Algeria - Bóng dáng "Mùa xuân Arập" phiên bản 2.0?

Thứ Tư, 10/04/2019, 10:50
Ngày 3-4, Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika đã đệ đơn từ chức với hiệu lực tức thì, sau khi xảy ra các cuộc biểu tình chưa từng có tiền lệ và thủ lĩnh quân đội kêu gọi phế truất tổng thống. Những gì đang diễn ra ở Algeria đang khiến chính phủ nhiều nước trong khu vực "cực kỳ cảnh giác" khi họ đã thấy bóng dáng một "Mùa xuân Arập" phiên bản 2.0.

Những người cũ quay lưng và những người cũ không quên ơn

Ông Bouteflika, 82 tuổi, đã cầm quyền tại Algeria từ năm 1999 với sự ủng hộ của những người trung thành. Tuy nhiên, rất nhiều trong số họ đã "quay lưng" với ông dưới sức ép của các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố xảy ra từ tháng 2 vừa qua. Sau khi lên nắm quyền với sự hậu thuẫn của quân đội, ông Bouteflika dần dần giũ bỏ ảnh hưởng của giới tướng lĩnh.

Tham mưu trưởng quân đội Ahmed Gaid Salah, người thúc giục Tổng thống Bouteflika phải ra đi, từng là người ủng hộ trung thành của nhà lãnh đạo này trước khi quay lưng lại với ông khi phải đối mặt với các cuộc biểu tình rầm rộ.

Ngày 3-4, một lần nữa tướng Gaid Salah đã kêu gọi Tổng thống Bouteflika từ chức hoặc sẽ bị tuyên bố "không phù hợp để tiếp tục cầm quyền". Trước làn sóng biểu tình ngày càng lên cao của người dân cũng như sức ép từ quân đội về việc yêu cầu tổng thống phải từ nhiệm, ông Bouteflika đã chính thức đệ đơn từ chức lên Hội đồng Hiến pháp. Ngày 3-4, Hội đồng Hiến pháp đã chính thức chấp thuận đơn xin từ chức của ông.

Việc Tổng thống Algeria Bouteflika từ chức ngày 2-4, gần một tháng trước khi hết nhiệm kỳ, dưới áp lực của các cuộc biểu tình đường phố và sự thúc ép mang tính quyết định của phía quân đội, mở ra viễn cảnh chưa từng có cho chính trường Algeria. Với nhiều người dân Algeria, đặc biệt là những người lớn tuổi, những gì mà Tổng thống Bouteflika làm cho đất nước trong 20 năm qua không phải là điều có thể dễ dàng lãng quên.

Ông Bouteflika bắt đầu kỷ nguyên của mình ở vị trí Tổng thống Algeria trong bối cảnh cực kỳ hỗn loạn. Nội chiến và khủng bố nhấn chìm quốc gia Bắc Phi này, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, đồng thời gây ra một nỗi ám ảnh trong tâm trí của nhiều người về “thập kỷ đen tối”.

Vào thời điểm đó, rất ít nhà quan sát, cả trong nước và quốc tế, tin rằng chính quyền Tổng thống Bouteflika có thể kiến thiết đất nước trong vài năm. Người dân Algeria cũng không lạc quan về một sự cải thiện của tình hình kinh tế - xã hội.

Sự khó khăn của Tổng thống Bouteflika và những người cộng sự càng nhân lên gấp bội khi vào thời điểm ông nhậm chức, năm 1999, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng. Ở biên giới, nhiều thế lực thù địch đang chờ đợi Algeria tiếp tục chìm trong khổ đau, để có thể dễ dàng “xâu xé”, phá hoại.

Sức khỏe của Tổng thống Bouteflika được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều người phản đối ông tiếp tục lãnh đạo. Ảnh: Al Jazeera.

