Ai đang châm ngòi cho cuộc chiến vùng Vịnh?
Đã có nhận định cho rằng, Vương quốc Anh dường như đã trở thành một phần trong âm mưu của Mỹ khiêu khích sự kiên nhẫn của Iran khi nước này có các động thái quân sự...
"Sự can thiệp hợp pháp"
Ngày 19-7, giới chức Iran thông báo đã bắt giữ tàu chở dầu "Stena Impero" treo cờ Anh có hành trình tới một hải cảng ở Saudi Arabia, song bất ngờ đổi lộ trình sau khi đi qua eo biển tại vùng Vịnh và va chạm với một tàu cá của Iran. Nói về vụ việc này, phía Iran khẳng định, việc Iran bắt giữ tàu chở dầu treo cờ của Anh ở Eo biển Hormuz là "sự can thiệp hợp pháp".
Tuyên bố trên được người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei đưa ra, tại họp báo ở Tehran, hôm 19-7. Ông Rabiei nêu rõ: "Việc bắt giữ tàu chở dầu của Anh là cách xử lý hợp pháp của Iran". Tehran nhấn mạnh biện pháp này "nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực".
Lực lượng chuyên trách của Iran bắt giữ tàu mang cờ Anh ở eo Hormuz. Ảnh: Mehr News Agency. |
Tuyên bố trên được ông Rabiei đưa ra sau khi Đại biện lâm thời Anh tại Liên Hiệp Quốc Jonathan Allen ngày 22-7 tuyên bố việc Iran bắt giữ tàu chở dầu "Stena Impero" là sự "can thiệp bất hợp pháp", đồng thời bác bỏ tường trình của Tehran về vụ việc này. Quan chức ngoại giao London khẳng định giới chức Anh "không tìm cách đối đầu với Iran", nhưng "không chấp nhận" việc đe dọa tàu thuyền kinh doanh hợp pháp đi qua các hành lang chung chuyển được quốc tế thừa nhận. Ông cũng kêu gọi Iran trả tự do cho tàu chở dầu "Stena Impero" trong khi tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết tình hình.
Trong một diễn biến liên quan, kênh truyền hình nhà nước Iran đã cho phát sóng hình ảnh binh sĩ Iran kiểm soát tàu "Stena Impero". Theo các hình ảnh, con tàu hiện đã neo đậu gần cảng Bandar Abbas ở miền Nam Iran, gần eo biển Hormuz. Giới chức Iran cũng đã chính thức mở một cuộc điều tra nhằm vào tàu chở dầu này.
Vùng Vịnh nguy hiểm
Trong một diễn biến liên quan, ngày 22-7, Đại sứ quán Iran tại Ấn Độ cho biết tất cả thành viên thủy thủ đoàn trên tàu chở dầu gắn cờ Anh "Stena Impero", trong đó có các công dân Ấn Độ, hiện đều khỏe mạnh và vẫn ở trên tàu này. Cũng trong ngày 22-7, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt trao đổi về căng thẳng ở khu vực Trung Đông.
Tuyên bố từ phòng truyền thông của Thủ tướng Abdul Mahdi cho hay, trong cuộc điện đàm, hai bên "đã khẳng định sự cần thiết phải đạt được an ninh và ổn định ở khu vực vùng Vịnh và Trung Đông, cũng như sự tự do hoạt động (hàng hải) cho tất cả các quốc gia (trong vùng hải phận vùng Vịnh) và tôn trọng luật pháp quốc tế". Hai bên cũng thảo luận tình hình an ninh khu vực, các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh leo thang.
Hình ảnh Iran công bố khi binh sĩ nước này bao vây và kiểm soát tàu mang cờ Anh. Ảnh: Middle East Eye. |
Lo lắng những căng thẳng không được giải quyết sẽ leo thang, cơ quan thông tấn nhà nước Oman ngày 22-7 cho biết Bộ trưởng phụ trách các vấn đề đối ngoại của Oman, ông Yousuf bin Alawi bin Abdullah cũng tới Iran vào ngày 22-7 để thảo luận các diễn biến trong khu vực với mong muốn Iran và Anh giải quyết mâu thuẫn bằng các biện pháp ngoại giao.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cũng đưa ra cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu việc bắt giữ tàu chở dầu của Anh không được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, cho đến lúc này, hầu như không hề có bằng chứng cho thấy Anh đã lên kế hoạch để trả đũa.
Trả lời Hãng tin Sky News, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Tobias Ellwood nhấn mạnh trách nhiệm quan trọng hàng đầu của Anh ở thời điểm hiện tại là đảm bảo có được giải pháp cho vấn đề hiện nay, cũng như đảm bảo các tàu mang cờ Anh có thể an toàn hoạt động tại vùng biển thuộc vùng Vịnh.
Khi được hỏi liệu London có xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran hay không, ông Ellwood khẳng định Anh đang xem xét các biện pháp ứng phó với việc Tehran bắt giữ tàu chở dầu mang cờ của nước này, đồng thời cho biết London sẽ tham vấn các đồng sự, đồng minh quốc tế về các biện pháp cụ thể.
Phát biểu sau một cuộc họp Ủy ban Các vấn đề khẩn cấp (COBRA) của Chính phủ Anh để thảo luận về cuộc khủng hoảng này, người phát ngôn Chính phủ cho biết: "Chúng tôi vẫn lo ngại sâu sắc về các hành động không thể chấp nhận được của Iran, cho thấy một sự thách thức công khai đối với quyền tự do đi lại tại các vùng biển quốc tế".
Phía Anh còn tuyên bố sẽ tìm cách thiết lập một phái bộ bảo vệ hàng hải do châu Âu dẫn đầu nhằm đảm bảo sự đi lại an toàn qua eo biển Hormuz sau khi Iran bắt giữ một tàu treo cờ Anh, một động thái mà London cho rằng là hành động "cướp biển quốc gia".
Trước những diễn biến mới căng thẳng tại vùng Vịnh, ngày 19-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lo ngại trước tình thế đối đầu hiện nay giữa Iran và phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh. Trả lời phỏng vấn được đăng tải trên trang web chính thức của Điện Kremlin, ông Putin nhấn mạnh: "Điều này khiến chúng tôi lo ngại vì đang diễn ra gần biên giới đất nước chúng tôi. Nó có thể gây bất ổn tình hình xung quanh Iran, tác động tới một số quốc gia mà chúng tôi có mối quan hệ rất gần gũi, khiến làn sóng di cư ngày càng đông, và gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế thế giới, cũng như lĩnh vực năng lượng toàn cầu".
Tổng thống Nga hoan nghênh mọi động thái cải thiện trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, đồng thời nhắc lại rằng "leo thang căng thẳng sẽ gây bất lợi cho tất cả các bên".
Vụ bắt giữ tàu "Stena Impero" là diễn biến mới nhất làm leo thang căng thẳng tại vùng Vịnh trong khi quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng từ tháng 5. Vụ tàu chở dầu mang cờ Anh diễn ra đúng lúc Iran thông báo bắt giữ nhiều gián điệp làm việc cho tình báo Mỹ càng làm cho tình hình vùng Vịnh thêm xấu hơn. Bộ Tình báo Iran tuyên bố đã triệt phá một ổ gián điệp CIA và bắt giữ 17 nghi can tình nghi làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Một quan chức của Bộ Tình báo Iran cho biết một số đối tượng trong số này đã bị kết án tử hình. Trong một tuyên bố, Bộ Tình báo Iran nêu rõ các nghi can trên làm việc tại những cơ sở tư nhân trong lĩnh vực kinh tế, hạt nhân, cơ sở hạ tầng, quân đội và mạng... nơi những đối tượng này thu thập thông tin mật.
Anh có bị lôi kéo vào cuộc chiến Mỹ - Iran?
Chính phủ Anh dự kiến sẽ công bố các bước đi tiếp theo trong một vài ngày tới. Nhưng các chuyên gia về khu vực này cho rằng hầu như không có biện pháp rõ ràng nào mà London có thể thực hiện vào thời điểm Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế tối đa, cấm tất cả xuất khẩu dầu của Iran trên toàn thế giới.
Chuyên gia quốc phòng Anh - ông Tim Ripley nói: "Tôi không nhìn thấy tại thời điểm này chúng tôi có thể đưa ra nhượng bộ để giải quyết khủng hoảng. Việc cung cấp an ninh và hộ tống tàu thuyền trong tương lai là một vấn đề khác".
Hiện nhiều quan chức hàng đầu của Anh đã giữ im lặng và họ cho biết họ vẫn chưa tìm ra được cách phản ứng. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Tobias Ellwood nói với Hãng tin Sky News: "Chúng tôi sẽ xem xét một loạt lựa chọn. Chúng tôi sẽ nói chuyện với các đồng nghiệp, các đồng minh quốc tế để xem những gì thực sự có thể làm được. Trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất của chúng tôi là phải đảm bảo chúng tôi sẽ có được một giải pháp cho vấn đề liên quan đến con tàu hiện nay và đảm bảo các tàu mang cờ Anh khác trong tương lai có thể hoạt động an toàn ở vùng biển này".
Theo trang The Telegraph, phía Anh có thể đưa ra những biện pháp riêng để trừng phạt về kinh tế và ngoại giao Iran. Ngoài ra, London còn có thể yêu cầu Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt từng được gỡ bỏ trong khuôn khổ thoả thuận hạt nhân 2015.
Trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 20-7, phái đoàn Anh khẳng định Anh “không tìm cách đối đầu với Iran” bởi lo ngại cảnh báo của Ngoại trưởng Iran rằng Anh nên ngừng hỗ trợ cho chính sách của Mỹ, đồng thời cáo buộc cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là John Bolton "đang đầu độc Anh với hy vọng kéo nước này vào vũng lầy".
Có thể thấy rõ thực tế, tình thế đối đầu giữa Mỹ và Iran hiện đang phát triển thành các cuộc chiến tàu chở dầu mới ở Vịnh Persia. Vương quốc Anh dường như đã trở thành một phần trong âm mưu của Mỹ nhằm "nhử" Iran có các động thái quân sự, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.
Thủy thủ đoàn trên con tàu bị Iran bắt giữ được cho là vẫn an toàn và mạnh khỏe. Ảnh: New York Post. |
Câu hỏi đặt ra là: Có phải Anh vừa thêm tên mình vào "B-team" (nhóm được đặt theo tên của ông John Bolton - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Benjamin Netanyahu - Thủ tướng Israel, và Mohammad bin Salman - Thái tử Saudi Arabia) chống lại Iran? Hay liệu Anh, trong bối cảnh Brexit đang tới gần, đang tìm cách lấy lòng Mỹ?
Vai trò của Anh ngày càng trở nên đáng nghi ngờ. Tại sao nước này lại bắt tàu chở Grace-1 của Iran ở vùng biển của Gibraltar? Bốn trong số các thủy thủ trên tàu Grace-1, bao gồm cả thuyền trưởng, đều bị một tòa án của Gibraltar kết tội và đang được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh.
Vấn đề này lại có thêm nút thắt mới khi người ta biết được rằng Gibraltar đã thay đổi luật làm cơ sở để bắt giữ tàu chở dầu của Iran chỉ một ngày trước khi vụ việc xảy ra. Điều này đã củng cố thêm tin tức ở Tây Ban Nha trích dẫn các nguồn tin từ chính phủ cho biết Anh thực hiện vụ bắt giữ tàu chở dầu của Iran theo chỉ đạo của Mỹ.
Lập luận rằng tàu Grace-1 đang vận chuyển dầu thô tới nhà máy lọc dầu Baniyas của Syria, và điều đó vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Syria, dường như không đủ sức thuyết phục trong nhiều điểm buộc tội.
Có một vụ việc khác liên quan tới Iran và Anh khiến khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tàu chở dầu mới tăng lên và làm cho vai trò của Anh càng trở nên đáng nghi ngờ hơn. Iran đã phủ nhận câu chuyện của Anh về việc tàu chở dầu rỗng không British Heritage của nước này bị các tàu của Iran chặn lại trên Vịnh Persia. Mỹ, quốc gia đầu tiên tiết lộ về vụ việc, tuyên bố rằng có 5 tàu của Iran đã tìm cách bắt một tàu chở dầu của Anh.
Các nhà cầm quyền Anh lại khẳng định có 3 tàu của Iran đã cản đường của tàu chở dầu này, nhưng sau đó đã bị một tàu chiến của Anh xua đuổi. Iran phủ nhận không có vụ việc nào như vậy xảy ra. Không có đoạn video hay hình ảnh vệ tinh nào về vụ việc được công bố công khai, mặc dù có tin tức rằng một máy bay của Mỹ đã ghi hình lại vụ việc.
Điều vẫn chưa thể giải thích được là tại sao một tàu chở dầu rỗng không của Anh lại tắt hệ thống tiếp sóng trước khi vụ việc xảy ra trong 24 tiếng, đặc biệt trong lúc tàu này đi qua eo biển Hormuz, hay tại sao một tàu chở dầu không mang theo dầu lại được hộ tống bởi một tàu chiến. Có phải Anh đang "nhử" Iran bằng cách tạo ra một vụ va chạm hàng hải ở vùng Vịnh hay không?
Iran có rất nhiều cách để đáp trả. Nước này có thể khiến việc đi lại, đặc biệt là của các tàu chở dầu, trên eo biển Hormuz trở nên khó khăn hơn. Tehran có thể vũ trang cho các đồng minh ở khu vực, đặc biệt là lực lượng Houthi ở Yemen, với những vũ khí tốt hơn trong cuộc chiến với Saudi Arabia.
Mỗi một biện pháp đều có thể khiến căng thẳng dâng cao và có khả năng vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Một cuộc chiến tranh chống lại Iran mà phương Tây "giăng bẫy" rất có thể sẽ diễn ra. Tất nhiên sẽ là vô cùng khốc liệt và tổn thất thật khó đong đếm.