Alfred Frenzel từ đại biểu quốc hội trở thành điệp viên nội ứng

Thứ Sáu, 21/04/2006, 08:00

Là đại biểu Quốc hội Tây Đức từ năm 1952, đến năm 1956 Frenzel trở thành điệp viên nội ứng làm việc cho Cơ quan tình báo Tiệp Khắc (StB) và đã trao cho StB nhiều thông tin vô cùng quan trọng mà ông khai thác được từ nhiều uỷ ban đặc biệt của Quốc hội.

Trong đó, đáng kể nhất là tài liệu tối mật mang số hiệu MD – 70 về việc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức bố phòng trên lãnh thổ Tây Đức và kế hoạch tái vũ trang quân đội Đức.

Alfred Frenzel sinh ngày 18/9/1899 tại vùng Bohemia của Tiệp Khắc. Do cha mẹ đều mất sớm nên ông được gia đình người chú nhận nuôi dưỡng. Tốt nghiệp phổ thông, Frenzel theo học ngành kinh doanh rồi sau đó gia nhập Đảng Cộng sản Tiệp Khắc.

Năm 1929, Frenzel làm giám đốc một chi nhánh của Công ty Forverst tại Bohemia. Năm 1937, ông từ bỏ Đảng Cộng sản để gia nhập Đảng Xã hội Dân chủ Tiệp Khắc. Năm 1939, khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 xảy ra, Frenzel di tản đến Anh. Lúc đầu ông phải làm việc trong một căn cứ không quân, sau đó tham gia hoạt động trong Chính phủ Tiệp Khắc lưu vong ở Anh.

Khi chiến tranh chấm dứt, Frenzel quay về lại Tiệp Khắc cùng chính phủ lưu vong. Do bất đồng quan điểm với Thủ tướng Eduard Benes, ông chuyển đến sinh sống tại bang Bavarois của Tây Đức. Chẳng bao lâu sau, với năng lực hoạt động chính trị và bảng thành tích chống phát xít trong chiến tranh, Frenzel nhanh chóng được kết nạp vào Đảng Xã hội Dân chủ Đức rồi trở thành đại biểu Quốc hội vào năm 1953.

Với tư cách là nghị sĩ Quốc hội, Frenzel còn là thành viên của nhiều ủy ban khác nhau của Quốc hội Tây Đức như Ủy ban quốc phòng chịu trách nhiệm tái vũ trang quân đội và thiết lập quan hệ với NATO, ủy ban về ngoại thương, thông tin và Ủy ban phụ trách việc bồi thường các thiệt hại và tổn thất trong chiến tranh. Ông có khả năng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin mật, có mối quan hệ với nhiều đại diện của chính quyền Đông Đức với tư cách là Chủ tịch Ủy ban đền bù thiệt hại chiến tranh. Năm 1955, Alfred Frenzel đã là một chính trị gia tên tuổi ở Tây Đức.

Năm 1956, StB quyết định tiếp cận và tuyển mộ Alfred Frenzel làm điệp viên nội ứng. Ngày 9/4/1956, một đồng nghiệp của Frenzel khi còn làm việc chung tại Công ty Forverst ở Tiệp Khắc trước đây, tên là Hoymen, từ Tiệp Khắc đến Tây Đức qua Áo để gặp Frenzel. Hoymen thú nhận đang làm việc cho Chính phủ Tiệp Khắc và đề nghị Frenzel đến thủ đô Vienne của Áo để gặp một đại diện của StB. Sau cuộc gặp gỡ diễn ra vào ngày 22/4/1956 tại một nhà hàng ở Vienne, Frenzel hiểu rằng nếu không đồng ý hợp tác với StB thì sự nghiệp chính trị của ông có thể bị đe dọa.

Trở thành điệp viên nội ứng làm việc cho StB, Frenzel mang mật danh Anna và chỉ chuyển giao tài liệu qua một liên lạc viên tên là Bohumil Molnar, một sĩ quan cấp tá của StB đội lốt doanh nhân. Năm 1959, khi Monar làm Phó giám đốc StB thì Franz Altman, cũng là một sĩ quan StB, trở thành người liên lạc trực tiếp với Frenzel.

