2017 - biến động từ Đông sang Tây

Thứ Ba, 02/01/2018, 11:43
Năm 2017 được đánh dấu bằng nhiều sự kiện chính trị quốc tế quan trọng; từ những cuộc bầu cử ở các cường quốc cho đến các cuộc đảo chính và khủng hoảng chính trị.

Vào ngày 20-1-2017, ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ đời thứ 45. Trong một năm qua, những sự phản đối, chỉ trích đối với Donald Trump và chính sách của ông, cuộc chiến giữa tổng thống với “giới tinh hoa” nước Mỹ và các phương tiện truyền thông vẫn chưa lắng xuống, điều này cho thấy những căng thẳng, bất đồng trong xã hội Mỹ luôn âm ỉ tồn tại.

Chưa hết, vị tổng thống tỷ phú Mỹ liên tục đưa ra các quyết định không chỉ gây lo ngại cho các đồng minh truyền thống của Mỹ, mà còn làm cả thế giới sững sờ. Đó là sắc lệnh chống nhập cư, thông báo rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Gần đây, ông Trump còn dọa lật lại thỏa thuận hạt nhân đã được chính quyền Obama và các cường quốc khó khăn lắm mới ký được với Iran. Cuối cùng, mới đây nhất là quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, làm cho “thùng thuốc súng Trung Đông” trở nên nóng rực và Mỹ thì bị đồng thanh lên án trước Liên Hiệp Quốc.

Với việc ông Trump lên nắm quyền, cuộc khủng hoảng ở Bán đảo Triều Tiên đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Sau khi chứng kiến Triều Tiên thử nhiều tên lửa và bom hạt nhân, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã lao vào một cuộc khẩu chiến chưa từng có với những đe dọa quyết liệt và liên tục.

Theo các chuyên gia, những quyết định gây sốc và ồn ào của ông Trump trong năm qua lại chỉ có tác dụng chiều lòng cử tri Mỹ nhiều hơn là hiệu quả thực thi. Có lẽ, Donald Trump là vị tổng thống hiếm hoi của nước Mỹ chỉ chăm chăm vào mục tiêu vì một đất nước hùng mạnh cho người Mỹ, chứ không phải cho thế giới. Vì nhãn quan đó cộng với tính khí bộc trực, cho nên Tổng thống Mỹ có thể là một trong những nhân vật chính trị gây sốc nhất trong năm 2017. Nhưng cũng chưa thể đến mức làm đảo lộn cả thế giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải).

4 tháng sau, tại Pháp vào ngày 7-5-2017, ông Emmanuel Macron đã giành chiến thắng vòng hai cuộc bầu cử tổng thống và trở thành vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp.

Là người ủng hộ châu Âu, chiến thắng của ông Macron có ý nghĩa to lớn, loại bỏ nguy cơ Pháp rời EU trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang lên ngôi tại Mỹ và Anh. Ông Macron muốn củng cố quan hệ với cả Mỹ và Nga, nhưng bắt đầu bằng việc tăng cường hội nhập châu Âu. Tổng thống Macron chỉ trích việc đồng minh Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về khí hậu. Để gây sức ép với Washington, Paris dường như muốn cải thiện quan hệ với Moskva.

Vào tháng 5-2017, ông Vladimir Putin đã được mời đến cung điện Versailles nhân dịp kỷ niệm 300 năm chuyến viếng thăm của Pierre Đại đế đến Pháp. Hai vị nguyên thủ quốc gia đã gặp nhau lần nữa tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg. Chuyến thăm của ông Macron tới Nga được dự kiến vào năm 2018.

Còn tại Anh, vào ngày 8-6, người Anh đã đi bỏ phiếu bầu lại nghị viện. Cuộc bầu cử trước thời hạn này được Thủ tướng Theresa May khởi xướng với mong muốn củng cố vị trí của mình nhưng không mang lại kết quả mong đợi. Đảng Bảo thủ giành được 42% phiếu bầu. Đảng Lao động, đối thủ chính của đảng Bảo thủ, đã giành được 40% số phiếu, với 262 ghế trong nghị viện, cao hơn 30 ghế so với nhiệm kỳ trước đó. Đảng của Thủ tướng May mất 13 ghế và mất luôn thế đa số nghị viện.

Thủ tướng Anh Theresa May.

Cuộc bỏ phiếu này đã làm suy yếu không chỉ cho vị thế chính trị trong nước của bà Theresa May, mà còn cả cho vị thế của nước Anh trong đàm phán với Brussels về các điều kiện của Brexit.

Ngày 29-3-2017, Thủ tướng May gửi thư tới Hội đồng châu Âu, chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, khởi động tiến trình dự kiến dài 2 năm Anh quốc rời khỏi EU sau hơn 40 năm chung sống. Cho tới ngày 8-12, Ủy ban châu Âu (EC) đã phát đi thông báo cho biết EU và Chính phủ Anh đã đạt được thỏa thuận vòng một về Brexit.

3 vấn đề đã được hai bên thống nhất, đó là quyền của các công dân châu Âu sinh sống tại Anh và quyền của công dân Anh sinh sống tại các nước châu Âu; vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland và lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh; và nghĩa vụ tài chính mà phía Anh phải thực thi. Sau thỏa thuận này, EC tuyên bố đã sẵn sàng bước vào đàm phán hiệp định thương mại mới với nước Anh giai đoạn hậu Brexit.

Ở một quốc gia lớn khác của châu Âu, Đức cũng đã trải qua các cuộc bầu cử trong năm 2017. Liên đoàn Dân chủ Thiên chúa giáo Đức (CDU), đảng của bà Angela Merkel, thủ tướng từ năm 2005, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 24-9 với 32,9% số phiếu bầu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tuy nhiên, bà Merkel không thể coi chiến thắng này là áp đảo. Đảng CDU không giành được đa số tuyệt đối (355/709 ghế) và cũng không thể thành lập được liên minh cầm quyền do các cuộc đàm phán sau đó thất bại. Cho đến hết năm 2017, nước Đức vẫn chưa thành lập được chính phủ cầm quyền mới.

Thất bại này của bà Merkel cho thấy một sự chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội Đức về các vấn đề như cuộc khủng hoảng di dân, tương lai của EU và chính sách kinh tế-xã hội.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabea.

Không phải “lên ngôi” mà là “thất sủng”. 2017 là năm cuối cùng của triều đại Tổng thống Robert Mugabe. Vào ngày 14 và 15-11, quân đội Zimbabwe đã phát động cuộc đảo chính lật đổ ông Robert Mugabe sau khi Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa từ chức, được cho là bị vợ của ông Robert Mugabe tiến hành thanh trừng chính trị. Vào ngày 19-11, đảng cầm quyền, ZANU-PF, đã kêu gọi Tổng thống từ chức.

Ba ngày sau đó, Robert Mugabe đã từ chức để đổi lấy quyền miễn trừ tư pháp và một khoản trợ cấp suốt đời là 150.000 USD mỗi tháng. Vị trí của Tổng thống Zimbabwe hiện đang do Emmerson Mnangagwa nắm giữ.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.