Bài học nào khi nỗi bất bình biến thành bạo động?

Thứ Tư, 06/05/2015, 20:15
Sau một tuần bạo loạn vì cái chết của nam thanh niên người Mỹ gốc Phi tên Freddie Gray, thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ, đã lắng dịu trở lại. Ngày 3/5, Thị trưởng thành phố, bà Stephanie Rawlings-Blake đã tuyên bố thu hồi lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố. Trên Twitter, bà Rawlings-Blake cũng bày tỏ sự vui mừng và “nhẹ nhõm”, cảm ơn người dân Baltimore vì đã kiên nhẫn và “các cộng đồng đến với nhau”.

Thêm nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc

Ngày 12/4, Trung úy Brian W. Rice bất ngờ đối mặt với Freddir Gray (một thanh niên người Mỹ gốc Phi 25 tuổi sống ở vùng ngoại ô Baltimore) tại góc đại lộ North và đường Mount. Gray bỗng nhiên bỏ chạy khiến Rice cùng với 2 sĩ quan khác là Garrett E. Miller và Edward M. Nero nghi ngờ đuổi theo.

Người dân Baltimore biểu tình lộ sự vui mừng khi nghe lời buộc tội 6 sĩ quan cảnh sát.

Khi bắt được Gray, cảnh sát lục soát người anh ta và tìm thấy con dao gấp. Có thể bị cảnh sát đánh đấm mà Gray bị tổn thương cột sống và rơi vào hôn mê. Theo Trưởng công tố Marlyn Mosby, đây không phải là con dao bấm tự động nên được coi là công cụ hợp pháp, hành động bắt và còng tay Gray ngoặt ra sau lưng là bất hợp pháp. Một chiếc xe cảnh sát do Caesar R. Godson cầm lái chạy đến, Gray bị 3 cảnh sát đẩy lên xe. Trên suốt đường đi, Gary đã có dấu hiệu bị chấn thương nặng nhưng không được gọi cấp cứu.

Hình ảnh được quay từ điện thoại di động cho thấy Freddie Gray bị cảnh sát dùng vũ lực bắt đưa lên xe.

Bà Mosby cho rằng, Gray chỉ được phát hiện "hoàn toàn không còn thở nữa" khi chiếc xe về đến đồn cảnh sát. Đến lúc này, đội ngũ y tế mới được gọi đến cấp cứu - tức là hơn 40 phút sau khi Gray phát đi lời cầu cứu lần đầu tiên. Tình trạng của Gray lúc đó được báo cáo là ngưng tim và bị chấn thương rất nặng. Gray được chuyển đến Bệnh viện Chấn thương Đại học Maryland để được phẫu thuật. Nhưng anh  đã rơi vào hôn mê sâu và không bao giờ hồi tỉnh.

Theo báo cáo pháp y: Gray bị gãy 3 đốt sống và tổn thương thanh quản. Gray chết vào sáng ngày 19/4. Gia đình  cho biết cột sống của Gray bị "tổn thương nghiêm trọng đến 80%". Trưởng công tố Marilyn Mosby tuyên bố: "Chúng tôi có đầy đủ chứng cứ để lập hồ sơ truy tố tội hình sự".

Freddie Gray trên bản tin báo chí.

Ngay sau cái chết của Gray, người dân thành phố Baltimore đã đổ xuống đường phản đối hành động bạo lực của cảnh sát và cuộc tuần hành đã nhanh chóng chuyển thành bạo động, vượt khỏi tầm kiểm soát khi tang lễ nạn nhân diễn ra tại Nhà thờ Tin Lành New Shiloh. Có hơn chục cảnh sát bị thương trong cảnh hỗn loạn buộc Thống đốc bang Maryland phải ban bố tình trạng khẩn cấp đồng thời huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia. Cái chết của Freddie Gray đã làm bùng phát trở lại mối căng thẳng chủng tộc được kiềm chế từ lâu tại thành phố Baltimore vốn không lạ lẫm chuyện cảnh sát sử dụng bạo lực đối với người da màu.

