Bang tây nam nước Mỹ bị tàn phá nặng nề vì siêu bão Harvey

Thứ Tư, 30/08/2017, 16:43
Những ngày qua, hình ảnh người dân, lực lượng cảnh sát, cứu hộ... của tiểu bang Texas, Mỹ, oằn mình chống chọi với mưa lũ từ siêu bão Harvey khiến mọi người không thể không liên tưởng đến cơn bão Katrina từng cuồng nộ quét qua các bang Louisiana và Mississippi cách đây 12 năm.

Khi đó, cơn bão Katrina đổ ập vào New Orleans ở cấp 3/5, làm vỡ đê ở hàng chục nơi và hơn 1.800 người thiệt mạng trong thảm họa này. Lần này, bão Harvey mạnh cấp 4/5 với sức gió lên tới trên 210km/h đổ bộ vào bờ biển Texas từ đêm 25-8 và trút lượng mưa hơn 60 cm xuống Houston. Đây là cơn bão mạnh nhất mà miền tây nam nước Mỹ phải hứng chịu trong hơn 50 năm qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành tuyên bố thảm họa cho bang Texas, cho phép sử dụng các nguồn lực của bang và toàn nước Mỹ ứng phó với sức tàn phá của cơn bão.

Tuyến cao tốc I-45 tại Houston có đoạn bị ngập rất sâu.
Toàn cảnh thành phố Houston ngập trong biển nước.

Cơn bão có “hành vi bất thường và đáng sợ”

Theo Trung tâm Thời tiết Quốc gia Mỹ (NHC), tối 25-8, bão Harvey mạnh cấp 4 đã tràn vào thị trấn Rockport, cách thành phố Corpus Christi 48 km về phía bắc với sức gió 215 km/h. Vài giờ sau đó, cơn bão hướng về phía bắc thị trấn Rockport. Hành vi bất thường nhất và đáng sợ nhất của bão Harvey là khả năng mạnh lên cấp 4 chỉ vài giờ trước khi đổ bộ vào đất liền.

Rạng sáng ngày 26-8, Harvey đã giảm cường độ khi đi vào khu vực trung tâm của Texas và hạ xuống thành bão nhiệt đới vào trưa cùng ngày. Trước khi bão đổ bộ, hơn 5,8 triệu người dân sống dọc theo bờ biển phía nam Texas, từ Corpus Christi đến Galveston, đã phải sơ tán và các trường học buộc phải đóng cửa.

Bang Texas giáp biển nhìn ra vịnh Mexico, hầu như năm nào cũng hứng chịu các cơn bão. Siêu bão Harvey lần này đi kèm những cơn mưa lớn, gió mạnh cuốn qua nơi nào, nơi ấy nhà tốc mái, cây đổ, lụt lội, sập lưới điện... khiến hàng trăm nghìn người dân sống trong cảnh mất điện, thậm chí một số ngôi nhà đã bị thiêu rụi do dây điện bốc cháy.

Tối 26-8, một đoàn xe quân sự đã đến Rockport để hỗ trợ người dân và ngay trong đêm, nhà chức trách phải ban bố lệnh giới nghiêm. Do bão Harvey cuồn cuộn tiến vào đất liền, mưa trút xuống như thác tại khu vực thành phố Houston. Trước nguy cơ lũ lụt, người dân một số khu vực ngoại ô của Houston đã nhận lệnh phải sơ tán. Trong 2 ngày 27 và 28-8, tại nhiều khu vực ở bang Texas, nước lũ đã dâng cao đến hơn 4m.

Lượng mưa ở Texas phổ biến từ 338mm - 762mm, có nơi lên tới hơn 1.270mm. Con số này tiệm cận mức kỷ lục 1.524mm, vốn “chỉ xảy ra 1 lần trong hàng triệu năm” mà người Mỹ hay nhắc đến. “Siêu bão Harvey đã trút lượng nước lớn hơn tất cả những gì mà một cơn bão nhiệt đới thông thường từng tạo ra ở nước Mỹ” - Eric Fisher, một nhà khí tượng học ở Boston nói - “Lượng mưa lớn như vậy tạo ra thảm họa lũ lụt chưa từng thấy”. Greg Abbott, Thống đốc bang Texas cho biết, mối nguy lớn nhất hiện này là tình trạng lũ lụt nghiêm trọng.

Cơ quan Dự báo thời tiết tiểu bang khuyến cáo: bão vẫn tiếp tục càn quét khu vực ven biển trong 4-5 ngày tới, mang theo lượng mưa vào khoảng 400mm. Ông Abbott tuyên bố sẽ điều khoảng 1.800 quân nhân đến thực hiện công tác dọn dẹp sau bão, trong khi 1.000 người sẽ tiến hành công tác tìm kiếm cứu nạn.

