Afghanistan: Chiến trận nghiêng về Taliban

Chủ Nhật, 25/07/2021, 10:20
Tốc độ tiến công của lực lượng Taliban ở Afghanistan và sự kháng cự yếu ớt của quân Chính phủ Afghanistan khiến giới phân tích chính sách quốc phòng và an ninh trên toàn thế giới cảm thấy bất ngờ. Thậm chí, người ta còn đặt cả vấn đề về vai trò của người Mỹ, với 20 năm ở đây, họ đã “để lại” những gì khi mà chỉ mới vừa rút đi, tình hình đã không thể kiểm soát?


Kể từ khi Mỹ bắt đầu rút quân, Taliban đã mở rộng gấp đôi phạm vi lãnh thổ kiểm soát. Nhưng, điều ngoạn mục hơn cả là thực tế Taliban đã xâm nhập đáng kể vào các khu vực vốn không phải là thành trì truyền thống của mình và ở nơi vốn có sự kháng cự mạnh mẽ xưa nay - bao gồm một số tỉnh ở phía Bắc và phía Tây của Afghanistan chưa bao giờ thực sự chào đón lực lượng này. Cho dù đây là “luật bất thành văn” với Mỹ hay chỉ là một phần trong chiến lược quân sự hiện vẫn gây tranh cãi của Taliban thì cách thức Taliban bao vây các khu vực trung tâm cho thấy họ tự tin về khả năng dễ dàng chiếm được các thị trấn và thành phố này.

Rõ ràng, những diễn biến chiến trường đang dọn đường cho Taliban tiến vào Kabul. Vấn đề còn lại có lẽ chỉ là thời gian. Có vẻ như Taliban muốn hoàn thành mục tiêu trước ngày 13-11, ngày đánh dấu Kabul rơi vào tay Liên minh phương Bắc. Do đó, vấn đề không phải là thời điểm và cách thức mà Taliban sẽ thiết lập ảnh hưởng như thế nào, mà là câu chuyện điều gì sẽ xảy ra sau khi họ chiếm được Kabul? Có 3 vấn đề các nhà phân tích đặt ra: một là mô hình quản trị mà Taliban áp đặt và tác động của nó ở trong nước cũng như quốc tế; hai là tình hình an ninh bên trong Afghanistan, sự can thiệp và tham gia của lực lượng nước ngoài vào phe nổi dậy và tác động của chúng. Ba là, nơi trú ẩn cho các chiến binh thánh chiến: Liệu Taliban có ủng hộ các mục tiêu thánh chiến và Hồi giáo ở những nơi khác hay không? Và nó tác động thế nào đến tình hình ổn định an ninh khu vực cũng như toàn thế giới.

Những chiến binh Taliban.

Chưa biết nay mai sẽ ra sao, song ở thời điểm này, với những gì biểu hiện ra ngoài, người ta cho rằng Taliban gần như không thay đổi với “mô hình Taliban 1.0” của những năm 1990. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có cách diễn giải nghiêm ngặt về Luật Sharia, không chỉ trong điều hành đất nước mà còn về cả các vấn đề xã hội và tôn giáo. Những chính sách cứng rắn có từ thời cổ xưa đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác có thể sẽ được thực thi trở lại. Nỗi sợ hãi về những vụ trả đũa và sự ngột ngạt trong cách quản lý chính quyền có khả năng dẫn đến một cuộc di cư nữa ở Afghanistan. Trong khi một số có khả năng đến châu Âu hay Bắc Mỹ, thậm chí là Trung Đông, thì phần lớn những người tị nạn sẽ chỉ lựa chọn được Pakistan, Iran hoặc thậm chí là các quốc gia Trung Á khác. Điều này sẽ một lần nữa tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn, kèm theo những thách thức về an ninh, kinh tế đối với các nước láng giềng. Và, đây là điều từng xảy ra, bất kể sự giải thích cho nó là gì.

Mặc dù chiếm thế thượng phong, song  Taliban vẫn sẽ gặp phải không ít sự kháng cự. Theo nhận định của giới chuyên gia, có một số khả năng. Đầu tiên là sau những thất bại ban đầu, quân đội Afghanistan sẽ tập hợp lại và quan trọng là lực lượng này sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ bên ngoài, biến đất nước Afghanistan trở thành “sân chơi” của các “nhà tài trợ”, với những cuộc chiến ủy nhiệm mà chịu thống khổ đầu tiên sẽ là người dân. Khả năng thứ hai là sẽ không có một lực lượng gắn kết như quân đội Chính phủ Afghanistan hiện tại, thay vào đó là sự hình thành các lực lượng và cộng đồng riêng lẻ chống lại Taliban, gây nên bất ổn khắp nơi. Khả năng thứ ba là các nhóm chống đối mang màu sắc tôn giáo trên khắp vùng lãnh thổ. Khả năng thứ tư là các nhóm chống đối hoạt động lưu vong bên ngoài biên giới Afghanistan - có thể ở Trung Á hoặc Iran. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem Taliban sẽ phản ứng ra sao sau khi tiến vào Kabul. Một tư duy hòa giải sẽ giúp kéo vãn tình hình, thay vì trả đũa liên miên, gây nên những vòng xoáy bất ổn.

Vấn đề cuối cùng có liên quan đến chính sách đối ngoại và an ninh của Taliban. Liệu Taliban sẽ nổi lên như một chủ thể độc lập để tự mình lèo lái đất nước hay vẫn đóng vai trò phụ thuộc vào các kế hoạch chiến lược của “nhà tài trợ chính” là Pakistan? Trong trường hợp vế đầu, hy vọng với những lợi ích sát sườn và tự thân, những người lái “con thuyền Afghanistan” sẽ buộc phải đặt vấn đề dân tộc và đất nước lên trên, điều này rõ ràng sẽ có lợi cho tất cả. Có điều, với các mối liên hệ của mình cũng như truyền thống Pashtun sẽ khiến chính quyền của Taliban không thể từ chối bất kỳ người tị nạn nào. Và điều này sẽ làm gia tăng sự lo lắng ở các quốc gia khác, nơi những người bất đồng chính kiến, quân nổi dậy và các nhóm khủng bố tìm nơi ẩn náu trên lãnh thổ Afghanistan, sau đó sẽ bị dụ dỗ để tài trợ và trang bị cho các cuộc chiến chống lại chính cố quốc. Mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa nếu người ta phát hiện ra rằng tuyên bố của Taliban về việc không để bất kỳ ai sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm bàn đạp chống lại nước khác chỉ là lời nói suông.

Có thể nói, mối lo ngại về một tình hình Afghanistan bất ổn sẽ bao trùm bầu không khí khu vực và cả thế giới. Tuy nhiên, trong số rất nhiều câu hỏi đặt ra thì vẫn còn có một câu hỏi mà các thế lực phương Tây sẽ muốn lờ đi hoặc vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời: Tại sao lực lượng Taliban lại luôn thắng thế mỗi khi lực lượng nước ngoài rút đi? Và, nếu như đúng điều đó thể hiện ước vọng của đa số người dân Afghanistan thì nên hiểu họ, hỗ trợ và giúp đỡ họ sẽ tốt và dễ hơn nhiều là tìm mọi cách để thay đổi họ hoặc bắt họ phải thay đổi.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.