Ai đứng sau vụ tấn công Đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid?

Thứ Ba, 02/04/2019, 18:09
vụ tấn công có một không hai xảy ra tại Đại sứ quán Triều Tiên thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ bởi tính chất khó hiểu của nó mà còn do tính nhạy cảm của thời điểm xảy ra vụ việc. Có dư luận nghi ngờ Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) dính líu vụ này nhưng chưa có thông tin xác định cụ thể.

Ngày 26-3, Thẩm phán Tòa án cấp cao Tây Ban Nha Jose de la Mata ra tuyên bố chính thức về vụ tấn công Đại sứ quán Triều Tiên ngày 22-2 vừa qua. Theo đó, vụ tấn công xảy ra vào khoảng 3 giờ chiều giờ địa phương. Thủ phạm gây ra vụ tấn công là một nhóm khoảng 10 người được trang bị dao và súng giả. Nhóm này đa số là người Triều Tiên, 1 công dân Mexico gốc Triều Tiên, 1 công dân Mỹ và 1 công dân Hàn Quốc.

Nhóm người đã đột nhập, đánh gục các nhân viên bảo vệ và trói những người làm việc bên trong Đại sứ quán. Nạn nhân duy nhất trốn thoát từ tầng 1 tòa nhà và bị thương ở chân. Những người qua đường nhìn thấy và gọi cho dịch vụ ứng cứu nhanh, sau đó cảnh sát đến bao vây tòa nhà nhưng không dám vào bên trong vì về nguyên tắc là xâm phạm chủ quyền Triều Tiên.

Một người tự xưng là nhà ngoại giao từ bên trong đi ra, thông báo “không có chuyện gì” vì thế cảnh sát buộc phải rút đi. Tuy nhiên, vài phút sau có 2 chiếc xe ngoại giao mang cờ Triều Tiên từ bên trong Đại sứ quán chạy ra và phóng đi mất hút. Cảnh sát đã tìm thấy 2 chiếc xe ngoại giao đỗ cách hiện trường không xa.

Điều khó hiểu của vụ việc, theo cảnh sát Tây Ban Nha, chính là bọn người tấn công Đại sứ quán Triều Tiên không lấy đi thứ gì ngoại trừ rất nhiều ổ cứng máy tính và tất cả điện thoại di động của nhân viên bên trong đại dứ quán. Nhận định của cơ quan điều tra là bọn người này chủ yếu muốn tìm kiếm những tài liệu, những thông tin bí mật liên quan đến chính quyền Triều Tiên nhằm phục vụ cho mục đích bí mật của mình.

Theo tuyên bố của Tòa án Tây Ban Nha, cầm đầu nhóm tấn công là một công dân Mexico tên Adrian Hong Chang, kẻ tự xưng “nhà ngoại giao” và cũng là người đứng ra thuyết phục cảnh sát rút lui. Điều tra ban đầu của cảnh sát cho biết Hong Chang là người của một tổ chức bí mật gồm những người Triều Tiên lưu vong, chống chính quyền Bình Nhưỡng, có tên là Phòng vệ nhân dân Cheollima (CCD), thường tự xưng là Free Joseon (Joseon Tự do).

Đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid.

Nhóm này bắt đầu được dư luận biết đến từ sau vụ việc Kim Jong-nam (anh trai cùng cha khác mẹ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un) nghi đã qua đời bí ẩn năm 2017 tại Malaysia. Khi đó, nhóm CCD đã lên tiếng tự nhận mình đã bảo vệ an toàn cho Kim Han Sol, con trai ông Kim Jong-nam.

Ngày 1-3-2019, trên website riêng, nhóm tự tuyên bố là “chính phủ lâm thời Bắc Triều Tiên lưu vong” và hạ quyết tâm “lật đổ” chính quyền hiện tại ở Bình Nhưỡng. Dựa vào các vấn đề nhân đạo và quyền con người, nhóm CCD kêu gọi kiều bào Triều Tiên trên khắp thế giới “giúp đỡ” thành lập một “đế chế Joseon mới”.

Dựa vào những tuyên bố “tày trời” của nhóm CCD, không mấy ai tin rằng nhóm này có khả năng tự mình làm nên chuyện lớn. Vì thế, ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, dư luận đã dấy lên câu hỏi: Ai đứng sau vụ tấn công này? Liệu CIA hay các cơ quan tình báo khác có tham gia vụ tấn công hay không?

Một tuần sau khi vụ tấn công xảy ra, một số tờ báo lớn ở Tây Ban Nha, trong đó có nhật báo nổi tiếng El Pais ở Madrid và tờ El Periodico ở Barcelona cho rằng các cơ quan tình báo phương Tây có nhúng tay vào vụ việc. Hai tờ báo này dẫn nguồn tin từ cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng ít nhất 2 tên trong nhóm tấn công có liên quan đến CIA.

Hai tờ báo cũng dẫn lời các nhân viên Đại sứ quán rằng họ đã bị nhóm tấn công thẩm vấn liên tục trong 4 tiếng đồng hồ về những thông tin liên quan đến ông Soh Yun-sok (còn có tên là Kim Hyok-chol), cựu Đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha. Soh đã bị Tây Ban Nha trục xuất vào tháng 9-2017 để phản đối việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tình báo ở Mỹ lập tức bác bỏ khả năng CIA tham gia vụ tấn công. Mặc dù CIA có bề dày thành tích đột nhập đại sứ quán các nước nhưng cách thức thực hiện rất bí mật, tiến hành vào ban đêm để tránh bị phát hiện. Một chiến dịch đột kích giữa ban ngày như thế này rất mạo hiểm, vì thế không phải là lựa chọn của CIA. Hơn nữa, cũng ít có khả năng CIA có nhiều điệp viên gốc Triều Tiên như thế mà lại cho họ cùng tham gia chung một chiến dịch.

Mặt khác, thời điểm xảy ra vụ tấn công lại vô cùng nhạy cảm, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội (27 và 28-2) nhằm tìm kiếm một thỏa thuận lịch sử thì CIA không thể cho người tấn công Đại sứ quán Triều Tiên. Tuy vậy, không có nghĩa là hoàn toàn không có khả năng dính líu của CIA.

Ngày 18-3, nhóm CCD thừa nhận trên trang web riêng rằng đã gây ra vụ tấn công. Tuy nhiên, nhóm này không thừa nhận việc mình hợp tác với các cơ quan tình báo Mỹ, cũng như tình báo các nước khác khi thực hiện vụ tấn công đại sứ quán. Nhóm chỉ thừa nhận, hoặc không bác bỏ, thông tin từ Tòa án Tây Ban Nha rằng một thành viên nhóm đã đến liên hệ với FBI và đề nghị cung cấp cho FBI các dữ liệu, thông tin bí mật lấy từ các máy tính của đại sứ quán.

Tạp chí Newsweek của Mỹ cho rằng mặc dù theo suy luận CIA không thể trực tiếp tham gia vụ tấn công nhưng những người tiến hành vụ tấn công vẫn có thể có liên hệ nhất định với CIA. Bởi CCD là nhóm chống đối đầu tiên do người Triều Tiên lưu vong lập ra và mạnh dạn đe dọa “lật đổ” chính quyền Bình Nhưỡng, không ai đảm bảo rằng các cơ quan tình báo phương Tây “đành lòng” làm ngơ, không tiếp xúc với lãnh đạo của nhóm.

Thậm chí, Newsweek còn cho rằng CIA và nhiều cơ quan tình báo khác đang tài trợ và huấn luyện cho các thành viên nhóm CCD nhằm mục đích biến họ thành công cụ chống Triều Tiên.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.