An ninh lương thực - vấn đề nổi cộm trong thế kỷ XXI

Thứ Tư, 24/01/2007, 15:30

Việc bảo đảm nguồn lương thực tối thiểu cho con người luôn mang tính thời sự nóng hổi, nhất là tại các vùng thuộc "danh sách đen" - đói kém triền miên.

Giờ đây, khi nhân loại đã bước sang thiên niên kỷ thứ ba, giới chuyên gia tên tuổi thuộc FAO vẫn trăn trở hai điều tiên liệu: nạn đói quy mô quốc tế sẽ diễn ra, hay sẽ xuất hiện một cuộc “cách mạng xanh mới” bảo đảm sự no đủ cho cả loài người. Trong quá khứ từng có những dự đoán bi quan về cuộc “đại khủng hoảng lương thực” trên hành tinh, nhưng may mà điều đó chưa xảy ra. Các khu vực “thiếu ăn cố hữu” như Somalia, Ethiopia... thường phát sinh từ những nguyên nhân chủ quan (chiến tranh, hệ thống nông nghiệp yếu kém...) vẫn song song tồn tại cả những chẩn đoán bi quan lẫn các dự báo lạc quan về sự no đủ cho nhân dân.

Trong vòng 4 thập niên, từ năm 1955 đến năm 1995 – loài người trên trái đất đã tăng với “nhịp độ” 105% so với khoảng thời gian tương ứng trước đó, đạt tới 5,7 tỉ người. Cũng ở thời kỳ này, nhờ vào những tiến bộ vượt bậc của “cuộc cách mạng xanh”, khiến tổng sản lượng lương thực của cả thế giới đã tăng 124%. Trong những điều kiện ấy, nếu đem chia bình quân cho số nhân khẩu hiện hữu, ắt không một người dân nào lâm vào cảnh chết đói cả.

Điều cần nói thêm, rằng từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, tỉ lệ sinh đẻ của con người trên hành tinh đã giảm tới mức đáng kể: trong khi vào năm 1995, trung bình một bà mẹ có đến 4,2 con, thì năm 2000, mức bình quân ấy đã giảm xuống còn 2,9 con. Sự thay đổi đáng khích lệ trong việc hạn chế sự “bùng nổ dân số” trước hết nhờ vào những biện pháp chế tài hiệu nghiệm, cũng như việc không ngừng nâng cao tính tuyên truyền, giáo dục về mối nguy của nạn “bùng nổ dân số” tại tất cả các nước trên thế giới, kể cả các quốc gia kém phát triển nhất. Tuy vậy, dân số địa cầu bây giờ cũng đã vượt ngưỡng 6,5 tỉ người.

Bất chấp những sự kiện đáng khích lệ nêu trên, một câu hỏi luôn đặt ra với những người tâm huyết: Liệu trong các điều kiện phát triển nông nghiệp hiện hữu có tạo ra lương thực đủ ăn cho thế giới thế kỷ XXI? Thực tế hiệu suất nông phẩm có được từ cái gọi là “kỳ tích liên hoàn” giữa phân bón – cây trồng – tưới tiêu suốt hàng thập niên qua, đã và đang làm triệt tiêu mức thổ nhưỡng phong phú vốn có.

Giới nhà nông giờ đây đang đứng trước một thực tại nan giải: các giống cây trồng cứ biến dạng, thoái hóa dần, phân bón nhân tạo khiến môi trường sinh thái bị ô nhiễm trầm trọng, còn sự tưới tiêu thái quá làm bề mặt thổ nhưỡng ngày càng “cứng” thêm, khiến đất đai cứ bạc màu dần... Tiêu biểu cho vấn đề này xảy ra ở Pakistan, trong gần nửa thế kỷ qua, hàng trăm nghìn hécta đất canh tác vốn trù phú bao đời nay đã biến thành... sa mạc.

Nhân loại có lâm vào cảnh thiếu ăn?

“Chúng ta luôn mong mỏi sản lượng lương thực trong thế kỷ này chí ít cũng phải được giữ ở mức như hiện nay, chưa nói nếu tăng thêm được càng tốt. Mặt khác, giới nông học quốc tế cần phải đi sâu nghiên cứu rút ra những kết luận hữu ích từ cuộc “cách mạng xanh”, nhằm hướng tới việc duy trì thường xuyên vấn đề “an ninh lương thực” – bảo đảm sự đủ ăn cho loài người”, Tiến sĩ Donald Winkelman, nhà nông học nổi tiếng người Mỹ lên tiếng cảnh báo.

Tại sao chúng ta không thể tiếp tục duy trì chiến lược phát triển nông nghiệp có từ thời “cách mạng xanh” nữa? Giới phân tích am hiểu nêu ra 4 nguyên nhân:

- Lượng nước dự trữ trên quả đất không phải là vô tận, nên không thể cứ tưới... vô hạn mãi!

