APEC bế mạc không tuyên bố chung

Thứ Tư, 21/11/2018, 16:32
Lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo các nước tham dự cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea bế mạc hôm 18-11 không thể ra tuyên bố chung. Ngoài nguyên nhân dễ nhận thấy là sự chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc ngay tại hội nghị thì vai trò của nước chủ nhà cũng không nổi bật khiến hội nghị không thành công.

Trước khi lãnh đạo của 21 nền kinh tế tham gia Diễn đàn APEC tập hợp về Port Moresby, nhà quan sát thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, William Reinsch nói với hãng tin Pháp AFP “mong đợi từ cuộc họp cấp cao lần này không bao nhiêu mà ngay cả những mục tiêu ít ỏi đó cũng ít hy vọng đạt được”. 2 nhân vật chủ chốt trong số 21 lãnh đạo thành viên APEC là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều vắng mặt.

Washington và Bắc Kinh, qua các phát biểu của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã có những lời lẽ gay gắt hiếm thấy chỉ trích lẫn nhau. Bản thân diễn đàn APEC vốn được lập ra gần 4 thập niên nay nhằm thúc đẩy tự do mậu dịch, lần này đã trở thành đấu trường giữa Mỹ và Trung Quốc cũng trên vấn đề thương mại.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh CEO APEC 2018 tại Papua New Guinea, ngày 17-11.

Trước thượng đỉnh APEC, Hoa Kỳ đã thúc đẩy các nước khác chấp nhận một bản tuyên bố gần như là tố cáo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kêu gọi thay đổi sâu sắc tổ chức quốc tế này. Đối với Bắc Kinh, nước hưởng lợi rất nhiều từ khi gia nhập WTO, đây là đòi hỏi không thể chấp nhận được vì sẽ bị thiệt hại không nhỏ.

Không khí đã nóng lên từ ngày họp đầu tiên, với cuộc đấu khẩu giữa phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Pence kêu gọi các nước trong khu vực đứng về phía Hoa Kỳ, không nên bị dẫn dụ bởi chính sách ngoại giao bẫy nợ thiếu minh bạch của Bắc Kinh.

Tại diễn đàn doanh nghiệp, Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi không nhấn chìm các đối tác trong một biển nợ. Chúng tôi không ép buộc, không hối mại, không làm ảnh hưởng đến nền độc lập của quý vị”. Ông Mike Pence nói về “vành đai nhằm bóp nghẹt” và “con đường một chiều”, hàm ý mỉa mai sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” của Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình, trước đó vài phút đã bênh vực kế hoạch “Một vành đai - Một con đường” (Con đường tơ lụa mới), nói rằng đây “không phải là một cái bẫy như một số người nói”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Các nhà lãnh đạo APEC tự quyết định, thay vì ra bản tuyên bố chung như truyền thống và giao cho nước chủ nhà Papua New Guinea thay mặt tất cả các thành viên đưa ra một bản tuyên bố”.

Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neil sau đó chỉ phát biểu ngắn gọn với báo chí: “Quý vị biết đó, có hai người khổng lồ trong một căn phòng. Tôi biết nói gì hơn”. Ông O’Neill nói thêm rằng điểm gây tranh cãi là việc có hay không nên đưa Tổ chức WTO cùng cải cách tiềm tàng của tổ chức này vào Tuyên bố chung của lãnh đạo APEC, theo Reuters.

Cuộc họp APEC tại Papua New Guinea diễn ra ngay sau cuộc họp thượng đỉnh ASEAN và Đông Á tại Singapore cũng có sự tham gia của các cường quốc trên, trong đó có cả Tổng thống Putin, Phó Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản... Tuy nhiên, hai hội nghị này đã thành công tốt đẹp, phần nào nhờ sự điều hành tài tình của nước chủ nhà Singapore. Phát biểu bế mạc thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long nhấn mạnh là ASEAN muốn làm việc với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc.

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Theo Thủ tướng Singapore, quan hệ Mỹ - Trung là quan hệ quan trọng nhất trong các mối quan hệ song phương và mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này có tác động rất lớn đối với ASEAN. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng: “Nếu là bạn với hai quốc gia đang ở hai hướng đối nghịch, đôi khi người ta có thể có mối quan hệ tốt với cả hai nhưng cũng có khi sẽ gặp phải sự lúng túng nếu cố gắng giữ sự thân thiện với cả hai. Tôi nghĩ chúng ta không muốn phải có sự chọn lựa nhưng hoàn cảnh có thể đẩy đưa đến việc khối ASEAN có thể phải chọn một trong hai. Tôi chỉ hy vọng là điều đó sẽ không xảy ra quá sớm”.

Tuy nhiên, vai trò của Papua New Guinea tại APEC lại khá mờ nhạt và có phần nghiêng về phía Mỹ. Chẳng hạn, ngay tại APEC lần này, các nhà lãnh đạo Mỹ và đồng minh cho biết, sẽ giúp gia tăng sản lượng điện, phục vụ cho 70% dân số Papua New Guinea thay vì 13% như hiện nay. 4 nước trên không nói rõ loại điện năng nào sẽ được cung cấp, cũng như tổng giá trị của kế hoạch, tuy nhiên theo Thủ tướng New Zealand, Jacinda Arden, dự án này tốn khoảng 1,7 tỉ đôla. Một phát ngôn viên Chính phủ Úc cho Reuters biết sẽ đóng góp 18,3 triệu đôla trong năm đầu tiên.

Úc, đồng minh trung thành của Mỹ xưa nay vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của các đảo quốc Thái Bình Dương nhưng gần đây Trung Quốc bám theo sát nút. Các nguồn tin ngoại giao nói rằng phương Tây lo ngại về gánh nặng nợ nần của Papua New Guinea nói riêng và khu vực Thái Bình Dương nói chung đối với Trung Quốc. Đảo quốc Tonga, cũng ở Thái Bình Dương, nước vừa ký bản ghi nhớ tham gia sáng kiến Một vành đai - Một con đường, ban đầu nợ Trung Quốc 65 triệu đôla, nay lên đến 115 triệu đô la do lãi phát sinh và các món vay mới, chiếm 1/3 GDP của nước này.

Có thể nói, Papua New Guinea đã thất bại trong nỗ lực san bằng bất đồng giữa hai người khổng lồ của diễn đàn APEC là Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia Euan Graham thuộc Trung tâm Nghiên cứu về châu Á của Đại học La Trobe - Úc, lấy làm “tiếc cho Papua New Guinea”, bị kẹt giữa 2 siêu cường kinh tế và quân sự là Mỹ và Trung Quốc.

Vẫn theo chuyên gia này, trong bối cảnh tinh thần dân tộc chủ nghĩa và chủ trương bảo hộ đang dâng cao, nền tảng của APEC đã phần nào bị ảnh hưởng. Nhưng, việc hội nghị Port Moresby không tìm được một đồng thuận tối thiểu để ra được một bản tuyên bố chung kết thúc 2 ngày họp là một vố đau với toàn thể khối 21 nền kinh tế vành đai Thái Bình Dương, vốn cùng xem tự do mậu dịch là một ưu tiên.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.