4 kịch bản cho NATO

Chủ Nhật, 13/11/2022, 20:10

Trong một thế giới luôn thay đổi, mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương đã thể hiện sức bền bỉ đáng chú ý. Lý do ban đầu cho sự tồn tại của nó – “giữ cho Liên Xô ở bên ngoài, Mỹ ở bên trong, Đức ở thế yếu” – không còn thỏa đáng nữa, nhưng nó vẫn khơi gợi sự tôn trọng gần như mang tính phản xạ ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Ca ngợi sự bền bỉ của NATO vẫn là động thái khôn ngoan trong sự nghiệp của những chuyên gia chính sách có khát vọng ghi dấu ấn ở Washington, Berlin, Paris, London… Nhưng đến thời điểm này, nhiều người đã phải đặt câu hỏi về một tương lai cho khối hợp tác quân sự lớn nhất hành tinh này.

Những thách thức hiện hữu

Tuổi thọ của NATO đặc biệt đáng chú ý khi xét tới việc đã có rất nhiều thay đổi kể từ khi liên minh này được thành lập và ý tưởng về một “cộng đồng xuyên Đại Tây Dương” bắt đầu hình thành. Hiệp ước Vacsava không còn nữa, và Liên Xô cũng không còn. Mỹ đã trải qua hơn 20 năm chiến tranh trong các cuộc chiến tốn kém và không thành công ở Trung Đông và các vùng lân cận. Trung Quốc đã vươn lên, từ một quốc gia nghèo nàn với ít ảnh hưởng toàn cầu trở thành quốc gia quyền lực thứ 2 thế giới, và họ còn khát khao có được vai trò lớn hơn nữa trong tương lai. Bản thân châu Âu cũng đã trải qua những thay đổi sâu sắc: thay đổi nhân khẩu học, khủng hoảng kinh tế lặp đi lặp lại, nội chiến ở vùng Balkan, và đầu năm 2022 là cuộc chiến Ukraine còn chưa biết khi nào kết thúc.

1.jpg -0
NATO đã trải qua nhiều thay đổi khác nhau về học thuyết

 Phải thừa nhận rằng “quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương” không hoàn toàn tĩnh lặng. NATO đã kết nạp thêm thành viên mới trong lịch sử của mình, bắt đầu với Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1952, tiếp theo là Tây Ban Nha vào năm 1982, sau đó là một loạt các nước đồng minh cũ của Liên Xô bắt đầu vào năm 1999, và gần đây nhất là xem xét đối với Thụy Điển và Phần Lan (tiến trình phê chuẩn khởi động đầu tháng 7/2022). Sự phân phối gánh nặng trong liên minh cũng có biến động, với việc hầu hết châu Âu cắt giảm mạnh mẽ đóng góp quốc phòng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. NATO cũng đã trải qua nhiều thay đổi khác nhau về học thuyết, một vài trong số đó có sức ảnh hưởng lớn hơn số còn lại.

Do đó, câu hỏi đáng để đặt ra là mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ có hình thức như thế nào trong tương lai? Các nước trong khối nên xác định sứ mệnh và phân phối trách nhiệm như thế nào? Giống như với một quỹ chung, thành công trong quá khứ không đảm bảo hiệu suất trong tương lai. Đó là lý do tại sao các nhà quản lý danh mục đầu tư thông minh tìm kiếm lợi nhuận cao nhất sẽ điều chỉnh tài sản của quỹ khi điều kiện thay đổi. Xét tới những thay đổi trong quá khứ, sự kiện hiện tại và tình huống có thể xảy ra trong tương lai, tầm nhìn rộng lớn nào sẽ định hình mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương trong tương lai, nếu giả định rằng mối quan hệ này vẫn tiếp tục tồn tại?

