Tiếp tục nỗ lực ngăn chặn xung đột lan rộng tại Trung Đông

Thứ Tư, 13/11/2024, 05:57

Đó là một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Arab - Hồi giáo bất thường lần thứ hai diễn ra hôm 11/11 (giờ địa phương) tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Dải Gaza, chia sẻ những quan điểm, đề xuất và chính sách liên quan đến vấn đề này với hy vọng đạt được sự đồng thuận và đoàn kết trong việc ủng hộ quyền lợi của người Palestine.

Được tổ chức trong bối cảnh xung đột Israel - Palestine leo thang nghiêm trọng, đặc biệt là tại Dải Gaza, hội nghị tập trung vào các chủ đề chính, bao gồm lên án các hành động quân sự của Israel tại Gaza, bảo vệ quyền lợi của người Palestine và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột.

12_11_2024_quocte_arabsilamsummit.jpg -0
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Arab - Hồi giáo bất thường lần thứ hai.

Các nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo thảo luận về việc sử dụng các công cụ ngoại giao và kinh tế để gây sức ép lên Israel và kêu gọi sự can thiệp của Liên hợp quốc (LHQ) để giải quyết tình hình. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã lên án mạnh mẽ hành động quân sự của Israel, đặc biệt là việc tấn công các khu vực dân cư tại Gaza, gây ra thương vong lớn và thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng.

Các quốc gia tham gia chỉ trích việc Israel sử dụng quyền tự vệ như một cái cớ cho các cuộc tấn công quy mô lớn, bất chấp các nguyên tắc quốc tế về bảo vệ dân thường. Theo đó, họ đã nhất trí huy động sự ủng hộ của quốc tế để đóng băng tư cách thành viên của Israel tại LHQ. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ quyền của người Palestine, trong đó có quyền được sống và quyền tự quyết. Hội nghị tái khẳng định cam kết ủng hộ Palestine trong việc thành lập một nhà nước độc lập với lãnh thổ bao gồm Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem, dựa trên đường biên giới trước năm 1967.

Quyền của người Palestine tiếp tục là một vấn đề trung tâm, với nhiều nước cho rằng, cuộc xung đột chỉ có thể kết thúc khi Israel tôn trọng quyền lợi của người Palestine. Hội nghị kêu gọi LHQ có các biện pháp ràng buộc để chấm dứt xung đột, bao gồm việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Israel không tuân thủ các nghị quyết quốc tế. Nhiều quốc gia Arab và Hồi giáo kỳ vọng rằng, LHQ sẽ can thiệp mạnh mẽ hơn và kêu gọi Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết bảo vệ người dân Palestine, chấm dứt các hoạt động quân sự và mở ra các lối tiếp cận nhân đạo cho những người dân đang gặp khó khăn tại Gaza.

Mặc dù có nhiều điểm đồng thuận, song tại hội nghị cũng xuất hiện những bất đồng trong các biện pháp cụ thể. Một số quốc gia, như Algeria và Lebanon, ủng hộ biện pháp trừng phạt kinh tế các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Israel để gây sức ép đối với Tel Aviv. Họ đề xuất cắt giảm hoặc ngừng cung cấp dầu cho Israel, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại khác.

Theo quan điểm của các nước này, biện pháp trừng phạt kinh tế là một công cụ hiệu quả để đạt được các mục tiêu chính trị. Ngược lại, các quốc gia như UAE và Bahrain - các nước đã bình thường hóa quan hệ với Israel lại phản đối các biện pháp trừng phạt cứng rắn, do lo ngại có thể làm gia tăng căng thẳng cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế và an ninh trong khu vực. Thay vì áp dụng các biện pháp cứng rắn, họ kêu gọi đối thoại và tìm kiếm giải pháp thông qua ngoại giao và đàm phán hòa bình.

Mặc dù vậy, trong Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế để áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Israel cũng như “đóng băng” tư cách thành viên của nước này tại LHQ, nhấn mạnh “đây sẽ là một bước đi đưa mọi thứ vào đúng vị trí”. Tuyên bố chung cũng cảnh báo về những nguy cơ xung đột leo thang và mở rộng trong khu vực, vốn đã kéo dài hơn một năm ở dải Gaza và giờ đã lan sang cả Lebanon, cùng với những hành vi được cho là vi phạm chủ quyền của Iraq, Syria và Iran, mà thiếu đi các hành động ngăn chặn quyết liệt từ cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố vì vậy hối thúc phải tăng cường các hành động tập thể hiệu quả hơn nhằm buộc Israel phải tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời lên án tiêu chuẩn kép trong việc áp dụng luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế và Hiến chương LHQ. Bên cạnh kêu gọi cung cấp mọi hình thức hỗ trợ chính trị, ngoại giao và bảo vệ quốc tế cho người dân Palestine, tuyên bố chung đồng thời thúc giục Hội đồng Bảo an phản hồi sự đồng thuận quốc tế thể hiện qua nghị quyết của Đại hội đồng LHQ thông qua vào ngày 10/5/2024, trong đó ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ.

Sự tham gia của các quốc gia lớn trong khu vực như Saudi Arabia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần quan trọng vào các cuộc thảo luận tại hội nghị. Saudi Arabia, nước chủ nhà của hội nghị, đã nỗ lực thúc đẩy đoàn kết trong khối Arab - Hồi giáo và tạo ra không gian để các nước có thể bày tỏ quan điểm.

Saudi Arabia kêu gọi sự đoàn kết giữa các quốc gia Hồi giáo trong việc bảo vệ người Palestine và cam kết hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tại Gaza. Trong khi đó, Iran là một trong những quốc gia lên án mạnh mẽ nhất các hành động của Israel và kêu gọi các nước trong khối đoàn kết hỗ trợ người Palestine.

Tehran cho rằng, cần phải hành động quyết liệt hơn, bao gồm cả việc xem xét quân đội Israel là một tổ chức khủng bố. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các biện pháp quốc tế và kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức toàn cầu như LHQ. Quốc gia này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các lối tiếp cận nhân đạo cho người dân tại Gaza và hỗ trợ tài chính, vật tư y tế để giúp đỡ những người đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ xung đột.

Hội nghị Thượng đỉnh Arab - Hồi giáo bất thường lần thứ hai đã tạo ra một diễn đàn quan trọng cho các nước Arab và Hồi giáo để thảo luận và xác định các bước đi tiếp theo đối với cuộc xung đột Israel - Palestine. Mặc dù không đạt được giải pháp cuối cùng, hội nghị đã thể hiện rõ ý chí và cam kết của nhiều quốc gia trong việc ủng hộ người Palestine và tìm kiếm các giải pháp lâu dài.

Trong thời gian tới, các nước tham gia hội nghị sẽ cần hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy các biện pháp ngoại giao và tăng cường sự can thiệp của các tổ chức quốc tế nhằm chấm dứt bạo lực và khủng hoảng nhân đạo tại Gaza. Đồng thời, các nước trong khối sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc cân bằng giữa lợi ích quốc gia và sự đoàn kết khu vực để tạo ra một giải pháp hòa bình bền vững cho người Palestine và khu vực Trung Đông.

Khổng Hà
.
.