Quốc gia Bắc Phi thời điểm đó như đang dưới đáy vực thẳm, bị thiếu nước trầm trọng đến mức nhà chức trách phải tính đến khả năng nhập khẩu nước sạch để cung cấp cho người dân thủ đô. Ở những địa phương khác, tình hình cũng rất nguy cấp, không chỉ vì thiếu nước sạch mà còn vì những vụ thảm sát do nhóm khủng bố FIS/GIA thực hiện.

Tổng thống Bouteflika đã bắt đầu sứ mệnh xây dựng đất nước với sự quyết tâm đáng kinh ngạc. Ông đã từng bước thực hiện tiến trình hòa giải dân tộc, chấm dứt nội chiến, phòng chống khủng bố. Tổng thống Bouteflika đã làm được điều mà mọi người không thể ngờ, đó là thực hiện thành công tiến trình hòa giải dân tộc trong vòng 5 năm cũng như đưa đất nước vượt qua được “thập kỷ đen tối”.

Ông đã thuyết phục người dân Algeria nhất trí ủng hộ Hiến chương vì hòa bình và hòa giải quốc gia thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Mặc dù phải đối mặt với không ít chỉ trích nhưng không ai có thể phủ nhận hiệu quả của chính sách hòa giải dân tộc mà ông thực hiện.

Hòa bình và an ninh được thiết lập, Tổng thống Bouteflika đã chuyển sang một nhiệm vụ lớn lao khác, đó là đưa phần lớn người dân thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực. Trong một vài năm, Algeria đã trở thành một công trường xây dựng khổng lồ. Các đập nước, hệ thống đường giao thông, trường học, bệnh viện... xuất hiện trong thời gian ngắn. Khí đốt, điện, nước được kết nối đến tất cả các khu vực đông người dân sinh sống. Ông cũng tiếp tục thực hiện chính sách trợ cấp, miễn học phí, viện phí... đưa Algeria phát triển theo mô hình của một nước xã hội chủ nghĩa.

Chỉ trong hơn 10 năm, Algeria đã thay đổi một cách rõ nét. Chính sách của Tổng thống Bouteflika cùng với giá dầu mỏ tăng cao trong những năm đầu thế kỷ XXI đã mang lại cho quốc gia Bắc Phi này nguồn lợi lớn để kiến thiết hạ tầng, trang trải các khoản nợ nước ngoài và thực sự trở thành một quốc gia có chủ quyền cũng như có vị thế nhất định tại châu Phi.

Một đóng góp to lớn khác của Tổng thống Bouteflika đó là chương trình nhà ở xã hội đầy tham vọng. Trong 20 năm cầm quyền, ông đã chỉ đạo xây dựng 4 triệu căn hộ. Phần lớn trong số này được nhà nước trợ giá. Chương trình nhà ở đã đóng góp đáng kể cho sự thịnh vượng của đất nước, giảm bớt khó khăn của người dân, giúp Algeria trở thành quốc gia có chỉ số phát triển con người cao nhất trong số các nước Maghreb (đứng thứ 83 thế giới).

Tất cả những gì Tổng thống Bouteflika làm cho đất nước xứng đáng được người dân thừa nhận và đánh giá cao. Người Algeria không thể quên những gì mà Tổng thống Bouteflika đã gây dựng cho họ và cho đất nước.

"Bàn tay" vô hình      

Thế nhưng, mọi thứ đang diễn ra quá nhanh. Các chuyên gia đặt câu hỏi về nhận định, dường như đang có "bàn tay" vô hình muốn biến các cuộc biểu tình ở Algeria trở thành một tác nhân làm bùng phát "Mùa xuân Arập" phiên bản 2.0 ở Algeria?

Các dấu hiệu này đang nhen nhóm hình thành khi nhiều nhà nghiên cứu so sánh tình trạng của Algeria với phiên bản biểu tình Ai Cập - nơi có hẳn một đội ngũ những người được "ăn lương" chuyên trợ giúp người biểu tình bằng các cuộc gọi trực tuyến để “phế truất” cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak 8 năm trước. Và rõ ràng, sau khi ông Mubarak bị lật đổ, Ai Cập đã bị hủy hoại trong sự hỗn loạn có chủ đích của các thế lực cả bên trong và bên ngoài.

