Bài học về công tác quản lý nhìn từ vụ lật tàu ở Đà Nẵng

Thứ Năm, 09/06/2016, 15:00
Lúc 20 giờ 30 phút, ngày 4/6/2016, chiếc tàu gỗ du lịch được cải hoán từ chiếc đò ngang mang tên Thảo Vân 2, có số hiệu Đna-0016 của ông Võ Quốc Hùng làm chủ và tài công Lê Công Chí điều khiển nhổ neo rời bến cảng nội địa trên sông Hàn (đoạn trước khách sạn Novotel) mang theo 53 khách du lịch và 3 nhân viên nhà tàu với dự định sẽ chạy một vòng ngược xuôi sông Hàn để du khách ngắm cảnh sông và thành phố Đà Nẵng về đêm.

Khi tàu Thảo Vân 2 chỉ mới rời bến được chừng 10 phút thì bất ngờ bị chìm rồi lật úp, đẩy tất cả du khách trên tàu rơi xuống sông Hàn trong thời điểm dòng sông đang chảy xiết. Với phản xạ sinh tồn, mỗi người tự bám lấy bất cứ vật dụng gì có thể ở xung quanh, họ dập dềnh quẫy đạp trên mặt nước để kiếm tìm sự sống...

Ông Đặng Ngọc Anh - thuyền phó của tàu du lịch Sông Hàn là người đầu tiên phát hiện tàu Thảo Vân 2 bị chìm và cũng là người đầu tiên lao đến để cứu sống hơn 20 du khách gặp nạn, kể lại: Lúc đó, tôi đang ngồi trên tàu Sông Hàn, tôi nhìn thấy ánh đèn ở một bên của tàu Thảo Vân 2 bị nghiêng rồi tắt hẳn. Với kinh nghiệm hơn 20 năm lái tàu, tôi biết đã xảy ra vấn đề nên ngay lập tức đến khoang lái nhờ thuyền trưởng tăng tốc, chuyển hướng về phía tàu Thảo Vân 2 ứng cứu…

Lực lượng Công an Đà Nẵng tìm kiếm nạn nhân suốt đêm.

Khi cho tàu chạy đến ứng cứu, tôi đã thông báo cho du khách trên tàu của tôi biết sự việc, trấn an mọi người ngồi tại chỗ, không nên di chuyển nhiều. Bên cạnh đó, tôi yêu cầu hướng dẫn viên, phục vụ trên tàu mở phao bè ra. Khi gần đến hiện trường, tôi lao ngay xuống nước. Lúc này, rất nhiều người bị nạn đang chới với trên mặt nước. Chỉ một số người bám được vào thành thuyền. Tiếng phụ nữ, trẻ em khóc thét rất nhiều…

Tôi đã hét đến khản giọng để yêu cầu các nạn nhân bám vào phao bè của mình. Sau đó, có 7 người bám được vào phao. Cùng thời điểm này, có thuyền du lịch Hàn Giang và ca nô của tàu du lịch Phú Quý cũng đến ứng cứu. Ngay lập tức, tôi nhờ chủ tàu Phú Quý kéo các nạn nhân đang bám vào phao lên thuyền... cứ như thế, tôi cùng các bạn thuyền du lịch đang hoạt động trên sông Hàn đã cứu được hơn 20 du khách gặp nạn trên tàu Thảo Vân 2...

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo TP Đà Nẵng gồm Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác đã có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn.

Các lực lượng được huy động gồm Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Biên phòng, Cảnh sát phòng cháy, Công an... tất cả đều đồng loạt triển khai lực lượng đến hiện trường vụ tàu chìm để ứng cứu...

Sau nhiều giờ vật lộn giữa dòng sông Hàn, đến rạng sáng ngày 5/6/2016, có 53 trong tổng số 56 người có mặt trên tàu du lịch Thảo Vân 2 đã được cứu sống, đưa lên bờ và khẩn cấp cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Xác định còn 3 du khách trong đó có một người lớn và 2 trẻ em có mặt trên chuyến tàu định mệnh mang tên Thảo vân 2 đang còn mất tích. Ngay trong đêm 4/6 và tiếp tục sau đó, hơn 1000 người và khoảng 200 phương tiện đã được điều động tiếp tục làm nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Thân nhân đứng chờ tin tức về các nạn nhân.

