Hy Lạp và 15 ngày đếm ngược để… ra khỏi EU
Ủy ban châu Âu hôm 10/6 đã tỏ thái độ cứng rắn, bác bỏ dự thảo cải cách mới nhất mà Hy Lạp đệ trình trước đó một ngày. Tuyên bố của Ủy ban châu Âu là một dạng cảnh cáo, bởi vì cho đến nay, Bruxelles vẫn tỏ thiện chí và tìm mọi cách tránh nguy cơ Hy Lạp phải ra khỏi khu vực dùng đồng tiền chung euro.
Nếu kế hoạch cải cách của Hy Lạp được chấp nhận, các chủ nợ mới đồng ý cho tháo khoán nốt 7,2 tỉ euro trong khoản tín dụng hơn 240 tỉ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Liên minh châu Âu (EU) và IMF cấp cho Hy Lạp từ năm 2010. Hy Lạp không còn nhiều thời gian. Đến ngày 30/6, Athens phải trả cho IMF 1,6 tỉ euro.
Tối 10/6, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp, bên lề thượng đỉnh giữa EU và các nước châu Mỹ Latinh và vùng vịnh Caribe, tại Bruxelles. Các bên nhất trí "gia tăng" nỗ lực tháo gỡ tình hình hiện nay, để đạt được một thỏa thuận giữa Athens với các chủ nợ từ nay đến trước cuối tháng. Tình hình bế tắc của Hy Lạp khiến hãng thẩm định tài chính S&P hạ điểm của nước này từ CCC+ xuống còn CCC.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tuck (phải) tiếp đón Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Bỉ ngày 10/6/2015. |
Hiện tại Hy Lạp nợ đến 320 tỉ euro, tương đương với 170 % GDP của quốc gia này. Các chủ nợ chính của nước này là IMF, ECB và EU. Nội trong năm 2015, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải thanh toán 19 tỉ euro cho các chủ nợ. Trong đó 1,6 tỉ phải trả cho IMF trước hạn chót là cuối tháng 6/2015 và gần 7 tỉ cho ECB vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2015.
Chuyện nợ nần của Hy Lạp là ung nhọt của châu Âu suốt mấy năm qua, nhưng đặc biệt “lên cơn co giật” kể từ tháng 1/2015. Đó là thời điểm đảng Syriza, có khuynh hướng dân túy, chống lại những áp đặt của châu Âu, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 25/1/2015.
Trước đây, các chính phủ Hy Lạp tiền nhiệm “nhất mực” tuân thủ những quy định ngặt nghèo của các chủ nợ, nhưng khi Alexis Tsipras lên nắm quyền đã tuyên bố các chủ nợ trên sẽ không còn định đoạt được vận mệnh của Hy Lạp; chính sách khắc khổ mà quốc tế từng áp đặt cho Athens từ năm 2010 coi như bị “cho vào sọt rác”.
Tuyên bố này khiến các nước châu Âu phát hoảng vì nhiều lý do. Về kinh tế, nếu Hy Lạp không tôn trọng một số luật chơi chung: phải giới hạn chi tiêu và không để nợ công tăng vọt quá ngưỡng quy định, thì có thể bị trục xuất ra khỏi khối đồng tiền chung châu Âu. Nhưng khối này không có lợi ích gì khi Hy Lạp phải bước ra khỏi hàng ngũ 19 quốc gia sử dụng đồng euro vì như vậy các chủ nợ của Athens mất trắng khoản 320 tỉ nợ nói trên.
Trong vấn đề nợ công và khủng hoảng Hy Lạp, bên cạnh những yếu tố tài chính, kinh tế vừa nêu, rõ ràng mấu chốt của vấn đề là yếu tố chính trị. EU và IMF mà càng cứng rắn với Athens thì như lại càng đẩy Hy Lạp vào vòng tay của đảng dân túy cựu hữu bài châu Âu. Mặt khác, khủng hoảng kinh tế và xã hội tại quốc gia này mà càng kéo dài, Hy Lạp lại càng là gánh nặng chung cho cả khối 28 nước thành viên trong EU và uy tín của đồng euro càng dễ bị sứt mẻ.