“Trong hơn 4 thập niên qua, việc tăng cường hiệu suất tưới nước là một trong những yếu tố căn bản đem đến lượng nông phẩm dồi dào – nữ chuyên viên nông học gạo cội người Đức Sandria Postele, bình luận – Giờ đây, vấn đề này lại trở thành mối quan ngại. Trong những năm gần đây, lượng nước ngọt được dành để tưới chỉ riêng cho khu vực châu Phi và Trung Đông, đã vượt gấp 20 lần tổng dung lượng nguồn nước của dòng sông Nile – con sông dài nhất thế giới. Nếu mọi việc cứ tiếp tục như trước, sẽ “moi” ở đâu ra một lượng nước tưới khổng lồ như thế nữa?”.

- Đất canh tác cứ thu hẹp dần bởi “đà” đô thị cũng như kỹ nghệ hóa, do vậy không thể tăng thêm được sản lượng lương thực trên một “mặt bằng” ngày càng... teo tóp dần!

Ví dụ điển hình là ở Trung Quốc, tại quốc gia đông dân nhất hành tinh này: Chỉ trong vòng 7 năm trở lại đây (1999-2006) các hãng, xưởng và công ty đã “nuốt” chí ít cả 1,2 triệu hécta đất nông nghiệp – chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất canh tác sang đất công nghiệp.

- Phân bón nhân tạo không những làm biến dạng thổ nhưỡng đất, mà còn tác động trực tiếp tới sức khỏe người sử dụng các nông phẩm sau thu hoạch!

- Đất đai cứ dần bạc màu theo thời gian sử dụng, khiến nhiều giống cây có năng suất tiềm tàng không thể phát triển được như khả năng vốn có!

Bốn nguyên nhân nói trên là những lý do căn bản đáng báo động. “Sau nửa thế kỷ với đà thu hoạch nông phẩm xê dịch tới mức tối đa, hiển nhiên sẽ tới giai đoạn suy thoái theo quy luật. Giá lương thực thực phẩm nói chung sẽ tăng vọt, nghiễm nhiên trở thành thứ hàng hóa “khó với” đối với hàng trăm triệu người sống trong các quốc gia nghèo khó nhất”, Lechsuter Braun, chuyên viên cao cấp thuộc Văn phòng LHQ ở Genève, một học giả Thụy sĩ, chuyên nghiên cứu các đường hướng phát triển “an ninh lương thực” quốc tế, nhận định.

Quan điểm của FAO

Tuy nhiên, giới chuyên gia thuộc FAO vẫn không ngừng bày tỏ sự lạc quan với viễn cảnh của nền “an ninh lương thực” thế giới. Họ đặc biệt nhấn mạnh rằng, sự thiếu hụt lương thực bắt buộc phải nảy sinh một cuộc cách mạng mới về nông học, tương tự như giai đoạn khởi sự “cách mạng xanh” ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ II vừa chấm dứt.

Họ cũng hy vọng là từ nay cho đến năm 2015, ít nhất 27% diện tích mặt đất đang bị băng tuyết bao phủ quanh cực Bắc sẽ được “giải phóng”, mở đường cho việc thiết lập các vùng gieo trồng trù phú mới. Cho tới cuối thế kỷ này, không loại trừ khả năng khí hậu tại các vùng hanh khô thuộc Canada, bán đảo Scandinave và Liên bang Nga sẽ biến đổi theo hướng thuận lợi, tạo điều kiện cho các quốc gia tương ứng trong vùng trở thành những nước có sản lượng nông phẩm cao nhất.

Nhưng các giới chức thuộc FAO cũng buộc phải thừa nhận, rằng sự “ưu ái khí tượng” vừa nêu sẽ không xảy đến với mọi vùng trên quả đất. Tỉ như tới thời kỳ khoảng năm 2020, diện tích trồng lúa tại châu Á sẽ không thể “nới” thêm được nữa, khiến các quốc gia trong vùng phải xúc tiến việc nhập lương thực đại trà từ Canada và Mỹ. Riêng với châu Phi vấn đề lại khác: sự tập trung khí thải cùng hiệu ứng nhà kính trên bầu khí quyển, sẽ sinh ra những trận cuồng phong dữ dội xen kẽ các giai đoạn khô hạn kéo dài, gây ảnh hưởng trầm trọng tới đà thâm canh nói chung.

Mặc khác, sự lạc quan bao trùm trong FAO không phải là không có cơ sở. Hiện, giới khoa học năm châu đang tập trung nghiên cứu lai tạo ra những giống cây trồng năng suất cao: có thể chống chọi được với sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết, với sự cấp nước không đầy đủ, cũng như cả với sự “bào mòn” trên phần đất thổ nhưỡng tương ứng. Hai chiến lược giúp duy trì nền “an ninh lương thực” thế giới đang được giới chuyên viên thuộc FAO đề xuất: một mặt chú trọng kinh nghiệm canh tác truyền đời của tổ tiên; mặt khác là áp dụng triệt để những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực sinh học vào công cuộc sản xuất lương thực.

Trên cơ sở từ sự biến đổi gien cùng những kỹ nghệ vi sinh tân tiến khác, sẽ tạo ra các giống cây nông nghiệp có khả năng “trụ” được với thổ nhưỡng cằn cỗi cùng khí hậu thay đổi thất thường. Hai chiến lược nêu trên có thể là những nền tảng căn bản cho cuộc “Cách mạng xanh lần thứ hai”, để không còn một người dân nào bị thiếu, đói trong tương lai gần

T.Q. Long (Theo New York Times)
.
.