Năm 2014, một cuộc tranh luận nổ ra quanh cái chết của 2 người da đen  - đó là Eric Garner bị thiệt mạng do một cảnh sát da trắng khóa cổ đến ngạt thở tại New York vào ngày 17/7, và vụ Michael Brown bị viên sĩ quan Darren Wilson bắn chết ở thành phố Ferguson, bang Missouri ngày 9/8. Mới đây nhất, người đàn ông da đen 50 tuổi Walter Scott bị sĩ quan cảnh sát tuần tra Michael Slager bắn chết tại bang South Carolina. Tất cả các nạn nhân người da đen đều không hề có vũ trang lúc bị sát hại!

6 sĩ quan cảnh sát bị buộc tội (từ trên xuống, bên trái qua): William G. Porter, Garrett E. Miller, Caesar R. Goodson Jr., Edward M. Nero, Alicia D. White và Brian W. Rice.

Sự giận dữ của mọi người sau cái chết của Freddie Gray vẫn chưa lắng xuống sau phán quyết buộc tội 6 sĩ quan cảnh sát của Trưởng công tố Marilyn Mosby. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân Freddie Gray đã bày tỏ nỗi hoảng sợ trước làn sóng bạo động ở Baltimore lan rộng ra một vài thành phố lớn khác của nước Mỹ. Cha dượng Richard Shipley của Gray phát biểu: "Nhìn thấy mọi chuyện biến thành bạo lực chúng tôi thấy kinh sợ". Còn bà Gloria Darden, mẹ của nạn nhân thì lên tiếng kêu gọi: "Người dân thành phố đừng bé xé ra to vụ việc chỉ vì Gray. Điều đó là hoàn toàn sai trái".

Ngày 1/5 vừa qua, bà Marilyn Mosby - Trưởng công tố thành phố Baltimore, bang Maryland - tuyên bố tất cả 6 sĩ quan cảnh sát (gồm 3 người da màu và 3 người da trắng, trong đó có một phụ nữ) liên quan đến vụ bắt giữ và làm thiệt mạng thanh niên da màu Freddie Gray bị buộc tội giết người cấp độ 2, ngộ sát, bắt giữ người tùy tiện và hành xử không đúng luật pháp. Tất cả 6 sĩ quan cảnh sát đều được tại ngoại sau khi đóng số tiền bảo lãnh 350.000 USD cho mỗi người. Liên đoàn Cảnh sát thành phố sau đó đã phản đối phán quyết quá nhanh chóng của tòa án và đề nghị bà Mosby chỉ định một công tố viên độc lập cho vụ án nhưng không được đáp ứng.

Vài nét về Trưởng Công tố Marilyn Mosby

Cả 5 thế hệ trong gia đình Marilyn Mosby - Trưởng công tố Baltimore đều phục vụ trong ngành chấp pháp và ông nội của bà là một trong những sĩ quan cảnh sát người Mỹ gốc Phi đầu tiên ở bang Massachusetts. Mosby được người mẹ đơn thân nuôi dưỡng ở Boston, nơi vào năm 1994 người cháu 17 tuổi của bà bị giết chết gần nhà do bị lầm tưởng là thành phần bán lẻ ma túy trên đường phố.

Trưởng Công tố Marilyn Mosby tại cuộc họp báo ngày 1/5 ở Baltimore.

Chính cái chết oan uổng của đứa cháu là động lực thôi thúc Mosby muốn có một vị trí cao trong hệ thống tư pháp Mỹ. Mosby là người đầu tiên trong gia đình đi đỗ vào Khoa Khoa học chính trị Đại học Tuskegee bang Alabama. Sau khi tốt nghiệp Trường Luật, Đại học Boston, Mosby làm trợ lý Văn phòng Công tố thành phố Baltimore.

Trước khi trở thành Trưởng công tố Baltimore, Mosby làm việc trong Ban Điều tra Đặc biệt của Công ty bảo hiểm Liberty Mutual Insurance chịu trách nhiệm điều tra những vụ gian lận bảo hiểm trong toàn bang Maryland. Mosby được coi là trưởng công tố trẻ tuổi nhất ở Baltimore từ trước đến nay. Mosby gặp người chồng tương lai Nick Mosby khi đang học Đại học Tuskegee và hai người có với nhau 2 đứa con gái.