Xa hơn nữa là vấn đề địa chính trị. Cuối tháng 5/2015, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Jack Lew đã lần đầu tiên can dự vào nội tình châu Âu khi lên tiếng rằng các nước châu Âu nên cố tìm giải pháp duy trì Hy Lạp trong khối euro. Về kinh tế, Hy Lạp chỉ là một nước nhỏ và cạn tiền.
Từ góc độ địa chính trị, nước này nằm tại miền Đông Địa Trung Hải, tiếp cận với các điểm nóng Trung Đông như Syria và Libyia, là cửa ngõ giao lưu và xâm nhập của hàng hóa và cả thuyền nhân hay khủng bố đến từ Trung Đông và Bắc Phi. Đã vậy, lãnh thổ Hy Lạp còn là địa bàn cạnh tranh của hai dự án khai thác khí đốt Turkish Stream và Southern Corridor do Liên bang Nga và EU bảo trợ.
Khi vụ khủng hoảng về nợ nần lên tới cao độ, Tổng thống Nga Putin mới đây đã ngỏ ý yểm trợ Hy Lạp. Mỹ thấy đó là dấu hiệu xấu. Khi Chiến tranh lạnh xảy ra từ năm 1949, Mỹ kéo Hy Lạp vào NATO để chặn đường Liên Xô tiến vào Địa Trung Hải. Sau đó, trong nhiều thập niên cho đến khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ tiếp tục yểm trợ Hy Lạp để ngăn ngừa các tổ chức khủng bố tấn công quyền lợi của phương Tây. Thời nay, Mỹ vẫn muốn Hy Lạp ngả về phương Tây, không bị là hậu cứ của các tổ chức khủng bố cực tả, cực hữu và Hồi giáo. Trước mắt là không ngả theo Nga.
Chính những lý do trên đã khiến EU phải nhượng bộ chính quyền Tsipras. Sau nhiều đợt đàm phán thất bại với 18 đối tác trong khối euro, vào ngày 21/2/2015, châu Âu cho chính quyền Tsipras thêm thời hạn 4 tháng để định hình chính sách kinh tế.
Đến cuối tháng 6/2015 Athens tiếp tục nhận được 3,6 tỉ euro tín dụng từ châu Âu và 3,6 tỉ từ IMF, theo như chương trình đã dự kiến. Đổi lại chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cam kết một loạt các biện pháp cải tổ.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp ở Bruxelles, ngày 10/6. |
Ngày 24/2, Athens trình lên Bruxelles một danh sách 6 trang. Danh sách đó đã được châu Âu chấp thuận. Viễn cảnh Hy Lạp mất khả năng thanh toán vào cuối tháng 2/2015 được xua tan. Kịch bản Athens phải bước ra khỏi khu vực đồng euro không còn tính thời sự.
Tuy nhiên thỏa thuận đạt được hôm 24/2/2015 vẫn còn chưa hoàn tất. Bởi các đối tác của Athens sẽ đưa ra danh sách cụ thể những điều khoản đòi Hy Lạp nhanh chóng tiến hành cải tổ. Đến đầu tháng 6 vừa qua, EU đưa ra danh sách nhưng chính quyền Tsipras lại chỉ chấp thuận 70% các yêu cầu. 30% các biện pháp còn lại, bị chính quyền của ông Alexis Tsipras coi là “độc hại” đối với nền kinh tế Hy Lạp.
Đến ngày 10/6, Hy Lạp tiếp tục đàm phán với EU 30% các bất đồng còn lại. Chi tiết cụ thể của phiên thảo luận giữa Hy Lạp và EU tại Bruxelles, không được tiết lộ nhưng Ủy ban châu Âu đã bác bỏ dự thảo cải cách mới nhất mà Hy Lạp đệ trình.
