Tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm hòa bình cho Dải Gaza

Thứ Tư, 10/07/2024, 06:30

Hiện các nước trung gian hòa giải, trong đó có Mỹ, đang đẩy mạnh nỗ lực hòa giải để hướng tới thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 9 tháng ở dải đất ven Địa Trung Hải.

Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns và đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Brett McGurk đã có cuộc gặp với người đồng cấp của Ai Cập, Israel và Jordan tại Cairo vào ngày 8/7. Trong các cuộc thảo luận này, các bên đã hết sức nỗ lực song vẫn chưa thể thu hẹp sự khác biệt quan điểm giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza sau nhiều tháng xung đột.

9_7_2024_quocte_gazaditan.jpg -0
Người dân Palestine sơ tán khỏi khu vực phía Đông TP Khan Younis, Dải Gaza.

Sự khác biệt quan điểm này liên quan đến vấn đề quản lý và an ninh ở Gaza thời hậu xung đột khi Israel quyết tâm loại bỏ Hamas và từ chối rút hoàn toàn khỏi vùng đất này. Trong khi đó, Hamas tiếp tục khẳng định “vai trò hậu chiến” trong việc quản lý Gaza và phản đối việc triển khai các lực lượng quốc tế, theo như yêu cầu của Israel. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby khẳng định, quan chức Mỹ cùng đồng cấp các nước vẫn duy trì nỗ lực hết sức có thể trong các cuộc thảo luận vài ngày tới đây. Những cuộc đàm phán ở giai đoạn sau sẽ có sự tham gia của các nhà hòa giải hàng đầu gồm ông William Burns, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Ai Cập Abbas Kamel, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) David Barnea và phái đoàn cấp cao của Hamas do lãnh đạo chính trị Ismail Haniyeh dẫn đầu. Các cuộc đàm phán lần này có được động lực mới khi phong trào Hamas và Israel bắt đầu thể hiện sự linh hoạt sau nhiều tháng bế tắc. Hamas tuần trước đã giảm bớt các điều kiện của mình, theo đó nhóm này từ bỏ yêu cầu Israel phải cam kết bằng văn bản về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn khi giai đoạn đầu của thỏa thuận kết thúc. Thay vào đó, Hamas muốn các nhà hòa giải Mỹ, Qatar và Ai Cập phải đảm bảo bằng văn bản rằng các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn sẽ bắt đầu ngay khi giai đoạn 6 tuần đầu tiên bắt đầu. Israel đã “đồng ý có điều kiện” với đề xuất mới của Hamas, đồng thời nêu bật quan điểm cuối cùng của nước này rằng, Hamas phải đáp ứng các yêu cầu về thời gian biểu và các chi tiết về việc thả con tin.

Về phía Israel, trong một diễn biến bất ngờ, Văn phòng Thủ tướng nước này này 7/7 phát đi thông báo của ông Benjamin Netanyahu nhấn mạnh tới các điều kiện để tiến hành đàm phán, bao gồm: Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải cho phép Israel tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu đề ra; Chấm dứt tình trạng buôn lậu vũ khí qua Ai Cập vào Dải Gaza để cung cấp cho Hamas; Không cho phép hàng nghìn “kẻ khủng bố” vũ trang quay lại phía Bắc Dải Gaza; Số lượng con tin còn sống sẽ được trao trả phải ở mức tối đa. Những người ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn và giải cứu con tin cho rằng, tuyên bố trên được phát đi vào đúng thời điểm nhạy cảm, ngay trước khi diễn ra cuộc họp Nội các An ninh nhằm đánh giá tình hình để đưa ra quyết định đàm phán và trong khi các bên trung gian đang đẩy mạnh tiếp xúc nhằm ráp nối lập trường và yêu cầu của các phía đối địch. Một tuyên bố như vậy sẽ tạo tác động tiêu cực vào thời điểm vòng đàm phán có những tín hiệu thành công rõ rệt nhất.