Gamal Eid, một luật sư nhân quyền của Ai Cập cảnh báo Algeria hãy cảnh giác sau khi chính tư lệnh quân đội của họ đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy Tổng thống Bouteflika ra khỏi quyền lực. Ông lên tiếng cảnh báo về những mối nguy hiểm của việc biểu tình và phàn nàn về “sự bất ổn” bắt nguồn từ các cuộc đối đầu chính trị.

Hamza Meddeb, một nhà phân tích độc lập ở Tunisia, cho biết việc Tổng thống Bouteflika phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực ở Algeria đã "nhắc nhở các chế độ như Ai Cập rằng chẳng điều gì có thể được coi là lẽ đương nhiên". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng khả năng các sự kiện ở Algeria gây hiệu ứng đôminô giống như cuộc nổi dậy ở Tunisi từng gây ra cuộc biến động hồi năm 2011 là không cao.

James Dorsey, một thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói: “Việc các cuộc biểu tình ở Algeria xuất hiện sau một làn sóng các cuộc biểu tình mang tính chính trị và kinh tế-xã hội nhỏ hơn kể từ năm 2011 cho thấy cuộc phản cách mạng ở Trung Đông đã đặt một chiếc vung lên một cái nồi mà có thể sôi bất cứ lúc nào”.

Isabelle Werenfels, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế Đức nhận định: “Các nhà lãnh đạo cũng như những người biểu tình trong khu vực đang rút ra bài học từ những gì đang xảy ra ở Algeria. Mặc dù các quốc gia xa hơn như Mỹ, Pháp và Nga đều đã đưa ra phản ứng trước biến động ở Algeria, song các nước ở Nam Phi và Trung Đông vẫn giữ im lặng. Werenfels nói rằng chính phủ các nước trong khu vực vẫn "cực kỳ cảnh giác" với những diễn biến và tác động của "Mùa xuân Arập".

Có nhiều dấu hiệu cho thấy bàn tay can thiệp từ phương Tây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino khi trao đổi với báo giới nói: “Việc thực hiện quá trình chuyển tiếp tại Algeria là do người Algeria quyết định”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh quyết định từ chức của ông Bouteflika “đã đưa lịch sử Algeria sang một trang mới”. Andrew Lebovich, một chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR) cho rằng những diễn biến này chỉ mới ở giai đoạn đầu của một chương mới.

Vết rạn từ bên trong

Phân tích nguyên nhân việc "quay lưng" của các "công thần", các nhà phân tích cho rằng nội bộ chính quyền Tổng thống Bouteflika thực sự bị rạn nứt trước thách thức chưa từng có kể từ một tháng trở lại đây và dường như người đứng đầu nhà nước Algeria đang ngày càng "bị cô lập".

Cụ thể, ngày 20-3, đảng Mặt trận Giải phóng quốc gia (FLN) của Tổng thống Bouteflika đã công khai ủng hộ "Phong trào nhân dân", đồng thời cũng bày tỏ sự ủng hộ cuộc đối thoại do nguyên thủ quốc gia đề xuất nhằm đưa Algeria thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài trong một tháng qua. Thậm chí, Tổng thư ký FLN Mouad Bouchareb tuyên bố với giới truyền thông rằng, các thành viên FLN "hoàn toàn ủng hộ phong trào phản kháng của người dân", trong đó nhấn mạnh rằng thông qua các cuộc tuần hành quy mô lớn này "người dân yêu cầu một sự thay đổi".

Chủ tịch FLN đã tuyên bố rõ ràng rằng "ông sẽ hướng tới sự thay đổi hệ thống" với các giai đoạn chuyển tiếp "hòa hợp" và hỗ trợ việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ tiếp theo.