Theo đó, lực lượng quân đội làm chủ công điều động đặc công nước, các ngư dân của quận Sơn Trà triển khai 2 mũi dàn hàng dọc quanh cầu sông Hàn. Tổ chức giăng lưới đánh cá ở phía hạ lưu để chặn đón trong trường hợp nạn nhân tử vong rồi bị trôi theo dòng nước. Lực lượng công an, bộ đội được bố trí chốt chặn các khu vực tìm kiếm, đảm bảo an ninh trật tự.

Đại tá Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết: Công an thành phố đã điều động hàng trăm cán bộ chiến sĩ có mặt tại hiện trường vụ chìm tàu để triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự và cùng phối hợp với các lực lượng khác thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân...

Một Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã được thiết lập với sự túc trực thường xuyên của lãnh đạo thành phố cùng chỉ huy của các lực lượng ứng cứu. Đến sáng 5/6/2016, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn xác định một cách chính xác rằng: Lúc nhổ neo trên tàu Thảo Vân 2 có 56 người, có 53 người đã được cứu sống, 3 người mất tích gồm: anh Phạm tấn Cường (SN 1970, trú tỉnh Bình Định); Trịnh Thị Kim Phượng (SN 2009) và em ruột là Trịnh Huy Hoàng (SN 2012), cùng là con của anh Trịnh Tiến Dương, cư trú tại tỉnh Thái Nguyên.

Nguyên nhân của vụ tàu chìm này được xác định: Vì chủ tàu không chấp hành đúng các quy định về vận tải hành khách và tàu chở quá số người quy định. Chiếc tàu này khi xuất bến không trình báo với cảng vụ đường thủy nội địa và các cơ quan có liên quan. Đặc biệt, chiếc tàu này chưa được cấp phép vận tải hành khách. Tuy nhiên, hằng đêm chủ tàu vẫn bán vé 100.000 đồng/người để tổ chức cho du khách tham quan, du lịch trên sông Hàn.

Trao đổi với báo giới, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Tàu Thảo Vân 2 là một chiếc tàu được cải hoán từ một chiếc tàu khác, rồi trang trí lại để kinh doanh du lịch. Vấn đề chưa được cấp phép hoạt động nhưng vẫn bán vé, hoạt động, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định là sẽ cho điều tra một cách cặn kẽ, để tìm cho ra xem có ai bảo kê, bao che cho trường hợp này không? Tàu Thảo Vân 2 hoạt động chui, xuất bến ở bến nào? Bến đó, giờ đó ai được phân công quản lý và sẽ quy trách nhiệm cụ thể...

Ông Khuất Việt Hùng - Phó ban An toàn giao thông quốc gia cho biết thêm: Tàu chở gấp đôi số người theo đăng kiểm là không đúng quy định. Khi tàu xuất bến, lẽ ra cảng vụ Đà Nẵng phải nắm được, để tàu xuất bến trong tình trạng như vậy là trái với quy định…

Trong lúc công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích diễn ra, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo rất sát sao công tác chăm sóc, chữa bệnh cho những du khách gặp nạn trong sự cố chìm tàu này. TP Đà Nẵng hỗ trợ một cách tích cực cho các du khách như nơi ăn chốn ở, vé máy bay để trở lại quê nhà... để phần nào bù đắp những tổn thất về tinh thần và vật chất của du khách sau khi gặp sự cố tai nạn trên sông Hàn.

Ngay trong đêm 4/6, sau khi nhận được thông tin có tàu du lịch chìm trên sông Hàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện thăm hỏi và chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Chiều ngày 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến hiện trường kiểm tra tình hình triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn những người còn mất tích sau sự cố thương tâm này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trực tiếp thăm hỏi, chia buồn đến các gia đình nạn nhân. Sau khi nghe lãnh đạo thành phố báo cáo tình hình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đây là vụ tai nạn trên sông gây hậu quả nghiêm trọng, chính quyền TP Đà Nẵng đã chỉ đạo hết sức kịp thời để cứu mạng du khách, trong đó đặc biệt có nhiều trẻ em.