Thay đổi ở mức tối thiểu

Một cách tiếp cận rõ ràng – và xét tới sự cứng nhắc quan liêu và thận trọng chính trị, có lẽ là cách tiếp cận có khả năng nhất – là giữ cho các dàn xếp hiện tại ít nhiều nguyên vẹn và thay đổi càng ít càng tốt. Trong mô hình này, NATO sẽ vẫn tập trung chủ yếu vào an ninh châu Âu (như ý nghĩa của cụm từ “Bắc Đại Tây Dương” trong tên của nó). Mỹ sẽ vẫn đóng vai trò “phản ứng đầu tiên” đối với châu Âu và vai trò lãnh đạo liên minh mà không bị thách thức, giống như trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Việc chia sẻ gánh nặng sẽ vẫn bị sai lệch: Năng lực quân sự Mỹ sẽ tiếp tục làm lu mờ lực lượng quân sự châu Âu, và “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ sẽ vẫn bao trùm các thành viên khác của liên minh. Nhiệm vụ “ngoài khu vực” sẽ ít được nhấn mạnh hơn, để nhường chỗ cho sự tập trung mới vào chính châu Âu, một quyết định hợp lý trong bối cảnh kết quả đáng thất vọng của các cuộc phiêu lưu trong quá khứ của NATO ở Afghanistan, Libya và vùng Balkan.

4 kịch bản cho NATO -0
Nhiều câu hỏi, nhiều đáp án đang được đặt ra nhằm định hình NATO trong tương lai

Công bằng mà nói, mô hình này có một số ưu điểm rõ ràng. Đây là một mô hình quen thuộc và giữ vững vị thế “nước Mỹ tạo lập hòa bình” cho châu Âu. Các quốc gia châu Âu sẽ không phải lo lắng về xung đột phát sinh giữa họ, chừng nào Mỹ vẫn còn ở đó để lên tiếng cảnh báo và giải quyết xích mích. Tuy nhiên, kịch bản này có một số nhược điểm nghiêm trọng. Rõ ràng nhất phải kể đến chi phí cơ hội: Việc Mỹ giữ vai trò lực lượng phản ứng đầu tiên của châu Âu khiến Washington khó có thể dành đủ thời gian, sự chú ý và nguồn lực cho châu Á, nơi có các mối đe dọa lớn hơn đáng kể đối với cán cân quyền lực và môi trường ngoại giao đặc biệt phức tạp. Hơn nữa, mô hình này khuyến khích châu Âu tiếp tục phụ thuộc vào cơ chế bảo vệ châu Âu và góp phần vào sự tự mãn và thiếu thực tế nói chung trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của châu lục này. Và mặc dù hầu như không ai muốn thừa nhận, nhưng mô hình này có nguy cơ kéo Mỹ vào các cuộc xung đột ngoại vi mà có thể không phải lúc nào cũng quan trọng đối với an ninh hoặc sự thịnh vượng của nước Mỹ.

Hợp tác trên cơ sở dân chủ

Mô hình thứ 2 về hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương nêu bật đặc điểm dân chủ chung của hầu hết các thành viên NATO và sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các thái cực. Đây là tầm nhìn đằng sau những nỗ lực của Chính quyền ông Biden trong việc nhấn mạnh các giá trị dân chủ chung và công khai tuyên bố mong muốn chứng minh rằng nền dân chủ vẫn có thể vượt trội hơn trên toàn cầu. Quỹ Liên minh các nền dân chủ của cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh, Rasmussen phản ánh quan điểm tương tự.

Theo phân tích, giá trị của tầm nhìn này nằm ở sự đơn giản – dân chủ là tốt, chuyên quyền là xấu – nhưng khuyết điểm của nó quá lớn so với ưu điểm. Trước hết, một khuôn khổ như vậy chắc chắn sẽ làm phức tạp các mối quan hệ, vốn dĩ xưa nay vẫn là đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như các quốc gia theo chế độ quân chủ ở vùng Vịnh, và khiến mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương có nguy cơ bị cáo buộc là đạo đức giả. Thứ nữa, trong lịch sử, cái gọi là dân chủ và chuyên quyền, trên thực chất chỉ được áp dụng một cách có ý đồ, tùy thời điểm chứ nó không thể hiện bản chất thực sự của nhu cầu hợp tác.

