El Nino chính thức trở lại:

2024 sẽ là năm nóng nhất, thế giới sẽ mất hàng nghìn tỷ USD

Thứ Tư, 14/06/2023, 07:59

Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết hiện tượng khí hậu El Nino đã chính thức trở lại. Cường độ của lần tái xuất này sẽ rất mạnh và có thể khiến nhân loại hứng chịu những năm nóng nhất trong lịch sử.

El Nino đến sớm và mạnh

El Nino - hiện tượng khí hậu tự nhiên được đánh dấu bằng nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn mức trung bình - đã xuất hiện ở Thái Bình Dương và sẽ dần mạnh lên vào mùa đông, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết trong một khuyến cáo hôm 9/5.

El Nino xảy ra trung bình 2-7 năm một lần ở trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương gần xích đạo, nhưng tác động của hiện tượng này đối với khí hậu trái đất vượt xa Thái Bình Dương. Theo NOAA, El Nino sẽ khiến nước ấm nổi lên và lan rộng khắp các đại dương trên toàn thế giới, đẩy lượng nhiệt đáng kể vào khí quyển.

2024 sẽ là năm nóng nhất, thế giới sẽ mất hàng nghìn tỷ USD -0
Sultan Al Jaber - Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ quốc Gia ADNOC của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất sẽ chủ trì COP-28.

“El Nino có thể dẫn đến những kỷ lục mới về nắng nóng, đặc biệt là ở những khu vực đã trải qua nhiệt độ trên mức trung bình. Tùy thuộc vào cường độ của nó, El Nino có thể gây ra nhiều tác động, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mưa lớn và hạn hán ở một số địa điểm trên thế giới”, tiến sĩ Michelle L'Heureux của NOAA cho biết.

Các chuyên gia khí hậu đã dự đoán về lần tái xuất này của El Nino từ khá lâu. 3 năm qua, thế giới bị chi phối bởi La Nina, hiện tượng khí hậu trái ngược với El Nino, xảy ra khi nhiệt độ nước biển ở trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương gần xích đạo lạnh hơn mức trung bình.

Giờ đây, La Nina đã nhường chỗ cho El Nino. Tiến sĩ L'Heureux cho biết, El Nino lần này hình thành sớm hơn 1 hoặc 2 tháng so với hầu hết các lần xuất hiện trước. Nhờ vậy, nó sẽ có cơ hội phát triển mạnh. “Có 56% khả năng cường độ lần này sẽ được coi là mạnh và 25% khả năng El Nino đạt đến mức siêu lớn”, bà L'Heureux nói.

2024 sẽ là năm nóng nhất, thế giới sẽ mất hàng nghìn tỷ USD -0
Do hiệu ứng của El Nino, một số nơi sẽ hứng chịu nhiều bão lũ. Ảnh: CNN

Những năm ấm áp kỷ lục, bao gồm cả năm nóng nhất lịch sử toàn cầu (2016), thường xảy ra vào năm sau sự kiện El Nino mạnh mẽ. Theo các nhà khoa học, có khả năng rất cao là phiên bản El Nino năm nay sẽ khiến năm 2024 vượt qua năm 2016 trở thành năm nóng nhất thế giới.

Tiến sĩ Adam Scaife - người đứng đầu bộ phận dự đoán thời tiết tại Cơ quan Khí tượng Anh, phân tích: “Một kỷ lục mới về nhiệt độ toàn cầu trong năm tới là dự đoán hợp lý. Đã có những dấu hiệu cho thấy El Nino sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay về cường độ. Như thế, khả năng cao là chúng ta sẽ có một kỷ lục mới cho nhiệt độ toàn cầu vào năm 2024”.

Thêm những hiện tượng thời tiết cực đoan

Trong 3 năm qua, dù La Nina vốn có xu hướng mang lại nhiệt độ mát mẻ hơn - nhiệt độ bề mặt toàn cầu vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, một loạt quốc gia hứng chịu nắng nóng dữ dội, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ. Thái Lan chứng kiến ngày nóng nhất trong lịch sử, ở mức 45,4 độ C vào ngày 15/4. Lào ghi nhận nhiệt độ cao nhất 43,5 độ C. Và, Việt Nam hứng chịu cái nóng kỷ lục mọi thời đại, với nhiệt độ được ghi nhận là 44,2 độ C hôm 3/5.

