An ninh thắt chặt trước Thượng đỉnh Mỹ – Triều
- Hà Nội cấm nhiều tuyến phố phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
- Những vấn đề nào sẽ được "cân đo" tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2?
Cấp tập những chuyến hàng
Trên thực tế, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính thức lựa chọn Hà Nội làm điểm đến cho cuộc gặp lần 2 giữa ông với Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, các đơn vị có chức năng của cả hai nước và chủ nhà Việt Nam đã sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hợp tác trong vấn đề bảo vệ an ninh.
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã gửi công hàm tới Cục Hàng không Việt Nam đề nghị hỗ trợ cho các chuyến bay vận tải trước khi chuyên cơ đoàn Tổng thống Donald Trump tới. Ngày 14-2, chuyến bay vận tải đầu tiên chở các trang thiết bị phục vụ ông chủ Nhà Trắng đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài.
Các vòng vệ sĩ bảo vệ Tổng thống Donald Trump. |
Theo quan sát, có hàng chục tấn hàng được đóng gói, chuẩn bị kỹ càng cho Tổng thống Donald Trump khi sang Việt Nam và từ ngày 20-2, ngày nào sân bay quốc tế Nội Bài cũng phải sắp xếp một khu vực riêng để tiếp nhận những chuyến hàng này. Hôm 20-2, một máy bay vận tải hạng nặng Boeing C-17 Globemaster III chở theo phương tiện, đồ dùng và chiếc trực thăng Marine One (VH-60N) phục vụ tổng thống đã có mặt. Sau khi lăn qua đường băng, C-17 đi vào trước cửa khu nhà kho của sân bay.
Chục phút sau, một trực thăng Marine One (VH-60N) tháo rời cánh được đưa ra ngoài khoang máy bay C-17 rồi lập tức được lắp cánh và di chuyển khỏi sân đỗ. Đây là lần thứ ba Marine One có mặt ở Việt Nam. Hai lần trước, trực thăng này được đưa tới Hà Nội và Đà Nẵng để phục vụ chuyến thăm chính thức của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016 và chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Donald Trump năm 2017.
Ngày 21-2, một chiếc Boeing C-17 Globemaster III khác đưa các xe chở nhiên liệu chuyên dụng giống mẫu R-11 của Không quân Mỹ tới Việt Nam. R-11 hiện là mẫu xe tiếp liệu sản xuất thay thế mẫu R-9 được Không quân Mỹ sử dụng trong suốt nhiều thập niên sau Thế chiến 2. Phiên bản đầu tiên của R-11 được phát triển bởi Tập đoàn Oshkosh, nhà sản xuất xe tải, xe quân sự chuyên dụng hàng đầu Mỹ. Phiên bản này được bàn giao cho Không quân Mỹ từ những năm 1987-1991 với số lượng lên đến 1.250 chiếc.
Thế hệ thứ hai của R-11 do Tập đoàn Kovatch phát triển trên khung gầm xe tải Volvo và thường được gọi là Volvo R-11. Thế hệ thứ ba và cũng là mới nhất của R-11 do Kovatch chế tạo nhưng phiên bản này được dựa trên khung gầm xe tải Navistar International Model 7400 SBA 6x4. Mẫu này thường được gọi là Kovatch R-11 hoặc R-11 International và mới đưa vào sử dụng từ năm 2004, tức sau thế hệ 2 của R-11 đúng 10 năm.
Máy bay vận tải hạng nặng Boeing C-17 Globemaster III tại sân bay Nội Bài. |
Military Today cho biết, những chiếc R-11 có thùng nhiên liệu làm bằng nhôm đủ sức chứa 23.000 lít xăng máy bay. Mẫu này có khả năng bơm rất nhanh và có thể đạt mức 2.300 lít mỗi phút khi cần thiết. Việc điều khiển bơm diễn ra tự động hoàn toàn nhờ một cỗ máy riêng biệt đặt sau cabin. Được thiết kế riêng cho mục đích quân sự nên R-11 có thể hoạt động trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong phạm vi nhiệt độ từ -40°C đến +52°C.
Khi đưa các xe tiếp nhiên liệu R-11 tới Việt Nam, phía Mỹ đã chỉ định công ty xăng dầu hàng không của Việt Nam cung cấp nhiên liệu bay Jet A1 là Skypec. Khi tiếp nhận nhiên liệu, lực lượng chuyên môn của Mỹ cũng thực hiện một quy trình xét nghiệm hết sức kỹ lưỡng trước khi tiến hành nạp nhiên liệu cho các máy bay C-17... Tính đến cuối chiều 21-2, “siêu máy bay” Boeing C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ đã thực hiện 6 chuyến bay vận tải hạng nặng tới Hà Nội và dự kiến sẽ còn thực hiện thêm vài chuyến nữa cho đến hết ngày 25-2.