Theo các chuyên gia, vướng mắc lớn hiện nay giữa Hy Lạp và EU gồm 3 vấn đề. Bất đồng thứ nhất liên quan đến mức thâm hụt ngân sách nhà nước của Hy Lạp. Cụ thể là IMF và châu Âu đòi Athens phải tiếp tục giảm bội chi ngân sách, tiết kiệm thêm 3 tỉ USD trong năm nay. Khoản tiền này tương đương với 0,5% GDP. Trong năm tới, Athens sẽ phải tiết cắt giảm chi tiêu thêm khoảng 6 tỉ.
Vấn đề đặt ra là GDP của quốc gia vùng Địa Trung Hải này đã liên tục giảm mạnh trong 6 năm vừa qua, 65% người lao động dưới 30 tuổi không có việc làm, ngành công nghiệp không sản xuất hay xuất khẩu được thứ gì khác ngoài dầu ô liu và nguồn thu nhập ngoại tệ duy nhất là du lịch thì liệu rằng Athens làm thế nào để tiết kiệm thêm 9 tỉ USD trong 18 tháng tới?
Cái gai thứ nhì trong quan hệ giữa các chủ nợ và chính quyền của ông Tsipras liên quan đến hệ thống hưu bổng của quốc gia này: cả IMF lẫn Bruxelles đòi Athens bãi bỏ khoản trợ cấp tối thiểu cho những người có lương hưu dưới ngưỡng 700 euro. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với đảng Syriza. Đảng này đã giành được thắng lợi trong cuộc tuyển cử ngày 25/1/2015 nhờ lời hứa không bắt người dân phải hy sinh thêm nữa.
Tính từ năm 2008 đến 2013, trung bình mãi lực của người dân Hy Lạp bị giảm đi mất 40%. Hồ sơ thứ ba gây tranh cãi liên quan đến chính sách đánh thuế giá trị gia tăng VAT. Bản thân Hy Lạp ý thức được rằng đây là nguồn thu nhập quan trọng để lắp đầy công quỹ, thu hẹp bội chi ngân sách.
Nội các của Thủ tướng Alexis Tsipras đề nghị 3 nấc thuế VAT khác nhau: 6% đánh vào các dược phẩm và sách vở, 11% đánh vào lương thực và nhu yếu phẩm, điện nước. Tất cả các mặt hàng còn lại sẽ bị đánh thuế 23%. Các chủ nợ của Hy Lạp coi những hy sinh đó là chưa đủ. Bruxelles và IMF muốn Athens chỉ có 2 nấc thuế VAT là 11 và 23%.
Sau 5 năm liền phải hứng chịu những hậu quả do khủng hoảng kinh tế gây nên, liệu rằng người dân Hy Lạp có thể chấp được hay không khi thấy hóa đơn tiền điện, nước của họ đột nhiên tăng lên thêm 10% trong một sớm một chiều?
Về thực chất của cuộc đọ sức giữa Hy Lạp với các nhà tài trợ, Athens đồng ý đến 70% về kế hoạch cải tổ kinh tế do các nhà tài trợ áp đặt. Xét cho cùng, theo các chuyên gia, trước sau gì, cộng đồng quốc tế cũng không thể bỏ rơi Hy Lạp. Nhưng vì những tính toán chính trị, Bruxelles không để cho đảng Syriza quá dễ dàng thành công bởi đó sẽ là một tín hiệu khuyến khích cử tri ở nhiều nước trong khối euro khác bỏ phiếu cho các đảng cực đoan. Các đảng này vốn có khuynh hướng dân túy, chống lại những áp đặt của châu Âu. Chính những toan tính chính trị đó rất nguy hiểm cho sự ổn định về tài chính của khu vực đồng euro.