Nhằm tạo điều kiện cho Frenzel hoàn thành tốt nhiệm vụ của một điệp viên nội ứng, StB đã trang bị cho ông nhiều phương tiện hiện đại, trong đó phải kể đến những pho tượng nhỏ dùng để chứa vi phim sao chụp tài liệu. Những pho tượng này đều có gài chất nổ. Nếu một người không nắm bắt quy trình hoạt động của pho tượng, tìm cách mở ra thì nó sẽ phát nổ phá hủy toàn bộ tài liệu bên trong. Ngoài ra còn những chiếc đinh ốc được thiết kế đặc biệt để chứa tài liệu.

Tính ra, chỉ trong vòng hơn 4 năm, Frenzel đã trao cho StB gần 2.000 tài liệu quan trọng, trong đó quan trọng nhất là tài liệu tối mật mang số hiệu MD-70 của NATO về việc bố trí triển khai các căn cứ quân sự ở Tây Đức, tài liệu về toàn bộ chương trình phát triển hệ thống phòng không của Tây Đức, thông tin chi tiết về thành phần của lục quân, không quân và hải quân, các dữ liệu chi tiết về ngân sách quốc phòng, các kế hoạch tác chiến của hải quân cùng nhiều tài liệu về học thuyết quân sự của Tây Đức... Những tài liệu này phần lớn đều được StB chuyển giao lại cho tình báo Liên Xô.

Trớ trêu thay, hoạt động tình báo của Alfred Frenzel lại bị vạch trần từ một sự cố ngẫu nhiên. Ngày 3/10/1960, Hải quan sân bay quốc tế Bonn, Tây Đức khi kiểm tra hành lý của hành khách chuẩn bị đáp chuyến bay từ Bonn đến Praha, Tiệp Khắc đã phát hiện một pho tượng nhỏ không khai báo của một doanh nhân người Tiệp Khắc tên Franz Altman.

Kiểm tra pho tượng, nhân viên hải quan phát hiện bên trong ruột có chứa một vật gì đó đáng nghi. Và khi anh ta cố gắng mở ra thì pho tượng phát nổ. Lập tức Altman bị bắt giữ. Lục soát áo quần của Altman, các nhân viên phản gián Tây Đức thu giữ một miếng giấy nhỏ có ghi số trên bảng số xe của Alfred Frenzel.

Cho tái tạo lại pho tượng, phản gián Tây Đức biết rằng bên trong có chứa nhiều vi phim. Ráp nối các chi tiết lại với nhau, phản gián Tây Đức biết rằng đang có một đường dây gián điệp của Tiệp Khắc hoạt động trên lãnh thổ quốc gia mình mà hai nhân vật quan trọng là Franz Altman và Alfred Frenzel.

Ngày 28/10/1960, Alfred Frenzel bị bắt giữ ngay tại trụ sở Quốc hội Tây Đức ở Bonn. Sau đó ông bị kết án 15 năm tù về tội làm điệp viên nội ứng. Đến ngày 22/12/1966, Frenzel được trao đổi với 3 điệp viên Tây Đức bị phía Tiệp Khắc kết án tù chung thân về tội hoạt động gián điệp. Năm 1968, sau khi qua đời tại thủ đô Praha, lễ tang của Alfred Frenzel được Chính phủ Tiệp Khắc tổ chức trọng thể như là một cử chỉ ghi nhận những đóng góp to lớn của ông cho tổ quốc.

Tạp chí Time của Mỹ trong số phát hành ngày 14/11/1960 đã đưa hình ảnh của Franz Altman và Alfred Frenzel lên trang bìa với lời đề tựa mỉa mai (với chính quyền Tây Đức) rằng: “Này Frenzel, ông đã làm được một chuyện vô cùng to tát!”

Văn Hòa (Theo Time Archives)
.
.