Người dân Algeria biểu tình trong hòa bình. Ảnh: NBC.

Nhiều quan chức của FLN đã công khai rút lui kể từ khi phong trào phản kháng của người dân bắt đầu bùng nổ và quyền lực của ông Bouchareb đang bị tranh chấp mạnh mẽ trong nội bộ FLN, đảng cầm quyền "không bị gián đoạn" kể từ khi Algeria độc lập năm 1962 đến nay.

Rachid Grim, giảng viên khoa học chính trị tại Viện Quản lý và Kế hoạch cấp cao (ISGP) tại Algiers, nói với hãng tin AFP rằng, rõ ràng, Tổng thống Bouteflika thực sự mất dần những người ủng hộ và không còn nền tảng, người dân đã buông tay và mong muốn ông ấy ra đi.

Mohamed Hennad, cựu giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Algiers nói rằng, thông qua các tuyên bố gần đây của đảng FLN, đó là "một dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ của hệ thống và sự thay đổi đã đến gần kề". Nội bộ chính quyền của Tổng thống Bouteflika bây giờ dường như đã có sự "xáo trộn" ngày càng mạnh mẽ.

Theo các nhà phân tích, các cuộc biểu tình quy mô lớn đang xảy ra tại Algeria có thể được ví như một "Mùa xuân Arập" khác, song những người đang tìm kiếm sự thay đổi đều hiểu rõ lịch sử và muốn tránh xảy ra thêm biến động. Các cuộc biểu tình ở Algeria làm gợi nhớ đến sự kiện ngày 14-1-2011 tại Tunis (thủ đô của Tunisia), khi hàng nghìn người đổ về thủ đô và buộc Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali phải bỏ chạy.

Algeria - quốc gia gần như không bị ảnh hưởng bởi “Mùa xuân Arập” năm 2011 - đang phải trải qua thời khắc khó khăn như thế. Hamza Meddeb, một nhà khoa học chính trị người Tunisia, nói: Những gì xảy ra năm 1988 tại Algeria giống với những gì đã diễn ra tại Ai Cập giai đoạn 2011-2013. Hậu quả thảm khốc của cuộc nội chiến giai đoạn 1992-2002 diễn ra sau đó tại Algeria đã giúp ngăn chặn ảnh hưởng đôminô của “Mùa xuân Arập” tại đất nước này năm 2011.

Kể từ khi làn sóng nổi dậy "Mùa xuân Arập" cuốn đi những chế độ từng được coi là không thể bị lung lay, chỉ có Tunisia đi đúng con đường dân chủ, còn một số quốc gia khác lại rơi vào hỗn loạn. Người biểu tình Algeria hiểu rõ điều đó.

Các chuyên gia dự báo, nếu chính quyền Algeria không thực hiện ngay các cải cách kinh tế cần thiết, những điều tồi tệ nhất về kinh tế hay an ninh có thể đến bất kỳ lúc nào. Không những thế, Algeria còn phải đối mặt với những nguy cơ mới khi những kẻ khủng bố Syria đang trà trộn vào dòng người tị nạn, tạo ra mối đe dọa mới của Algeria. Việc các tay súng thánh chiến chọn Algeria là đích đến cuối cùng không phải là ngẫu nhiên.

Theo đánh giá của nhà chức trách, cùng với lượng di dân đông đảo từ các nước hạ Sahara, Algeria phải đối mặt với một nguy cơ khác, đó là trở thành vùng đất tị nạn cho các tay súng thánh chiến, các phiến quân và lính đánh thuê đang chạy trốn khỏi các khu vực xung đột ở Trung Đông.

Hiện các đơn vị của lực lượng quân đội Algeria đang được đặt trong tình trạng báo động cao trước các mối đe dọa khủng bố vẫn luôn thường trực.

Hoa Huyền
.
.