Bài học từ vụ Công ty Vedan nhận giải thưởng

Thứ Ba, 03/11/2009, 15:40
Việc Vedan đoạt giải thưởng sản phẩm "An toàn chất lượng vì cộng đồng" không chỉ “lộ sáng” vấn đề "loạn giải thưởng" dành cho doanh nghiệp mà còn khiến niềm tin vốn dĩ không có nhiều của những người nông dân bị thiệt hại do nước thải của Vedan càng bị lung lay dữ dội hơn bao giờ hết. Có thể, Vedan chịu sức ép từ “ai đó” nên đã trả lại giải thưởng. Nhưng, ai sẽ phải chịu sức ép khác để trả lại niềm tin cho dư luận đây (?!).

Lại thêm một lần nữa, dư luận được dịp sôi động, truyền thông có cơ hội nhộn nhịp bởi một vụ việc liên quan đến Công ty Vedan. Lần này, bỏ mặc con sông Thị Vải đang trong tình trạng ngấp nghé giữa "ô nhiễm và không ô nhiễm", tạm quên hàng nghìn người dân sống ở các lưu vực của con sông này trong tình trạng khốn cùng đang chờ bồi thường, thôi không nhắc về "quả bóng trách nhiệm" về xử lý đang được tung hứng giữa tỉnh Đồng Nai và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)... Vedan đã chứng minh cho dư luận thấy khả năng siêu việt trong kinh doanh của mình bằng 3 giải thưởng. Mà từ đó, đã nảy sinh ra một vấn đề lợn cợn khác, vốn dĩ đã tồn tại từ rất lâu là "loạn giải thưởng" dành cho doanh nghiệp. 

Giấy chứng nhận "an toàn vì sức khỏe cộng đồng" mà một sản phẩm của Vedan đã được cấp.

1. Khi Vedan xả hàng nghìn mét khối nước thải không qua xử lý, khiến con sông Thị Vải trở nên đen như "nhớt xe nhiều năm không thay" khiến đời sống của toàn bộ người dân ở lưu vực sông Thị Vải tại vùng Long Thành, một phần tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR - VT) và huyện Cần Giờ (TP HCM) lâm vào cảnh dở sống dở chết... hình như không đủ thuyết phục các cơ quan chức năng vào cuộc. Phải cho đến khi, một số tàu có tải trọng lớn của Nhật Bản kiên quyết không neo đậu ở cảng Thị Vải vì... sợ nước sông sẽ ăn mòn  phần thân tàu thì các nhà quản lý mới bắt đầu phát hoảng. Cuối cùng, Vedan đã bị Cục Cảnh sát Môi trường - C36 bắt quả tang đang xả thải "giữa đêm đen".

Thông tin này nhanh chóng gây chấn động dư luận trong cả nước vào thời điểm cuối năm 2008. Mọi người sôi sục căm phẫn vì không thể nào chấp nhận chuyện "một công ty nước ngoài đã sinh lợi trên quốc gia mình lại đang hủy hoại môi trường sống". Tuy nhiên, thời điểm họ sôi sục căm phẫn, thì chính họ cũng đã quên đi chuyện trước đó, rất nhiều lần Vedan bị phạt vì đã lén lút chở chất thải đổ vào rừng cao su. Loan tin, chất thải của công ty có thể sẽ biến thành thức ăn tốt cho cá và mang ra biển Vũng Tàu để đổ xuống...

Những điều này đã buộc Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên phải thốt lên "Đây là một công ty gian dối". Khi dư luận được nghe người đứng đầu một Bộ chuyên lo việc bảo vệ môi trường, kết luận về một công ty "gây ô nhiễm môi trường" như vậy thì hài lòng lắm. Và họ đoan chắc, Vedan sẽ bị xử lý nặng, triệt để để làm gương cho các công ty đang lăm le "nuốt" môi trường của Việt Nam. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không suôn sẻ như vậy.

Hàng nghìn lá đơn của các hộ nông dân ở 3 tỉnh Đồng Nai, BR-VT, TP HCM đã được gửi đi để kiện Vedan tàn phá cuộc sống của họ như thế nào và yêu cầu mức bồi thường ra sao? Nhưng, đó chỉ là những thông tin do truyền thông mang lại, vẫn chưa nghe các cơ quan quản lý có kết luận gì từ một "đống đơn kiện" ấy. Tất cả, chỉ dừng lại ở đó.

