3 lần thử vào Việt Nam của Hãng AirAsia

Thứ Tư, 31/12/2014, 17:10
Sự kiện chuyến bay QZ8501 của Hãng AirAsia mất tích là sự cố nghiêm trọng đầu tiên kể từ khi hãng hàng không giá rẻ này đi vào hoạt động ngày 18/11/1996 và tái cơ cấu từ tháng 12/2001. Thương hiệu của AirAsia gắn bó mật thiết với CEO của hãng – doanh nhân người Malaysia Tony Fernandes.

Trong quá khứ, AirAsia từng ba lần thâm nhập vào thị trường Việt Nam nhưng đều thất bại do những quy định chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu vốn cũng như thương hiệu của nước sở tại.

Ông Tony Fernandes, TGĐ điều hành Hãng AirAsia bên thân nhân của hành khách chuyến bay QZ8501.

Cơ hội đầu tiên là vào năm 2005, thời điểm Chính phủ tái cơ cấu Hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific). AirAsia khi ấy là một trong 3 ứng viên (cùng với Tập đoàn Temasek của Singapore và Tập đoàn hàng không Qantas - Australia) tham gia góp vốn vào Pacific Airlines. Tuy nhiên, AirAsia không thành công vì không đáp ứng được điều kiện liên doanh góp vốn.

Tháng 8/2007, AirAsia đạt được thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập hãng hàng không giá rẻ Vina AirAsia. Tuy nhiên, AirAsia lại tiếp tục thất bại vì vào thời điểm đó, Chính phủ chưa có chủ trương cho thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài.

Lần thứ ba, AirAsia quyết tâm đầu tư làm hàng không giá rẻ tại Việt Nam khi liên doanh với VietJet Air - khi hãng hàng không tư nhân đầu tiên này quyết tâm bay trở lại trước khi bị rút giấy phép vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, lại một lần nữa, việc đầu tư này gặp trục trặc khi điều kiện tiên quyết: VietJet Air phải được phép sử dụng thương hiệu AirAsia cho các hoạt động thương mại, đã không được cơ quan quản lý chấp thuận. Sau gần 2 năm chờ đợi và đeo đuổi liên doanh với VietJet Air, AirAsia đành phải thoái vốn và từ bỏ tham vọng của mình.

PV
.
.