Năm 2013 - 2014, Marilyn Mosby được bình chọn là 1 trong 50 Phụ nữ điển hình của tờ Baltimore Sun. Chồng của bà là ủy viên Hội đồng thành phố Baltimore, nói về làn sóng bạo động trong thành phố của Fox News: "Đây là vấn đề kinh tế-xã hội của dân nghèo thành thị nước Mỹ. Những người bạo động bộc lộ sự giận dữ tồn tại từ lâu và sự vỡ mộng về một hệ thống đã quên lãng họ".

Cuộc biểu tình rầm rộ bên ngoài Tòa thị chính Baltimore, ngày 2/5.

Trong vụ án Freddie Gray, bà Marilyn Mosby bị chỉ trích là thiếu kinh nghiệm và thiên vị do chồng bà là ủy viên Hội đồng thành phố đại diện cho khu vực nơi Gray bị bắt giữ. Mosby bác bỏ sự chỉ trích và tuyên bố bà hành động vì các cử tri của mình. Chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát Baltimore - Gene Ryan còn buộc tội bà Mosby có "mối quan hệ thân thiết" với luật sư Billy Murphy đại diện cho gia đình Gray.

Theo tờ Baltimore Sun, luật sư Billy Murphy giúp Mosby 5.000 USD trong chiến dịch tranh chức trưởng công tố của bà. Còn Michael E. Davey, luật sư đại diện cho Liên đoàn Cảnh sát Baltimore, chỉ trích phán quyết của Trưởng công tố Marilyn Mosby là "quá vội vã".

Loại xe được cảnh sát Baltimore dùng để chở tù nhân.

Tháng 1/2015, Marilyn Mosby thừa nhận có các vấn đề tồn tại lâu năm giữa người dân thành phố Baltimore và lực lượng cảnh sát, và bà hy vọng có thể xây dựng được chiếc cầu nối lòng tin giữa hai bên. Bà phát biểu với tờ Baltimore Magazine: "Tôi biết tuyệt đại đa số sĩ quan cảnh sát đều làm việc cực nhọc như thế nào, họ luôn đặt cược tính mạng của mình trong cũng như sau giờ làm việc. Nhưng cũng có những sĩ quan cảnh sát biến chất làm ảnh hưởng đến thanh danh của những người tốt. Có những rào cản ngờ vực bên trong cộng đồng và ngành chấp pháp. Chúng ta phải tìm cách phá bỏ những rào cản này".

Hôm Chủ nhật 3/5 cũng là ngày đầu tiên người dân thành phố Baltimore trở lại với nếp sinh hoạt bình thường, các cửa hàng, siêu thị mở cửa, các sinh viên tình nguyện dọn dẹp rác do những người biểu tình, đám đông bạo loạn vứt lại trên phố. Mặc dù vậy, trước Tòa thị chính và một vài góc giao lộ, vài chục người vẫn tiếp tục tụ tập để bày tỏ chính kiến trong hòa bình.

Những người dân tụ tập biểu tình trước Tòa thị chính Baltimore nói với báo chí rằng, với các cáo buộc vừa được nêu ra, chưa chắc gì các sĩ quan cảnh sẽ chịu án phạt thỏa đáng, thậm chí họ có thể chỉ phải chịu phạt hành chính quá nhẹ. Chính một trong những viên cảnh sát bị truy tố nói thẳng ra rằng, anh ta "chẳng làm gì sai", vì thế rốt cuộc anh ta sẽ được "trắng án".

Đó là suy nghĩ khiến nhiều người dân ở Baltimore, Ferguson hay những thành phố bạo lực màu da khác lo lắng nhất. Rốt cuộc cái chết của người thanh niên da màu sẽ không là vấn đề đáng quan tâm, trong khi can phạm cho rằng mình "không làm gì sai", và hệ thống pháp luật Mỹ, các luật sư sẽ giúp anh ta được trắng án như mong muốn.

Những người biểu tình ở Baltimore nói với báo chí rằng, điều mà họ mong mỏi nhất chính là nước Mỹ phải thay đổi cách làm việc của cảnh sát, để sao cho không còn xảy ra một "vụ Gray" nào nữa.

Diên San - Văn Trương (tổng hợp)
.
.