Để tránh cho chính phủ liên minh khỏi nguy cơ tan vỡ, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang ngày càng phụ thuộc vào các thành viên cực hữu, những người có quan điểm cứng rắn không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Hamas. Ngày 8/7, Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich một lần nữa cảnh báo sẽ lật đổ chính phủ liên minh nếu ông Benjamin Netanyahu chấp nhận thỏa thuận. Trong khi đó, dư luận bên ngoài, nhất là từ Mỹ, về việc cần sớm ngừng cuộc chiến cũng đang tạo sức ép rất lớn. Gần đây, các phát ngôn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu một mặt thể hiện sự thiện chí đàm phán, mặt khác, nhà lãnh đạo Israel thường xuyên đưa ra các tuyên bố mâu thuẫn “không ngừng bắn chừng nào Hamas chưa bị loại bỏ”. Theo kế hoạch, ngày 24/7 tới Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ có chuyến công du tới Washington, gặp Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden và có bài phát biểu trước các nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Những bất đồng liên quan tới cuộc chiến tại Dải Gaza cũng như nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện với phong trào Hezbollah ở Lebanon buộc nhà lãnh đạo này phải có những tính toán thận trọng, nhằm duy trì sự ủng hộ về tài chính, quân sự và cả tiếng nói từ đồng minh thiết yếu là Mỹ.

Giới quan sát nhận định mặc dù có cùng quan điểm với các chính trị gia cải cách và tướng lĩnh quân đội theo hướng ưu tiên ngừng bắn để giải cứu con tin, nhưng hiện Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phụ thuộc quá lớn vào phe cực hữu, khiến ông không thể chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn nếu không có sẵn một kịch bản duy trì sinh mệnh chính trị cá nhân. Cũng như các vòng đàm phán trước, nhiều khả năng Thủ tướng Israel sẽ tìm cách trì hoãn lệnh ngừng bắn và sẽ bác bỏ các yêu cầu của Hamas sau chuyến công du tới Washington. Vì vậy, tuyên bố mới nhất của ông về các điều kiện đàm phán được xem là một nước cờ khó hiểu.

Gần 90% người dân Gaza từng phải di tản

Văn phòng phụ trách điều phối các vấn đề nhân quyền của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 8/7 (giờ địa phương) cho biết, sau 9 tháng xung đột giữa Israel và phong trào Hamas, 90% người dân ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi trú ẩn an toàn, trong đó có những người phải di tản nhiều lần do các lệnh sơ tán liên tục của Israel, tình trạng đói nghèo và mất an ninh do xung đột. Những người phải di tản nhiều lần sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả khi mất dần tài sản, khả năng tìm nơi trú ẩn mới và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Mới đây, trong hai ngày 7-8/7, Quân đội Israel yêu cầu hàng chục nghìn người dân ở 19 tòa nhà chung cư ở TP Gaza phải sơ tán khẩn cấp. Ở phía Bắc Dải Gaza, các cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc đặc biệt quan ngại về tình trạng thiếu cơ sở tránh trú an toàn cho khoảng 80.000 người phải di dời khỏi các khu vực phía Đông của TP Gaza, từ hồi cuối tháng Sáu vừa qua.

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp cũng là một thách thức không nhỏ, nhất là khi xung đột làm gián đoạn nhiều đường dây thông tin liên lạc và đi lại khó khăn. Vấn đề an ninh và đường sá bị hủy hoại cũng cản trở các hoạt động vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo từ cửa khẩu Kerem Shalom đến dải Gaza. Hệ quả là các hoạt động viện trợ nhân đạo đang rơi vào tình trạng khó khăn vì thiếu nhiên liệu và hàng hóa viện trợ, làm gia tăng rủi ro về sức khỏe đối với người dân giữa lúc thời tiết nắng nóng. Theo OCHA, 13 trong 36 bệnh viện ở Dải Gaza hiện hoạt động cầm chừng.

Ông Munir al-Bursh, quan chức y tế ở Gaza cảnh báo về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực y tế ở dải đất này, khi các bệnh viện đều thiếu hụt nhiên liệu, trang thiết bị và vật tư. Khoảng 25.000 bệnh nhân cần được chuyển ra khỏi Gaza để điều trị khẩn cấp. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5.000 người có thể được chuyển ra khỏi Gaza để điều trị ở nơi khác. Quan chức này nhấn mạnh, tình hình ở Gaza hết sức khó khăn, đồng thời kêu gọi việc mở cửa ngay lập tức cửa khẩu Rafah. Trong khi đó, người phát ngôn Cơ quan Phòng vệ Dân sự Gaza Mahmoud Basal cảnh báo tình hình ở dải đất này đang vô cùng nghiêm trọng khi quân đội Israel tấn công vào khu vực Shuja'iyya ở phía Đông TP Gaza từ hơn 10 ngày qua. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép để Israel chấm dứt các chiến dịch như vậy.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.