Một bể chứa dầu ở gần thành phố Seadrift, Texas, bị bão Harvey tàn phá.

“Tất cả nằm ngoài mọi kinh nghiệm đối phó với thảm họa thiên nhiên”

Trung tâm Thời tiết Quốc gia Mỹ nhận định: Bão Harvey di chuyển chậm ở Texas, kéo dài ở bang này trong nhiều ngày. Bão lớn buộc hai sân bay quốc tế William P. Hobby và sân bay liên lục địa George Bush ở bang Texas phải đóng cửa. Trên khắp nước Mỹ, hơn 5.000 chuyến bay bị hủy kể từ ngày 25-8.

Tờ New York Times ghi nhận: Nhiều nơi ở thành phố Houston - thành phố lớn hàng thứ tư của nước Mỹ - xe cộ nằm ngổn ngang trên những nhánh cao tốc dẫn vào Houston. Mưa lớn không ngừng kết hợp nước lũ dâng lên nhanh đã biến nhiều con đường trong khu vực nội đô thành sông, khoảng 250 con đường ở Texas đã bị tê liệt do lũ lụt.

Khi đưa ra lời cảnh báo tình trạng lũ lụt sẽ còn xấu đi, Trung tâm Thời tiết Quốc gia Mỹ nhận định: đây là “hiện tượng chưa từng thấy, tất cả các tác động chưa từng biết đến và nằm ngoài mọi kinh nghiệm đối phó với thảm họa thiên nhiên từng có tại khu vực này”.

Theo ước tính của cơ quan này, siêu bão Harvey đã trút khoảng 34 tỷ m3 nước mưa xuống bang Texas. Lượng nước này tương đương với lượng nước đổ từ sông Mississippi vào thành phố Houston trong suốt 9 ngày liên tục và đến ngày 30-8, sẽ có thêm 38 tỷ m3 nữa sẽ đổ xuống bang này.

Mặc dù cơn bão đã suy yếu, các nhà dự báo nhận định hậu quả mà bão Harvey gây ra vẫn vô cùng lớn, khiến nhiều khu vực “không thể ở được trong hàng tuần, thậm chí hàng tháng”.

Sáng 27-8, Thống đốc bang Texas Greg Abbott  đã ban bố tình trạng thảm họa nghiêm trọng tại 19 hạt của bang này, ông ra lệnh điều 3.000 thành viên Vệ binh Quốc gia cùng 500 phương tiện, 14 máy bay tham gia tìm kiếm cứu nạn. 4.500 tù nhân của 3 nhà tù ở bang này đã được chuyển sang khu vực phía đông Texas.

Lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết, đến đêm 28-8, họ đã thực hiện gần 300 cuộc giải cứu bằng máy bay, hơn 1.000 cuộc giải cứu bằng tàu thuyền trong khu vực. Chính quyền địa phương vẫn đang tập trung nguồn lực, huy động thuyền bè và các phương tiện gầm cao để cứu người dân còn mắc kẹt trong các ngôi nhà nên tại nhiều nơi, người dân phải dùng thuyền phao cứu hộ làm phương tiện di chuyển.

Hãng Reuter dẫn lời ông Brock Long, Giám đốc Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA) ước tính cho đến nay, hơn 450.000 người đang cần trợ giúp, trong đó hơn 30.000 người cần có nơi ở tạm.

Bị tàn phá nặng nề nhất ở bang Texas là thành phố Houston. ÔngMcLeod, lãnh đạo Bệnh viện Ben Taub, trung tâm y tế cấp một của bang Texas, y tá và bác sĩ đã sơ tán 350 bệnh nhân vì nước tràn vào tầng hầm của bệnh viện từ tối 27-8, hệ thống xả thải đã vỡ. Khu vực nhà ăn, hiệu thuốc và một số phòng chức năng khác ngừng hoạt động.

Tình hình khẩn trương đến độ, Thị trưởng Sylvester Turner đã công bố “hầu hết các tuyến đường lớn và các đường nhánh giờ không thể đi được”. Ông khẩn thiết kêu gọi những ai “đang trong tình cảnh hãy còn có thể kiểm soát thì cần hạn chế và cân nhắc gọi đến số điện thoại ứng cứu khẩn cấp 911 vốn đã quá tải.

Ông cho biết tính tới sáng 28-8, giới chức đã nhận được hơn 3.000 cuộc gọi cầu cứu trong khi nhiều người tuyệt vọng đã đăng địa chỉ nhà ngập của mình lên mạng xã hội, kèm theo ảnh đồ đạc trong nhà bị ngập một nửa hoặc cảnh họ mắc kẹt trên mái nhà để tìm cách gây sự chú ý của lực lượng cứu hộ.

