10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2010
Ngày 19/8, tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad (Ấn Độ), Giáo sư Ngô Bảo Châu và 3 nhà toán học khác đã được tặng Giải thưởng "Fields" - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học, được coi là giải "Nobel Toán học".
Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở châu Á (sau Nhật Bản) có công dân được tặng giải thưởng danh giá này.
Tin vui làm nức lòng hàng triệu người Việt Nam. Cả nước vỡ òa trong niềm hân hoan, hạnh phúc, tự hào vì người Việt Nam đã chinh phục được đỉnh cao của nền khoa học nhân loại.
Giáo sư Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972) nổi tiếng thế giới với nhiều công trình khoa học, đặc biệt là sau khi Giáo sư chứng minh được "Bổ đề cơ bản", một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands mà nhiều nhà toán học có hạng trên thế giới, sau mấy thập kỷ nghiên cứu, vẫn bó tay. Công trình này của Giáo sư Châu đã được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.
2. Vụ đấu pháo giữa 2 miền Triều Tiên
Ngày 23/11, CHDCND Triều Tiên đã bắn 50 quả đạn pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Hàn Quốc lập tức bắn trả với cơ số đạn gấp hơn 1,5 lần. Thiệt hại của cả hai phía không lớn, nhưng tác động và hệ lụy của vụ đấu pháo này thì ngược lại.
Đây là xung đột quân sự nghiêm trọng nhất giữa hai bên kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1953). Nó đã đẩy hai miền Triều Tiên đến bên bờ vực chiến tranh, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, khiến một số cường quốc lâm vào thế "bối rối". Cộng đồng quốc tế, trước hết là Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản, đã thực sự lo ngại trước khả năng "không thể kiểm soát được tình hình". Các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương đã diễn ra dồn dập với hy vọng làm dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
3. Vụ động đất kinh hoàng tại Haiti
Ngày 12/1, một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter và kéo dài hơn 1 phút, kèm theo 3 cơn dư chấn mạnh khoảng từ 5,1 đến 5,9 độ Richter, được ghi nhận là khủng khiếp nhất trong 200 năm qua tại Haiti, đã tàn phá gần như toàn bộ thủ đô Port-au-Prince và nhiều khu vực khác của nước này.
Theo thống kê chính thức, số người thiệt mạng trong thảm họa nói trên lên tới 150.000, không kể khoảng 200.000 người khác mà người ta sợ rằng có thể đã chết trong các đống đổ nát. Ít nhất 3 triệu người (chiếm gần 1/3 dân số Haiti) bị ảnh hưởng trực tiếp.
Liên Hiệp Quốc cùng nhiều tổ chức quốc tế và hơn 140 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tham gia các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp giúp Haiti khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng này và tái thiết đất nước. Người ta dự tính rằng công cuộc tái thiết Haiti phải mất nhiều năm và một số tiền không dưới 10 tỉ USD.
4. Mạng Wikileaks tiết lộ hơn 250.000 tài liệu mật của ngành ngoại giao Mỹ
Ngày 28/11, trang mạng WikiLeaks bắt đầu tiết lộ nội dung của 250.000 tài liệu mật của ngành ngoại giao Mỹ trong giai đoạn từ tháng 12/1966 đến hết tháng 2/2010, làm "lộ sáng" hàng loạt vụ việc nhạy cảm, từ chuyện Washington yêu cầu các nhà ngoại giao của họ ở nước ngoài thu thập tin tình báo, đến những bình luận "thiếu ngoại giao" về cá nhân hay một quốc gia hoặc những thỏa thuận "ngầm" của Mỹ…
Đây được cho là vụ "rò rỉ" thông tin tình báo lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, thực sự làm chấn động dư luận khi nó "thổi bùng lên thành cơn bão chính trị" như nhận định của Hãng tin AFP, thậm chí được coi là vụ "khủng bố 11-9" đối với chính quyền Washington. Và, theo quan điểm của báo Pháp Le Figaro, nó đủ sức "lột trần" ngành ngoại giao Hoa Kỳ.
Vụ này không chỉ gây hại cho chính quyền Mỹ mà còn làm đau đầu chính phủ nhiều nước trước những hệ lụy chưa thể lường hết mà trước mắt là "ấn tượng về một thế giới đang xoay quanh sự kiểm soát của Mỹ".
5. Thảm họa tràn dầu trên Vịnh Mexico
Đêm 20/4, một vụ nổ trên giàn khoan dầu Deepwater Horizon, do Hãng BP thuê, hoạt động ở ngoài khơi bang Louisiana (Mỹ), đã làm 11 công nhân thiệt mạng và gây ra thảm họa tràn dầu trên Vịnh Mexico.
Người ta ước tính mỗi ngày có từ 35.000 đến 60.000 thùng dầu (từ 5.600 đến 9.500m3) phun ra biển, tạo thành một thảm dầu loang rộng ít nhất là 6.500km2.
Mãi đến ngày 5/8/2010, giới chức Mỹ và Hãng BP mới chính thức thông báo bịt được miệng giếng dầu ở độ sâu 1.500m; không còn hiện tượng dầu rò rỉ ra biển.
