khủng hoảng vùng Balkan thời thập niên 1990.

Đưa ra bằng chứng về cuộc phỏng vấn của 33 tù nhân ở hai phe kể lại những hành động tra tấn, chuyên gia Al John Dalhuisen của AI nhấn mạnh: “Các cựu tù nhân cả hai bên mô tả thảm cảnh bị đánh đập đến gãy xương, bị tra tấn bằng điện, bị đánh đập, bị dao đâm, bị treo lên trần nhà, bị ép phải thức trắng nhiều ngày, không được chăm sóc y tế”. 

Chưa hết, lực lượng chống đối ở Ukraine và quân đội chính phủ còn bị cáo buộc thường xuyên nã pháo vào các khu vực dân cư… AI cũng khẳng định rằng, việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của lực lượng chống đối và quân đội chính phủ là điều không thể chấp nhận được.

Trên thực tế, trong 7 tháng của năm 2015, mặc dù đã có thỏa thuận ngừng bắn Minsk (ký kết hồi tháng 2) nhưng khu vực miền Đông ở Ukraine vẫn không ngơi tiếng súng. Cả quân đội chính phủ và lực lượng chống đối đều cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Xung đột và bạo lực gia tăng đã khiến nhóm tiếp xúc gồm Nga, Ukraine và tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) nhóm họp khẩn ở thủ đô Minsk của Belarus ngày 9/9. 

Một trong những vấn đề cơ bản của thỏa thuận lần này là về các văn kiện quy định rút vũ khí cỡ nòng dưới 100mm ở vùng Donbass. Báo cáo mới nhất của các quan sát viên Liên Hợp Quốc tại Ukraine thì khẳng định, có gần 8.000 người thiệt mạng và 17.820 người bị thương trong các cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Nga điều tra Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk

Người đứng đầu Ủy ban điều tra Nga Aleksandr Bastrykin hôm 8-9 cho biết, Nga đang tiến hành cuộc điều tra nhằm vào đương kim Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk với cáo buộc phạm tội ác chống lại quân đội Nga trong cuộc chiến chống khủng bố Tresnia những năm 1990.

Theo tin hãng Rferl, ông từng là luật sư, nhân viên ngân hàng và nhà kinh tế học trước khi trở thành Thủ tướng Ukraine hồi năm ngoái. Tiểu sử chính thức của ông cũng không có dòng nào nói về thời gian trong quân ngũ. Tuy nhiên, bằng chứng mà Ủy ban điều tra thu thập được lại cho thấy, ông Arseniy Yatsenyuk đã tham gia ít nhất 2 cuộc đụng độ vũ trang ở thủ phủ Grozny của Chechnya: trên quảng trường Minutka ngày 31/12/1994 và gần bệnh viện số 9 vào tháng 2 năm 1995. Ông Arseniy Yatsenyuk cũng tham gia tra tấn và hành quyết các quân nhân Nga ở quận Oktyabrsky của Grozny vào ngày 7/1/1995. 

Thậm chí, ông Arseniy Yatsenyuk và những người tham gia tích cực khác trong phong trào UNA-UNSO (Hội đồng quốc gia Ukraina - Tự vệ nhân dân Ukraina) còn nhận được giải thưởng danh dự quốc gia do thủ lĩnh lực lượng phiến quân Tresnia Dzhokhar Dudayev lập ra vì đã đã tiêu diệt các binh sĩ Nga. Được biết, thời điểm mà Aleksandr Bastrykin đưa ra về việc Thủ tướng Ukraine gia nhập lực lượng phiến quân Tresnia là lúc mà ông Arseniy Yatsenyuk đang theo học tại thành phố Chernivtsi, phía Tây Ukraine, gần biên giới Romania.

Khánh Chi

Phan Hiển
.
.