Thời điểm quyết định trong "cuộc chiến" chống tăng nhiệt độ toàn cầu
Liên Hợp Quốc (LHQ) mới đây công bố một báo cáo, trong đó nhấn mạnh rằng các cam kết được đưa ra cho đến nay nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ khiến nhiệt độ hành tinh của chúng ta tăng thêm khoảng 2,7 độ C trong thế kỷ này, một lời cảnh báo được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị COP26.
Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021, hay COP26, diễn ra tại Glasgow, Scotland ngày 31/10 tới, giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng rằng các nước có thể hoàn thành đúng hạn chót của năm nay trong việc đưa ra cam kết cắt giảm khí thải mạnh tay hơn, bởi đây có thể là cơ hội cuối cùng để hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu xuống dưới mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hoặc mức lý tưởng là 1,5 độ C.
Tuy nhiên, Thủ tướng Boris Johnson của Anh, nước chủ nhà của COP26, cho biết đến nay chưa có gì chắc chắn rằng liệu hội nghị về khí hậu quy mô hàng đầu của LHQ kể từ Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 có thể đưa ra những bước đột phá cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hay không.
Theo báo cáo thường niên về phát thải khí nhà kính do Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) công bố ngày 26/10, các cam kết được đưa ra cho đến nay chỉ có thể giảm lượng phát thải dự báo vào năm 2030 khoảng 7,5% so với những cam kết trước đó. Nếu tình hình này tiếp diễn, mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này sẽ là khoảng 2,7 độ C, thấp hơn đôi chút so với dự báo trước đó của UNEP là 3 độ C.
Để giới hạn nhiệt độ tăng toàn cầu ở mức 2 độ C, các nước cần giảm 30% lượng khí phát thải, trong khi đó, nếu muốn nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, 55% khí phát thải phải được cắt giảm. Báo cáo này nhận định, nhiều cam kết của các nước chỉ là "những lời hứa suông, chưa thể thực hiện được", theo Reuters.
Trên thực tế, các thành viên của nhóm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới chiếm đến 80% lượng khí phát thải toàn cầu, tuy nhiên, những nước này chưa đưa ra cam kết cụ thể trong việc cắt giảm khí nhà kính, Inger Andersen, giám đốc điều hành của UNEP, cho biết, nhấn mạnh rằng các nước phát triển có nghĩa vụ đặc biệt trong việc tăng cường các nỗ lực chống nóng lên toàn cầu.
Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước chiếm khoảng 30% lượng khí thải toàn cầu, vẫn chưa đưa ra các cam kết quyết liệt. Bà Andersen nhận định rằng hầu hết những hành động được các nước cam kết đều bị trì hoãn đến năm 2030, mà theo các chuyên gia, thời điểm đó sẽ là quá trễ để ngăn chặn những ảnh hưởng tồi tệ của biến đổi khí hậu lên hành tinh này, Al Jazeera đưa tin.
Tổ chức Khí tượng Thế giới mới đây cho biết rằng nồng độ khí nhà kính đã đạt mức kỷ lục vào năm ngoái và thế giới đang "đi chệch hướng" trong việc hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu. Trong một cuộc họp báo mới đây, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định rằng "nếu lượng phát thải khí nhà kính không được giảm đáng kể trong thập kỷ này, mục tiêu hạn chế nhiệt độ tăng toàn cầu ở mức 1,5 độ C có thể sẽ không đạt được", đồng thời kêu gọi tất cả các nước có mặt trước hoặc tham dự cuộc họp tại Glasgow đưa ra cam kết cụ thể.
Dữ liệu mới nhất của LHQ cho thấy 143 quốc gia, chiếm khoảng 57% lượng khí thải toàn cầu, đã đệ trình các kế hoạch cắt giảm khí thải mới hoặc cập nhật trước thềm Hội nghị COP26. Nếu những kế hoạch này được thực hiện triệt để và thành công, tổng lượng khí thải của các quốc gia này vào năm 2030 ước tính giảm khoảng 9% so với mức của năm 2010.
Tuy nhiên, nếu tất cả các cam kết của 192 quốc gia theo Thỏa thuận Paris được thực hiện cùng nhau thì lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 dự kiến sẽ tăng khoảng 16% so với năm 2010, điều này sẽ dẫn đến sự ấm lên toàn cầu khoảng 2,7 độ C.
Trong 11 năm qua, nhiều nước đã áp dụng những chính sách nhằm giảm lượng phát thải hàng năm xuống mức 11 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2030. Tuy nhiên, sản xuất nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa được giới hạn ở mức cần thiết, thậm chí một số nền kinh tế lớn dự kiến sản xuất nhiều hơn gấp đôi lượng than, dầu và khí đốt vào năm 2030 so với mức phù hợp để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.
Myles Allen, giáo sư khoa học hệ thống địa lý tại Đại học Oxford, cho biết rằng với tiến độ hiện tại, đến năm 2080 các nước trên thế giới mới đạt được mục tiêu giảm phát thải được đặt ra cho năm 2030.
Cũng vào năm 2030, để đạt mục tiêu giới hạn mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C, thế giới cần giảm thêm 28 tỷ tấn lượng phát thải khí nhà kính hàng năm, hoặc giảm một nửa so với mức hiện tại là gần 60 tỷ tấn, cao hơn tất cả các mức đã được nhiều nước cam kết, theo UNEP.
Để đạt được mục tiêu nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng 2 độ C, cần giảm 13 tỷ tấn khí phát thải vào năm 2030. Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhấn mạnh rằng thế giới không còn nhiều thời gian, "chỉ còn 8 năm để lên kế hoạch, đưa ra và thực hiện các chính sách và cuối cùng là cắt giảm khí phát thải" gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu.