Ai đốt lửa “vùng đất nóng” Trung Đông?

Thứ Hai, 17/09/2018, 14:41
“Chảo lửa” Trung Đông tiếp tục nóng bỏng bởi những “rối loạn” do các yếu tố bên trong và sự tác động từ bên ngoài. Các chuyên gia nhận định, có nhiều nguy cơ bùng phát thành cuộc xung đột quy mô lớn.

Sau một tháng bạo lực lẻ tẻ và căng thẳng âm ỉ, Trung Đông lại dường như trên bờ vực của tình trạng xung đột gay gắt khác, và không có cường quốc bên ngoài nào có lợi ích hoặc thế mạnh để dập tắt lửa xung đột này. Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận việc đem lại hòa bình cho Trung Đông có lẽ khó hơn ông từng nghĩ.

“Thùng thuốc súng” Trung Đông luôn trong tình trạng cảnh báo cao độ. Không chỉ tỉnh Idlib ở phía Bắc Syria, nơi cuộc “đại chiến” giữa rất nhiều phe phái, lực lượng dường như đã bắt đầu, Palestine và cuộc xung đột dai dẳng với Israel không có điểm kết thúc và sự nóng lên nhanh chóng trong quan hệ Iran-Iraq ở vùng biên giới hai nước cùng mối quan hệ của các nước Arab với Qatar đã khiến Trung Đông trở thành một điểm nóng có tầm bao phủ rộng và cực kỳ nguy hiểm.

Các cuộc biểu tình ở Iraq được cho là có bàn tay kích động từ bên ngoài. Ảnh: Al-Monitor.

Ngày 9-9, Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cho rằng các mưu đồ của Mỹ tại Trung Đông đã thất bại, viện dẫn Syria, Iraq, Liban và các nước Arab là những bằng chứng rõ ràng. Ông Khamenei đưa ra nhận định trên tại lễ tốt nghiệp của một nhóm học viên hải quân ở Noshahr, miền Bắc Iran. Đại giáo chủ còn nhấn mạnh cuộc kháng chiến mạnh mẽ của Iran đã dẫn đến sự thất bại to lớn các mục tiêu của những kẻ đàn áp toàn cầu trong khu vực.

Nhà nghiên cứu Dennis Ross thuộc Viện Chính sách Cận Đông ở Washington (Mỹ) trong một báo cáo phân tích mới đây nhận định: với chính sách cố tình đẩy các nước ở Trung Đông tới “chân tường”, không xảy ra cuộc chiến nào mới là lạ. “Một cuộc chiến tổng lực giữa Iran và Israel đang đến gần và chính quyền ông Trump không có chiến lược để ngăn ngừa điều này”, Dennis Ross nhận định.

Và rõ ràng, trong những ngày gần đây, tình hình đang có chiều hướng xấu đi một cách nghiêm trọng khi các cường quốc thế giới, những nước truyền thống đóng vai trò phán xử, dường như không thể hoặc không sẵn lòng tham gia ngăn chặn nhiều cuộc xung đột đang có nguy cơ bùng phát ở khu vực vốn đang trên bờ vực chiến tranh này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, một nhân vật có chủ trương chống Iran, vừa thông báo về chiến lược răn đe Iran mới và đặt ra nhiều yêu sách đối với Tehran. Lập trường không nhượng bộ của Washington đối với Tehran dường như đặt Mỹ vào tình thế đối đầu với Iran sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký kết với nước Cộng hòa Hồi giáo này hồi năm 2015.

Theo chuyên gia Ross, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không muốn nước Mỹ dính líu tới các cuộc xung đột ở Trung Đông, song “cái cách mà Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran không sớm thì muộn, sẽ làm nổ ra một cuộc chiến tranh lớn hơn”.

Ngay từ đầu Iran đã cứng rắn. Iran không nhượng bộ chính quyền Tổng thống Trump bởi họ thấy các cường quốc châu Âu, trong đó có Nga, Anh, Đức và Pháp, đang ngày càng xa lánh Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đang liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với phong trào Hezbollah ở Liban, một đồng minh chủ chốt của Iran, trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc (LHQ) luôn hối thúc phong trào này ngừng các chiến dịch quân sự - một yếu tố then chốt trong chiến lược khu vực của Tehran.