Tương tự là Ấn Độ, Bangladesh hay Trung Quốc cũng ghi nhận những kỷ lục nóng theo mùa. World Weather At[1]tribution (WWA), một liên minh các nhà khoa học khí tượng quốc tế, cho biết đợt nắng nóng ở Đông và Nam Á vốn có xác suất khoảng... 200 năm một lần và “hầu như không thể xảy ra” nếu không có sự nóng lên toàn cầu hiện nay.

Trong bối cảnh đó, sự trở lại của El Nino sẽ tạo thêm chất xúc tác cho những thảm họa khí hậu. Các chuyên gia của NOAA cho biết đang có những dấu hiệu lo ngại diễn ra trong đại dương. El Nino trở lại có nghĩa là nước ở Đông Thái Bình Dương ấm hơn bình thường. Nhưng, ngay cả trước khi El Nino bắt đầu, vào tháng 5, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu đã cao hơn khoảng 0,1 độ C so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử. Điều đó báo hiệu nguy cơ tăng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan khi El Nino tái xuất.

Tom DiLiberto, nhà khí tượng học của NOAA phân tích: “Sự tích tụ nước ấm ở phía Đông Thái Bình Dương sẽ truyền nhiệt cao vào khí quyển thông qua sự đối lưu, tạo ra dông bão. Với El Nino lần này, các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương sẽ được tăng thêm tần suất và cường độ”.

El Nino do đó có thể khiến lượng mưa tăng lên ở miền Nam Nam Mỹ, trung tâm châu Á và vùng Sừng châu Phi, làm dấy lên hy vọng chấm dứt hạn hán ở các khu vực này, song cũng kèm theo cả nguy cơ lũ lụt. Tuy nhiên, nó lại làm tăng nguy cơ hạn hán ở các khu vực khác như Australia, Indonesia và một số khu vực phía Nam châu Á.

2024 sẽ là năm nóng nhất, thế giới sẽ mất hàng nghìn tỷ USD -0
Trước khi El Nino đến, châu Á đã ghi nhận những ngày nhiệt độ cao kỷ lục. Ảnh: Twitter

Những thay đổi khí hậu cực đoan “theo chân” El Nino sẽ tác động rất tiêu cực đến hệ sinh thái của hành tinh. Trong lần xuất hiện mạnh nhất từng được ghi nhận vào giai đoạn 2015-2016, El Nino đã xóa sổ gần một phần ba diện tích rạn san hô Great Barrier của Australia do nước quá ấm khiến san hô trục xuất tảo sống và rồi bị vôi hóa.

Về mặt kinh tế, các hiện tượng thiên tai như hạn hán, bão và lũ lụt bất thường do El Nino gây ra sẽ làm nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng, theo báo cáo của hai nhà khoa học Christopher Callahan và Justin Mankin được công bố trên tạp chí Science.

Các tác giả sử dụng mô hình kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu từ năm 1960 đến năm 2019, đồng thời so sánh tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trước và sau các sự kiện El Nino để phân tích. Kết quả cho thấy giai đoạn hoạt động mạnh mẽ của El Nino năm 1997-1998 đã khiến GDP thế giới giảm 5,7 nghìn tỷ USD và El Nino năm 1982-1983 đã làm kinh tế toàn cầu giảm bớt 4,1 nghìn tỷ USD.

Dưới lăng kính ấy, nền kinh tế toàn cầu có thể “bốc hơi” ít nhất từ 3-4 nghìn tỷ USD vì ảnh hưởng của hiện tượng El Nino lần này. Và, những nước nghèo chắc chắn sẽ chịu tác động nhiều nhất từ thiệt hại ấy.

2024 sẽ là năm nóng nhất, thế giới sẽ mất hàng nghìn tỷ USD -0
Tại một số nơi, như Australia, sẽ đối diện nguy cơ hạn hán và cháy rừng. Ảnh: NBC

Chờ đợi gì ở COP-28?