Thủ tướng cũng đã biểu dương, đánh giá cao lực lượng vũ trang quân khu 5, Bộ đội biên phòng, Công an thành phố, các lực lượng cấp cứu quân y, sự hỗ trợ của ngư dân, chính quyền các phường, quận, trên địa bàn thành phố đã góp sức, hỗ trợ lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân trong vụ lật thuyền…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến tại hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Trong thời gian các thợ lặn cùng các lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm nạn nhân của vụ chìm tàu. Hàng nghìn người dân TP Đà Nẵng đã đứng dày hai bên bờ sông để cùng theo dõi và cầu nguyện cho những người xấu số được sớm tìm thấy. Rất nhiều người dân địa phương đã đến thăm hỏi, động viên người thân của 3 nạn nhân bị mất tích, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi trực tiếp chứng kiến cảnh chị Nguyễn Thị Huyền mẹ của hai chị em Trịnh Thị Kim Phượng và Trịnh Huy Hoàng ngồi bên bờ sông Hàn gào khóc gọi tên con. Nhiều nạn nhân của vụ chìm tàu sau khi được các bệnh viện cứu chữa và cho xuất viện cũng đã quay trở lại trên bờ sông Hàn nơi có bến thuyền du lịch để tìm kiếm và cảm ơn những người đã bất chấp hiểm nguy lăn xả xuống dòng sông cứu mạng họ...

17 giờ ngày 5/6, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng thông báo: Thi thể của 3 nạn nhân mất tích đã được tìm thấy, công tác tìm kiếm nạn nhân vụ chìm tàu bị mất tích hoàn tất. Thi thể anh Cường được ngư dân phát hiện nổi lên gần cầu Phú Lộc trên Vịnh Đà Nẵng cách hiện trường vụ chìm tàu chừng 6km; thi thể của 2 chị em cháu Phượng nổi gần cầu Thuận Phước, 1 cháu phía quận Hải Châu, 1 cháu phía quận Sơn Trà…

Ngày 6/6, TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn, nhằm giải quyết hậu quả của vụ chìm tàu trên sông Hàn, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã truy vấn trách nhiệm từng sở, ban, ngành, đồng thời cho đình chỉ công tác ngay Giám đốc cảng vụ đường thủy nội địa và Đội trưởng quản lý bến Đà Nẵng.

Cũng trong ngày 6/6, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TP Đà Nẵng cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn gây ra cái chết cho 3 du khách. Đại tá Trần Mưu - Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng cho biết: Việc khởi tố vụ án để điều tra theo Điều 212 BLHS tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Theo đó, Cơ quan điều tra ngoài xem xét trách nhiệm của chủ tàu và lái tàu còn xem xét cả những cá nhân, tổ chức có liên quan. Riêng chủ tàu và lái tàu, sau khi được lực lượng Bộ đội Biên phòng lấy lời khai hiện được bàn giao cho Cơ quan công an để xử lý theo thẩm quyền.

Tàu Thảo Vân được kéo lên.

Hiện tại, để đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên sông, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu tạm ngừng hoạt động của tất cả các tàu du lịch trên sông Hàn, tiến hành rà soát lại toàn bộ các điều kiện đảm bảo an toàn, đặc biệt là các tàu cá cải hoán sang hoạt động du lịch đến hết ngày 16/6/2016. Các tàu, phương tiện đảm bảo điều kiện thì cho phép hoạt động trở lại. Giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập Hiệp hội Tàu du lịch trên sông Hàn; xây dựng các kịch bản phù hợp với thực tế để ứng cứu khi gặp tình huống tai nạn trên sông, hồ.

Giao cho các cơ quan liên quan lập danh sách các tổ chức, cá nhân là các chủ phương tiện, tàu du lịch, các nhân viên, người dân, ngư dân đã hỗ trợ kịp thời, cứu giúp người bị nạn ngay khi xảy ra tai nạn để kịp thời khen thưởng, động viên. Và rà soát hỗ trợ ngư dân tham gia tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân vụ chìm tàu…

Quốc Anh
.
.