2025 khó khăn với nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN
Nhiệm kỳ Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Malaysia mới qua 3 tháng đầu năm mà đã gặp phải nhiều biến động. Nhiều người cho rằng, nhiệm kỳ này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc điều hướng cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt và sự chia rẽ nội bộ ASEAN, cân bằng các vấn đề an ninh khu vực trong khi giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp hạn chế thương mại từ Mỹ cũng như việc tái sắp xếp chuỗi cung ứng đe dọa sự gắn kết và quyền tự chủ chiến lược của khối.
Chính phủ của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã đưa ra tín hiệu cho thấy nhiệm kỳ chủ tịch của Malaysia sẽ ưu tiên củng cố học thuyết về tính trung tâm của khối - nguyên tắc rằng ASEAN cần nổi lên như một cực địa chính trị riêng trong thế giới đa cực không ngừng phát triển, và thay vì các cường quốc bên ngoài, ASEAN nên dẫn đầu quá trình ra quyết định của khu vực, duy trì sự đoàn kết trong quá trình giải quyết các thách thức địa chính trị, thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế và kiểm soát các sức ép bên ngoài đối với tính trung lập của khối.
Các nội dung chính trong chương trình nghị sự bao gồm soạn thảo Tầm nhìn cộng đồng ASEAN năm 2045, giải quyết căng thẳng leo thang ở Biển Đông, giảm thiểu tình trạng phân mảnh kinh tế nội khối và ứng phó với cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Trong đó, Tầm nhìn cộng đồng ASEAN năm 2015 là một lộ trình dài hạn cho sự hội nhập và vai trò toàn cầu của khối, tập trung vào khả năng phục hồi kinh tế, kết nối số, tính bền vững và hợp tác an ninh.
Nhiệm kỳ chủ tịch của Malaysia diễn ra giữa làn sóng chuyển đổi lãnh đạo trên khắp ASEAN. Các nhà lãnh đạo mới thường tập trung vào các vấn đề trong nước và ít quyết đoán hơn trong việc định hình các vấn đề khu vực nên Malaysia lại có thể có nhiều dư địa hơn trong việc định hình chương trình nghị sự của khối, cho dù điều này có thể gây khó khăn cho việc ra quyết định.

Nhiệm kỳ này, Malaysia sẽ tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán bị đình trệ từ lâu về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm điều chỉnh hành vi của các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực Biển Đông. Mặc dù ASEAN đặt mục tiêu hoàn thiện COC vào năm 2026, nhưng vấn đề này đã bị kéo dài trong nhiều thập kỷ. Các nước ASEAN ngày càng hy vọng rằng COC sẽ có tiến triển trong năm nay. Thời điểm ký kết sớm nhất có thể là vào tháng 7 tới, tại Hội nghị Trung Quốc - ASEAN, với mục tiêu thực tế hơn là COC được hoàn thành vào năm 2026.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN này, Malaysia cũng sẽ tập trung vào việc tăng cường hội nhập kinh tế và điều phối chuỗi cung ứng của khối. Malaysia sẽ đẩy nhanh giai đoạn tiếp theo của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bằng cách tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, giảm thiểu các rào cản phi thuế quan trong ASEAN và đẩy mạnh hội nhập tài chính. Các ưu tiên chính bao gồm tạo điều kiện đầu tư, chuyển đổi số và các chính sách kinh tế bền vững, phù hợp với Tầm nhìn cộng đồng ASEAN năm 2045 và Hiệp định khung về kinh tế số trong ASEAN (DEFA).
Dựa trên các nỗ lực của Lào trong năm 2024 (khi nước này là chủ tịch luân phiên), Malaysia đã đặt mục tiêu hoàn thiện DEFA vào cuối năm 2025 theo hướng dẫn năm 2023 của khuôn khổ này. Đây là mục tiêu có thể đạt được, nhưng quá trình thực hiện sẽ đối mặt với những hạn chế chủ yếu do cơ sở hạ tầng số của các quốc gia thành viên không đồng đều. Tuy nhiên, các nước ASEAN ít nhất có thể đạt được một số bước tiến hướng tới việc hài hòa các quy định thương mại số, thúc đẩy thương mại trực tuyến và cải thiện cơ sở hạ tầng, với mục tiêu cuối cùng là bổ sung 2.000 tỷ USD vào nền kinh tế ASEAN vào năm 2030. Malaysia cũng sẽ thúc đẩy hội nhập chuỗi cung ứng sâu hơn để tận dụng số lượng ngày càng tăng các công ty áp dụng những gì được gọi là chiến lược “Trung Quốc + 1”, bao gồm cả việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách đa dạng hóa sản xuất sang các quốc gia ASEAN với nhau.
Để tận dụng sự thay đổi này và đưa ASEAN trở thành trung tâm đầu tư hàng đầu giữa những chuyển biến về thương mại toàn cầu, Malaysia cũng sẽ tìm cách thu hút đầu tư trong các ngành công nghiệp quan trọng và mới nổi, như chất bán dẫn hay sản xuất xe điện.
Tuy nhiên, các chính sách thuế quan do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - bao gồm cả thuế đối ứng và thuế có tính ngăn chặn đối với các ngành như ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm - gây thêm rủi ro cho ASEAN. Thuế quan của Mỹ đối với các công ty có liên quan đến Trung Quốc đe dọa thương mại trong ASEAN bằng cách làm gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực, vì các nền kinh tế ASEAN đang hội nhập sâu với các mạng lưới sản xuất của Trung Quốc.
Malaysia, Thái Lan và Việt Nam - vốn có thặng dư thương mại với Mỹ và là các bên tham gia ngày càng lớn mạnh vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn và điện tử - phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn xuất khẩu cao. Trong khi đó, các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ tác động gián tiếp đến các nền kinh tế ASEAN thông qua việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm thay đổi dòng đầu tư, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ, làm gia tăng sự cạnh tranh từ hàng xuất khẩu và cản trở ngoại giao kinh tế khu vực.
Vai trò Chủ tịch ASEAN được luân phiên hằng năm giữa 10 quốc gia thành viên. Chủ tịch ASEAN có trách nhiệm thiết lập chương trình nghị sự khu vực, tổ chức các cuộc họp cấp cao và điều phối sáng kiến chung giữa các quốc gia thành viên. ASEAN ra quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp, nghĩa là tất cả 10 quốc gia thành viên phải nhất trí trước khi quyết định được thông qua. Điều này có nghĩa là chủ tịch không thể đơn phương thúc đẩy chính sách, mà thay vào đó phải đóng vai trò người điều phối để xây dựng sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên với những lợi ích khác nhau.