Theo ước tính của Chính phủ Hoa Kỳ, đây là sự cố rò rỉ dầu ra biển lớn nhất từ trước tới nay, vượt qua cả thảm họa nổ giàn khoan Ixtoc-1 năm 1979 và lớn gấp 20 lần vụ tràn dầu Exxon Valdez năm 1989. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi vụ này là "thảm họa sinh thái tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ". BP phải chi hàng chục tỉ USD cho việc khắc phục hậu quả, kể cả tiền đền bù, đồng thời phải đối mặt một vụ điều tra hình sự và dân sự của Mỹ về thảm họa nói trên.
6. Nga và Mỹ ký hiệp ước START mới
Ngày 8/4, tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START), thay thế cho START-1 đã hết hạn ngày 5/12/2009. Theo START mới, mỗi bên sẽ giảm đáng kể số phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân so với START-1, từ 1.600 xuống còn 700. Số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên cũng sẽ giảm hơn 30% so với Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tấn công chiến lược ký tại Moskva đầu năm 2002, từ 2.200 xuống còn 1.550. Hiệp ước Start-II đã được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 22/12/2010.
Việc Nga và Mỹ - hai quốc gia sở hữu tới 90% kho vũ khí hạt nhân trên thế giới - đạt được thỏa thuận mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược có ý nghĩa vô cùng to lớn và được dư luận hết sức hoan nghênh, coi đây là một dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân.
7. “Cách mạng Cam” thất bại
Thắng lợi của ông Viktor Yanukovych trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Ukraina diễn ra ngày 7/2 đã báo trước cái chết của "cách mạng Cam". Tiếp đó, với việc Quốc hội Ukraina thông qua nghị quyết bất tín nhiệm đối với chính phủ của bà Thủ tướng Yulia Tymoshenko ngày 3/3/2010, "cách mạng Cam" đã thất bại hoàn toàn ở Ukraina.
Đây là một bước ngoặt trên chính trường Ukraina và ý nghĩa của nó đã vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ nước này. Bản đồ địa chính trị trong không gian "hậu Xôviết" đã thay đổi theo chiều hướng mà phương Tây không mong đợi.
8. Khủng hoảng nợ công ở châu Âu
Khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro (Eurozone), bắt đầu từ cuối năm 2009 với điểm khởi phát là Hy Lạp, đã kéo dài suốt năm 2010 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, buộc EU và IMF phải lập quỹ chống khủng hoảng trị giá 750 tỉ euro (gần 1.000 tỉ USD).
Tại Hy Lạp, nơi có tỉ lệ nợ công so với GDP năm 2010 cao nhất trong số 16 quốc gia thuộc Eurozone (124,9%), cuộc khủng hoảng được mô tả "đã làm rung động thị trường tài chính châu Âu và toàn cầu". EU và IMF hồi tháng 5-2010 đã đưa ra gói cứu trợ 110 tỉ euro (khoảng 136 tỉ USD), để giúp nền tài chính nước này khỏi sụp đổ.
Sau Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia, Ailen và Tây Ban Nha (những nước có nợ công thấp nhất là 59,5% và cao nhất là 115,2% GDP) đều là những "quân Domino" có nguy cơ gây sụp đổ trong phản ứng dây chuyền có tên gọi "Euromino". Và cuối cùng, thảm họa cũng đã xảy ra đối với Ailen, buộc EU và IMF phải tung ra gói cứu trợ 85 tỉ euro hồi đầu tháng 12 vừa qua để trợ giúp nước này.
Chủ tịch EU Van Rompuy cảnh báo: EU sẽ không thể tồn tại nếu không tìm được giải pháp vượt qua cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung euro.
9. Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 16 vẫn chưa tạo được đột phá
Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 16 (COP-16), với sự tham dự của 25.000 đại biểu đến từ hơn 190 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, họp tại Cancun (Mexico) từ ngày 29/11 đến 11/12, tuy đạt được một số thành công, nhưng vẫn chưa tạo được bước đột phá với các kế hoạch cụ thể mang tính ràng buộc pháp lý về việc cắt giảm lượng khí thải tại các nước.
Như vậy, tương lai của Nghị định thư Kyoto - văn bản duy nhất có tính ràng buộc pháp lý cho đến nay về việc cắt giảm lượng khí thải và sẽ hết hạn vào năm 2012 - vẫn để ngỏ, vì ngay cả việc gia hạn cho Nghị định thư này cũng không đạt được thỏa thuận tại COP-16. Người ta lại phải chờ xem COP-17, được tổ chức tại Nam Phi vào năm tới, có giải quyết được vấn đề này không.
10. Khống chế thành công đại dịch cúm A/H1N1
Đại dịch cúm A/H1N1 đã chấm dứt.
Đó là tuyên bố chính thức được Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Margaret Chan, đưa ra ngày 10/8, sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp thuộc WHO, diễn ra buổi sáng cùng ngày tại Geneva (Thụy Sĩ).
Như vậy, cộng đồng quốc tế đã khống chế thành công đại dịch cúm A/H1N1, sau hơn một năm kể từ khi WHO công bố cúm A/H1N1 là "đại dịch toàn cầu" (11/6/2009).
Theo số liệu do WHO công bố, đại dịch cúm này đã cướp đi sinh mạng của gần 18.500 người trên toàn thế giới, ảnh hưởng tới 214 quốc gia và vùng lãnh thổ