EU mở rộng Hiệp ước Schengen “Tan băng” tranh chấp biên giới Đức-Balan

Thứ Tư, 02/01/2008, 15:19
Kể từ giữa đêm ngày 20/12, với việc 9 quốc gia mới ở châu Âu cùng gia nhập Hiệp ước Schengen về đi lại tự do, đường biên giới giữa những nước này cũng như với Liên minh châu âu (EU) trên thực tế đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Nhưng đối với hai nước Đức và Balan, việc mở rộng Hiệp ước Schengen còn có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều lần. Nó đã giúp xóa bỏ những tranh chấp và mâu thuẫn dai dẳng trong quá khứ về biên giới, trải dài hơn 450 km giữa hai quốc gia này.

 

Khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, Balan cũng là nạn nhân đầu tiên bị Đức phát xít thôn tính. Sau khi quân đội của Hitler bị đánh bại, hàng triệu người dân Đức đã bị bắt buộc rời khỏi những thành phố chính đang nằm trên lãnh thổ Balan như Breslau, hiện nay mang tên Wroclaw.

 

Nhiều thành phố cũ nằm dọc theo bờ những con sông Neisse và Oder (trở thành những đường biên thiên nhiên ngăn cách Đức và Balan) đã biến thành những thị trấn bị chia cắt thuộc hai nước như Frankfurt-Slubice hay Gurlitz-Zgorzelec.

 

Các quy định phân chia kiểu này trên thực tế đã trở thành những vết thương không bao giờ lành trong quan hệ song phương Đức - Balan, là nguồn gốc của những bất đồng, thậm chí cả hận thù của những cộng đồng dân cư trú ngụ dọc theo đường biên, cho dù trong thực tế họ không có gì khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ.

 

“Sau chiến tranh, các thành phố dọc theo biên giới đã quay lưng lại với nhau” – đó là phát biểu của Ryszard Bodziacki, Thị trưởng của thành phố Slubice thuộc Balan, trước đây từng là một phần của Frankfurt an der Oder (một thành phố tại Đông Đức có cái tên khá dài để phân biệt với Frankfurt am Main ở Tây Đức).

 

Bodziacki hiện đang rất tích cực phối hợp cùng các đối tác bên kia sông Oder trong một nỗ lực “tích hợp lại” hai thành phố. Những bước đầu tiên trong nỗ lực này là tổ chức hoạt động chung giữa các lực lượng cảnh sát và cứu hỏa, cũng như gửi một số nhóm trẻ em Balan sang bên kia sông để học tại các trường của Đức.

 

Những nỗ lực của Bodziacki đã trở nên đơn giản hơn nhiều kể từ ngày 21/12/2007, khi Balan chính thức gia nhập khu vực không biên giới trong phạm vi EU, còn được gọi là khu vực Schengen – thực chất là tên một thị trấn tại Luxembourg, nơi các thỏa thuận đầu tiên về mở cửa đường biên đã được ký kết giữa một nhóm các quốc gia Tây Âu, trong đó có cả Đức, vào năm 1985.

 

Như vậy là kể từ thời điểm lịch sử này, Balan và 8 quốc gia khác (chủ yếu là các nước ở Trung và Đông Âu) đều có cùng một chế độ thị thực phổ thông và các thủ tục biên giới tương tự như các thành viên EU. Cảnh sát tại mỗi nước vẫn sẽ tổ chức tuần tra và kiểm soát bên trong lãnh thổ của họ.

 

Nhưng với việc gia nhập của các thành viên mới này, bất cứ người nào cũng có thể lái xe từ Lisbon (Bồ Đào Nha) cho tới Tallinn (Estonia) mà không cần phải trình thị thực hay chứng minh. Nói một cách đơn giản hơn, khoảng 400 triệu dân tại 24 quốc gia trong Hiệp ước Schengen sẽ được đi lại tự do trong khu vực này mà không cần thị thực.

 

Mọi chuyện cũng đơn giản hơn nhiều đối với những công dân các nước nằm ngoài hiệp ước, khi họ chỉ cần một thị thực Schengen là được qua lại thoải mái trong khu vực phi đường biên này.

 

Chuyện qua lại đường biên giờ đây đã không còn là vấn đề gì giữa những người dân của cả hai nước Đức và Balan – tất cả đều có thể tự do qua lại giữa hai bên để mua xăng hay thuốc lá với giá rẻ hơn, hoặc thậm chí để kiếm việc làm.

 

“Tôi nghĩ đây là điều tuyệt vời vì không cần phải xếp hàng chờ làm thủ tục gì nữa” – đó là phát biểu của Monika Kraska, một thợ cắt tóc 22 tuổi tại Slubice (Balan). Khách hàng từ bên Đức giờ đây thường ghé vào cửa hàng của cô hơn nhờ giá rẻ, trong khi Kraska cũng có thể dễ dàng sang mua quần áo tại Frankfurt an der Oder.

 

Tuy nhiên, việc đường biên giới chung của EU đã mở rộng ra sát với Ukraina và Belarus đã gây ra không ít lo ngại tại nước Đức cũng như nhiều quốc gia Tây Âu trong EU. Nhiều nhân viên cảnh sát Đức thậm chí còn đưa ra những lời cảnh báo về khả năng tỉ lệ tội phạm sẽ tăng nhanh sau khi các thủ tục giám sát qua lại đường biên bị xóa bỏ.

 

Nguyên nhân đơn giản theo họ là khoảng cách về thu nhập giữa nước Đức phát triển so với những nước láng giềng sẽ thu hút các phần tử tội phạm tới Đức. Như Josef Scheuring, Chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát Liên bang Đức, đã phải phát biểu: “Một châu Âu rộng lớn hơn sẽ chỉ được mọi người dân chấp nhận nếu nó thực sự an toàn”.

 

Tương tự như Đức, một số quốc gia khác trong EU cũng bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ gia tăng tội phạm cũng như tỉ lệ người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ của họ sau khi Hiệp ước Schengen được mở rộng.

 

Dù sao, Ủy ban châu Âu (EC) cũng tìm cách trấn an mọi thành viên với công bố cho biết, họ đã quyết định chi thêm 1 tỉ euro để tăng cường các hoạt động đảm bảo an ninh dọc theo các đường biên giới mới của EU.

 

Theo EC, quyết định mở rộng khu vực phi biên giới Schengen chắc chắn sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực như thúc đẩy hoạt động thương mại và du lịch trong khu vực

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.