Sự trở lại của El Nino đi kèm với sự nóng lên toàn cầu đang đặt biến đổi khí hậu lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Trong đó, COP-28, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra ở Dubai từ 30/11 đến 12/12, là tâm điểm của sự chú ý.

Tại hội nghị này, các nước tham dự được kỳ vọng sẽ tạo một bước ngoặt lớn nhằm thực hiện được mục tiêu giữ nhiệt độ hành tinh không tăng quá 1,5 độ C từng đặt ra ở COP-21 tại Paris năm 2015.

Mark Maslin - giáo sư Khoa học Trái đất tại Đại học College London, cho biết: “Lượng khí thải toàn cầu vẫn chưa giảm và thậm chí, năm 2022 còn là năm phát thải cao nhất trong lịch sử. Nếu không giảm phát thải, thế giới có thể vượt qua 1,5 độ C vĩnh viễn trong 10 năm tới. Vì thế, chúng ta phải tái thực thi các cam kết toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính càng nhanh càng tốt”.

Alok Sharma, nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh và là cựu bộ trưởng, người đã dẫn dắt các cuộc đàm phán COP-26 tại Glasgow năm 2021, cho biết: “COP-28 phải đưa ra các mục tiêu giảm phát thải tăng cường. Cần một kế hoạch thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và cam kết loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Và, cần một thỏa thuận có ý nghĩa về cách mở rộng quy mô tài chính, cả công và tư, để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển khử carbon cho nền kinh tế của họ - chuyển từ quy mô hàng tỷ lên hàng nghìn tỷ USD”.

2024 sẽ là năm nóng nhất, thế giới sẽ mất hàng nghìn tỷ USD -0
El Nino là hiện tượng nước biển ấm lên, xảy ra ở trung tâm và phía đông Thái Bình Dương, gần xích đạo. ảnh: Yahoo

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu gần đây nhất, COP-27, đã kết thúc vào tháng 11 năm ngoái với một số niềm vui và nhiều thất vọng: Chiến thắng dành cho các nước đang phát triển đòi hỏi công bằng về khí hậu từ thế giới giàu có, dưới hình thức quỹ “tổn thất và thiệt hại” để chi trả cho sự tàn phá môi trường và thời tiết khắc nghiệt mà họ phải chịu đựng. Và, sự thất vọng khi một số quốc gia lại ưu tiên lựa chọn và trì hoãn về tương lai của nhiên liệu hóa thạch.

Đối với COP-28, có một bước ngoặt bổ sung. Hội nghị sẽ diễn ra tại Dubai, được tổ chức bởi UAE, nhà sản xuất dầu khí hàng đầu. Và, quan chức được chọn để chủ trì hội nghị - Sultan Al Jaber - là giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Adnoc, công ty đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất.

Cuộc gặp của Sultan Al Jaber vào tháng 1 với các nhà vận động khí hậu và các chuyên gia trên khắp thế giới đã diễn ra với sự hoài nghi. Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khí hậu tại Viện Grantham, thuộc Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Nếu được hỏi làm thế nào để COP-28 thành công, tôi sẽ không giao cho người đứng đầu một công ty nhiên liệu hóa thạch chịu trách nhiệm tổ chức nó”.

Giữa dòng chảy hoài nghi ấy, El Nino xuất hiện sớm càng khiến áp lực lên cao với các nhà tổ chức COP-28. Cùng với việc thuyết phục các quốc gia đưa ra các kế hoạch cụ thể về cắt giảm khí thải, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, Al Jaber sẽ phải tìm lời đáp cho câu hỏi song song và cũng không kém phần hóc búa về hỗ trợ tài chính cho thế giới nghèo.

Chỉ 6 tháng nữa là đến COP-28, không còn nhiều thời gian để đưa các quốc gia ngoan cố vào khuôn phép, về khí thải hoặc tài chính. Nhưng, chưa rõ Al Jaber đã có kế hoạch gì để thực hiện các mục tiêu này, thậm chí, còn chưa rõ ông sẽ chứng minh việc cắt giảm carbon của chính UAE như thế nào.

Khánh nguyễn (Tổng hợp)
.
.