Xe bọc thép của cảnh sát được huy động để sơ tán người dân tại thành phố Dickinson, bang Texas.
Người dân Houston bì bõm trong vùng nước lụt.

Những hậu quả chưa lường hết và kéo dài

Từ ngày 25-8, các nhà máy lọc dầu ven biển đã ngừng hoạt động và di tản công nhân khỏi các giàn khoan dầu ngoài khơi Vịnh Mexico, ngưng luôn hoạt động khoan đầu trên đất liền ở khu vực nam Texas.

Hãng tin Reuters dự báo, tình trạng này sẽ khiến khả năng lọc dầu của Mỹ giảm 11,2%, tương đương 1/4 sản lượng dầu từ vùng Vịnh Mexico, và buộc mọi cảng ở dọc bờ biển Texas phải đóng cửa. Giá xăng đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua từ ngày 25-8, khi thông tin bão Harvey sắp đổ bộ và các công ty lọc dầu trong khu vực chưa dừng một số hoạt động.

Siêu bão Harvey ảnh hưởng đến các giếng dầu mỏ, khí đốt từ ngoài biển đến trong đất liền. Các cơ sở lọc dầu có thể dừng hoạt động trong một tháng nếu các bơm thoát nước bị ngập - Andrew Lipow, Chủ tịch hãng tư vấn năng lượng Lipow Oil Associates LLC, đánh giá.

Theo giới phân tích, ảnh hưởng từ Harvey còn khiến Mỹ bị hạn chế nguồn cung dầu thô, xăng cùng những sản phẩm khác cho các nhà tiêu dùng trên toàn cầu, đẩy giá năng lượng tiếp tục tăng.

Từ nửa đêm về sáng ngày 29-8, lực lượng công binh của quân đội Mỹ đã cho xả lũ tại hai hồ chứa Addicks và Barker, nằm ở rìa phía tây bắc thành phố Houston. Sau khi nhận được tin báo, Thống đốc bang Texas và giới chức quân đội đã dự định xả đập Addicks có kiểm soát vào lúc 2 giờ sáng, 24 tiếng sau sẽ tiếp tục xả nước ở hồ chứa Barker. Tuy nhiên, lo ngại nguy cơ vỡ đập, quân đội đã tiến hành xả lũ sớm hơn kế hoạch.

Được biết, hai hệ thống hồ chứa Addicks và Barker được đưa vào sử dụng từ giữa những năm 1940 và do công binh lục quân Mỹ vận hành nhằm bảo vệ trung tâm thành phố Houston khỏi các trận lụt gây ra từ những cơn bão lớn. Để ứng phó với siêu bão Harvey, quân đội Mỹ đã cho đóng cửa đập ngay từ tối 25-8, khi cơn bão sắp đổ bộ vào đất liền.

Dù không thể trữ toàn bộ lượng nước mưa trút xuống, hồ chứa Addicks và Barker cũng giúp giảm đáng kể nước lũ tràn vào trung tâm thành phố, nhưng khi hai hồ chứa đạt ngưỡng nhất định, họ sẽ phải xả nước để tránh nguy cơ vỡ đập. Do hoạt động xả lũ này, hàng nghìn hộ dân ở rìa phía tây và phía bắc của thành phố Houston sẽ chịu cảnh ngập úng, cơ quan kiểm soát lũ địa phương cho biết.

Theo tính toán, mực nước sông Buffalo Bayou chảy qua thành phố Houston sẽ dâng 15cm mỗi giờ sau khi xả đập. Trong ngày 28-8, lũ trên con sông này đã vượt báo động hơn 2 mét.

Louis Uccellini, Giám đốc Trung tâm Thời tiết Quốc gia cho biết, siêu bão Harvey “đang tự vẽ ra đường đi của riêng nó, khiến việc dự báo gặp không ít khó khăn”. Cơ quan này đưa ra dự báo: trong 5 ngày tới, Harvey có thể di chuyển theo hướng đông hướng về khu vực ranh giới bang giữa Texas và Louisiana, vì thế người đứng đầu Nhà Trắng đã ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Louisiana; tuyên bố cho phép các cơ quan liên bang, đặc biệt là FEMA có thể phối hợp những nỗ lực cứu trợ.

Tờ Washington Post mô tả, nhiều người Mỹ vẫn còn nhớ như in những cảnh quay nghẹt thở trong bộ phim về ngày tận thế, như “The Day After Tomorrow” và quãng thời gian trải qua siêu bão Harvey với lượng nước mưa kỷ lục trút xuống bang Texas đúng là thời khắc miền tây nam nước Mỹ bị thiên nhiên bắt buộc phải trải nghiệm thực tế như thế nào là “một ngày tận thế”.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.