Các phương tiện khủng
Hãng tin CNN cho biết, có 3 phương tiện đặc biệt luôn đi theo Tổng thống Mỹ trong mỗi chuyến công du nước ngoài. Đó là: máy bay Boeing 747 Air Force One, trực thăng Marine One và xe hơi Cadillac One “Quái thú 2.0”. Hiện tại, mới chỉ có chiếc Marine One đã có mặt tại Hà Nội. Phương tiện này thường để tổng thống sử dụng đi lại trong cự ly ngắn và cũng giúp hỗ trợ bảo vệ an ninh cho tổng thống. Marine One có kích thước khá lớn với chiều cao 5,1m và dài 24m. Nó được sơn màu trắng ở trên, xanh lục ở dưới và có thể đạt vận tốc trên 240km/h.
Điểm khác biệt là Marine One vẫn có thể bay kể cả khi 1 trong 3 động cơ ngừng hoạt động. Nó có khoang rộng 18,5m2, đủ sức chứa 14 người. Marine One được trang bị hệ thống thông tin liên lạc mã hóa để duy trì liên lạc giữa tổng thống, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc trong mọi tình huống. Hệ thống điện tử trên trực thăng có khả năng chống chịu xung điện từ tạo ra từ vụ nổ hạt nhân. Mỗi năm chỉ có 4 phi công thuộc phi đội HMX-1 Nighthawk của thủy quân lục chiến được vinh dự lái chiếc chuyên cơ này và các phi công phải hoàn thành xuất sắc khóa huấn luyện kéo dài ít nhất 3 năm
2 chiếc Cadillac One “Quái thú 2.0” dự kiến tới Hà Nội trước ngày 26-2. Đây là bộ đôi phương tiện thế hệ mới cải tiến đáng kể của dòng xe Cadillac One với những tính năng công nghệ an toàn, hiện đại bậc nhất thế giới. Không chỉ bảo vệ tổng thống (sẽ lựa chọn ngồi 1 trong 2 chiếc), Cadillac One còn sở hữu cả một hệ thống liên lạc bảo mật và trong trường hợp khẩn cấp, nếu muốn quyết định một vấn đề hệ trọng khi đang ngồi trên xe, Tổng thống Donald Trump chỉ cần nhấc máy gọi một cú điện thoại là đủ. Đặc biệt, chiếc xe còn có tủ lạnh chứa máu dự phòng trùng với nhóm máu của tổng thống, phòng trường hợp cần truyền máu khẩn cấp, 12 lon nước ngọt hoặc trà để phục vụ tổng thống mỗi ngày...
Còn “Pháo đài bay bất khả xâm phạm” Air Force One sẽ chở Tổng thống Mỹ tới Hà Nội theo lịch trình hoạt động được thiết kế. Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết, chiếc máy bay này được trang bị hệ thống đối phó điện tử để gây nhiễu radar trinh sát và khóa mục tiêu của đối phương; hệ thống mồi bẫy pháo sáng để đánh lừa tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại; hệ thống chịu được bức xạ điện từ và phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân.
Chưa hết, chiếc Air Force One còn được trang bị 85 điện thoại thông thường và điện thoại vệ tinh, radio, máy fax, máy tính kết nối Internet, 19 tivi và các thiết bị văn phòng khác khiến máy bay hoạt động như một trung tâm chỉ huy lưu động trên không. Tất cả thông tin kết nối giữa máy bay với mặt đất đều được mã hóa để đảm bảo an toàn.
Và “hàng rào” vệ sĩ
Giới phân tích nhận định, so với các đời Tổng thống Mỹ trước đó, việc bảo vệ Tổng thống Donald Trump có nhiều nét riêng, đổi mới và chặt chẽ hơn. Không chỉ có phương tiện, trang thiết bị tối tân mà đến “hàng rào” vệ sĩ cũng phức tạp hơn. Theo tiết lộ của một quan chức trong Cơ quan Mật vụ Mỹ, khi tổng thống lên kế hoạch công du, mật vụ Mỹ sẽ phải đến địa điểm trước ít nhất 3 tháng.
Tại đó, họ gặp các cơ quan thực thi pháp luật địa phương để làm công tác hậu cần cho chuyến đi. Họ phải đảm bảo không phận tại sân bay khi tổng thống đến và tuyến đường xe hộ tống về thành phố.
Lần này đến Việt Nam, các nhân viên mật vụ Mỹ cũng đưa ra những yêu cầu khá khắt khe, chặt chẽ với lực lượng an ninh hàng không. Trước khi chuyên cơ của Tổng thống Donald Trump hạ cánh, một đường băng dành riêng cho máy bay sẽ được thiết lập. Để chuẩn bị cho chuyến bay đặc biệt cất cánh, kể từ khi cấp huấn lệnh nổ máy, cơ sở điều hành bay dành riêng tuyến đường lăn cho chuyến bay chuyên cơ. Xe thang dự phòng, xe tiếp nhiên liệu phải có mặt trước 3 giờ để kiểm tra an ninh. Không có phương tiện, thiết bị nào được tiếp cận khu vực đỗ chuyên cơ.