Thế nên, không khó hiểu khi mà dư luận lại được một phen giận đến "tím tái mặt mày" vì Vedan đoạt giải thưởng "An toàn vì sức khỏe cộng đồng" do Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng TP HCM (Natusi) phối hợp cùng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tổ chức là điều dễ hiểu.

Trước cơn giận dữ của dư luận, từ Natusi, Cục ATVSTP cho đến Bộ KH-CN đều làm hết sức mình để xoa dịu cơn giận đó. Từ chuyện từ chối việc trao giải thưởng, vụ cho Vedan là làm giấy chứng nhận chui, đến nhân viên đánh máy đánh nhầm... và cả đình chỉ chức vụ ông Hoàng Thủy Tiến - Phó cục trưởng Cục VSATTP. Chỉ có một điều mà dẫu đã cố gắng hết mình, tất cả các đơn vị này đều không thể giấu được dư luận, chính là "100 triệu  đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt của Vedan đã mua đứt được 3 giải thưởng".

2. Từ trước đến nay, việc trao giải thưởng chứng nhận sản phẩm cho doanh nghiệp là "tốt, sạch, chất lượng" đã được diễn ra một cách vô tội vạ. Thậm chí, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng đã nói thẳng, chính ông cũng không nắm hết tất cả các loại giải thưởng.

Nhân vụ Vedan có giải thưởng, nhiều giám đốc của các doanh nghiệp bị "buộc có giải thưởng" cũng đã lên tiếng tố lại các giải thưởng này. Một giám đốc nói: "Giải thưởng thì giá nào cũng có, cao nhất nhiều khi lên tới 200 triệu, phổ biến là 20 triệu. Ở thời điểm suy thoái kinh tế thì các đơn vị tổ chức trao giải có giảm giá đôi chút còn 10 đến 15 triệu. Tuy nhiên, đó chỉ là giá sàn. Doanh nghiệp khi có giải thưởng vẫn có thể cò kè bớt một thêm hai với đơn vị tổ chức trao giải".

Ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi trả lời báo giới cũng ta thán: "Theo thống kê của chúng tôi, hiện tại đang có khoảng 40 giải thưởng tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân. Có những giải thưởng mà tiêu chí trao giải không rõ ràng, cứ nộp đơn là có giải. Vì vậy, có những doanh nghiệp chưa có thành tích hoặc đóng góp gì đó cho xã hội, nhưng vẫn được tôn vinh là "tinh hoa" như thường. Hiện tượng này đang gây nên sự phản cảm đối với xã hội".

Tuy nhiên, theo Vụ Nghiên cứu tổng hợp (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) hiện có khoảng 100 hình thức tôn vinh doanh nghiệp. Còn theo Cổng thông tin thi đua khen thưởng, tính trong danh mục doanh nhân - doanh nghiệp - sản phẩm, tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến Việt Nam đã có hơn 50 giải thưởng các loại.

Trên thực tế, "oan có đầu, nợ có chủ" việc loạn giải thưởng buộc các cơ quan chức năng cần xem xét lại vai trò quản lý của mình. Bởi, việc tổ chức để trao giải thưởng cho doanh nghiệp hiện nay đơn giản đến không ngờ. Chỉ cần một công ty chuyên tổ chức sự kiện nào đó, một hôm đẹp trời nảy sinh ra ý định "cần trao giải cho doanh nghiệp". Vậy là, công ty này sẽ phối hợp với một đơn vị ban, ngành nào đó để tổ chức tuyển chọn, phát hồ sơ đến cho các doanh nghiệp và yêu cầu tham gia. Doanh nghiệp cũng khổ, đứng trước áp lực một cơ quan quản lý mình yêu cầu tham gia xét chọn giải thưởng, không tham gia thì lại mang tiếng, mà tham gia thì phải bỏ ra một "ít tiền" và thời gian để đi... lĩnh giải.