Tuy nhiên, hiện Hezbollah và các đồng minh của phong trào này “đang gặp vận đỏ” và chắc sẽ không lùi bước. Họ đã kiểm soát Quốc hội Liban sau cuộc bầu cử diễn ra ngày 6-5 và lần đầu tiên nắm chính phủ nước này. Diễn biến mới này chắc chắn sẽ khiến giới chức Tel Aviv lo ngại và phải tìm cách đối phó. Israel lo ngại, cũng là lo ngại chung của Mỹ. Vì thế, Israel cần một cuộc chiến để đánh vào người đỡ đầu cho Hezbollah.

Trong khi những “cái đầu lạnh” ở cả hai phía đều muốn tránh một cuộc chiến thì phe theo đường lối cứng rắn ở Tehran và Washington mới là bên nắm giữ quyền lực đáng kể. Nếu điều này trở thành hiện thực, tình hình Trung Đông chắc chắn sẽ trở thành “chảo lửa” theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, xung đột sẽ xảy ra và dường như không thể tránh khỏi.

Mới đây, tình trạng bạo loạn ở miền Nam Iraq cũng liên quan tới Iran và người ta nghi ngờ có bàn tay của thế lực bên ngoài kích động người biểu tình Iraq hô vang khẩu hiệu chống Iran, thậm chí có những người còn đốt quốc kỳ Iran. Theo kênh truyền hình Press TV (Iran), nhóm bán quân sự thuộc dòng Hồi giáo Shi’ite Hashd al-Sha’abi ở Iraq đã tuyên bố rằng họ có bằng chứng cho thấy các phái bộ ngoại giao của Mỹ ở quốc gia Trung Đông này đứng đằng sau các vụ bạo loạn ở Basra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận việc đem lại hòa bình cho Trung Đông khó hơn ông từng nghĩ. Ảnh: Yahoo News UK.

Phó chỉ huy của lực lượng dân quân này là Abu Mahdi al-Muhandis cho biết: “Chúng tôi có đầy đủ thông tin và các tài liệu cho thấy Đại sứ quán Mỹ và Lãnh sự quán của nước này đã gây ra vụ bạo loạn ở Basra”. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ bị cáo buộc có dính líu đến cuộc khủng hoảng ở Basra. Trước đó, cũng đã có một số nhân vật trong chính giới nước này thuộc phe thân Iran lên tiếng chỉ trích Washington về sự can thiệp vào tình hình ở miền Nam Iraq.

Kênh truyền thông ABC của Australia vừa đăng bài phân tích nhấn mạnh, kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, cũng giống như những người tiền nhiệm, ông tuyên bố sẽ giải quyết cuộc mâu thuẫn kéo dài nhiều thập niên ở khu vực. Tuy nhiên, chính các đòn trừng phạt Iran của Tổng thống Trump đã đẩy Trung Đông vào thế dầu sôi lửa bỏng. Trước hết là Iraq.

Với 1.458 km đường biên giới chung với Iran, Iraq có thể bị thiệt hại nặng nề bởi các đòn trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Trump áp đặt với Iran. Iraq phụ thuộc mọi thứ vào quốc gia láng giềng này, từ khí gas đến điện, nước và lương thực thực phẩm... Khi trừng phạt Iran, Mỹ đang vô tình đẩy Iraq ra khỏi vòng tay của Washington. Ngay lập tức, Trung Đông trở lên bất ổn.

Trung Đông nóng cùng lúc với 3 “điểm nóng” mang tính xoay chuyển. Từ vấn đề của Jerusalem, căng thẳng ở biên giới Iran-Iraq cho tới tới sự sụp đổ của IS và cuộc khủng hoảng Syria... Những biến cố lớn tại “vùng đất nóng” này sẽ tiếp tục là những thách thức đối với khu vực.

Nhìn lại 15 năm sau khi Mỹ xâm lược Iraq với lý do quốc gia này sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và có quan hệ với al-Qaeda, các cáo buộc đã được minh chứng là không hề có thật. Mỹ một lần nữa chĩa mũi tấn công vào một cường quốc Trung Đông bằng các “bài” quen thuộc khiến người ta liên tưởng đến Iraq khi bị Mỹ xâm lược trong Cuộc chiến Vùng Vịnh với mưu đồ kích động Trung Đông. Hòa bình ở Trung Đông đang đứng trước ngã rẽ mới.

Huyền Hoa
.
.