Siêu trực thăng Marine One. |
Phía Mỹ còn yêu cầu bố trí 2 xe thang thay vì 1 như thường lệ. Thời điểm đón chuyên cơ, toàn bộ máy bay sẽ được bố trí ở một khu vực khác. Chỉ sau khi chuyên cơ cuối cùng trong đoàn thoát khỏi đường băng, lăn bánh vào đường lăn, sân đậu, đường băng mới mở cửa trở lại cho các hoạt động của máy bay thương mại...
Trong quá trình đi theo bảo vệ tổng thống, các mật vụ Mỹ được đào tạo phải theo sát tổng thống bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, kể cả trong nhà vệ sinh, phòng khám của bác sĩ, hoặc bất cứ nơi nào có thể có một chút riêng tư. Tạp chí Mental Floss viết: “Tổng thống không bao giờ đi vào phòng một mình. Ngay cả khi ông ấy đi khám tuyến tiền liệt hoặc nội soi, một nhân viên mật vụ có súng sẽ đi cùng”.
Các mật vụ sẽ lập ra 3 lớp an ninh xung quanh tổng thống. Vòng ngoài là cảnh sát, vòng giữa là các mật vụ thông thường, vòng trong cùng là các mật vụ thuộc đơn vị đặc biệt bảo vệ tổng thống.
Để lựa chọn nơi tổng thống nghỉ ngơi, mật vụ sẽ phải tiền trạm các khách sạn để chọn ra một nơi mà họ có thể kiểm soát môi trường tốt nhất. Họ phải kiểm tra lý lịch nhân viên khách sạn và nếu bất cứ ai có tiền án tiền sự, quản lý khách sạn phải yêu cầu họ không đến làm vào ngày tổng thống tới. Mật vụ phải tiếp quản toàn bộ các tầng trên và dưới phòng tổng thống. Họ có hệ thống thang máy riêng, thậm chí bố trí sẵn người sửa chữa thang máy trong trường hợp tổng thống bị kẹt bên trong. Và trước khi tổng thống đến khách sạn, mật vụ phải quét tất cả các phòng mà tổng thống ở.
Họ kiểm tra các thiết bị nghe lén và chất nổ, tháo rời tất cả các khung tranh để đảm bảo không có gì giấu bên trong. Sau đó họ lắp tấm nhựa chống đạn lên cửa sổ, bỏ điện thoại và ti vi để loại bỏ khả năng nghe lén, thay thế bằng các thiết bị điện tử an toàn của riêng họ. Quy trình kiểm tra đồ ăn cho tổng thống cũng được thực hiện nghiêm ngặt.
Tờ The Oregonian cho biết, luôn có một đội đầu bếp và người phục vụ đi cùng tổng thống. Họ mua nguyên liệu và chuẩn bị đồ ăn cho tổng thống trong bất kỳ nhà bếp nào có sẵn, dưới sự theo dõi của mật vụ để đảm bảo không ai can thiệp.
Hãng tin Defensionem đưa tin, ngoài đội ngũ cận vệ thuộc Đơn vị bảo vệ tổng thống, Cơ quan Mật vụ Mỹ còn sử dụng một đội "siêu mật vụ" được trang bị các loại vũ khí hạng nặng, sẵn sàng khai hỏa khống chế và dập tắt mọi mối đe dọa trong thời gian ngắn nhất để bảo vệ Tổng thống Donald Trump.
Lực lượng mật vụ tinh nhuệ này có tên Đội chống tấn công (CAT) và hiện đóng vai trò quan trọng trong đội hình bảo vệ Tổng thống Mỹ. Khác với mật vụ thông thường chỉ mặc vest và mang súng ngắn, những thành viên CAT luôn mặc trang phục tác chiến màu đen và mang theo trang bị rất hầm hố như súng carbine SR-16, súng trường M-4.
Trong đoàn xe hộ tống, đội CAT được bố trí trong một chiếc xe van màu đen đi sau chiếc "Quái thú" chở tổng thống. Trong trường hợp khẩn cấp yêu cầu bảo vệ đặt ra, CAT sẽ là những người đầu tiên nổ súng để chế áp, yểm trợ chứ không tham gia vào việc đưa tổng thống khỏi nơi nguy hiểm. Bên cạnh đó, đội bảo vệ Tổng thống Donald Trump còn có cả đặc nhiệm người nước ngoài.
Trang Whatdoesitmean.com của Mỹ tiết lộ rằng, từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đã quyết định tuyển dụng 370 đặc nhiệm Nga làm vệ sĩ riêng để bảo vệ cá nhân, gia đình và tài sản. Hợp đồng chưa có tiền lệ này trong lịch sử nước Mỹ được giao cho cố vấn cấp cao của ông Donald Trump, cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Jack Kingston và cố vấn của một hãng dầu mỏ của Mỹ là Carter Page tới Moscow để đàm phán và ký kết với Tập đoàn bảo vệ tư nhân RSB Group của Nga - một tổ chức chuyên thực hiện các sứ mệnh đặc biệt chống khủng bố và tội phạm quốc tế. Toàn bộ khoản chi tiêu cho hợp đồng an ninh này do cá nhân ông Donald Trump chi trả.