Ở những doanh nghiệp lớn, thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường và chưa từng làm người tiêu dùng "mất lòng", thì họ đủ khả năng để từ chối những thư mời xét duyệt giải thưởng có dòng chữ "cần phải đóng phí xét duyệt". Nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tầm để có thể cư xử như vậy. Hiện nay, chưa có một quy chế nào quy định cụ thể hoạt động "cho, trao hoặc tặng" giải thưởng vinh danh doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp. Có những giải thưởng được đơn vị tổ chức trao cho doanh nghiệp trước, rồi từ từ gợi ý chuyện ủng hộ lại sau.--PageBreak--

Có lần, ngồi chơi với các bạn hữu ở một cơ quan nọ, chúng tôi lặng người khi nghe bàn kế bên có một tay tuyên bố rờn rợn qua điện thoại: "Mày nói ổng muốn mua giải gì. Quan trọng là ổng chi bao nhiêu thôi, tao lo được hết". Tưởng là nghe để biết vậy, nhưng khi Vedan được giải, mới vỡ lẽ là đã có một bộ phận chuyên đi làm "cò giải thưởng".

Loạn giải thưởng, trách nhiệm thuộc về ai thì còn tùy vào sự "né tránh" tài tình của các đơn vị quản lý, chỉ duy nhất một đối tượng chịu thiệt hại khi đặt niềm tin vào giải thưởng hơn là chất lượng, chính là người tiêu dùng. Hầu như, bất cứ mặt hàng nào, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đều đã có giải thưởng. Không cúp thì là bằng khen, không bằng khen thì là biểu tượng, không biểu tượng thì là Iso gì gì đó... Người tiêu dùng vin vào giải thưởng mà lựa chọn sản phẩm, vậy là "dính bẫy". Mà có giải thưởng, cũng dễ ăn nói hơn với đối tác, dễ "lọt" qua các đợt kiểm tra này kia của cơ quan chức năng...

Và để chấm dứt tình trạng loạn giải thưởng này, tất cả đang mong chờ vào Dự thảo Quy chế khen thưởng tôn vinh doanh nghiệp đã được đệ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, việc các tổ chức, cơ quan đứng ra tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân được xác định tiêu chí rõ ràng, công khai. Các doanh nghiệp tham gia giải thưởng bắt buộc phải có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Tuy nhiên, nói thì nói vĩ mô vậy thôi, chứ việc có dẹp được chuyện loạn giải thưởng hay không thì ngoài sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, còn cần phải có đạo đức kinh doanh và lòng tự trọng của các doanh nghiệp. Bởi đơn giản, khi đã muốn giải thưởng, doanh nghiệp có hàng vạn cách để đạt được nó. Vấn đề là họ phải chi bao nhiêu mà thôi.

Trụ sở của Công ty Vedan.

3. Trở lại việc sản phẩm của Vedan "thân thiện với môi trường", chúng tôi đã có buổi phỏng vấn Giám đốc cao cấp của Công ty Vedan tại trụ sở của công ty ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Vừa gặp chúng tôi, ông Khơi nhận ra ngay. Vì khi Vedan bị bắt quả tang việc xả thải trái phép, chỉ duy nhất PV Chuyên đề ANTG được tiếp xúc với lãnh đạo của Vedan tại trụ sở công ty. Cách đây một năm, ông Khơi dường như chưa lường hết  sự phản ứng của dư luận trước việc xả thải của Vedan nên trả lời... rất thoáng. Còn hiện tại, do đã rút được kinh nghiệm, ông Khơi né tránh các câu hỏi "trọng tâm".

Ông Khơi cho biết ông không nắm được thông tin về việc Vedan được giải thưởng do vấn đề này bên Ban đối ngoại của công ty phụ trách, mà người đảm nhiệm Ban đối ngoại lại đi công tác, nên ông không thể bình luận về vụ việc. Tiếp đến, trả lời câu hỏi về việc khắc phục môi trường sau vụ xả thải, ông Khơi nói công ty đã lắp đặt thêm 2 hệ thống xử lý nước thải.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi "Liệu 2 hệ thống xử lý nước thải có thể đảm bảo phục vụ cho hàng nghìn mét khối nước thải hàng ngày của Vedan hay không, khi mà ông vừa thừa nhận Vedan đã tăng quy mô sản xuất?". Ông Khơi nói ông không biết chuyện này, vì vấn đề xử lý nước thải do Phòng Công trình phụ trách. Bên cạnh đó, cũng chưa hẳn là chỉ mình Vedan  xả thải ra sông Thị Vải, còn có rất nhiều cơ sở sản xuất khác nằm cạnh bờ sông Thị Vải(?!).