4 kịch bản cho NATO -0
Các “cuộc phiêu lưu” trong quá khứ của NATO ở vùng Vịnh không được đánh giá cao

Cuối cùng, đưa các giá trị dân chủ lên vị thế trung tâm và trên hết có nguy cơ biến quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Đương thành một tổ chức thập tự chinh tìm cách nuôi dưỡng các nền dân chủ ở bất cứ nơi nào có thể, không cần biết đến kết quả. Và cho dù mục tiêu đó có đáng mong muốn đến mức nào trên lý thuyết, thì 30 năm qua cũng cho thấy không một thành viên nào trong liên minh biết cách thực hiện nó hiệu quả, thậm chí ngay cả trong các thành viên của khối.

Tập trung kiềm chế đối trọng?

Đây là ý tưởng thể hiện hoạt động lôi kéo châu Âu tham gia nỗ lực rộng hơn của Mỹ nhằm kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trên thực tế, nó tìm cách thống nhất các đối tác châu Âu đa phương của Mỹ với các dàn xếp kiểu “trục và nan hoa” đã tồn tại ở châu Á, và vận dụng sức mạnh tiềm năng của châu Âu chống lại đối thủ cạnh tranh ngang hàng nghiêm trọng duy nhất mà Mỹ có thể phải đối mặt trong nhiều năm tới.

Thoạt nhìn, đây là một tầm nhìn hấp dẫn, và thỏa thuận AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia có thể được chỉ ra như là biểu hiện rõ nét ban đầu của nó. Tuy nhiên, thứ nhất, các quốc gia không chỉ tạo thế cân bằng trước quyền lực mà còn để đề phòng các mối đe dọa, và địa lý đóng vai trò quan trọng trong những đánh giá này. Trung Quốc có thể ngày càng hùng mạnh và tham vọng, nhưng họ sẽ không hành quân qua châu Á và tấn công châu Âu, và hải quân của họ cũng sẽ không đi vòng quanh thế giới để phong tỏa các cảng của châu Âu. Nói cách khác, những đe dọa về mặt an ninh cụ thể đa phần chỉ là giả định đối với NATO từ hướng này. Mặt khác, các thành viên châu Âu của NATO cũng không có năng lực quân sự để gây ảnh hưởng đến cán cân quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo bất kỳ cách nào đáng kể, và khó mà có được năng lực đó trong tương lai gần. Mô hình này khó có thể đưa vào thực tế và nếu có đi chăng nữa, cũng chỉ làm gia tăng bất bình giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Tái phân công vai trò

Đây có lẽ là mô hình đúng đắn nhất mà NATO có thể theo vào lúc này. Mô hình tương lai tối ưu cho quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là một cách phân công lao động mới, trong đó châu Âu chịu trách nhiệm chính về an ninh của chính mình và Mỹ dành sự quan tâm lớn hơn cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ vẫn sẽ là thành viên chính thức của NATO, nhưng thay vì đóng vai trò phản ứng đầu tiên đối với châu Âu, đồng minh này sẽ đóng vai trò chỗ dựa cuối cùng. Kể từ đây, Mỹ sẽ chỉ lên kế hoạch quay trở lại châu Âu khi cán cân quyền lực khu vực bị xói mòn đáng kể.

Mô hình này không thể được thực hiện chớp nhoáng và đòi hỏi đàm phán trên tinh thần hợp tác, với việc Mỹ giúp các đối tác châu Âu thiết kế và có được các năng lực cần thiết. Tuy nhiên, vì nhiều nước châu Âu sẽ làm mọi điều trong khả năng của họ để thuyết phục Mỹ ở lại, nên Washington sẽ phải làm rõ rằng đây là mô hình duy nhất mà họ ủng hộ trong tương lai. Các thành viên châu Âu trong NATO sẽ vẫn chưa thể hạ quyết tâm thực hiện những bước đi cần thiết trừ khi và cho đến khi thực sự tin rằng họ chủ yếu sẽ phải tự mình hành động, và có thể dự đoán rằng họ sẽ “yên ổn” trong khuôn khổ của khối, thay vì những ồn ào bấy lâu nay.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.