Tiếp đến, ông Khơi nói khẩu hiệu kinh doanh của công ty đã thay đổi sau vụ việc năm 2008, đó là "Yêu quý môi trường, kinh doanh lâu dài". "Nói giờ chắc anh không tin, hãy để thời gian trả lời. Chúng tôi đã biết yêu quý môi trường rồi", thông qua thông dịch viên ông Khơi cho biết. Trả lời câu hỏi "Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa Công ty Vedan và các hộ dân xung quanh? Và hàng nghìn lá đơn kiện của nông dân tập trung vào Vedan?", ông Khơi lại tiếp chuyện này ông không nắm, vẫn do Ban Đối ngoại phụ trách. Và khi người phụ trách Ban Đối ngoại đi công tác về, những câu hỏi của chúng tôi sẽ được Vedan trả lời bằng văn bản gửi qua e-mail.

Trưa hôm ấy, tại xóm Lưới, thuộc ấp 1C, xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai. Chúng tôi đã ghi nhận được rất nhiều bức xúc của người dân. Anh Từ Bá Để, đứng trên thuyền đánh cá vọng nói lên bờ: "Tôi thấy việc trao giải cho Vedan là không đúng, không công bằng. Vụ việc của chúng tôi chưa giải quyết xong, giờ lại trao giải cho Vedan. Đây là điều mà chúng tôi không thể nào hình dung được".

Anh Nguyễn Văn Thịnh, chủ vuông tôm nằm ngay mép sông Thị Vải phản ứng rất mạnh trước thông tin Vedan đoạt giải thưởng: "Tôi nói thẳng, tôi nghi ngờ là Vedan chạy cửa trước lách cửa sau thì mới có giải này. Tại sao vụ việc Vedan gây hại môi trường chưa giải quyết xong, đơn kiện của chúng tôi gửi đi vẫn bặt vô âm tín, thì giờ lại trao giải cho Vedan. Thật sự, chúng tôi đang mất niềm tin vào cách xử lý của các cơ quan chức năng".

Vẫn theo phản ánh của anh Thịnh, nước sông Thị Vải đã không còn màu đen như nhớt cặn, tuy nhiên, thỉnh thoảng vào các buổi chiều, nước sông vẫn bốc mùi rất khó chịu. "Hơn nữa, tôi thấy nước sông đã sạch hơn, nên dẫn nước vào vuông tôm, chờ lắng một tuần mới xử lý để nuôi tôm, nhưng số lượng tôm chết vẫn rất nhiều. Tôi mong kết luận về chất lượng nguồn nước sông Thị Vải nhanh chóng được công bố. Không lẽ, bắt chúng tôi chờ hoài". Khi được tôi thông tin rằng tháng 12 tới, Bộ TN - MT sẽ thị sát sông Thị Vải để cho kết luận chính thức về việc khắc phục hậu quả của Vedan, anh Thịnh tỏ ra không mấy tin tưởng vào điều đó. "Đã có quá nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đến rồi đi. Và mọi chuyện lại rơi vào im lặng", anh Thịnh nói.

Tâm lý hoài nghi vào một sự minh bạch và cách giải quyết thấu đáo của các cơ quan chức năng đang là tâm lý chung của người dân xóm Lưới khi tiếp xúc với chúng tôi.

Và việc Vedan đoạt giải thưởng sản phẩm "An toàn chất lượng vì cộng đồng" đã khiến họ choáng váng, niềm tin vốn dĩ không có nhiều vào sự giải quyết của các ban ngành lại càng bị lung lay dữ dội hơn bao giờ hết.

Có thể, Vedan chịu sức ép từ “ai đó” nên đã trả lại giải thưởng. Nhưng, ai sẽ phải chịu sức ép khác để trả lại niềm tin cho dư luận đây (?!)

Ngô Kinh Luân - Đỗ Hưng
.
.